Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tạp - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM TẠP  

TẬP HAI  

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn hiện lại sắc tướng oai thần chói sáng.

Ngài cầm tay Chỉ Man dẫn về Tinh Xá Kỳ Hoàn, bảo các Tỳ Kheo:

Các thầy hãy độ cho Chỉ Man này thành Tỳ Kheo.

Như lời Phật dạy, Chỉ Man được độ thành một Đạo Nhân.

Sáng hôm sau, thầy đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực.

Lúc bấy giờ, trong cổng thành có một thớt voi cái mang thai sắp sinh, nhưng chưa biết khi nào mới sinh.

Khi trông thấy thầy Sa Môn từ xa đến, người chủ voi liền ra đón rước và nói: Nếu thầy giúp con voi sinh được ngay bây giờ thì được vào thành khất thực, bằng không có khả năng giúp voi sinh thì không được vào thành khất thực.

Thầy Tỳ Kheo đáp: Tôi trước không tụng câu chú cho việc này. Xin ông đợi một chút, tôi về chỗ Đức Thế Tôn học thuộc bài chú, rồi trở lại đây mà đọc Thần Chú giúp con voi sinh nở.

Lúc ấy Tỳ Kheo Chỉ Man liền về ngay chỗ Phật, đầu mặt lạy dưới chân Phật, bạch: Bạch Đức Thế Tôn, khi nãy, con vào thành khất thực gặp trong cổng thành có một con voi cái sắp sinh, người chủ voi muốn con đọc chú giúp sức cho voi được sinh, sau đó mới được đi khất thực. Cúi mong Thế Tôn dạy cho con bài chú ấy, giúp con voi sinh, để con được đi khất thực.

Đức Phật bảo Chỉ Man: Thầy hãy đến đó dùng lời này mà chú nguyện rằng:

Giờ đây, tôi chí thành chú nguyện: Từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa hề sát sinh. Nghe lời chí thành này, con voi sẽ sinh ngay, không nhờ nguyên nhân nào khác.

Lúc bấy giờ Ương Quật Ma học lời chú ấy với Phật, liền đến chú nguyện cho voi, voi sinh con được an ổn.

Lúc ấy, mọi người đều khen ngợi: Tốt đẹp thay! Thật là chuyện lạ lùng nhất trên đời này.

Ông Chỉ Man này, từ trước đến giờ giết người nhiều không kể xiết, thế mà ngày nay lại tự chú nguyện rằng: Từ khi sinh ra đến giờ, tôi không sát sinh. Nghe lời chí thành này, khiến voi sinh ngay, không nhờ nguyên nhân nào khác…

Thầy liền được vào thành, dân chúng trong các hang cùng ngõ hẻm trông thấy Chỉ Man đến, trong số những người ấy, hoặc có người mà cha mẹ, anh em, vợ con họ bị Chỉ Man sát hại. Họ đều chạy đến trả thù, hoặc cầm dao gậy, ngói đá đánh đập Chỉ Man nhừ tử, khiến đầu thầy chảy máu, thân thể đầy thương tích, y rách, bát vỡ. Thầy vội bước nhanh ra khỏi thành, hoàn toàn không xin được món gì.

Thầy về chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Phật rồi trình bày việc ấy. Đức Phật biết lý do tại sao Chỉ Man phải chịu quả báo đến mau quá vậy. Đức Thế Tôn bèn từ từ nói pháp cho nghe, ngay tại chỗ ngồi Chỉ Man chứng quả Tu Đà Hoàn, cho đến quả A La Hán, đầy đủ sáu thứ thần thông.

Lúc bấy giờ Vua Ba Tư Nặc liền nhóm họp bốn thứ binh: Binh ngựa, binh xe, binh voi, binh bộ, để tiến đánh Ương Quật Ma La ở khu vườn kia.

Nhưng vừa ra khỏi thành Xá Vệ thì Vua nghe người đi đường bảo nhau: Tên cướp nguy hiểm Ương Quật Ma La kia đã xuất gia theo giáo pháp Như Lai và được làm Tỳ Kheo rồi.

Vua ra lệnh ngừng binh và vào ngay Tinh Xá Kỳ Hoàn để ra mắt Đức Thế Tôn.

Lúc ấy Đức Phật biết Nhà Vua đang tới, Ngài liền dùng thần lực che khuất Ương Quật Ma La, không để hiển lộ. Vua Ba Tư Nặc đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Nhà Vua: Đại Vương trang bị đầy đủ chiến cụ, nhóm họp bốn thứ binh định đi đâu?

Nhà Vua bạch Đức Phật: Trong nước có tên cướp Ương Quật Ma La, y chiếm cứ nơi hiểm yếu, làm giặc bạo ngược vô đạo nên con nhóm họp bốn binh chúng định đi tiêu diệt hắn. Nhưng đi dọc đường, con nghe người ta bảo Ương Quật Ma La đã được Như Lai giáo hóa, được xuất gia.

Chẳng hay người ấy hiện giờ ở đâu?

Đức Phật biết ý Vua, Ngài liền thu về thần túc để Vua trông thấy Ương Quật Ma La. Vừa trông thấy, Vua sợ hãi té nhào xuống đất. Các quan đỡ Vua dậy, rảy nước cho Vua tỉnh.

Đức Phật bảo Vua: Đại Vương may mắn chỉ gặp sợ hãi nhỏ! Người kia, giờ đã chứng quả A La Hán rồi. Nếu Vua đến khu vườn ấy mà gặp hình thù trước đây của anh ta, cổ đeo tràng hoa kết bằng lóng tay, mình mẩy dính máu me, tay cầm gươm bén, mặt mày hung ác, thì ngay khi thấy tim gan Đại Vương sẽ vỡ nát mà chết ngay.

Nhà Vua bạch Đức Phật: Ngày nay, Đức Như Lai hàng phục người chưa được hang phục, hóa độ người chưa được độ.

Bạch Đức Thế Tôn, con người ấy từng giết vô số mạng người, nhưng tại sao lại chứng quả A La Hán được?

Đức Phật nói: Vô khổ hạnh, có trước sau, có chín muồi, chưa chín muồi, có khởi đầu có chung cuộc.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát nhân duyên đời trước, Ngài bèn nói bài kệ này giữa đại chúng:

Người trước làm ác

Dùng lành dập tắt

Soi sáng thế gian

Mây tan trăng sáng.

Người trước làm ác, dùng lành dập tắt: Như chàng Chỉ Man kia, giết hại vô số ngàn người, nhờ tám phẩm đạo của Hiền Thánh diệt trừ tội kia, các điều ác đã sạch hết, hoàn toàn không còn gốc rễ, được rốt ráo thanh tịnh, được pháp không còn sinh khởi.

Cho nên nói: Người mà trước đây làm ác, thì nay lấy pháp lành dập tắt tội kia.

Soi sáng thế gian, mây tan trăng sáng: Thế gian có ba nghĩa:

Chúng sinh thế gian.

Khí thế gian.

Ấm thế gian.

Như trăng mùa thu với muôn sao vây quanh, trong đó chỉ có vầng trăng chiếu sáng xa gần, như thầy Tỳ Kheo gây nhiều tội ác, nay các điều ác đã hết, tu hành thanh tịnh, có khả năng cứu giúp rộng lớn đối với đại chúng.

Cho nên nói:

Người đó soi sang cõi thế gian,

Như mây tan trăng sáng.

Người trước làm ác

Dùng lành dập tắt

Ưa đắm thế gian

Hãy nhớ nghĩa không.

Người trước làm ác, dùng lành dập tắt: Làm việc ác đều do ưa đắm. Vợ của Phạm Chí làm việc ác đối với Vô Hại đều do tâm tham ái.

Cho nên nói: Người trước làm ác, dùng lành dập tắt.

Ưa đắm thế gian, hãy nhớ nghĩa không: Tâm tham ái sâu dày vững chắc, trôi lăn trong ba cõi, chịu bốn cách sinh, đi vào năm đường, đều do ưa mến đắm đuối, không thể rời bỏ. Người tu hành phân biệt biết rõ hư vọng, không chân thật, tất cả đều vắng lặng, không đáng nương cậy.

Cho nên nói:

Ưa đắm thế gian,

Hãy nhớ nghĩa không.

Tuổi trẻ bỏ nhà

Siêng tu pháp Phật

Soi sáng thế gian

Mây tan trăng sáng.

Trong Khế Kinh của Phật, có thí dụ về người nài voi.

Khi ấy, người nài voi, dạy đám voi con: Nếu ham vui nơi đồng trống, không bị ai kiềm chế, thì phải chết nơi đồng trống ấy. Lại có đám voi lớn tuổi hơn, không bị kiềm chế, về sau cũng chết trên cánh đồng ấy. Các Tỳ Kheo trẻ tuổi cũng giống như vậy, không được dạy bảo nên phải bỏ mạng. Hạng Tỳ Kheo Trưởng Lão, không được dạy bảo nên phải bỏ mạng. Các thầy Tỳ Kheo nên biết ở đây cũng như vậy.

Voi mới lớn được huấn luyện rồi chết, đám voi lớn tuổi hơn được huấn luyện rồi chết. Tỳ Kheo tuổi trẻ được dạy bảo rồi chết.

Tỳ Kheo Trưởng Lão được dạy bảo, chứng được pháp Thánh Hiền rồi chết.

Tỳ Kheo tuổi trẻ hăng hái tu pháp Phật, không chút thiếu sót lỗi lầm, đầy đủ Phật Pháp.

Thế nào là đầy đủ?

Là vượt thứ lớp mà chứng quả vô thượng.

Cho nên nói: Tuổi trẻ bỏ nhà, hăng hái tu pháp Phật.

Soi sáng thế gian, mây tan trăng sáng: Như trăng mùa thu soi khắp xa gần.

Tuổi trẻ bỏ nhà

Siêng tu pháp Phật

Ưa đắm thế gian

Hãy nhớ nghĩa không.

Tuổi trẻ bỏ nhà: Người dứt bỏ tham dục, ưa đắm được các Trời, A Tu Luân cung kính hầu hạ, các Da Lưu La, Càn Đạp Hòa đều đến thờ phụng, cúng dường.

Cho nên nói:

Ưa đắm thế gian,

Hãy nhớ nghĩa không.

Sống không gây phiền

Chết không buồn lo

Thấy đạo, mạnh mẽ

Được vậy lo gì.

Sống không gây phiền, chết không buồn lo: Từ khi sinh ra đến giờ, không sát sinh, trộm cắp, dâm dật, không phạm mọi điều tà, khi sắp chết, thần thức lắng trong, không kinh sợ, cũng không thấy địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Không thấy ác quỷ, chỉ thấy các điều lành.

Cho nên nói: Sống không gây phiền, chết không buồn lo.

Thấy đạo, mạnh mẽ, được vậy lo gì: Người thấy đế kia đã thoát khỏi năm nạn, dù sống trong cảnh lo buồn nhưng vẫn an nhiên vô vi, cũng không buồn than, kêu khóc, sinh ra các khổ não.

Cho nên nói:

Thấy đạo, mạnh mẽ,

Được vậy lo gì.

Sống không gây phiền

Chết không buồn lo

Thấy đạo, mạnh mẽ

Sáng soi bà con.

Sống không gây phiền, chết không buồn lo: Từ khi sinh ra đến giờ, không làm mọi chuyện ác vì cha mẹ, anh em, bà con họ hàng.

Cho nên nói:

Sáng soi bà con.

Dứt pháp nhơ tối

Học pháp sạch trong

Qua vực, không lui

Không nương, ngăn dứt

Không còn đắm vui

Dứt dục, không lo.

Dứt pháp nhơ tối, thế nào là pháp nhơ tối?

Đáp: Tất cả các kết sử trói buộc, bụi nhơ, tất cả các pháp bất thiện, pháp lui sụt. Các thứ đắm nhiễm sinh tử sẽ dứt, đã dứt, dứt hẳn.

Cho nên nói: Dứt pháp nhơ tối.

Học pháp sạch trong: Thế nào là pháp sạch trong?

Đáp: Là ngừng ý, dứt ý, năm căn, năm lực, thần túc, bảy giác ý, tám chánh đạo, ba mươi bảy phẩm. Nếu có pháp nào lìa sinh tử, được ra khỏi ba cõi cũng gọi là pháp sạch trong.

Cho nên nói: Học pháp sạch trong.

Qua vực, không lui: Vì sao gọi là vực?

Gọi vực là vì nó làm cho người ta trôi lăn trong ba cõi, sinh tử thêm nhiều.

Bởi vực sâu này mà trôi lăn mãi trong vòng sinh tử không biết bao nhiêu lần, đọa trong ba đường tám nạn, cho nên Đức Thế Tôn dạy: Cần phải thoát khỏi bốn vực sâu mà cầu đạo vô thượng.

Cho nên nói: Qua vực, không lui.

Không nương, ngăn dứt: Thế nào là nương cậy?

Nương cậy là nương pháp tham dục, bất thiện.

Thế nên, Như Lai bảo: Bỏ nương cậy, không dính mắc, mới gọi là tu hành chân chính.

Cho nên nói: Không nương, ngăn dứt.

Không còn đắm vui: không đắm nhiễm năm thứ dục lạc, gần gũi pháp luật Thánh Hiền, không bao giờ lìa bỏ.

Cho nên nói: không còn đắm vui.

Dứt dục, không lo: Người ta không đạt được vô vi đều do có tâm tham dục, đắm nhiễm nữ sắc, sinh tâm nhớ nhung sắc đẹp kia với tóc, lông, móng tay, răng, tròn trịa đẹp đẽ. Người tu hành phải giữ tâm, dứt bỏ ý nghĩ ấy, dục tưởng liền dứt, không còn lẫy lừng.

Cho nên nói:

Dứt dục không lo.

Ý ái dục là ruộng

Dâm, nộ, si: Hạt giống

Ai làm việc cứu đời

Được phước không thể lường.

Ý ái dục là ruộng: Thí như ruộng cằn đất hoang, nếu không cải tạo đất, thì cỏ tranh, năng, cỏ ống đua nhau mọc lan tràn làm hại lúa non. Nếu lúa giống không xanh tốt thì không trúng mùa.

Người đắm nhiễm ái dục cũng như vậy.

Cho nên nói: Ý ái dục là ruộng.

Dâm, nộ, si: Hạt giống: Người đang tu tập rèn luyện đức hạnh, phải thường tự quán xét: Nếu người gieo giống công đức thì phải gieo vào đâu để được quả báo tốt?

Đáp: Người bố thí bước vào hoàn toàn không thì ít, mà người bố thí bước vào không thì nhiều.

Tại sao bố thí bước vào không hoàn toàn ít?

Đáp: Các hàng ngoại đạo dị học và Phạm Chí lõa thể Ni Kiền Tử… và người ngu bố thí mong cầu phước báo, họ chỉ được lợi bằng một phần mười sáu. Như ruộng cằn hại lúa tốt, Phạm Chí có hạnh nhơ bẩn thì làm hại gốc lành, bị dâm, nộ, si che phủ nên không sinh đạo quả.

Cho nên nói: Dâm, nộ, si là hạt giống.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần