Phật Thuyết Kinh Hoa Thủ - Phẩm Ba - Phẩm Võng Minh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH HOA THỦ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM BA

PHẨM VÕNG MINH  

Lúc bấy giờ ở phương Ðông nhiều vô lượng vô số các Thế Giới có chúng sanh đồng ở.

Trong số các Thế Giới đó có Đức Phật Hiệu là Nhất Bảo Nghiêm hiện đang thuyết pháp thọ ký cho Ngài Võng Minh Ðại Bồ Tát thành đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nói lời rằng: Vị Ðại Bồ Tát này kế sau ta sẽ thành Phật.

Lúc đó Ngài Võng Minh hỏi Phật rằng: Ánh quang minh rực rỡ và âm thanh vang vọng kia do ai phát ra?

Phật đáp: Ở phương Tây cách đây vô lượng a tăng kỳ cõi nước, có một Thế Giới tên là Ta Bà, ở đó có Đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni hiện đang vì Chư Bồ Tát mà thuyết pháp trừ nghi cho chúng sanh, khiến chúng hoan hỷ trong Kinh Tạng đại thừa. Cõi đó có vị Bồ Tát tên Hoa Ðức Tạng muốn hỏi Đức Phật Thích Ca về pháp môn nào tạo được nhiều công đức.

Phật bảo: Võng Minh ông nên biết, trong các Thế Giới kia, Chư vị Bồ Tát đều phát đại nguyện vô hạn, tất cả đều vân tập trong hội đây, đến từ các Thế Giới rất trang nghiêm ấy.

Chư Bồ Tát ở đó hoặc được thấy hoặc nghe danh vị Bồ Tát kia mà còn được lợi ích như thế, huống gì gần gũi, hỏi han, cúng dường ư?

Lúc đó Ngài Võng Minh bạch Phật rằng: Đúng thế, thưa Thế Tôn! Con muốn qua Thế Giới Ta Bà lễ bái cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, và xem cõi ấy có đầy đủ trang nghiêm chúng Bồ Tát không?

Phật bảo: Ông nên biết thời mà thành tâm để qua cõi Ta Bà Thế Giới.

Tại sao như thế?

Vì Chư Bồ Tát ở đó có oai đức khó sánh kịp.

Ðức Phật Nhất Bảo Nghiêm cầm hoa sen đưa Ngài Võng Minh và nói rằng: Ông đem hoa này sang cúng dường Phật Thích Ca, và cho ta gởi lời ân cần thăm hỏi Ngài có được ít bệnh, ít não, đi đứng được nhẹ nhàng, khí lực có được điều hòa chăng?

Võng Minh Bồ Tát lễ dưới chân Phật xong, đi nhiễu bên hữu ba vòng, lúc đó có vô số Bồ Tát cùng đại chúng trước sau đi nhiễu quanh Đức Phật, như đại lực sĩ, bỗng nhiên mất dạng không còn trông thấy nữa mà hiện ở cõi Ta Bà, vào Trúc Lâm đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con là Võng Minh.

Phật bảo: Lành thay! Võng Minh ông được an lành?

Võng Minh Bồ Tát cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng: Đức Nhất Bảo Nghiêm Phật thăm hỏi Đức Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, đi đứng được nhẹ nhàng, khí lực có được điều hòa chăng?

Ngài đưa hoa này dâng lên Đức Thế Tôn. Phật bèn nhận lấy và đưa hoa cho Ngài Di Lặc.

Ngài Di Lặc nhận hoa xong bèn bảo các Ngài Bạt Ðà Bà La cùng năm trăm vị Bồ Tát rằng: Chư thiện tri thức! Ðức Như Lai đưa tôi những hoa sen này, nay tôi xin trao lại cho các vị. 

Lúc ấy Ngài Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát, Ðại Ý Bồ Tát, Thắng Ý Bồ Tát, Tăng Ý Bồ Tát, Bất Hư Kiến Bồ Tát, Trụ Ý Bồ Tát, Quá Lực Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Trì Thế Bồ Tát, Trì Ðịa Bồ Tát, Việt Tam Giới Bồ Tát, Vô Lượng Lực Bồ Tát, Kim Cang Lực Bồ Tát, Kiên Ý Bồ Tát, Vô Biên Tự Tại Bồ Tát…

Cả thảy năm trăm vị Bồ Tát như thế đều nhận được hoa sen từ Bồ Tát Di Lặc xong, bèn bạch Phật rằng: Bổn nguyện của chúng con là, nếu có chúng sanh nào được nghe tên và gặp chúng con, thì quyết định đều chứng được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bạch Đức Thế Tôn, Ngài Di Lặc Bồ Tát đưa cho con hoa này, nay chúng con đem rải nơi Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai ở phương Ðông, và cũng đem cúng dường Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai các phương Tây, Nam, Bắc, Ðông Nam, Tây Nam, Ðông Bắc, Tây Bắc, thượng phương, hạ phương, mong cho những hoa này rải khắp mười phương vô lượng Thế Giới.

Những chúng sanh trong các Thế Giới ấy, nếu thấy hoa này, nghe mùi thơm của hoa thì phải theo thâm tâm chí nguyện chúng con mà thực hành, bày tỏ xã bỏ tất cả ý lực chúng sanh, thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lúc ấy Chư Bồ Tát đem hoa sen rải ở khắp mười phương Thế Giới. Phật dùng tay sờ lên mỗi hoa sen thân Phật hiện trên đó.

Những vị hóa Phật này từ trên không trung đi đến, cũng phát lời rằng:

Nếu có chúng sanh không tin các pháp không, như huyễn hóa, không tưởng, không duyên… thì, các chúng sanh ấy đối với Phật không phải là bậc thầy và, họ cũng chẳng phải là đệ tử của Phật, rồi liền nói kệ rằng:

Các pháp không vô tướng

Không thủ, không chỗ duyên,

Tất cả đều huyển hóa

Như mặt nước trăng hiện

Chẳng phải không trống rỗng

Bản tánh hằng như vậy.

Chính danh Phật đã nói

Pháp tối thượng vi diệu.

Các pháp không, vô tướng

Cũng lại là vô ngã

Người nào biết như thế

Thì không còn tham tranh.

Người nào ưa pháp ấy

Phật chính danh thầy họ.

Ta nay dùng Phật lực

Du hóa khắp mười phương.

Lúc đó các hóa Phật mỗi vị nói kệ này đến khắp mười phương.

Võng Minh Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn, bổn nguyện chư vị Bồ Tát này thanh tịnh chưa từng có, có thể làm cho chúng sanh hoạn họa, khổ não ở cõi này, cũng như các cõi khác đều được nghe danh tự Chư Bồ Tát, thì chắc chắn chứng được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Chỉ vì Phật và Chư Bồ Tát không muốn sanh ra trong Thế Giới xấu ác này.

Tại sao như thế?

Ví như viên ngọc Ma Ni vô giá có thể trừ hết các khổ não cho chúng sanh để được an vui tịnh lạc. Như người tri thức biết giá trị ngọc quí thì chỉ nghe tới viên bảo châu cũng đã được lợi lạc vô cùng. Tâm suy nghĩ, tưởng tượng, tìm cầu thấy ngọc trong hầm phẩn nhơ uế, với nhiều người thợ khéo nghèo khổ, là những kẻ làm công hèn, đứng bên hầm còn chưa biết được tên bảo châu, huống gì biết được sự lợi lạc của nó.

Những người tìm châu báu lúc đó thấy thế liền nói rằng: Viên bảo châu không thể để khuất lấp chỗ dơ uế như vậy được, trong lúc ấy người nghèo hỏi những người tìm châu rằng: Châu báo đang ở chỗ nào?

Mấy người tìm châu chỉ viên bảo châu mà nói rằng, ông vô trí không biết viên ngọc báu, bèn nói thế này: Tuy ông biết khen viên bảo châu như thế, song chúng tôi không thấy được chỗ lợi ích của ngọc báu.

Lời ông nói không thật, ai có thể tin tưởng được?

Lúc đó người tìm châu liền từ chỗ ngồi đưa ra viên ngọc quí đang cầm tay, nó là hậu quả mà người nghèo phải gặp bao nhiêu vất vả, bệnh tật tranh tụng khổ não bất an.

Bạch Thế Tôn, người cõi Ta Bà cũng thế, tàn hại thôn tính lẫn nhau mà kẻ nghèo hèn hạ tiện là hậu quả của khổ đau, cũng như châu báu ở chỗ đầy nhơ uế bẩn thỉu vậy.

Bạch Thế Tôn, viên ngọc Ma Ni này có thể làm giảm bớt sự đau khổ và làm tăng thêm sự an lạc. Nên biết rằng Đức Phật Thích Ca và Thế Giới Ta Bà đầy đủ Chư Bồ Tát trang nghiêm cũng như châu báu ở bốn phía kẻ bần cùng hạ tiện, và cũng nên biết rằng chúng sanh ở cõi Ta Bà phần nhiều tệ ác, nên hễ nghe tới châu báu là cả nam lẫn nữ đua nhau đi tìm kiếm ở chỗ dơ mà họ cho rằng châu báu làm gì có chỗ dơ như vậy.

Cũng như ta nghe Chư Phật hiện tại trong mười phương đều xưng tán Đức Thế Tôn và cõi Ta Bà có đầy đủ chúng Đại Bồ Tát trang nghiêm, nên muốn đến thăm hỏi đảnh lễ Đức Phật, thấy cõi này chúng sanh phần nhiều khổ não, tội lỗi, xấu ác, thiếu phước đức đầy dẫy khắp nơi.

Bạch Thế Tôn, như viên ngọc báu ở chỗ dơ nên không hiện ra sáng rỡ. Phật và Chư Ðại Bồ Tát ở cõi này cũng thế, không hiện rõ công đức, cũng giống ngọc Ma Ni cái thể của nó vẫn trong sáng tuy ở chỗ dơ vẫn mang lại ít nhiều lợi lạc cho kẻ bần cùng, cũng như nay Đức Thế Tôn ở Thế Giới này chỉ hiện ánh đại quang minh thôi. Phật có sắc tướng sáng rỡ chân thật, có công đức, thần thông và nguyện lực tự tại, song vẫn không hiện rõ.

Bạch Thế Tôn, chúng sanh cõi này căn lành mỏng cạn, chưa đủ sức tin Phật có công đức sáng chói hiển hiện, huống gì là tin được công đức của Chư Ðại Bồ Tát, không thể có được.

Bạch Thế Tôn, như người tìm châu báu, từ chỗ dơ tìm được ngọc quí rồi cầm châu mà đi khỏi. Những người nghèo khổ tới sau gặp sự khổ não, tật bệnh, tranh chấp, các khổ bất an. Sau khi Phật diệt độ, có người đọc tụng, tu tập Kinh Điển như thế vẫn phải sanh vào Quốc Độ của Thế Giới này, thọ nhận bao sự khổ não, thậm chí không được nghe được đến tên Phật Pháp.

Tại sao thế?

Vì chúng sanh ưa làm việc ác, và tàn hại lẫn nhau nên chìm đắm trong đủ thứ khổ não, không tịnh hạnh, hạnh trong sạch, phước hạnh, huệ hạnh nên mất hết lợi lạc.

Bạch Thế Tôn, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu thành Phật Đạo không nên sanh ở cõi này. Người cầu Thanh Văn còn không sanh vào Thế Giới này, huống gì là Bồ Tát.

Tại sao thế?

Vì cõi A tỳ địa ngục như địa ngục cưa xẻ, địa ngục hắc ám, địa ngục nóng bức, địa ngục cách tử… chúng sanh ở trong đó không một giây phút nào an lạc.

Bạch Thế Tôn, ở Thế Giới kia Phật và Chư Bồ Tát thấy chúng sanh trong cõi Ta Bà này cũng như ở trong các địa ngục thọ mọi sự khổ não. Chúng sanh ở cõi Phật khi sanh ra được thường lạc, con đã nói chưa từng có ai tin như vậy.

Bạch Thế Tôn, vì muốn nghe pháp nên vào cửa pháp tịnh, đến chỗ Phật làm sao xưng tán cõi Phật là vui.

Tại sao như thế?

Vì tất cả khổ vui đều vô thường, không có tướng nhất định. Chúng con muốn nghe không khổ, không vui, vô thường chẳng phải thường, vô tưởng phân biệt, không tu chẳng tu, chẳng là không là, không thuyết chẳng thuyết, không thế gian và xuất thế gian, vô lậu chẳng lậu.

Không thật không hư, không có bồ đề và bồ đề phần, không lực chẳng lực, không tối không sáng, không đạo chẳng đạo, không quả chẳng quả, không phát khởi, không trụ, không chỗ này chỗ kia… mong thay Thế Tôn, nay chúng con muốn nghe pháp ấy.

Tại sao như thế?

Vì tất cả điều vui đều do phước đức nhân duyên hư vọng mà có trên đời. Pháp không của Như Lai không hình không tướng, không có mười lực, bốn vô sở úy, không thần thông cũng không thuyết pháp, không khổ không vui, lìa các vọng niệm và tâm sở hành, đạt được các tướng như vậy nên gọi là Như Lai.

Những người vọng niệm cho là thật là hư, là lậu vô lậu, là thế gian xuất thế gian, là cõi chẳng cõi, là lực chẳng lực, là sợ chẳng sợ, là Thánh phước điền chẳng phước điền, là Như Lai, là chúng Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật, là thần thông nguyện lực…

Như Lai đều đã dứt sạch các hý luận này bằng sức vô ngại, vô úy, đối với đại chúng phát ra tiếng sư tử gầm hiện âm thanh của Phật.

Bạch Thế Tôn, Phật cũng có thể ở trong chỗ xấu ác mà tâm không nghĩ ác trong sạch chẳng nhiễm ác sanh tưởng xa lìa. Lại cũng quyết thực hành hạnh xã, đó là hạnh Phật, hạnh Thánh, không như hạnh Thanh Văn và hạnh Bích Chi Phật.

Bạch Thế Tôn, các hạnh không giống nhau ấy không thể sánh kịp cũng không thể làm hoại diệt được.

Vì sao?

Vì người có thừa trí lực cũng không thể biết hết được, chỉ Chư Phật Thế Tôn mới phân biệt rõ các hạnh ấy sâu xa là thế, nhân duyên như thế, vắng lặng như thế, an lạc là thế.

Bạch Thế Tôn, hạnh Như Lai không phải là những hạnh mà chúng sanh không thể làm được. Vì thế, bạch Thế Tôn, hạnh Như Lai không phải là hạnh mà tất cả Thanh Văn, và Bích Chi Phật chẳng thể làm được. Người nào chẳng thấy chỗ sở hành, tức chẳng hành cũng chẳng phải chẳng hành, như hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật đối trong các pháp không có lực hành.

Vì thế, bạch Thế Tôn, chỗ hành của Như Lai là hạnh rộng khắp. Hạnh rộng khắp ấy là Bổn nguyện mà Chư Phật muốn không có biên cương.

Bạch Thế Tôn, pháp này không thể dùng văn tự thuyết được. Vì dùng văn tự thuyết là xa lìa hạnh xả ly này. Pháp ấy là nghĩa thú pháp môn. Nghĩa thú pháp môn có thể mở bày sáu vạn sáu nghìn pháp môn đều làm cho rõ ràng.

Bạch Thế Tôn, Ðức Phật Nhất Bảo Nghiêm thường nói pháp môn ấy cho chúng sanh. Lúc Ngài nói pháp có bảy ngàn chúng Bồ Tát đều chứng được pháp môn giải thoát, tùy thuận hạnh Phật.

Chư Bồ Tát ấy đồng thanh xướng lên rằng: Chúng tôi nay đã chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Giác, sáu vạn chúng sanh cũng đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Giác. Liền trong lúc đó Như Lai thọ ký cho tám trăm ức vạn Hằng hà sa chúng, đối với nghĩa thú pháp môn, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Lại có ba vạn chúng Tỳ Kheo Ni không thọ các pháp lậu hết ý tịnh. Lúc đó Phật mỉm cười phóng quang rực rỡ chiếu khắp các Thế Giới làm chấn động cõi Đại Địa.

Lúc bấy giờ Ngài A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, gối bên mặt quỳ sát đất bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, do nhân gì?

Duyên gì mà Phật mỉm cười phóng quang rực rỡ chiếu khắp Thế Giới, làm chấn động cõi đất như thế?

Phật bảo A Nan: Ngài Võng Minh Bồ Tát lúc nói pháp có bảy vạn bảy ngàn chúng Bồ Tát đều chứng được pháp môn ấy. Võng Minh Bồ Tát trong hư không ở Thế Giới này, đã từng theo tám vạn Chư Phật nghe được pháp môn ấy. Ðã nghe được pháp môn không tịch liền được vắng lặng, thường du hóa đến vô số Cõi Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần