Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Nhập vào niệm quá khứ

Đương lai cũng như vậy

Cất bước ở hiện tại

Mà đều biết rõ cả

Hành hóa vô lượng kiếp

Hữu số hoặc vô số

Vô niệm và hữu niệm

Tất cả tưởng, vô tưởng.

Bồ Tát có mười việc thuyết nêu thông suốt về ba đời mà không có hai lời.

Những gì là mười?

1. Dùng quá khứ mà giảng nói.

2. Thuở xưa đã qua, sớm nói về đương lai.

3. Đương lai xa vời diễn nói hiện tại.

4. Đương lai chưa đến, nói về quá khứ.

5. Còn chưa muốn đến, giảng nói hiện tại.

6. Cũng giảng nói đương lai chưa đến.

7. Truyền đạt ở hiện tại bỗng thành quá khứ.

8. Biết rõ hiện tại tức là đương lai.

9. Chỗ thấy của mắt, giảng nói bình đẳng.

10. Hiện rõ ba đời đều thấu rõ trong một lúc.

Đó là mười việc thuyết nêu thông suốt về ba đời.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Thường nói việc quá khứ

Nêu xưa đến như thế

Quá khứ là hiện tại

Cũng thông việc đương lai

Quá khứ nay hiện tại

Chưa đến diễn đương lai

Hiện, lai làm quá khứ

Mắt thấy nay đương lai.

Bồ Tát có mười việc đi vào ba xứ.

Những gì là mười?

1. Vào các hữu số.

2. Đến vô sở niệm.

3. Đến chỗ sở đắc.

4. Hướng đến các cõi mà dạy dỗ.

5. Đến các tưởng xứ.

6. Về các phương tục.

7. Không nhiều ngôn ngữ.

8. Thấu đạt không cùng tận.

9. Khen ngợi vắng lặng.

10. Thích sự an nhiên.

Đó là mười việc nhập vào ba xứ của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Đi vào các nẻo niệm

Trao truyền có sở đắc

Tại phương tục, các tưởng

Chốn niệm không cùng tận

Nói rộng việc tịch nhiên

Cũng vào nơi an tĩnh

Diệt trừ các ác sự

Như vậy thành tựu đạo.

Bồ Tát có mười việc của sự phát tâm không chán và không thiếu sót.

Những gì là mười?

1. Cúng dường Chư Phật, ở nơi các sắc mà không mệt mỏi.

2. Kính thuận tất cả các thiện hữu.

3. Cầu các Kinh Điển, không lấy làm khó.

4. Rộng nghe nhiều Kinh, thọ nhận không ai theo kịp.

5. Luôn phát tâm ban tuyên kinh đạo.

6. Khai hóa chúng sinh, dùng pháp luật chỉ bày.

7. Phát khởi tất cả, khiến đến Phật Đạo.

8. Trú nơi một Thế Giới, ở vô số kiếp tu hạnh Bồ Tát.

9. Hành hóa khắp các Cõi Phật không chỗ nào là không cùng khắp.

10. Chưa từng hoài nghi các kinh điền Phật, có chỗ tham vấn thì tuyên thuyết rộng khắp.

Đó là mười việc phát tâm không chán, không thiếu sót.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Cúng dường các thân Phật

Không lấy làm chán đủ

Cung thuận các thiện hữu

Ngưỡng cầu các Kinh Điển

Chốn cầu không mệt mỏi

Thấy những người phát tâm

Vì họ giáo huấn đạo

Khai hóa các Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc phân minh các biện giải.

Những gì là mười?

1. Phân biệt chỗ vào tuệ biện giải của chúng sinh.

2. Biết rõ các căn, sẽ được quay về.

3. Rõ sự báo ứng của các tội phước.

4. Nhìn thấy chỗ sinh ra ở bất cứ nơi nào.

5. Đều biết những chỗ có không của thế gian.

6. Nhìn thấy chỗ du hóa của Chư Phật.

7. Hiểu rõ nghĩa lý sâu cạn của Kinh Pháp.

8. Rõ thông sự mất còn của pháp giới.

9. Thấu đạt việc ba đời.

10. Cũng có thể phân biệt chốn nẻo hành hóa, ngôn ngữ âm thanh không thể tính đếm.

Đó là mười việc về sự phân biệt các biện giải của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Rõ chỗ biết chúng sinh

Chỗ về của các căn

Tùy chỗ lập tội, phước

Thấy được chỗ sinh khởi

Phân biệt các Thế Giới

Cũng biết rõ pháp phẩm

Quán thông tuệ Phật Pháp

Gốc ngọn của ba đời.

Bồ Tát có mười việc đạt đến tổng trì.

Những gì là mười?

1. Chỗ nghe sâu rộng thì liền phụng trì, ngưỡng cầu Kinh Điển không hề quên mất.

2. Cầm đuốc pháp sáng để tuyên thuyết và giáo hóa, đều từ phương tiện mà biết rõ Kinh Điển.

3. Rõ pháp tự nhiên, đạt ánh sáng pháp, đến với Phật Đạo không thể nghĩ bàn.

4. Nắm các định ý, hiện đang nghe Phật, mở bày trước mắt, liền phụng hành pháp.

5. Đi vào âm thanh nơi Đạo Tràng, tùy theo phương tục mà diễn xuất ngôn từ, không hề cùng tận.

6. Nghĩ đến việc nơi ba đời Chư Phật là pháp không thể nghĩ bàn.

7. Tùy thời giảng nói, mang nhiều biện tài về tất cả chỗ then chốt nơi Kinh Điển của Chư Phật.

8. Tai nghe nhiều nghĩa lý không thể suy lường.

9. Chỗ hưng Thánh tuệ có thể nghe giữ thông suốt các pháp Chư Phật.

10. Kiến lập mười lực vô úy của Như Lai.

Đó là mười pháp đạt đến tổng trì của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Rộng nghe liền nắm giữ

Không quên tất cả pháp

Hiểu rõ tùy thời nói

Thông các pháp tự nhiên

Dùng pháp đại quang minh

Trí hiện khó nghĩ bàn

Hiện tại đắc Tam Muội

Nghe Kinh Điển trước mắt.

Bồ Tát có mười việc ban tuyên Phật Pháp.

Những gì là mười?

1. Hiểu rõ nghĩa đạo.

2. Chí lập đại nguyện.

3. Phân biệt rõ về chỗ về của tội, phước.

4. Thường trú Chánh Giác.

5. Không tâm tự cao.

6. Thông đạt pháp giới.

7. Định ý biết rõ.

8. Thấu rõ bản tâm.

9. Biết rõ bản tịnh.

10. Tùy gốc mà giác ngộ khiến thành tựu Phật Đạo.

Đó là mười việc Bồ Tát ban tuyên Phật Đạo.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Hiểu rõ về Phật Đạo

Nguyện nhận biết tội phước

Chỗ lập nơi Chư Phật

Rõ pháp không tự đại

Phân biệt tâm vốn tịnh

Chỗ về của định ý

Gốc tịnh cũng tự nhiên

Tùy gốc mà giác ngộ.

Lúc Phật thuyết xong phần này, tam thiên Thế Giới đều chấn động. Ánh sáng lớn ấy chiếu khắp mười phương, Chư Thiên, Long, Thần đều đến rải hoa, dùng các âm nhạc cúng Phật tạo sự vui vẻ.

Họ đều hoan hỷ cùng khánh chúc: Lành thay! Chúng ta nhờ công đức thuần thục từ đời trước mà được dự pháp hội này, quen hiểu nghĩa sâu mầu và đạo tuệ vô cực.

Những tốt lành ấy là gì?

Thế Tôn Năng Nhân khai thị pháp tạng, ân từ ban bố khắp mười phương, chữa lành mù tối, chuyển hóa năm ấm, sáu suy trần, ba độc, năm cái, mười hai nhân duyên, sáu mươi hai tà kiến.

Dùng năm việc để chỉ bày: Giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến, ngũ nhãn, lục thông.

Lấy sáu Độ vô cực: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để thành tựu Phật Đạo. Ban tuyên và khai thị mười hai Bộ Kinh, khai hóa sáu mươi hai thứ tà kiến nghi khiến họ phát đạo ý, Chư Phật tán thán, Bồ Tát hoan hỷ.

Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền: Sao gọi là phát tâm Bồ Tát?

Sao gọi là hành pháp?

Sao gọi là đại bi?

Sao gọi là duyên phát đạo tâm và dùng đạo duyên ấy mà hưng khởi ý?

Sao gọi là gặp thiện hữu phát tâm kính thuận?

Sao gọi là Bồ Tát đạt đến thanh tịnh?

Sao gọi là độ vô cực?

Sao gọi là Phật tuệ?

Sao gọi là chỗ kinh qua?

Sao gọi là Bồ Tát lực?

Sao gọi là bình đẳng?

Sao gọi là sinh giác tánh?

Sao gọi là thuyết pháp?

Vì sao mà phụng hành?

Sao là biện tài?

Sao gọi là vô số?

Sao gọi là hành tâm bình đẳng?

Sao gọi là hành tuệ?

Sao gọi là Bồ Tát không tự đại?

Bồ Tát Phổ Hiền đáp: Lành thay! Chỗ hỏi của Phật Tử thật là hay và thâm diệu! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Nay tôi vì Bồ Tát và chúng hội mà giảng nói.

Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Trí cùng đại chúng lắng nghe và lãnh thọ lời giảng của Bồ Tát Phổ Hiền.

Bồ Tát Phổ Hiền nói: Có mười việc phát tâm của Bồ Tát.

Những gì là mười?

Lúc phát tâm thường mang tâm đại từ bi, hộ trì tất cả chúng sinh.

Chốn hành từ bi quán sát hết thảy phiền não, khổ nạn của chúng sinh như thương thân mình.

Tất cả sở hữu đều có thể bố thí, nghĩ đến nhất thiết trí, tâm là đứng đầu. Nghĩ đến nhất thiết trí nên có thể phát tâm không hủy hoại nghĩa Thánh.

Hưng khởi với tâm nghiêm tịnh, học điều then chốt của giới cấm Bồ Tát, tâm tâm kiên cố như kim cang.

Dứt sạch chỗ cấu trược của tất cả các pháp.

Chốn sinh khởi ý đó giống như sông biển.

Có thể làm chủ tất cả các pháp thanh tịnh.

Chí ấy kiên cố như núi Tu Di, tức có thể nhẫn chịu tất cả âm thanh ngôn từ thiện ác.

Chỗ phát tâm ấy kiến lập sự an lạc dài lâu, ban cho chúng sinh tín tâm chân thành mà tâm vẫn luôn độc hành Trí Độ vô cực hiểu rõ các pháp rồi tùy theo phương tiện mà hộ trì. Đó là mười việc phát tâm của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần