Phật Thuyết Kinh Hoa Thủ - Phẩm Năm - Phẩm Bất Tín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH HOA THỦ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM NĂM

PHẨM BẤT TÍN  

Phật bảo Ngài Bạt Ðà Bà La rằng, đời sau có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di không tu thân, chẳng tu tâm, không tu giới, chẳng tu huệ nghe Kinh nói Chư Phật với đạo giác ngộ, không đắc, không mất, không phân biệt, không dơ, không sạch theo như lời Phật phó chúc, nên sanh tâm nghi sợ bèn đọa vào đại địa ngục.

Họ nghĩ rằng Như Lai không đạt được nhất thiết trí mà nay Kinh này nói, nếu trí không huệ không đủ thông đạt, không thấu rõ câu hỏi hữu vô, nên câu đáp không có thể biết được các tướng.

Những người như thế thấy có đọc tụng, có người nói Kinh này thật đáng thương hại, hoặc họ sanh giận dữ, khởi tâm thù ghét…

Này Bạt Ðà Bà La, ông xem đời sau có những kẻ điên đảo làm hại ta, đối trong giáo pháp, kẻ phản tặc vẫn được tôn quí.

Có thể nói: Như Lai bậc trí tuệ mà còn bị khinh rẻ, như nói Phật không dừng lại nơi Tăng phòng, hay Tịnh Xá. Ta đem pháp tự nhiên Vô Sư này ra giảng giải giữa đại chúng cũng giống như tiếng sư tử gầm, thì những kẻ ác tâm kia không biết Như Lai và pháp Như Lai. Vì không biết nên mắng trách trong pháp ấy khởi ra loạn tưởng, tức sanh lòng mắng trách.

Tại sao?

Vì những người đối với pháp sanh tâm tham chấp cho đến các thiện pháp nên cho rằng Như Lai bị mắng trách. Họ dùng những lời mắng trách xưng tán pháp, nên gọi là trong hàng Sa Môn họ là bọn giặc thầy Chùa, cũng trong hàng Sa Môn họ là bọn Chiên Đà La, trong Tăng Đoàn họ làm lũng đoạn hàng ngũ, theo mưu sâu của ngoại đạo chấp đoạn, chấp thường khởi tâm phân biệt đắm trước các pháp.

Này Bạt Ðà Bà La, Như Lai đã nói chánh kiến thế gian có thể là các pháp hí luận theo lẽ sanh tử, nên muốn cho chúng sanh biết nghiệp, quả báo. Những kẻ ngu si như thế đối với giáo pháp sanh lầm tưởng nhất. Này Bạt Ðà Bà La, bọn Phạm Chí vấn tóc cũng nói tới nhân duyên, tội phước của thế gian. Nếu cho đó là bồ đề thì bọn Phạm Chí cũng chứng đạo quả.

Này Bạt Ðà Bà La, bọn Phạm Chí này sau khi ta diệt độ tự cho rằng đã thấy biết hết nên có sự sai lầm cần xa lánh họ. Ở trong giáo pháp ta mà cầu xuất gia, hễ đã xuất gia thì phải đạt được Phật Pháp.

Này Bạt Ðà Bà La, ông xem đời sau, những người ngu si ấy quá lắm không thể nói hết được, là bọn Phạm Chí thờ lửa. Những người ngu như bọn Mạt Ca Lợi, Phú Lan Na… đem chỗ ta nói chánh kiến thế gian thuận lẽ sanh tử, nghiệp duyên, quả báo làm pháp hý luận, cho đó là trí huệ cao tột.

Những người như thế chỉ hủy báng Phật và Phật Pháp, họ không thể thấy biết mà điều quan trọng là ra khỏi sanh tử. Ta cho những người này không kham nổi được đạo ta.

Tại sao như thế?

Vì họ không trải qua vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp tích tập Phật Pháp như ta, mà chỉ dùng chút ít nhân duyên để hủy hoại Phật Pháp. Những người như thế đối với Như Lai chỉ gây ra lỗi quấy hại Phật thôi.

Này Bạt Ðà Bà La, những gì là xưng tán Như Lai, tùy thuận ý Như Lai mà thuyết pháp?

Như đối với các pháp không tham, không tranh, không khởi niệm, không tạo tác, vô tướng, vô vi vượt ra khỏi ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai mà nói pháp. Người như thế là kẻ xưng tán Phật, tùy ý thực hành, ấy là chính danh Phật Tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh. 

Này Bạt Ðà Bà La, người như thế có thể đọc tụng, vấn đáp những Kinh Điển như thế này. Ấy là kẻ tùy ý thực hành, như pháp mà nói, theo pháp mà hành, được ta gia trì thần lực. Người như thế trước đây đã từng thọ sự chỉ giáo của ta. Ta được khuyến thỉnh lập pháp tràng, thổi đại pháp cụ, giống trống đại pháp, trương cờ Pháp Bảo, vì chỗ tri thức của Chư Phật.

Người như thế tỏa hoa công đức ở nơi thường lạc, hàng phục ác ma. Trong đời ít thấy được người lợi ích như thế, nhờ thế mới có thể gánh vác đảm đương nổi đạo vô thượng.

Vì niệm nghĩ đến Chư Phật, Chư Bồ Tát có thể làm cho pháp nhãn thanh tịnh. Ðối với các pháp không còn chướng ngại nên làm vui ý Phật. Phật nghe người như thế thân cận tôn phụng trao gởi chánh pháp, và cả các công đức để họ tự trang nghiêm.

Ấy là bậc có trí huệ cao tột! Ta vì kẻ có học mưa rải nước đại pháp làm cho Phật Pháp Tăng trưởng, tỏa hoa giác ngộ, kết quả giải thoát làm tòa Đạo Tràng, chứng nên Phật Quả, chỉ đường cho chúng sanh, quảng bá chánh pháp làm cho chúng sanh được mãn nguyện.

Này Bạt Ðà Bà La, ta nay lược nói công đức của người như thế, nếu nói rộng hơn nữa cũng ít người tin hiểu. Người như thế là kẻ xưng dương Đức Phật, tán thán Phật Pháp.

Này Bạt Ðà Bà La, như người chưa thấy ao A Nậu Ðạt, còn như đã thấy liền nói lời này: Ao này cùng các ao lớn đâu có gì khác lạ. Người kia dù muốn ca ngợi ao, song lại làm thương tổn vậy.

Này Bạt Ðà Bà La, những người ngu si này không có một mảy công đức, không đạt được pháp như thế, không có trí huệ. Họ đem chánh kiến hữu lậu thế gian và cái sanh tử nhiễm ô mà xưng tán ta, nói lời rằng, trí huệ Như Lai đối với trong pháp này không còn chướng ngại.

Tuy họ muốn khen ta mà là hủy báng ta. Cũng như người ngu nghe nói màu vàng của vàng, sau khi nghe người ta đồn vàng ở Diêm Phù Ðàn hình dạng hơn hẳn không tin, cho rằng, ông chớ có nói như thế, màu sắc thật của vàng không giống như ông nói.

Những người ngu si cũng thế, không có mắt đui mù không trông thấy chỉ nghe người ta nói tới tên Phật, tên pháp. Họ chỉ nghe Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp sanh trong Cung Vua, quyến thuộc xum vầy mà xuất gia học đạo, có đầy đủ giới, định, chớ không nghe được tướng chân thật của Phật Pháp và chân pháp tướng mà cho pháp đó là tất cả trí, gọi đó là Như Lai. Họ cũng không nghe Như Lai diễn thuyết, lấy gì cho là tướng, là pháp, là phi pháp.

Người kia có khi được nghe Kinh Phật nói cái chân thân như thật của pháp tướng liền sanh nghi, cho rằng, có pháp như thế sao?

Có thật như vậy không?

Như người mù nghe nói màu vàng của vàng, sau khi có người nói tới vàng Diêm Phù Ðàn sanh nghi, không tin là có vàng thật như thế.

Như có người ngu nghe nói tới biển lớn rộng ngát mênh mông đo được ba vạn do tuần, đáy sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, có vô số châu báu trong biển, nước biển thuần một vị mặn không tăng không giảm.

Người ấy không tin, nghĩ rằng, các dòng nước chảy đều dồn vào biển tại sao không tràn, lại rộng sâu như thế?

Dù có châu báu, nhưng ai có thể lấy được nên cho rằng không có biển sâu như thế. Người si mê cũng thế, chỉ nghe nói tên Phật, tên pháp, chứ không nghe tới công đức cao sâu, trí huệ pháp tướng chân thật, hoặc nghe Kinh nói tới rốt ráo Niết Bàn, được vô lượng Pháp Bảo, đạt đến đại giải thoát, làm cho chúng sanh được con mắt vô ngại của Phật.

Các pháp không tăng không giảm, trí huệ vô biên vô bờ, công đức vô cùng vô tận khó dò tới ngằn mé. Tất cả chúng sanh không thể đo lường, cũng không dễ gì làm hoại được.

Ví như đại hải không lưu giữ thây chết, Phật Pháp cũng thế, những kẻ tà kiến xấu ác, mất huệ mạng không thể ở trong Phật Pháp.

Cũng như biển cả chỉ có một vị mặn, Phật Pháp cũng như thế, thẳng đến Niết Bàn, là vị giải thoát. Người ngu si nghe thế không thể tin hiểu, cho rằng không thể có như vậy, pháp ấy không chân thật.

Này Bạt Bà Ðà La, quán xét người ngu si ấy, không biết từ đâu sanh ra rồi đi về đâu?

Sau khi chết sẽ tới chốn nào?

Trong đời quá khứ người kia đã làm hạnh gì mà không biết nghiệp duyên, không biết quả báo. Ở đời vị lai nên hành pháp gì, được quả báo gì để thực hành trí đạo, là biết hành đạo.

Nếu người ngu si ấy ở trong giáo pháp sanh tưởng phi pháp, ta khá chê họ không biết nghĩ tới pháp chân thật. Sau khi ta diệt độ họ không thể nương theo Kinh Điển tu hành.

Này Bạt Ðà Bà La, ta đã nói trong các Kinh, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người hủy báng Phật Pháp Tăng, các thầy cũng chớ nên sân hận lo buồn mà nên nghĩ thế này: Nếu chúng ta sanh tâm sân hận thì chảng phải hàng Sa Môn, cũng chẳng phải pháp Sa Môn, không hợp với đạo. Nếu Sa Môn không theo đúng pháp thì rốt cuộc không thể hiểu rõ thông suốt pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần