Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM HẠNH  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thuở, Đức Phật ở trên núi Linh Thứu tại thành Vương Xá cùng với chúng đại Tỳ Kheo gồm tám ngàn vị, một vạn hai ngàn vị Bồ Tát và tất cả Đại Thánh từ mười phương đến hội đủ.

Các vị ấy đầy đủ cả đức, được các tổng trì, hiểu biết rộng rãi, biện tài chí chân, giải quyết được tất cả nghi ngờ, vào đại thần thông, phân biệt nghĩa tuệ các độ vô cực, qua đến bờ kia, bậc Khai Sĩ thông suốt, định ý chánh thọ, các Đức Phật ngợi khen, đi khắp mọi khu vực khác, đi bằng thần túc.

Hàng phục hóa độ chúng ma, phân biệt các pháp biết đúng như nguồn gốc chân thật, nhìn thấy căn nguyên của tất cả chúng sinh, tích lũy đạo phẩm, ở trong tám pháp của thế gian mà không chấp trước, dùng đại từ bi trang nghiêm thân miệng ý. 

Mặc áo giáp vô cực, vượt qua đại tinh tấn ở vô số kiếp mà chẳng chán mệt, làm tiếng gầm sư tử khai hóa ngoại đạo, dùng không thoái chuyển in dấu ấn chân như, hiểu rõ Pháp Tạng thâm yếu của Chư Phật.

Những vị ấy tên là:

Bồ Tát Sơn Quang.

Bồ Tát Tuệ Sơn.

Bồ Tát Đại Minh.

Bồ Tát Tổng Trì Sơn Cương.

Bồ Tát Sơn Khải Vương.

Bồ Tát Sơn Đỉnh.

Bồ Tát Sơn Tràng.

Bồ Tát Sơn Vương.

Bồ Tát Thạch Ma Vương.

Bồ Tát Lôi Âm.

Bồ Tát Vũ Vương.

Bồ Tát Bảo Vũ.

Bồ Tát Bảo Anh.

Bồ Tát Bảo Thủ.

Bồ Tát Bảo Tạng.

Bồ Tát Bảo Minh.

Bồ Tát Bảo Tràng.

Bồ Tát Bảo Đỉnh.

Bồ Tát Bảo Ấn Thủ.

Bồ Tát Bảo Xướng.

Bồ Tát Bảo Nghiêm.

Bồ Tát Bảo Thủy.

Bồ Tát Bảo Quang.

Bồ Tát Bảo Khải.

Bồ Tát Bảo Hiện.

Bồ Tát Bảo Tạo.

Bồ Tát Lạc Nghiêm Pháp.

Bồ Tát Tịnh Vương.

Bồ Tát Nghiêm Đỉnh Tướng.

Bồ Tát Kim Quang Sức.

Bồ Tát Bảo Kế.

Bồ Tát Thiên Quân.

Bồ Tát Thiên Quang.

Bồ Tát Nguyên Diệm.

Bồ Tát Chiếu Muội.

Bồ Tát Nguyệt Biện.

Bồ Tát Phát Ý Chuyển Pháp Luân.

Bồ Tát Kim Quang Tịnh

Bồ Tát Thường Thí Vô Úy.

Một vạn hai ngàn vị Bồ Tát, công đức đều như vậy.

Ở trong kiếp Hiền, Đại Sĩ Di Lặc với sáu mươi Đại Thánh như Nhuyễn Thủ ... và mười sáu vị Chánh Sĩ giải thoát phiền não chẳng thể nghĩ bàn...

Đế Thích, Tứ Thiên Vương cùng dân chúng Cõi Trời Đao Lợi, Trời Diệm, Trời Đâu Thuật, Trời Bất Kiêu Lạc, Trời Hóa Tự Tại, Đạo Sư Ma Tử, Vua Trời Phạm, Vua Trời Phạm Tịnh, Vua Trời Thiện Phạm, Vua Trời Phạm Cụ Túc, Trời Đại Thần diệu, Trời Tịnh Cư, Trời Ly cấu quang cho đến Trời Nhất Thiện, Trời Yến Cư, Trời Vô Thiện Thần...

Họ đều cùng với sáu vạn quyến thuộc, Vua Thần Sơn Thọ với bốn vạn hai ngàn quyến thuộc, Vua Thần lực sĩ, còn tên là Trì Hoa với ba vạn hai ngàn quyến thuộc cùng với Thần Hương Âm, Vua Rồng Vô Phần cùng với bảy vạn hai ngàn các Rồng, Vua chim cánh vàng bốn phương và tất cả các đại tôn Thần khác...

Trời, Rồng, Quỷ Thần, Thần Vô Thiện, Vua Thần Phượng Hoàng, Vua Thần Sơn Thọ, Thần Điềm Nhu... đều cùng với quyến thuộc đi đến chỗ Đức Phật cúi đầu lễ bái xong đứng sang một bên.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ, làm lễ Đức Phật, rồi đều ngồi sang một bên. Khi đó, Đức Phật cùng với ngần ấy trăm ngàn chúng theo hầu vây quanh. Đức Phật ngồi trên Tòa Sư Tử cao rộng mà Chư Thiên đã nghiêm tịnh, vì bốn bộ chúng giảng nói pháp.

Đức Phật ở giữa chúng như núi chúa sừng sững, rực sáng hiện lên ở biển cả, Đức Ngài vượt Chư Thiên, thế gian, không ai sánh nổi, ánh sáng lồng lộng không đâu chẳng soi đến.

Khi uy lực của Đức Như Lai ứng biến thì ở không trung hóa ra lọng báu với mọi thứ báu trang sức xen nhau chè khắp bốn phương, vô số trăm ngàn chuỗi ngọc buông xuống, ánh sáng ngọc báu xanh vàng đỏ trắng sáng sạch soi khắp hư không, ánh sáng của ngọc.

Từ ngọc phát ra, màu sắc của nó nhiều không lường, chẳng thể xưng kể, mưa xuống những hoa thơm, hoa ngập đến đầu gối, ở trong hư không phát ra tiếng sấm lớn, mưa xuống đủ loại hương quý.

Đến đây, Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên, nương Thánh Chỉ Đức Phật, hỏi Đức Phật: Sự cảm động hôm nay con chưa từng nghe thấy! Đây là điềm lành gì?

Đức Phật dạy: Này Mục Liên!

Hôm nay, Long Vương muốn đến yết kiến Phật nên trước hiện điềm lành này. Lời Đức Phật chưa xong, tức thời Long Vương cùng bảy mươi hai ức thể nữ, tám mươi tư ức quyến thuộc đều mang theo hoa thơm, cờ phướn, lọng, trăm ngàn nhạc cụ đi đến chỗ Đức Phật.

Cúi đầu xong, nhiễu quanh bảy vòng, đem đồ mang theo của từng người tung lên trên Đức Phật và tấu âm nhạc cúng dường, rồi cùng với quyến thuộc trong cung đều đứng trước Đức Phật, dùng kệ khen:

Thí từ xót thương đời

Cùng mắt đời thị hiện

Tuy sinh ở thế gian

Như hoa sen không đắm.

Thí yên ổn thế gian

Ở đời soi ba đời

Hiểu pháp như mặt trời

Cúi lạy Đấng Tối Thượng

Mười lực vượt thí, giới

Quyến thuộc tự điều phục

Thiêu trừ tối trần lao

Điều chúng như ngựa thuần.

Ban cho bảy của lớn

Chúng sinh thêm ân từ

Làm cha mẹ tất cả

Cúi lạy Đấng Phước Điền

Tướng chặng mày sáng chói

Như mặt trời sáng trong

Người ở trên Trời Phạm

Không thể nhìn đỉnh Ngài.

Mặt Phật phát hào quang

Nhờ ánh sáng được yên

Soi khắp trăm ngàn nước

Tận cùng ngục vô gián

Lời êm dịu vô cực

Nghi kết giải quyết thông

Tiếng thanh tịnh vô cấu

Cùng khắp Trời, thế gian

Trừ tham, sân, si tối

Soi bằng ánh trí tuệ

Cho an khiến hoan hỷ

Và thị hiện giải thoát.

Hiểu thông suốt ba đời

Sánh cầu không ai bằng

Người biết hạnh chúng sinh

Rõ con đường ác lành.

Quan sát căn nguyên người

Cùng lúc đều nhìn thông

Mở lòng khiến giải thoát

Cúi lạy Đấng Tuệ Thượng

Các ma trăm ngàn ức

Đến đây, cầu Thế Tôn

Uy thần, nguyện công đức

Hàng phục, hóa tâm tà.

Chẳng sân, chẳng nhàm chán

Lực từ bi dẫn đường

Cúng dường Đấng Tôn Quý

Ai dám lười, kiêu căng?

Quán pháp không thật có

Ví chúng như hư không

Như chớp, mù, bèo bọt

Huyễn hóa, cùng sóng nắng

Vốn không, duyên nhau có

Xé không ngã, ngã sở

Tuệ bày pháp sinh tử

Nên chớ chẳng cúng dường.

Sở dĩ vô số kiếp

Ức ức kiếp tu hành

Cúng dường hàng ức vạn

Chẳng thể kể Thế Tôn.

Bố thí, trì giới, nhẫn

Tinh tấn, thiền định, tuệ

Nguyện Ngài đã đầy đủ

Cúi lạy Đấng Đại Hùng.

Đến đây, Vua Rồng biển nói kệ khen Đức Phật này xong, ở trước Đức Phật bạch rằng: Con có điều muốn thưa hỏi! Nếu Ngài cho phép thì con mới dám trình bày!

Đức Phật nói: Điều ông hỏi, nếu có nghi ngờ thì Như Lai sẽ vì ông giảng nói đầy đủ!

Long Vương thấy Đức Phật cho phép thì mừng rỡ hỏi:

Sao gọi là Bồ Tát trừ các đường ác?

Sao gọi là Bồ Tát vượt ra các nạn?

Sao gọi là Bồ Tát sinh Chư Thiên, nhân gian?

Sao gọi là Bồ Tát chẳng lìa các Đức Phật?

Sao gọi là Bồ Tát được gặp bạn lành?

Sao gọi là Bồ Tát thường trụ yên ổn?

Sao gọi là Bồ Tát luôn dốc lòng tin?

Sao gọi là Bồ Tát nhiều hoan hỷ hộ trì?

Sao gọi là Bồ Tát tế độ mọi nhân duyên?

Sao gọi là Bồ Tát lớn thêm thiện pháp?

Sao gọi là Bồ Tát vui mừng tạo cội gốc đức?

Sao gọi là Bồ Tát luôn vui với nghĩa?

Sao gọi là Bồ Tát chẳng nhiễm trước năm ấm?

Sao gọi là Bồ Tát luôn ưa thích pháp?

Sao gọi là Bồ Tát vui với pháp lạc?

Sao gọi là Bồ Tát nghe không chán?

Sao gọi là Bồ Tát thưa thỉnh việc lợi ích quán sát nghĩa?

Sao gọi là Bồ Tát nghe có thể phụng hành?

Sao gọi là Bồ Tát đủ đức xuất gia?

Sao gọi là Bồ Tát lìa chỗ ở thuận với giới?

Sao gọi là Bồ Tát bỏ gánh nặng?

Sao gọi là Bồ Tát thường ở dưới gốc cây?

Sao gọi là Bồ Tát ưa chỗ nhàn tịnh?

Sao gọi là Bồ Tát ở chỗ yên một mình?

Sao gọi là Bồ Tát lìa các dua nịnh?

Sao gọi là Bồ Tát đủ tuệ xuất gia?

Sao gọi là Bồ Tát vào pháp thâm yếu?

Sao gọi là Bồ Tát quán pháp như huyễn?

Sao gọi là Bồ Tát chẳng rơi vào đoạn kiến?

Sao gọi là Bồ Tát chẳng rơi vào thường kiến?

Sao gọi là Bồ Tát vượt pháp nhân duyên?

Sao gọi là Bồ Tát vượt các tà kiến?

Sao gọi là Bồ Tát thần thông tự an lạc?

Sao gọi là Bồ Tát được sáu thông?

Sao gọi là Bồ Tát được tuệ thông

Sao gọi là Bồ Tát lậu tận thần đạo?

Sao gọi là Bồ Tát hiện từ bi không ngăn ngại?

Sao gọi là nhận thức của Bồ Tát không ngại?

Sao gọi là Bồ Tát hiểu rõ sự vận hạnh của tâm chúng sinh?

Sao gọi là Bồ Tát tạo tác không chán đủ?

Sao gọi là Bồ Tát phân biệt lời dạy bảo cho người giáo hóa?

Sao gọi là Bồ Tát hàng phục ma oán?

Sao gọi là Bồ Tát lìa khỏi các sợ sệt?

Sao gọi là Bồ Tát ngăn người thoái chuyển?

Sao gọi là Bồ Tát được không thoái chuyển?

Sao gọi là Bồ Tát chứng được nhẫn bất khởi?

Sao gọi là Bồ Tát qua khỏi các tịnh?

Sao gọi là các hạnh Bồ Tát thanh tịnh?

Sao gọi là Bồ Tát được Đức Thế Tôn thọ ký?

Đức Phật khen: Hay thay, hay thay!

Này Hải Long Vương! Chỉ có ông mới hỏi Như Lai những nghĩa như thế này!

Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ những vấn đề đó!

Long Vương thưa: Thưa vâng, Đức Thế Tôn! Con nguyện ưa muốn nghe!

Đức Phật dạy rằng: Bồ Tát có bốn việc bỏ các đường ác!

Những gì là bốn?

1. Bồ Tát, tâm không làm hại.

2. Đối với chúng sinh luôn hộ trì mười đức.

3. Chẳng nói sai sót của người cũng chẳng khinh mạn.

4. Tự xét lỗi mình chẳng nói cái xấu của kẻ khác.

Đó là bốn.

Lại có bốn việc vượt qua các nạn.

Những gì là bốn?

1. Thường khen Tam Bảo, Phật, Pháp, Thánh Chúng.

2. Có người ưa pháp mà chẳng nhiễu loạn.

3. Chẳng tạo sự nghi ngờ cho người.

4. Có kẻ do dự thì mở đường dẫn lối cho họ.

Đó là bốn.

Lại có bốn việc sinh lên Chư Thiên, nhân gian.

Những gì là bốn?

1. Chẳng bỏ tâm đạo

2. Lại dạy người khác cũng chẳng hủy giới.

3. Tâm nguyện thanh tịnh.

4. Vì người nói Kinh mà phát tâm từ bi lớn.

Đó là bốn.

Lại có tám việc chẳng lìa khỏi Chư Phật.

Những gì là tám?

1. Thường nhớ nghĩ Chư Phật.

2. Cúng dường Như Lai.

3. Khen ngợi Thế Tôn.

4. Tạo hình tượng Đức Phật.

5. Khuyến hóa chúng sinh khiến cho họ thấy Như Lai.

6. Hướng về phương hướng nghe có danh hiệu Phật. Nguyện sinh về nước Phật đó.

7. Chí chẳng khiếp nhược.

8. Thường ưa chánh tuệ vi diệu của Phật.

Đó là tám việc.

Lại có bốn việc được gặp bạn lành.

Những gì là bốn?

1. Chẳng kiêu mạn, không dua nịnh.

2. Thường thêm cung kính.

3. Lời nói thuận nhu hòa mà chẳng tự đại.

4. Thường nhận lấy lời dạy bảo.

Đó là bốn việc.

Lại có ba việc luôn ở chỗ yên ổn.

Những gì là ba?

1. Chẳng cứng nhắc chẳng tạo tác mà chẳng dua nịnh.

2. Trừ các tham, ganh ghét.

3. Thấy người được cung cấp thay họ vui mừng.

Đó là ba việc.

Lại có năm việc thường dốc lòng tin.

Những gì là năm?

1. Thông đạt ưa lực giải thoát.

2. Tích chứa lực công đức.

3. Nhập vào lực báo ứng.

4. Noi theo lực đạo tâm.

5. Đem theo lực ngự pháp.

Đó là năm việc.

Lại có hai việc nhiều chỗ hoan hỷ hộ trì.

Những gì là hai?

1. Chẳng xả hoan hỷ.

2. Chẳng ở tại sân hận.

Đó là hai việc

Lại có hai mươi việc hộ trì mọi nhân duyên.

Những gì là hai mươi?

1. Luôn tin lời Phật dạy.

2. Chẳng chấp trước duyên khác.

3. Việc mình làm tự bảo hộ.

4. Người khác làm người khác chịu.

5. Pháp pháp tương ưng.

6. Pháp pháp soi nhau.

7. Thiện ác báo ứng.

8. Không loạn chẳng thuận.

9. Lòng không tưởng niệm.

10. Không ngã không nhân.

11. Đều không thật có.

12. Cũng không qua lại.

13. Không chỗ đi về.

14. Trừ nhân duyên quả báo.

15. Do tội phước an nguy.

16. Hộ trì các duyên.

17, 18. Các Đức Phật Thế Tôn đều do thanh tịnh mà Thành Đạo.

19, 20. Trừ mọi việc ác nên chúng ta tu hành gốc thiện.

Đó là hai mươi việc.

Lại có hai việc lớn thêm pháp lành.

Những gì là hai?

1. Biết đến ba phẩm.

2. Tu hành không buông lung.

Đó là hai việc.

Lại có hai việc nữa.

Những gì là hai?

1. Vui mừng tạo cội gốc đức.

2. Cũng chẳng tưởng đến báo đền.

Đó là hai việc.

Lại có năm việc thường vui với nghĩa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần