Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Bảy - Phẩm Thái Tử Tu Xà đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÁI TỬ TU XÀ ĐỀ  

Tôi nghe như thế này!

Một thời Đức Phật trú tại Tinh Xá Vườn Trúc, thuộc nước La Duyệt Kỳ. Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng với A Nan vận y, cầm bát vào thành khất thực. Trong thành có hai ông bà lão đã mù đôi mắt, bần cùng khốn khổ, không nơi nương tựa, ngày đêm chỉ ngủ dưới ngọ môn.

Hai người chỉ có một cậu con trai lên bảy, thường ngày đi ăn xin để về nuôi cha mẹ, xin được hoa quả tươi, thức ăn ngon thì đem về dâng cha mẹ, còn lại đồ hư dở thuộc phần mình. Khi ấy Ngài A Nan trông thấy chú bé còn nhỏ mà biết cung kính hiếu thuận cha mẹ liền đem lòng thương mến, một hồi sau Đức Phật và A Nan khất thực xong trở về Tinh Xá.

Đúng thời Đức Thế Tôn diễn thuyết chánh pháp cho đại chúng. Ngài A Nan quỳ xuống chắp tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sáng nay cùng với Thế Tôn đi vào thành khất thực, con thấy một cậu bé có tâm từ bi rất hiếu thuận với cha mẹ, cha mẹ đều mù, ở dưới cửa thành, đi khất thực cùng khắp nếu được hoa quả tươi tốt, đồ ăn ngon, thì đem dâng cha mẹ, còn đồ hư thối thì mình ăn, thường ngày như thế, thật đáng thương quý!

Đức Phật dạy A Nan: Bất luận là xuất gia hay tại gia mà có lòng hiếu thuận với cha mẹ thì công đức không thể nghĩ bàn, thù thắng khó lường.

Vì sao?

Ta nhớ vào kiếp quá khứ ta có từ tâm, hiếu thuận với cha mẹ, hết lòng hiếu thuận đến nỗi lấy thịt nơi thân mình mà cứu sống cha mẹ gặp lúc ngặt nghèo nguy khốn, nhờ công đức này mà trên Thiên Đế dưới Thánh chủ cho đến nay thành Phật, Bậc Tối Tôn trong ba cõi đều từ phước đức này.

Ngài A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con không hiểu trong thời quá khứ Ngài báo hiếu cha mẹ, không tiếc thân mạng kể cả cắt thịt thân mình mà cứu cha mẹ trong lúc gặp nguy khốn. Sự việc diễn ra như thế nào mong Đức Phật chỉ dạy.

Đức Phật dạy A Nan: Hãy lắng nghe và suy nghiệm cho kỹ.

Ngài A Nan vâng lời và chú ý nghe.

Đức Phật dạy: Này A Nan, vào kiếp quá khứ vô lượng, vô số A tăng kỳ, trong Cõi Diêm Phù Đề này có một nước lớn là Đặc Xoa Thi Lợi, Vua tên là Đề Bà.

Vua có mười vị Thái Tử, mỗi người cai trị một nước, người con út tên là Tu Bà La Đề Trí đời Tấn dịch là Thiên Trúc, cũng cai trị một nước, nhân dân mến chuộng, rất an lạc và sung túc. Vào lúc đó, ở nước của Vua cha có quan Đại Thần tên là La Hầu, ôm lòng phản nghịch giết chết Đại Vương, soán đoạt ngôi Vua, liền cất binh đi thanh toán các Thái Tử ở các nước nhỏ.

Người em út được quỷ thần tôn kính, một hôm ông vào trong vườn để ngoạn cảnh có quỷ Dạ Xoa hiện lên quỳ xuống thưa: Đại Thần La Hầu đã phản nghịch giết Vua cha, bây giờ đang cất quân đi giết các anh của Ngài rồi sẽ cho người đến đây để giết Ngài, Ngài nên tìm cách mà lánh xa cái tai họa đó đi. Khi Vua nghe như vậy, trong tâm bồi hồi lo sợ chờ lúc Trời tối tìm cách lẻn trốn ra đi.

Còn người con trai tên là Tu Xà Đề đời Tấn dịch là Thiện Sinh, vừa mới lên bảy, thông minh tuấn tú, rất là đáng yêu, Vua thương nhớ con, bèn quay trở lại ẵm đứa con trai, buồn khổ than khóc, người vợ trông thấy Vua ra vào hoảng hốt lo sợ, liền hỏi: Có chuyện gì xảy ra mà phu quân ở trong trạng thái bồi hồi lo sợ như vậy?

Vua đáp: Khanh không nên biết.

Bà kéo Vua lại và nói: Thiếp cùng bệ hạ, thân mạng như một, khi gặp hiểm nguy cùng nhau chia sẻ, chớ nên bỏ đi, có chuyện gì nên cho thiếp biết.

Vua liền nói: Ta đang dạo chơi trong vườn có một con quỷ Dạ Xoa hiện lên, quỳ xuống thưa với ta rằng Đại Thần La Hầu đã dấy binh làm phản nghịch, đã giết Phụ Vương ta, đang đem binh lính giết hại các anh ta và nay đang đem quân đến muốn giết hại ta, nên tìm cách lánh đi. Ta nghe như vậy trong lòng lo sợ, ta sợ quân phản nghịch kéo đến rất nhanh, cho nên ta phải cấp tốc ra đi lánh nạn.

Người vợ quỳ xuống thưa rằng: Tâu Bệ Hạ cho thiếp được theo hầu, đừng bỏ thiếp một mình mà ra đi.

Lúc đó Vua cùng vợ và con ra đi đến một nước khác. Lộ trình đi đến nước đó có hai con đường, thứ nhất mất bảy ngày và thứ hai mất mười bốn ngày. Lúc đầu lo sợ chỉ chuẩn bị lương thực cho bảy ngày chỉ đủ một người ăn, nhưng lúc ra khỏi thành do tâm thần hỗn loạn, nên rẽ sang lộ trình mười bốn ngày.

Trải qua vài ngày lương thực đã cạn kiệt, chịu đựng cơn đói dữ dội, không có cách nào khác, vì người con yêu, Vua dự tính lấy thịt của mẹ để cứu sống con. Vua bảo người vợ dẫn con đi trước, Vua ở sau rút đao để lấy thịt người mẹ, bất chợt người con nhìn lại thấy vậy, liền chắp tay thưa với Phụ Vương: Xin Phụ Vương hãy giết con đi, chớ hại đến mẹ con.

Người con hết lòng can gián cứu được mẹ sống và thưa với Phụ Vương: Không nên đoạn dứt mạng sống của con, chỉ cắt dần thịt ăn để vượt qua những ngày khốn khó, nếu dứt mạng sống thì thịt không để lâu được và sẽ bị thối rữa ra. Cha mẹ lòng đau như cắt buồn rầu áo não, không các cách nào khác đành cắt thịt con mà ăn. Ngày ngày ăn thịt con, đến khi gần hết, chỉ còn toàn xương mà chưa đến xứ sở đó, càng lúc nạn đói càng nguy cấp.

Nhà Vua lại cầm đao cắt thêm một ít thịt nữa, đến lúc cha mẹ sắp từ giã, người con thưa: Mạng con sắp chết xin cha mẹ cho con một phần thịt, cha mẹ đồng ý chia làm ba phần, hai phần mang đi ăn và một phần để lại cho con gồm cả da, thịt, mắt, tai, mũi, lưỡi…

Lúc cha mẹ ra đi, người con lập nguyện: Nay ta đem thịt của chính mình dâng lên cha mẹ xin hồi hướng công đức này để mong cầu Phật Đạo, rộng độ tất cả chúng sinh trong mười phương, xa lìa các khổ, chứng nhập Niết Bàn.

Sau khi phát nguyện cả ba ngàn Thế Giới đều chấn động theo sáu cách, Chư Thiên ở trong Sắc và Dục Giới đều ngạc nhiên không hiểu vì sao mà cung điện bị dao động, liền dùng Thiên nhãn quan sát trong thế gian thấy một vị Bồ Tát đem thịt của chính mình mà cúng dường cho cha mẹ để mong cầu Phật Đạo và hóa độ chúng sinh, vì lý do đó cho nên Trời đất chấn động.

Bấy giờ Chư Thiên giáng xuống rất đông, đầy cả hư không, cảm động khóc lóc rơi lệ như cơn mưa lớn.

Bấy giờ có một vị Trời Đế Thích muốn thử tấm lòng của Thái Tử, liền hóa thành đứa bé đến xin, Thái Tử liền cho cả số thịt đang cầm trong tay, rồi lại hóa ra một con sư tử xông tới định vồ Thái Tử, Thái Tử tự nghĩ: Các loài muông thú này muốn ăn thịt ta, ta còn lại ít thịt xương tủy não cũng bố thí cho nó. Sau khi suy nghĩ như vậy, tâm Thái Tử liền hoan hỷ không có hối tiếc.

Đế Thích thấy được chí khí cương nghị của Thái Tử liền hoàn lại nguyên hình đứng trước mặt Thái Tử hỏi: Nay người thể hiện tâm hiếu, lấy thịt cúng dường cha mẹ.

Với công đức này nhằm mong cầu điều gì: Thiên Đế, Ma Vương hay Vua Phạm Thiên?

Thái Tử trả lời: Tôi không mong cầu khoái lạc trong tam giới mà với công đức này để mong cầu Phật Đạo, rộng độ tất cả vô lượng chúng sinh.

Đế Thích lại hỏi: Người đem thân cúng dường cha mẹ có hối hận không?

Thái Tử đáp: Lời hết lòng thành khẩn đem thân cúng dường cha mẹ không mảy may hối hận.

Thiên Đế: Ta thấy người đem toàn thân cúng dường cha mẹ mà không hối hận, việc ấy thật khó tin!

Thái Tử liền phát thệ nguyện: Tôi cúng dường thân nguyện thành Phật Đạo, không có hối hận. Để có sự xác tín, tôi với lời nguyện đó, tôi mong thân thể lại bình phục như cũ. Vừa nói xong, thân thể Thái Tử được bình phục như cũ.

Bấy giờ, Thiên Đế Thích và Chư Thiên cùng nhau nói lời tán thán: Lành thay! Cha mẹ của Thái Tử và nhân dân trong nước đều đến chỗ Thái Tử và ca ngợi là việc chưa từng có.

Khi sự việc xảy ra như thế, có một vị Vua nước lân cận biết rõ Thái Tử có một đức tính cao cả đặc thù như vậy, trong lòng cung kính bội phần, hoan hỷ vô lượng, rồi mời cha mẹ cùng Thái Tử vào cung cúng dường một cách cung kính. Với lòng thương Thái Tử, vị Vua nước lân cận liền cất binh mã cùng với Vua Thiện Trụ và Thái Tử Tu Xà Đề trở về bổn quốc tiêu diệt La Hầu, phục hồi lại ngôi Vua, cha con tiếp tục trị vì, đất nước được thịnh trị, thái bình.

Đức Phật dạy Ngài A Nan: Vua Thiện Trụ lúc bấy giờ chính là Phụ Vương Bạch Tịnh của Ta ngày nay, mẫu hậu chính là Ma Ha Ma Da, Thái Tử Tu Xà Đề chính là ta.

Đức Phật dạy: Này A Nan, trong quá khứ ta đã từng đem thân lấy thịt cúng dường cha mẹ trong lúc nguy khốn, do công đức này được sinh vào nơi cao quý của Trời và người, thọ nhận vô lượng phước đức, cũng từ công đức này mà nay ta thành quả vị Phật.

Trong hội chúng, sau khi nghe Đức Phật giảng về nhân duyên của đời trước tất cả đều thương cảm và ca ngợi hạnh hiếu của Đức Phật rất đặc thù và cao quý. Có người đắc được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hoặc A La Hán, có người phát tâm vô thượng chân đạo, có người trú ở địa vị bất thoái. Tất cả đều hoan hỷ nghe theo và phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần