Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thâu Lũ Na - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THÂU LŨ NA
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà trong thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất ở trong núi Kỳ Xà Quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu Lũ Na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ Xà Quật và ghé chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: Có một số Sa Môn, Bà La Môn đối với sắc vốn vô thường, biến dịch, không an ổn mà nói rằng, ta hơn, ta bằng, ta kém.
Tại sao số Sa Môn, Bà La Môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
Cũng vậy, một số Sa Môn, Bà La Môn đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói là: Ta hơn, ta bằng, ta kém.
Tại sao số Sa Môn, Bà La Môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
Có một số Sa Môn, Bà La Môn đối với sắc vốn vô thường, không an ổn, biến dịch mà nói rằng, ta hơn, ta bằng, ta kém.
Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật?
Cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói rằng, ta hơn, ta bằng, ta kém.
Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật?
Này Thâu Lũ Na, ý ông thế nào?
Sắc là thường hay vô thường?
Đáp: Là vô thường.
Này Thâu Lũ Na, nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?
Đáp: Là khổ. Này Thâu Lũ Na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch.
Ý ông thế nào?
Là Thánh Đệ Tử có nên ở trong đó thấy rằng sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?
Đáp: Không.
Này Thâu Lũ Na, ý ông thế nào, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
Đáp: Là vô thường.
Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?
Đáp: Là khổ. Này Thâu Lũ Na, thức nếu là vô thường là khổ, thì chúng là pháp biến dịch.
Ý ông thế nào, Thánh Đệ Tử có nên ở trong đó thấy rằng thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?
Đáp: Không. Này Thâu Lũ Na, nên biết rằng, sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại.
Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả những sắc ấy đều không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu Lũ Na, cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế.
Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả những thứ ấy không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu Lũ Na, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất nói Kinh này xong, Thâu Lũ Na, con trưởng giả, xa lìa được trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, Thâu Lũ Na, con trưởng giả, thấy pháp, chứng đắc pháp, không do từ ai khác, ở trong chánh pháp được vô sở úy, từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối chắp tay, bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng:
Nay, con đã được độ. Từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu Bà Tắc. Từ hôm nay cho đến suốt đời con luôn thanh tịnh quy y Tam Bảo. Khi Thâu Lũ Na con trưởng giả đã được nghe những gì Tôn Giả Xá Lợi Phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Học - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh A Tra Bà Câu Quỷ Thần đại Tướng Thượng Phật đà La Ni Thần Chú
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Ba đường, Ba Thừa - Phần Một