Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Hai - Phẩm Phương Tiện - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI

PHẨM PHƯƠNG TIỆN  

PHẦN MỘT  

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, bảo Ngài Xá Lợi Phất: Trí huệ của các Đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích Chi Phật đều không biết được.

Vì sao?

Phật đã từng gần gũi trăm nghìn muôn ức, vô số các Đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các Đức Phật, dõng mãnh tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp ý thú khó hiểu.

Xá Lợi Phất! Từ ta thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp.

Vì sao?

Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và Ba la mật.

Xá Lợi Phất! Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, đức vô lượng vô ngại lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát tam muội, đều sâu vào không ngằn mé, trọn nên tất cả pháp chưa từng có.

Xá Lợi Phất! Như Lai hay các món phân biệt, khéo nói các pháp lời lẽ im dịu vui đẹp lòng chúng.

Xá Lợi Phất! Tóm yếu mà nói đó, vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, Đức Phật thảy đều trọn nên.

Thôi Xá Lợi Phất! Chẳng cần nói nữa.

Vì sao?

Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói bài kệ rằng:

Đấng Thế Hùng khó lường

Các Trời cùng người đời

Tất cả loài chúng sanh

Không ai hiểu được Phật

Trí lực, vô sở úy

Giải thoát các tam muội

Các pháp khác của Phật

Không ai so lường được

Vốn từ vô số Phật

Đầy đủ tu các đạo

Pháp nhiệm mầu rất sâu

Khó thấy khó rõ được

Trong vô lượng ức kiếp

Tu các đạo đó rồi

Đạo Tràng được chứng quả

Ta đều đã thấy biết

Quả báo lớn như vậy

Các món tính tướng nghĩa

Ta cùng mười phương Phật

Mới biết được việc đó

Pháp đó không chỉ được

Vắng bặt tướng nói năng

Các loài chúng sinh khác

Không có ai hiểu được

Trừ các chúng Bồ Tát

Người sức tin bền chặt

Các hàng đệ tử Phật

Từng cúng dường các Phật

Tất cả lậu đã hết

Trụ thân rốt sau này

Các hạng người vậy thảy

Sức họ không kham được,

Giả sử đầy thế gian

Đều như Xá Lợi Phất

Cùng suy chung so lường

Chẳng lường được Phật trí

Chính sử khắp mười phương

Đều như Xá Lợi Phất

Và các đệ tử khác

Cũng đầy mười phương cõi

Cùng suy chung so lường

Cũng lại chẳng biết được.

Bậc Duyên Giác trí lành

Vô lậu thân rốt sau

Cũng đầy mười phương cõi

Số đông như rừng tre,

Hạng này chung một lòng

Trong vô lượng ức kiếp

Muốn xét Phật thật trí

Chẳng biết được chút phần.

Bồ Tát mới phát tâm

Cúng dường vô số Phật

Rõ thấu các nghĩa thú

Lại hay khéo nói pháp

Như lúa, mè, tre, lau

Đông đầy mười phương cõi

Một lòng dùng trí mầu

Trải số kiếp hằng sa

Thảy đều chung suy lường

Chẳng biết được trí Phật

Hàng bất thối Bồ Tát

Số đông như hằng sa

Một lòng chung suy cầu

Cũng lại chẳng hiểu được.

Lại bảo Xá Lợi Phất

Pháp nhiệm mầu rất sâu

Vô lậu khó nghĩ bàn

Nay ta đã được đủ

Chỉ ta biết tướng đó

Mười phương Phật cũng vậy,

Xá Lợi Phất phải biết

Lời Phật nói không khác

Với pháp của Phật nói

Nên sinh sức tin chắc

Pháp của Phật lâu sau

Cần phải nói chân thật

Bảo các chúng Thanh Văn

Cùng người cầu Duyên Giác

Ta khiến cho thoát khổ

Đến chứng được Niết Bàn

Phật dùng sức phương tiện

Dạy cho ba thừa giáo

Chúng sanh nơi nơi chấp

Dắt đó khiến ra khỏi.

Khi đó trong đại chúng có hàng Thanh Văn lậu tận A La Hán, Ngài A Nhã Kiều Trần Như v.v... một nghìn hai trăm người và các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cận sự nam cùng cận sự nữ, hạng người phát tâm Thanh Văn, Duyên Giác đều nghĩ rằng:

Hôm nay Đức Phật cớ chi lại ân cần ngợi khen phương tiện mà nói thế này: Pháp của Phật chứng rất sâu khó hiểu, tất cả hàng Thanh Văn cùng Duyên Giác không thể đến được.

Đức Phật nói một nghĩa giải thoát, chúng ta cũng chứng được pháp đó đến nơi Niết Bàn, mà nay chẳng rõ nghĩa đó về đâu?

Lúc ấy, Ngài Xá Lợi Phất biết lòng nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, liền bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Nhân gì duyên gì mà Phật Ân cần khen ngợi pháp phương tiện thứ nhất nhiệm mầu rất sâu khó hiểu của các Đức Phật?

Con từ trước đến nay chưa từng nghe Phật nói điều đó, hôm nay bốn chúng thảy đều có lòng nghi. Cúi xin Đức Thế Tôn bày nói việc đó.

Cớ gì mà Đức Thế Tôn ân cần khen ngợi pháp nhiệm mầu rất sâu khó hiểu?

Khi đó Ngài Xá Lợi Phất muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Đấng Huệ Nhật Đại Thánh

Lâu mới nói pháp này,

Tự nói pháp mình chứng

Lực, vô úy, tam muội,

Thiền định, giải thoát thảy

Đều chẳng nghĩ bàn được.

Pháp chứng nơi Đạo Tràng

Không ai hỏi đến được,

Ý con khó lường được

Cũng không ai hay hỏi.

Không hỏi mà tự nói

Khen ngợi đạo mình làm

Các Đức Phật chứng được

Trí huệ rất nhiệm mầu.

Hàng vô lậu La Hán

Cùng người cầu Niết Bàn

Nay đều sa lưới nghi

Phật cớ chi nói thế?

Hạng người cầu Duyên Giác.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni,

Các Trời, Rồng, Quỷ, Thần

Và Càn Thát Bà thảy

Ngó nhau mang lòng nghi

Nhìn trông Đấng Túc Tôn,

Việc đó là thế nào

Xin Phật vị dạy cho?

Trong các chúng Thanh Văn

Phật nói con hạng nhất

Nay con nơi trí mình

Nghi lầm không rõ được

Vì là pháp rốt ráo

Vì là đạo Phật làm

Con từ miệng Phật sanh

Chắp tay nhìn trông chờ

Xin ban tiếng nhiệm mầu

Liền vì nói như thực

Các Trời, Rồng, Thần thảy

Số đông như hằng sa

Bồ Tát cầu thành Phật

Số nhiều có tám muôn

Lại những muôn ức nước

Vua Chuyển Luân Vương đến

Đều lòng kính chắp tay

Muốn nghe đạo đầy đủ.

Khi đó Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thôi thôi! Chẳng nên nói nữa, nếu nói việc đó tất cả trong đời các Trời và người đều sẽ kinh sợ nghi ngờ.

Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Cúi xin nói đó, cúi xin nói đó.

Vì sao?

Trong hội đây có vô số trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ chúng sinh đã từng gặp các Đức Phật, các căn mạnh lẹ, trí huệ sáng suốt, được nghe Phật dạy chắc có thể kính tin.

Lúc ấy, Ngài Xá Lợi Phất muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:

Đấng Pháp Vương Vô Thượng

Xin nói chuyện đừng lo

Vô lượng chúng hội đây

Có người hay kính tin.

Đức Phật lại ngăn Xá Lợi Phất: Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, Trời, Người, A Tu La đều sẽ nghi sợ, Tỳ Kheo tăng thượng mạn sẽ phải sa vào hầm lớn.

Khi đó Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Thôi thôi! Chẳng nên nói

Pháp ta diệu khó nghĩ

Những kẻ tăng thượng mạn

Nghe ắt không kính tin.

Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Cúi xin Phật nói, cúi xin Phật nói. Nay trong hội này hạng người sánh bằng con có trăm nghìn muôn ức. Đời đời đã từng theo Phật Học hỏi, những người như thế chắc hay kính tin lâu dài an ổn nhiều điều lợi ích.

Khi đó Ngài Xá Lợi Phất, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Đấng Vô Thượng Lưỡng Túc

Xin nói pháp đệ nhất

Con là trưởng tử Phật

Xin thương phân biệt nói.

Vô lượng chúng hội đây

Hay kính tin pháp này

Đời đời Phật đã từng

Giáo hóa chúng như thế

Đều một lòng chắp tay

Muốn muốn nghe lãnh lời Phật.

Chúng con nghìn hai trăm

Cùng hạng cầu Phật nọ

Nguyện Phật vì chúng này

Cúi xin phân biệt nói

Chúng đây nghe pháp ấy

Thời sanh lòng vui mừng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất: Ông đã ân cần ba phen thưa thỉnh đâu được chẳng nói. Ông nay lắng nghe khéo suy nghĩ nhớ đó, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Khi Đức Phật nói lời đó, trong hội có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, cả thẩy năm nghìn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về.

Vì sao?

Vì bọn người này gốc tội sâu nặng cùng tăng thượng mạng, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà đã cho chứng, có lỗi dường ấy, cho nên không ở lại. Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Trong chúng ta đây không còn cành lá, rặt có hạt chắc.

Xá Lợi Phất! Những gã tăng thượng mạn như vậy lui về cũng là tốt. Ông nay nên khéo nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: Vâng thưa Thế Tôn con nguyện ưa muốn nghe.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Pháp mầu như thế, các Đức Phật Như Lai đến khi đúng thời mới nói, đó như hoa linh thoại đến thời tiết mới hiện một lần.

Xá Lợi Phất! Các ông nên tin lời của Phật nói không hề hư vọng.

Xá Lợi Phất! Các Đức Phật theo thời nghi nói pháp y thú khó hiểu.

Vì sao?

Ta dùng vô số phương tiện các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các Đức Phật mới biết được đó.

Vì sao?

Các Đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Xá Lợi Phất! Sao nói rằng các Đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra đời?

Các Đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời. Vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời. Vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.

Xá Lợi Phất! Đó là các Đức Phật do vì một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất:

Các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, những điều làm ra thường vì một việc: Chỉ đem tri kiến Phật chỉ cho chúng sanh tỏ ngộ thôi.

Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật Thừa mà vì chúng sanh nói pháp không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.

Xá Lợi Phất! Pháp của tất cả các Đức Phật ở mười phương cũng như thế.

Xá Lợi Phất! Thuở quá khứ các Đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật Thừa, nên các chúng sanh đó theo Chư Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất! Thuở vị lai, các Đức Phật sẽ ra đời cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật Thừa nên các chúng sanh đó theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất! Hiện tại nay, trong vô lượng trăm nghìn muôn ức Cõi Phật ở mười phương, các Đức Phật Thế Tôn nhiều điều lợi ích an vui cho chúng sanh.

Các Đức Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp đó đều là một Phật Thừa, các chúng sanh ấy theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất! Các Đức Phật đó chỉ giáo hóa Bồ Tát, vì muốn đem tri kiến Phật mà chỉ cho chúng sanh, vì muốn đem tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sanh chứng vào tri kiến Phật vậy.

Xá Lợi Phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bản tánh kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

Xá Lợi Phất! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất! Trong cõi nước ở mười phương còn không có hai thừa hà huống có ba.

Xá Lợi Phất! Các Đức Phật hiện ra trong đời ác năm trược, nghĩa là: Kiếp trược, phiền não trược, chúng sinh trược, kiến trược, mệnh trược. Như thế, Xá Lợi Phất, lúc kiếp loạn trược chúng sinh nhơ nặng, bỏn sẻn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành, cho nên các Đức Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba.

Xá Lợi Phất! Nếu đệ tử ta tự cho mình là A La Hán cùng Duyên Giác mà không nghe không biết việc của các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, người này chẳng phải là đệ tử Phật, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Duyên Giác.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đó tự cho mình đã được A La Hán, là thân rốt sau rốt ráo Niết Bàn, bèn chẳng lại chí quyết cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nên biết bọn đó là kẻ tăng thượng mạn.

Vì sao?

Nếu có Tỳ Kheo thực chứng quả A La Hán mà không tin pháp này, quyết không có lẽ ấy, trừ sau khi Phật diệt độ hiện tiền không Phật.

Vì sao?

Sau khi Phật diệt độ, những Kinh như thế, người hay thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa rất khó có được, nếu gặp Đức Phật khác, ở trong pháp này bèn được hiểu rõ.

Xá Lợi Phất! Các ông nên một lòng tin hiểu thọ trì lời Phật dạy. Lời các Đức Phật Như Lai nói không hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một Phật Thừa thôi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần