Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Bốn - Chương Kim Cang Tạng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Đa La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Đa La, Đời Tống  

CHƯƠNG BỐN

CHƯƠNG KIM CANG TẠNG  

Lúc ấy Bồ Tát Kim Cang Tạng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!

Ngài đã khéo vì các vị Bồ Tát mà tuyên dương Đại Tổng Trì Viên Giác là căn bản sơ khởi của Ngài, lại chỉ dạy phương tiện thứ tự để tu tập đại tổng trì ấy.

Ngài đã khai phá mù mờ cho chúng sinh. Mọi người trong đại hội này nhờ vâng lãnh huấn dụ từ bi của Ngài mà màng huyễn ảo tiêu tan, mắt Tuệ Giác trong sáng.

Thưa Đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh vốn là Phật Đà thì vì sao lại có vô minh?

Nếu vô minh là chúng sinh vốn có thì vì sao Đức Thế Tôn nói chúng sinh vốn là Phật Đà?

Nếu chúng sinh vốn là Phật Đà, sau đó mới nổi lên vô minh, như thế thì chư vị Thế Tôn lúc nào trở lại phát sinh phiền não?

Kính xin Đức Thế Tôn không xả bỏ lòng thương cao cả vốn không ngăn chận ai hết, vì các vị Bồ Tát mà khai mở cho họ được thấy kho tàng Viên Giác bí mật, lại làm cho những người sau này được nghe Kinh Pháp Viên Giác liễu nghĩa, ai cũng hết hẳn mọi sự ngờ vực.

Tác bạch rồi, Bồ Tát Kim Cang Tạng gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Kim Cang Tạng: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát, và những người sau này, mà hỏi Như Lai về Viên Giác rất sâu xa và sự cứu cánh của Viên Giác ấy.

Viên Giác ấy là giáo huấn tối thượng và đại thừa liễu nghĩa truyền đạt cho Bồ Tát, có năng lực làm cho mười phương các vị Bồ Tát đang còn tu học, và tất cả mọi người thời kỳ cuối cùng, được lòng tin cố định, hết hẳn nghi ngờ. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Kim Cang Tạng vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Chúng sinh, và Thế Giới của chúng sinh, mở đầu hay kết cuộc, phát sinh hay hủy diệt, lúc trước hay lúc sau, hiện hữu hay trống không, tụ lại hay tan ra, nổi lên hay ngưng lại, những hình thái này nối tiếp với nhau ngay trong từng đơn vị thì gian chỉ như sự thoạt hiện hay thoạt biến của ý nghĩ, qua lại liền liền, lấy bỏ đủ cách, toàn là luân hồi.

Chưa vượt luân hồi như vậy mà nói Viên Giác, thì tính cách Viên Giác ấy cũng là tính cách luân hồi, vậy mà mong thoát khỏi luân hồi thì thật vô lý.

Sự thể ví như hoa mắt thì nước đứng mà thấy ra xao động, đờ mắt thì lửa quay mà thấy thành vòng tròn, mây bay mà thấy trăng chạy, đò lướt mà thấy bờ đi.

Những trạng thái xoay đảo của sự thấy như vậy nếu chưa đình chỉ mà muốn những thứ được thấy phải đứng lại trước, thì ý muốn đó còn không thể nào thực hiện được, huống chi cái tâm trí luân hồi chưa được lắng trong, thì nhìn vào Viên Giác của Như Lai làm sao khỏi thấy xoay đảo. Đó là lý do lầm lẫn trong ba câu hỏi của ông.

Thiện nam tử! Ví như con mắt bị bịnh màng mắt, nên nhìn không gian thấy có hoa đốm. Khi bịnh màng mắt đã lành vĩnh viễn thì không nên hỏi màng mắt đã mất đó bao giờ lại nổi lên nữa, vì lẽ con mắt với màng mắt không phải đi đôi với nhau.

Hơn nữa, hoa đốm đã mất đi trong không gian, thì khi ấy không nên hỏi lúc nào không gian lại nổi lên hoa đốm, vì lẽ không gian vốn không có hoa đốm, vì lẽ bản thể không gian vốn không phải nổi lên hay mất đi.

Mà sinh tử với Niết Bàn thì chỉ như sự nổi lên hay sự mất đi của hoa đốm, còn Viên Giác thì vốn không có hoa đốm và màng mắt.

Phải biết không gian mà còn không phải có một cách tạm thời, cũng không phải không một cách tạm thời, huống chi Viên Giác mà Như Lai chứng ngộ là bản thể bình đẳng của các pháp trong đó có không gian.

Thiện nam tử! Như lọc quặng vàng thì vàng không phải do lọc mới là vàng, và vàng đã lọc thành vàng ròng thì không bao giờ trở lại làm quặng nữa, để lâu đến mấy vàng ròng đó cũng không hư hỏng. Như vậy không thể nói vàng vốn không phải là vàng… Viên Giác mà Như Lai chứng ngộ cũng tương tự như vậy.

Thiện nam tử! Viên Giác mà Như Lai chứng ngộ vốn không có Bồ Đề với Niết Bàn, vốn không có sự thành Phật Đà hay sự không thành Phật Đà, vốn không có sự luân hồi và sự không phải luân hồi.

Thiện nam tử! Sự viên thành của các vị Thanh Văn là tiêu diệt tất cả thân tâm ngôn ngữ, mà không bao giờ đạt đến Viên Giác của Như Lai đích thân chứng ngộ, huống chi tâm trí tư duy thì làm sao lường được Viên Giác ấy.

Đem lửa đom đóm đốt núi Tu Di thì không bao giờ đốt được: Vận dụng tâm trí luân hồi phát sinh kiến thức luân hồi mà mong nhập vào biển cả vắng lặng vĩ đại của Như Lai thì không bao giờ vào được. Vì lý do ấy, Như Lai nói rằng tất cả Bồ Tát, và những người sau này, việc phải làm trước hết là loại trừ gốc rễ luân hồi.

Thiện nam tử! Tư duy xuất từ tâm thức, tư duy ấy toàn là ảo tưởng vin theo sáu đối cảnh, không phải đích thực là tâm thể.

Tư duy ấy đã như hoa đốm, vận dụng tư duy ấy mà mong đạt được Viên Giác của Như Lai chứng ngộ, thì không khác gì hoa đốm sinh trái đốm: Ảo tưởng sinh ảo tưởng, không thể đạt được Viên Giác. Thiện nam tử, ảo tưởng có lắm kiến thức khéo léo, không thể là phương tiện của Viên Giác. Nên lối phân tích như ông không phải đặt đúng vấn đề.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

Kim Cang Tạng này,

Nên biết bản thể

Viên Giác vắng lặng

Như Lai chứng ngộ

Vốn không mở đầu

Cũng không kết cuộc.

Đem tâm luân hồi

Tư duy Viên Giác,

Ấy là luân hồi,

Chỉ đến luân hồi,

Không thấu biển cả

Vắng lặng của Phật.

Như lọc quặng vàng,

Vàng không do lọc

Mới được là vàng.

Vàng vốn là vàng,

Nhưng phải do lọc

Mới thành vàng ròng.

Khi vàng lọc quặng

Đã thành vàng ròng,

Thì không bao giờ

Trở lại làm quặng.

Sinh tử Niết Bàn

Chúng sinh Phật Đà

Đồng là hoa đốm

Ở trong không gian.

Cái sự tư duy

Đã như huyễn ảo,

Huống chi còn đem

Sự tư duy ấy

Chất vấn những sự

Huyễn ảo khác nữa.

Nếu tự hiểu được

Sự tư duy ấy,

Sau đó mới mong

Nhập được Viên Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần