Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN TÁM  

Lại nữa, Khánh Hỷ! Làm sao mười tám giới vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng?

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn mắt và sắc trần làm duyên để sanh ra thức của mắt.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ con mắt và dùng căn mắt làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ hình sắc và dùng sắc trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của mắt sanh ra từ căn mắt. Bây giờ nếu chẳng có hình sắc hay hư không thì thức của mắt sẽ không thể phân biệt.

Giả như ông có một loại thức như thế thì có hữu dụng gì?

Thức của mắt không phải là màu xanh, vàng, đỏ, hay trắng.

Không một thứ gì để biểu thị cho nó, vậy thì thức của mắt thành lập từ cõi giới nào?

Giả sử thức của mắt sanh ra từ hình sắc. Vậy khi hư không trống rỗng và chẳng có hình sắc thì thức của mắt lẽ ra phải diệt mất.

Thế thì thức của mắt làm sao nhận biết tánh của hư không chứ?

Giả sử thức của mắt sanh ra từ hình sắc. Nhưng nếu khi hình sắc biến đổi, thì thức của mắt lẽ ra cũng thay đổi với chúng.

Nếu thức của mắt chẳng thay đổi với chúng, vậy thì cõi giới thành lập từ đâu?

Nhưng nếu thức của mắt thay đổi với chúng thì sẽ không có tướng của cõi giới. Nếu thức của mắt chẳng thay đổi thì nó sẽ thường hằng, và do từ sắc sanh ra nên nó sẽ chẳng nhận biết hư không ở đâu.

Giả sử thức của mắt cùng sanh ra từ căn mắt và hình sắc. Nhưng nó không thể khởi sanh từ một sự kết hợp của hai, bởi vì như thế nó sẽ phân ly ở bên trong. Nó cũng không thể khởi sanh từ hai cái riêng rẽ, bởi vì như thế nó sẽ tạp loạn.

Thế thì cõi giới làm sao thành lập?

Cho nên phải biết rằng, căn mắt và sắc trần không thể làm duyên để sanh ra thức của mắt, bởi vì ba nơi căn mắt, sắc trần, và thức của mắt đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn tai và thanh trần làm duyên để sanh ra thức của tai.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ lỗ tai và dùng căn tai làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ âm thanh và dùng thanh trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của tai sanh ra từ căn tai. Bây giờ nếu tiếng động lẫn yên tĩnh đều chẳng có thì căn tai sẽ hoàn toàn chẳng nhận biết được gì. Sự nhận biết còn không thành, huống nữa là hình mạo của thức. Nếu cứ khăng khăng cho rằng là tai nghe. Nhưng khi chẳng có tiếng động hay yên tĩnh thì sự nghe không thể thành lập. Lại nữa, lỗ tai bao bọc bằng da, và căn thân liên hệ với xúc trần.

Có thể nào thức của tai sanh ra từ đó chăng?

Do không thể, vậy thì thức của tai thành lập từ cõi giới nào?

Giả sử thức của tai sanh ra từ âm thanh. Nếu nhân bởi âm thanh mà có thức thì sẽ chẳng liên quan gì đến sự nghe.

Nhưng nếu sự nghe không thành lập thì làm sao biết âm thanh ở đâu?

Giả sử thức của tai từ âm thanh sanh ra. Do âm thanh phải được nghe rồi mới có tướng của âm thanh, thế thì thức của tai lẽ ra cũng nghe âm thanh. Và khi thức của tai chẳng nghe thì nó không tồn tại. Hơn nữa, nếu thức của tai mà có thể nghe được thì nó sẽ đồng như âm thanh.

Thức mà bị nghe thì ai nghe và biết nó chứ?

Nếu chẳng có người nhận biết thì cuối cùng ông sẽ như cỏ cây.

Đừng nên bảo rằng âm thanh và sự nghe có thể pha trộn để tạo thành thức của tai. Chẳng có nơi nào như thế mà hai thứ đó có thể trộn lẫn nhau, bởi vì một thứ là bên trong và thứ kia là bên ngoài.

Vậy thì thức của tai làm sao thành lập?

Cho nên phải biết rằng, căn tai và thanh trần không thể làm duyên để sanh ra thức của tai, bởi vì ba nơi căn tai, thanh trần, và thức của tai đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn mũi và hương trần làm duyên để sanh ra thức của mũi.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ lỗ mũi và dùng căn mũi làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ mùi hương và dùng hương trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của mũi sanh ra từ căn mũi.

Thế thì trong tâm của ông cho gì là lỗ mũi?

Là hai sống mũi với thịt bao phủ chăng?

Là khứu giác nhận biết tánh của mùi hương chăng?

Giả sử cho rằng lỗ mũi là hai sống mũi với thịt bao phủ. Nhưng lỗ mũi thuộc về thân thể và căn thân nhận biết xúc chạm. Những gì thuộc về căn thân thì không phải căn mũi, và căn thân cảm nhận xúc trần. Do đó, chẳng còn phần nào gọi là căn mũi cả.

Vậy thì thức của mũi làm sao thành lập?

Giả sử cho rằng lỗ mũi là khứu giác nhận biết tánh của mùi hương.

Thế thì trong tâm của ông cho gì là nhận biết?

Là hai sống mũi với thịt bao phủ chăng?

Nếu vậy thì nó sẽ nhận biết xúc chạm và do đó không phải là căn mũi nhận biết hương trần.

Giả sử nó là hư không nhận biết hương trần. Nếu hư không tự nhận biết thì lẽ ra hai sống mũi với thịt bao phủ sẽ chẳng nhận biết. Như vậy thì hư không là ông rồi, và do thân của ông chẳng nhận biết nên lẽ ra bây giờ Khánh Hỷ sẽ không tồn tại ở đây.

Giả sử nó là mùi hương nhận biết.

Nếu sự nhận biết là một chức năng của mùi hương thì có can dự gì đến ông?

Nếu lỗ mũi của ông tỏa ra mùi hương, hương thơm hoặc mùi hôi, thì mùi hương như thế sẽ chẳng đến từ hương thơm chiên đàn hay từ mùi hôi của cây cực xú.

Nếu những mùi hương đó chẳng đến từ hai vật kia thì tức là mũi của ông phải tự có mùi hương.

Vậy thì nó là hương thơm hay mùi hôi?

Nếu nó là hương thơm thì chẳng phải là mùi hôi. Nếu là mùi hôi thì chẳng phải là hương thơm. Nếu hương thơm lẫn mùi hôi đều có thể ngửi được thì một mình ông lẽ ra sẽ có hai cái mũi, hoặc ở trước ta hỏi về đạo có hai Khánh Hỷ.

Thế thì ai là bản thể của ông?

Giả sử chỉ có một cái mũi thì hương thơm và mùi hôi sẽ không phải là hai. Mùi hôi sẽ thành hương thơm và hương thơm sẽ thành mùi hôi.

Do cả hai đều chẳng có tự tánh, vậy thì thức của mũi thành lập từ cõi giới nào?

Giả sử thức của mũi sanh ra từ mùi hương và nhân bởi mùi hương mà có thức. Vậy thì sẽ như căn mắt có thể thấy mọi thứ nhưng chẳng thể thấy chính nó. Cũng vậy, nếu nhân bởi mùi hương mà có thức thì nó lẽ ra không nhận biết mùi hương chính nó. Nếu nhận biết mùi hương thì nó không thể sanh từ chúng. Còn nếu chẳng nhận biết mùi hương thì nó không thể là thức của mũi. Do thức chẳng nhận biết mùi hương nên cõi giới chẳng thể kiến lập từ mùi hương.

Sau cùng, do chẳng có nơi trung gian ở giữa căn mũi bên trong và hương trần bên ngoài nên thức của mũi cứu cánh là hư vọng.

Cho nên phải biết rằng, căn mũi và hương trần không thể làm duyên để sanh ra thức của mũi, bởi vì ba nơi căn mũi, hương trần, và thức của mũi đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn lưỡi và vị trần làm duyên để sanh ra thức của lưỡi.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ lưỡi và dùng căn lưỡi làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ vị nếm và dùng vị trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của lưỡi sanh ra từ căn lưỡi. Thế thì ông đều chẳng thể nếm các vị khác nhau ở thế gian, như là mía ngọt, mận chua, hoàng liên đắng, vị mặn, cay, gừng, và quế. Ông sẽ chỉ có thể tự nếm lưỡi của mình.

Vậy là ngọt hay đắng?

Giả sử tánh của lưỡi là đắng, vậy cái gì nếm nó?

Do căn lưỡi chẳng thể tự nếm, thế thì ai sẽ nhận biết vị nếm?

Giả sử tánh của lưỡi không đắng thì vị đắng sẽ không sanh ra từ nó.

Thế thì thức của lưỡi làm sao thành lập?

Giả sử thức của lưỡi sanh ra từ vị nếm. Như thế thức của lưỡi sẽ tự có vị nếm, tức đồng như căn lưỡi và lẽ ra không thể tự nếm.

Thế thì làm sao thức của lưỡi nhận biết là vị nếm hay chẳng phải vị nếm?

Lại nữa, tất cả vị nếm không phải sanh ra từ một thứ. Do vị nếm sanh ra từ nhiều thứ nên thức của lưỡi lẽ ra phải có nhiều thể. Giả sử thức của lưỡi chỉ một thể và sanh ra từ vị nếm, thì khi vị mặn, lạt, ngọt, và cay hòa hợp, những đặc điểm khác nhau của chúng sẽ chuyển thành một vị và không thể phân biệt. Bởi chẳng có sự phân biệt nên không thể gọi là thức.

Thế thì làm sao còn gọi là cõi giới của lưỡi, vị, và thức?

Đừng nên cho rằng hư không sanh ra tâm thức của ông. Khi căn lưỡi và vị nếm tiếp xúc, thì ở trong ấy, chúng sẽ không còn tự tánh riêng biệt.

Thế thì làm sao cõi giới thành lập?

Cho nên phải biết rằng, căn lưỡi và vị trần không thể làm duyên để sanh ra thức của lưỡi, bởi vì ba nơi căn lưỡi, vị trần, và thức của lưỡi đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn thân và xúc trần làm duyên để sanh ra thức của thân.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ thân và dùng căn thân làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ xúc chạm và dùng xúc trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của thân sanh ra từ căn thân.

Nhưng khi chẳng có sự cảm nhận của hai duyên: Giao tiếp và tách rời từ xúc trần, thì thân sẽ nhận biết gì?

Giả sử nó sanh từ xúc trần thì chẳng liên quan gì đến thân của ông.

Vậy ai không có thân mà vẫn có thể biết sự giao tiếp và tách rời từ xúc trần đây?

Này Khánh Hỷ! Vật vô tình không thể có xúc giác. Cảm nhận xúc trần là do thức của thân. Có căn thân thì mới có sự nhận biết của xúc trần. Sự nhận biết của xúc trần cần thông qua căn thân. Do đó xúc trần chẳng phải căn thân và căn thân chẳng phải xúc trần.

Cả hai căn thân và xúc trần vốn chẳng đủ làm chỗ tựa cho thức của thân. Nếu thức của thân kết hợp với căn thân, tức nó sẽ tự có thể tánh của căn thân. Nhưng nếu thức của thân lìa khỏi căn thân, tức nó đồng như tánh hư không.

Do bởi thức của thân không thể sanh ra từ căn thân bên trong hay xúc trần bên ngoài, vậy thì làm sao nó tồn tại ở giữa chúng?

Nếu nó chẳng tồn tại ở giữa chúng, còn căn thân bên trong cùng xúc trần bên ngoài đều tự tánh rỗng không, thế thì thức của thân thành lập từ cõi giới nào?

Cho nên phải biết rằng, căn thân và xúc trần không thể làm duyên để sanh ra thức của thân, bởi vì ba nơi căn thân, xúc trần, và thức của thân đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Theo sự hiểu biết của ông thì căn ý và pháp trần làm duyên để sanh ra thức của ý.

Nhưng có phải thức này sanh ra bởi từ ý và dùng căn ý làm cõi giới chăng?

Hay nó sanh ra bởi từ pháp trần và dùng pháp trần làm cõi giới chăng?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức của ý sanh ra từ căn ý.

Vậy trong căn ý của ông phải có điều gì suy tư để phát khởi ý của ông. Nếu pháp trần chẳng hiện tiền thì căn ý sẽ không chỗ sanh.

Khi lìa khỏi duyên, nó sẽ vô hình sắc, vậy thức của ý như thế sẽ hữu dụng gì?

Lại nữa, thức của ý và căn ý của ông với khả năng suy tư và phân biệt là giống nhau hay sai khác?

Nếu thức của ý đồng như căn ý thì nó trở thành căn ý.

Vậy thức của ý làm sao sanh ra từ căn ý?

Nếu thức của ý khác với căn ý thì nó sẽ chẳng nhận biết gì. Nếu nó chẳng nhận biết gì, thế thì làm sao nó sanh từ căn ý.

Còn nếu nó có nhận biết, làm sao ông có thể phân biệt nó từ căn ý?

Do sự giống nhau lẫn sai khác đều chẳng thể phân biệt, thế thì thức của ý thành lập từ cõi giới nào?

Giả sử thức của ý sanh ra từ pháp trần. Các pháp của thế gian đều chẳng rời khỏi năm trần. Bây giờ ông hãy quán sát sắc, thanh, hương, vị, và xúc. Mỗi thứ đều có tướng trạng rõ ràng và khế hợp đối với năm căn, nhưng không một thứ nào khế hợp với căn ý.

Nếu ông vẫn cứ nhất quyết cho rằng thức của ý sanh ra từ pháp trần, thì bây giờ ông hãy quán sát tường tận tướng trạng của pháp trần và những trần khác. Nếu lìa khỏi các tướng, như là hình sắc và rỗng không, tiếng động và yên tĩnh, khai thông và bế tắc, tụ hợp và ly tán, sanh và diệt, thì sẽ chẳng còn gì cho pháp trần.

Khi sanh thì hình sắc, rỗng không, và các pháp sanh. Khi diệt thì hình sắc, rỗng không, và các pháp diệt. Trong khi đó pháp trần không thể độc lập sanh ra mà chẳng cần nương các trần kia.

Nếu pháp trần là nhân để thức của ý sanh ra, vậy nó có hình tướng gì?

Do pháp trần chẳng có tướng trạng, thế thì làm sao thức của ý sanh ra từ chúng?

Cho nên phải biết rằng, căn ý và pháp trần không thể làm duyên để sanh ra thức của ý, bởi vì ba nơi căn ý, pháp trần, và thức của ý đều tồn tại riêng biệt. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói về nhân duyên hòa hợp. Tất cả muôn loại biến hóa ở thế gian đều nhân bởi bốn đại hòa hợp mà phát sanh.

Vậy thì tại sao Như Lai gạt bỏ cả nhân duyên lẫn tự nhiên?

Con bây giờ chẳng biết ý nghĩa này sẽ về đâu. Kính mong Như Lai rủ lòng thương xót mà khai thị liễu nghĩa của trung đạo cho chúng sanh, là pháp không hí luận.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Ngài Khánh Hỷ: Do ông đã nhàm bỏ Pháp Tiểu Thừa của hàng Thanh Văn và bậc Duyên Giác, và do ông đã phát tâm chí cầu Đạo vô thượng, nên bây giờ ta sẽ khai thị Đệ Nhất Nghĩa Đế cho ông.

Tại sao ông vẫn còn tự mình siết trói bởi hí luận của thế gian và vọng tưởng về nhân duyên?

Tuy ông đa văn nhưng đó chỉ như người có thể bàn luận về phương thuốc mà chẳng thể phân biệt khi nó thật sự hiện tiền. Bởi vậy Như Lai mới nói rằng ông thật đáng thương.

Ông nay hãy lắng nghe. Ta sẽ phân biệt cùng khai thị cho ông, và cũng làm cho những hành giả tu pháp Đại Thừa ở vị lai thông đạt thật tướng.

Ngài Khánh Hỷ lặng yên và chờ đợi thánh chỉ của Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần