Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Một - Tương ưng Uẩn - Năm Mươi Kinh Căn Bản - Phẩm Nakunlapita - Phần Hai - Devadaha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP BA
THIÊN UẨN
CHƯƠNG MỘT
TƯƠNG ƯNG UẨN
NĂM MƯƠI KINH CĂN BẢN
PHẨM NAKULAPITÀ
PHẦN HAI
DEVADAHA
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại một thị trấn của dân chúng Sakka tên là Devadaha. Lúc bấy giờ, một số đông Tỳ Kheo du hành ở phía Tây, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, các vị Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn: Chúng con muốn xin Thế Tôn cho phép chúng con đi đến Quốc Độ phương Tây. Chúng con muốn trú ở Quốc Độ phương Tây.
Này các Tỳ Kheo, các Tỳ Kheo đã xin phép Sàriputta chưa?
Bạch Thế Tôn, chúng con chưa xin phép Tôn Giả Sàriputta. Này các Tỳ Kheo, vậy hãy xin phép Sàriputta. Sàriputta, này các Tỳ Kheo, là Bậc Hiền Trí, là người đỡ đầu các vị Tỳ Kheo đồng phạm hạnh.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Sàriputta đang ngồi dưới cây ba đậu, elagalà: cassia, không xa Thế Tôn bao nhiêu.
Rồi các Tỳ Kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến Tôn Giả Sàriputta.
Sau khi đến, các vị ấy nói lên với Tôn Giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, các Tỳ Kheo ấy nói với Tôn Giả Sàriputta: Chúng tôi muốn, thưa Hiền Giả Sàriputta, đi đến Quốc Độ phương Tây. Chúng tôi muốn trú ở Quốc Độ phương Tây. Bậc Ðạo Sư đã cho phép chúng tôi.
Này các Hiền Giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỳ Kheo thường đi các Quốc Độ khác nhau: Các Sát Đế Lỵ Hiền Trí, các Bà La Môn Hiền Trí, các Gia Chủ Hiền Trí, các Sa Môn Hiền Trí.
Này Chư Hiền Giả, các Bậc Hiền Trí với óc ưa quán sát, sẽ hỏi: Bậc Ðạo Sư của Tôn Giả nói gì, tuyên bố gì?
Pháp có được Chư Tôn Giả khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thâm nhập với trí tuệ không?
Ðể khi trả lời, các Tôn Giả có thể lập lại các ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, có thể trả lời tùy pháp, đúng với chánh pháp, và không để một vị đồng phạm hạnh nào, nói lời đúng pháp, có thể có lý do để quở trách. Chúng tôi có thể đi đến thật xa, thưa Tôn Giả, để nghe tận mặt Tôn Giả Sàriputta nói về ý nghĩa của lời nói này.
Lành thay, nếu được Tôn Giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này. Vậy này các Hiền Giả, hãy lắng nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
Thưa vâng, Tôn Giả.
Các Tỳ Kheo ấy vâng đáp Tôn Giả Sàriputta.
Tôn Giả Sàriputta nói như sau:
Này các Hiền Giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỳ Kheo thường đi các Quốc Độ khác nhau: Các Sát Đế Lỵ Hiền Trí, các Sa Môn Hiền Trí.
Này các Hiền Giả, các Bậc Hiền Trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: Bậc Ðạo Sư của Tôn Giả nói gì, tuyên bố gì?
Ðược hỏi vậy, này các Hiền Giả, các Hiền Giả phải trả lời: Này các Hiền Giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham.
Ðược trả lời như vậy, này các Hiền Giả, có thể có người hỏi thêm câu hỏi như sau: Có những vị Sát Đế Lỵ Hiền Trí, có những Sa Môn Hiền Trí.
Này Chư Hiền Giả, các Bậc Hiền Trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: Ðối với cái gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn Giả nói đến sự điều phục dục và tham?
Ðược hỏi như vậy, này các Hiền Giả, các Hiền Giả phải trả lời như sau: Ðối với sắc, này các Hiền Giả, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham, đối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành, đối với thức, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham.
Ðược trả lời như vậy, này các Hiền Giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát Đế Lỵ Hiền Trí, các Sa Môn Hiền Trí.
Các vị Hiền Trí có óc quán sát, này các Hiền Giả, có thể hỏi: Nhưng thấy sự nguy hiểm gì, bậc Ðạo Sư các Tôn Giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc, đối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành, bậc Ðạo Sư các Tôn Giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?
Ðược hỏi như vậy, này các Hiền Giả, các ông cần phải trả lời như sau: Này các Hiền Giả, đối với sắc, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Ðối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành, đối với thức, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Này Chư Hiền Giả, do thấy sự nguy hiểm này đối với sắc mà bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói lên sự điều phục dục và tham.
Ðược trả lời như vậy, này các Hiền Giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát Đế Lỵ Hiền Trí, các Sa Môn Hiền Trí.
Các vị Hiền Trí có óc quán sát, này các Hiền Giả có thể hỏi: Nhưng thấy sự lợi ích gì, bậc Ðạo Sư các Tôn Giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc, đối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành.
Bậc Ðạo Sư các Tôn Giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?
Ðược hỏi vậy, này các Hiền Giả, các Hiền Giả phải trả lời như sau: Ðối với sắc, này các Hiền Giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Ðối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành, đối với thức, này các Hiền Giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Do thấy sự lợi ích này, này các Hiền Giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc, đối với thọ, đối với tưởng, đối với các hành. Bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức.
Và này các Hiền Giả, đạt được và an trú trong các bất thiện pháp và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú, đây không phải là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
Nhưng này các Hiền Giả, vì rằng đạt được và an trú trong các bất thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống bị đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Do vậy, đây là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
Và này các Hiền Giả, đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Ðây không phải là sự thành tựu các thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
Nhưng này các Hiền Giả, vì rằng đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú. Do vậy, đây là sự thành tựu các thiện pháp, được Thế Tôn tán thán.
Tôn Giả Sàriputta thuyết như vậy. Các Tỳ Kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn Giả Sàriputta nói.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mẹ
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Tám - Phẩm Pháp Cúng Dường
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Bốn - Pháp Hội Công đức Bảo Hoa Phu Bồ Tát