Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐỘ THẾ PHẨM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN TÁM
Bồ Tát lại nói kệ tụng:
Thân biến khắp Cõi Phật
Hiện vô số loại hình
Các pháp vào một cõi
Kiến lập các Thế Giới
Khắp đời hiện thân Phật
Tự biết cùng khắp cả
Nhập các pháp một thể
Mở tâm vào hết thảy.
Thần thông của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Biết rõ những việc đã trải qua trong quá khứ.
2. Hiểu rõ phương tiện vào ra, lui tới.
3. Thiên nhĩ biết phân biệt mà không chỗ ngăn ngại, đều thông rõ các chỗ quay về của ngôn từ.
4. Có thể biết được tâm chỗ niệm hành của người khác và các loài chúng sinh.
5. Với vô số sự việc sai khác thì dùng thiên nhãn vô vi quán sát khắp những chỗ đã trải qua.
6. Dùng đại thần thông biến hóa mà cảm ứng và khai hóa các loài chúng sinh không thể nghĩ bàn. Từ bản tính ấy mà thị hiện ra khiến họ được vào khuôn phép.
7. Thấy được vô số Thế Giới của Chư Phật và các thân thị hiện cùng khắp.
8. Lúc phát tâm có thể du hóa khắp mười phương vô lượng Cõi Phật, cũng có thể kiến lập và làm trang nghiêm vô số cảnh giới.
9. Các Bồ Tát cũng có thể thị hiện đầy đủ thân hình mà không ôm tâm tự đại.
10. Hiển bày thông tuệ ở vô số nước, chứng đạo quả vô thượng chánh chân làm bậc Tối Chánh Giác, tâm khó nghĩ bàn. Vì chí tánh gốc ngọc của chúng sinh mà thị hiện sự chỉ dạy.
Đó là mười nghĩa thần thông của Bồ Tát. Bồ Tát an trụ vào đấy thì đạt được chỗ thần thông Vô Thượng chánh chân của Như Lai. Chỗ biến hóa của Chư Phật luôn phương tiện tùy hướng, luôn hiện khắp mười phương giáo hóa chúng sinh thì liền thành tựu hạnh ấy, các nghĩa tròn đủ.
Bồ Tát thông đạt có mười việc.
Những gì là mười?
1. Có thể tùy thời giáo hóa chúng sinh. Phân biệt tội phước, sự trải qua và vô số sự bất đồng của các loài chúng sinh, khiến họ được xuất gia, tâm thức được vắng lặng lúc vào chỗ ngăn ngại. Việc làm điên đảo và vô vàn sự bất đồng của mỗi mỗi chúng sinh thì Bồ Tát đều làm cho tiêu diệt cả và đạt đến như Thánh tuệ đầy đủ Kim cang bất hoại.
2. Có thể kiến lập được âm thanh cùng khắp không thể nghĩ bàn. Dạy nơi các Cõi Phật, hiểu rõ phương tiện và tất cả sự trụ chấp vào việc huân tập bốn đẳng tâm.
3. Đều đi vào khắp pháp giới, rõ chỗ sinh ra và cũng biết rõ pháp vốn không từ đâu sinh. Các vị ấy đều đã trừ khử hết các tưởng về ốm đau, xứ sở, cảnh giới.
4. Lại nữa, Bồ Tát ấy không quán các pháp cũng chẳng phải không quán các pháp. Lấy các pháp vô tưởng làm thanh tịnh, cũng không có sự thanh tịnh. Rõ vô số sự hiện hữu, hiểu biết và tinh tấn tuyên thuyết Kinh Đạo ở vô số kiếp. Dùng sự bình đẳng mà về nơi đạo vô thượng chánh chân, thường trú nơi pháp giới.
5. Lại nữa, Bồ Tát ấy hiểu rõ chúng sinh vốn diệt độ, không dụng việc nhà, cũng không tạo tác. Biết việc sinh ra là theo điên đảo, thấu đạt được nghĩa lý nhân duyên báo ứng ấy. Biết được việc dùng nhân duyên phương tiện gì để phụng kính chỗ hành gốc ngọn, xứ sở sinh diệt, phân biệt và khai hóa các loài chúng sinh.
6. Khai mở sự bế tắc về đạo lý giải thoát, biết rõ sự điên đảo, không còn các lầm lỗi, cũng biết rõ nguồn gốc của trần dục sân hận. Cũng phân biệt được các nghiệp sinh tử vô vi. Lại còn biết rõ sự trái ngược mà vốn không trái ngược. Biết rằng có thể nương tựa vào nơi không thể nương tựa.
7. Các vị cũng cứu xét sáng rõ chỗ đi đến, biết được chỗ đi đến, chỗ trở về và chỗ thoái chuyển của họ. Biết chỗ chí quyết và nơi quy hướng của họ, cũng biết được sự hư hoại sắp hoàn thành.
Biết rõ căn tánh và sự khai hóa chúng sinh, chỗ được khai hóa thì khiến họ được vào khuôn phép. Không hề mê chấp vào vô số phương tiện dạy dỗ chúng sinh mà bỏ quên hạnh Bồ Tát.
Vì sao?
8. Này Phật Tử! Muốn biết về Bồ Tát thì phải phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
Vì sao?
Vì tâm đạo ấy muốn khai hóa chúng sinh, đã khai hóa chúng sinh thì làm cho họ theo luật giáo mà thân tâm không hề chán mệt. Đó là Bồ Tát biết rõ mười hai nhân duyên khởi, vì tất cả mà làm nên không hề có tính tranh chấp.
9. Lại nữa, Bồ Tát ấy chưa từng ỷ lại và khởi tâm ỷ lại vào Đức Phật. Cũng không chấp trước pháp, lại không khởi tâm tham nơi khác. Cũng không chấp trước Cõi Phật và không sinh tâm nương vào Cõi Phật. Cũng không chấp trước vào cõi người, lại không khởi tâm thích thú chúng sinh. Cũng không hề thấy có chúng sinh và không hề khởi tâm thấy có chúng sinh.
10. Bồ Tát ấy luôn hưng khởi các hạnh, đầy đủ sở nguyện, tu từ bi vô cực, không tưởng thấy Phật, biết niệm Như Lai, chỗ tuyên thuyết pháp thì được ngồi tòa Như Lai. Trồng các gốc đức, không hề lo nghĩ.
Tâm thích Chánh Giác, không vì sự chán mệt, cũng không vì phép tắc. Cúng dường Như Lai, tâm càng tinh tấn, tạo cảm ứng và lập uy thần ở các Thế Giới Phật không thể nghĩ bàn. Kiến lập tư duy Đệ nhất pháp giới, biện giải về vô số lời dạy của Kinh Pháp.
Biết mọi chúng hội có thể của Thế Giới chúng sinh hữu vi. Cũng biết được sự hạn chế của chúng sinh nhiều hay ít. Biết rõ gốc ngọn của cái khổ từ đâu sinh khởi. Cũng có thể biết rõ sự tận diệt của vạn vật đều là gốc khổ. Nếu có Bồ Tát vì có thể thấy được điều này thì sự tu hành của họ cũng như hình ảnh tiếng vang, bỏ các việc ác, bỏ gốc ác thì liền tự phát tâm cứu độ chúng sinh.
Chỗ hành dụng ấy đều không chỗ hành, đó gọi là hạnh Bồ Tát học theo Chư Phật, tâm luôn kiên cố như núi Tu Di. Biết bỏ tất cả các tưởng điên đảo, kiến lập phổ trí và các cửa thông tuệ, đạt thành Chánh Giác, vào nơi tuệ đường vô cực vô hạn. Tuệ đường tức là đạo vô thượng chánh chân, cứu vớt chúng sinh đang trôi dạt trong ba cõi về nơi nguồn cội.
Đó là mười việc thông đạt của Bồ Tát. Bồ Tát trụ ở đó thì đạt thành đại tuệ vô thượng của Như Lai.
Có mười việc về sự giải thoát của Bồ Tát.
Những gì là mười?
1. Độ tận nguồn cội phiền não ái dục.
2. Giải thoát khỏi con đường tà kiến, bất chánh.
3. Cứu độ cái nạn che chướng của năm ấm.
4. Cứu vớt các nhập của hình thể tứ đại.
5. Vượt lên các thừa Thanh Văn và Duyên Giác, nhờ đó mà chứng được vô sinh pháp nhẫn.
6. Phát khởi tất cả cõi nước chúng sinh và các pháp phương tiện.
7. Liền được siêu việt các hạnh Bồ Tát không thể kể xiết, khen ngợi tất cả hạnh Bồ Tát.
8. Dùng sự không vọng tưởng để vào địa Như Lai.
9. Dùng Thánh tuệ biết khắp ba đời.
10. Thần thông cứu độ bình đẳng rộng khắp.
Đó là mười việc giải thoát của Bồ Tát. Bồ Tát trụ ở nơi đó thì khai hóa mọi chúng sinh và khiến cho họ đạt đến vô thượng.
Bồ Tát lại nói kệ tụng:
Cứu độ phiền não dục
Tà kiến nơi năm ấm
Các chủng loại bốn đại
Khổ nạn của tham thân
Vượt Thanh Văn, Duyên Giác
Đạt Vô sinh pháp nhẫn
Khen ngợi cõi chúng sinh
Vô lượng hạnh Bồ Tát
Chỗ tu của Khai sĩ
Nhập vào địa Như Lai
Siêu vượt các vọng tưởng
Thần thông mở ba cõi.
Vườn nuôi dưỡng của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Thị hiện vui nơi sinh tử mà chưa từng chán mệt.
2. Thích giáo hóa chúng sinh, tính không chấp trước.
3. Ở nơi tất cả các tưởng mà nhận lãnh đại hạnh.
4. Thường thích nghiêm tịnh Thế Giới Chư Phật.
5. Thường trú ở xứ sở của mình mà chí nguyện tại cung điện thể nữ của chúng ma, có thể giáo hóa các cung điện và lầu gác ấy.
6. Kính vâng chỗ thuyết pháp như chỗ nghe pháp, tư duy nghĩa lý, quán sát nẻo về nơi lục thông vô cực.
7. Thâu giữ bốn ân, ba mươi bảy phẩm pháp đạo tuệ là vườn ruộng của Bồ Tát, là cha của chính mình.
8. Chỗ có thể du hóa là mười lực của Như Lai, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng. Tóm lại, tất cả Phật Pháp là vườn của Bồ Tát, mà chưa từng tưởng nghĩ đến pháp nào cả.
9. Tất cả sự thị hiện biến hóa và chỗ kiến lập pháp lạc của tất cả Bồ Tát là vườn ruộng của Bồ Tát.
10. Bồ Tát chuyển bánh xe pháp, chẳng hề khởi tâm tự đại mà luôn cẩn trọng hành dụng không chỗ trái mất. Tất cả sự phát tâm đều không rời Chánh Giác, hiện hữu khắp chúng sinh là vườn của Bồ Tát. Nhưng pháp thân của Bồ Tát đều hiện hữu khắp mười phương Thế Giới Chư Phật và sở hành của họ giống như hư không.
Đó là mười việc về mảnh vườn của Bồ Tát.
Cung điện của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Vui với cung điện Bồ Tát mà tâm không bị mê hoặc. Đã khéo tích lũy mười điều thiện và công đức tuệ nghiệp, đó là cung điện của Bồ Tát.
2. Khai hóa các loài chúng sinh nơi Cõi Dục, tu bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả. Bồ Tát nhờ đó mà dạy bảo các loài chúng sinh nơi Cõi Sắc và được vãng sinh đến cung điện của Chư Thiên Cõi Tịnh Cư.
3. Do đó Bồ Tát tiêu diệt được tất cả các trần lao uế trược, đến được Cõi Trời Vô Dục Sắc.
4. Đến cung điện ấy, các Bồ Tát dạy bảo về đại nạn của sự không thanh tịnh nơi chúng sinh, làm cho họ đều lùi bỏ.
5. Hoặc có lúc Bồ Tát thị hiện sinh vào cảnh giới uế tạp. Vì Bồ Tát thích thọ sinh ở nơi ấy để cứu độ tất cả chúng sinh tham dục.
6. Bồ Tát hiện nơi hậu cung có thể nữ, trai gái và đời trước đã cùng họ tạo lập phước hạnh để cùng vui với họ, do đó mà giáo hóa khắp bốn phương, bốn cõi, các Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương.
7. Bồ Tát do đây mà khuyến hóa sự hung nguy, kể cả những thường nhân cũng đều khiến họ xả bỏ loạn ý và ở nơi tất cả hành nghiệp Bồ Tát.
8. Bồ Tát vì tư niệm về sự giáo hóa dài lâu nên tự do theo đuổi, thể hiện thần thông diệu dụng. Bồ Tát thường dùng tuệ để khai hóa đưa đến cửa giải thoát nhất tâm tam muội chánh thọ mà được niềm pháp lạc.
9. Bồ Tát dùng pháp điển của Chư Phật với nhất thiết trí vô thượng chánh chân mà đoạn trừ các ngăn ngại, bố thí tất cả pháp mà luôn tự tại, được làm quốc chủ, được tôn quý, hào phú cũng do nơi mình.
10. Bồ Tát ưa thích mười lực của Như Lai, lấy đó làm chỗ ở.
Đó là mười cung điện của Bồ Tát.
Bồ Tát có mười sự du quán.
Những gì là mười?
1. Ý tự ưa thích, quán các chương cú, mỗi dấu chân đi thì ý chí quán sát, phương tiện quyền biến.
2. Tại trú xứ ấy Bồ Tát thường ở dưới chân Chư Phật, nghe pháp thọ trì.
3. Ý vui với mười phương, tâm hiện bày cùng khắp, cung kính chư Bồ Tát.
4. Thần túc biến hóa hiện ra vô lượng pháp, giáo hóa thân ý mê hoặc của chúng sinh. Phụng trì định lực, vào một cửa tam muội thì được vào khắp các cửa thiền định tam muội.
5. Ở nơi các môn tổng trì và tất cả chỗ nghe biết thì liền có thể thọ trì, chưa từng quên mất.
6. Đem chỗ cốt lõi của pháp tổng trì đó vì chúng sinh mà diễn thuyết, làm cho họ được hoan hỷ.
7. Bồ Tát vui nơi biện tài, vì một chương cú mà ngợi khen bằng lời đẹp.
8. Ở trong vô số kiếp, đàm ngôn thuyết sự không hề dứt lời.
9. Vì mọi chúng sinh cầu Tối Chánh Giác, thị hiện vô số thân hình, vô lượng phẩm vật.
10. Luôn chuyển pháp luân, giáo hóa ngoại đạo khiến họ tham học pháp đạo.
Đó là mười sự du quán của Bồ Tát.
Bồ Tát có mười sự nghiêm tịnh.
Những gì là mười?
1. Oai lực của chư Bồ Tát tươi sáng nên có thể một mình bước đi thanh tịnh, vô úy, không hề lầm lỗi.
2. Nghĩa lý sáng rõ, chỗ diễn ý lời, đàm thuyết mọi việc trong vô số kiếp thì không thể nào phế bỏ.
3. Pháp thanh tịnh ấy có thể diễn tám vạn bốn ngàn pháp tạng.
4. Kinh ngôn thanh tịnh, không quên một nghĩa.
5. Tất cả Bồ Tát theo sở nguyện vi diệu, không hề bỏ thệ nguyện, hạnh của Bồ Tát thanh khiết.
6. Tuyên dương Hiền Thánh, lời dạy chánh chân.
7. Trang nghiêm cõi nước, dùng một âm thanh nói khắp mười phương mà như nói trong một cõi.
8. Đạo Tràng thanh tịnh của mình biến khắp các Cõi Phật, hưng khởi mây đạo, mưa pháp cam lồ, kiến lập Chánh Giáo và trừ bỏ tất cả vọng tưởng hữu vi.
9. Theo hạnh trang nghiêm, thanh tịnh không kiêu mạn, dùng một thể mà hiện vô số thân.
10. Giáo hóa tất cả chúng sinh, tinh tấn không mệt, ngày đêm cầu các thông tuệ mẫn tiệp, thị hiện vô số lực vô úy.
Đó là mười việc thanh tịnh của Bồ Tát. Bồ Tát trú ở đó thì được sự thanh tịnh khắp cùng của Chư Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tín Lực Nhập ấn Pháp Môn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Bốn - Bồ Tát Từ đất Vọt Lên
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tôn đà Lợi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Mốt - Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát - Phần Hai