Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Mười Hai - Phẩm Chúc Lụy Pháp Tạng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
HOẰNG ĐẠO QUẢNG HIỂN TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM CHÚC LỤY PHÁP TẠNG
Bấy giờ Đức Như Lai đến núi Thứu rồi, liền bảo Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ và chúng Bồ Tát: Này các Tộc Tánh Tử! Nên đem đạo phẩm thưa hỏi của A Nậu Ðạt này trùng tuyên rộng rãi, khiến cho người chưa nghe thì được nghe.
Bồ Tát Từ Thị và Nhuyến Thủ đồng bạch Đức Phật: Cúi mong Đức Như Lai dủ lòng từ bi nói cho. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền phóng ra hào quang, sắc của hào quang vô số màu, đất trời chấn động, cho đến sáu lần.
Hào quang chói sáng khắp cả mười phương, các vị Bồ Tát đáng kính, đầy đủ thần thông ở mười phương Cõi Phật liền tìm ánh sáng bay đến. Họ đều cúi lạy Đức Phật rồi ngồi vào tòa.
Vua A Xà Thế, phu nhân, thể nữ, Thái Tử và quyến thuộc, thần dân, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Phạm Chí, Học Giả cả nước, thấy ánh sáng này, lại nghe Đức Như Lai từ ao vô nhiệt trở về, họ đều bỏ công việc đang làm đến núi Thứu.
Họ đến trước Đức Thế Tôn nghiêm túc cung kính, chắp tay đảnh lễ, thăm hỏi Đức Như Lai sức khỏe có dồi dào chăng?
Họ liền thối lui, ngồi nhìn Đức Phật mà không thấy chán. Thân ánh sáng của Đức Như Lai, đều chiếu sáng khắp vô số Thế Giới, Chư Thiên, địa ngục, chúng sanh nơi tăm tối, không đâu mà không chiếu đến, tại các địa ngục đều rực ánh sáng.
Lại nữa, hào quang ấy phát ra tiếng nói: Ðức Như Lai Năng Nhân ở tại ao vô Nhiệt, rông nói yếu pháp đạo Phẩm Thanh Tịnh. Nay Ngài trở về Thứu Sơn lại tuyên hóa tiếp. Lại nữa, tiếng nói ấy thấu đến các địa ngục. Các loại chúng sanh ở địa ngục trong mười phương, đã bị thống khổ, tức thì được thoát khổ.
Họ từ xa đều thấy Đức Phật và các chúng hội, nên tự xót thương than thở rằng: Than ôi! Ðức Thế Tôn! Chúng con chụi sự khổ thống này, bị sự thương xót trong vô số địa ngục. Lửa bốc cháy sáu bề, thiêu đốt khổ não, dao nhọn cắt thân thành vạn mảnh, bị nạn nước đồng sôi, các thứ biến hóa, các khổ thay nhau bức bách chẳng thấy mặt trời, mặt trăng đâu cả.
Lành thay! Thưa Đức Thế Tôn được kính thờ Đức Như Lai được nhờ đạo hóa của Phật nên được thoát ba khổ. Chúng con đời trước, tuy gặp Chư Phật, không thọ pháp hóa, nên mới bị các khổ này. Mong nhờ Như Lai đã thuyết pháp phẩm khiến cho các tội ương của chúng con trở thành nhẹ nhành.
Ngay khi ấy tất cả chúng sanh ở địa ngục trong mười phương có đến một vạn ức ngàn người, đều phát đạo ý Vô Thượng Chánh Chân.
Từ xa, vâng theo lời Phật Thánh, đồng nói rằng: Tất cả khổ thống vốn là thanh tịnh. Ai hiểu nguồn gốc thì không điên đảo, chúng con chỉ ngồi mà không hiểu rõ, cho nên mới chịu vô số các khổ trong các địa ngục. Mong Ngài khiến cho tất cả chúng sanh mau hiểu chánh chân.
Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ và Tôn Giả A Nan: Này các Tộc Tánh Tử! Nên siêng năng thọ trì yếu thuyết của Kinh này, gìn giữ đọc tụng, để lưu bố rộng rãi. Vì người học hỏi diễn nói pháp này, bảo cho tứ chúng gia tâm tu tập. Ðây là yếu hạnh của huệ, là sự tích biện của câu nghĩa.
Nếu Tộc Tánh Tử và Tộc Tánh Tử nữ phát tâm hoan hỷ, ưa thích Kinh này, nên vì họ giải thích sự thâm áo, tàng chứa, các nghĩa sâu kính của nó.
Ðây là ngôi nhà đầu tiên của đạo, là chỗ quay về của các Kinh, là sự tích yếu của Chư Phật, vi diệu vô lượng. Nếu như truyền trao Kinh naỳ hãy khiến cho câu, chữ rõ ràng, phân minh không thêm bớt.
Lại nữa, tùy theo Tộc Tánh! Hoặc là hiền nam hay nữ, ở thời quá khứ, hằng sa Chư Phật đã làm công đức, thi hành các thức công đức, trì tụng những điều thuyết pháp của Chư Phật, phải chuyên tập luôn luôn, siêng năng phụng hành.
Hoặc lại có người bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Thực hành Lục Độ này trải qua trăm ngàn ức kiếp, phụng thờ Chư Phật và các đệ tử của các Ngài bằng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men, hương hoa, kỷ nhạc, dâng cúng các nhu cầu.
Lại tạo Tịnh Xá chỗ kinh hành. Phụng thờ cung kính như vậy không thể kể xiết, cho đến lúc các Đức Thế Tôn đã Bát Nê Hoàn.
Vì các Đức Như Lai đựng Tháp bảy báu cúng dường Tháp của các Đức Như Lai bằng hương hoa, kỹ nhạc, dải lụa màu, phướn lọng, lại thêm đốt hương thắp đèn. Lại treo các ngọc báu dạ quang, minh nguyệt.
Cúng dường như vậy nhiều vô số kể. Người đã làm, tập hội các đức hạnh như đã kể, nhưng cũng hoàn toàn không bằng Tộc Tánh nam hay nữ đã được một lần nghe Long Vương A Nậu Ðạt hỏi về ý nghĩa phẩm pháp để giải quyết các hồ nghi.
Vì Sao vậy?
Vì pháp tạng này xuất sanh ra trí tuệ cùng tột là yếu hạnh của Chư Phật và Bồ Tát. Huống chi vị ấy lại phụng trì, tụng và đọc. Nhờ không có tâm hồ nghi nên hiểu rõ sự thâm diệu. Lại đem điều nghe được tuyên thị lưu bố, các công đức của người ấy không thể so lường được.
Bấy giờ Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ và Hiền Giả A Nan đều bạch Đức Phật: Thật là chưa từng có! Ðúng vậy, thưa Thế Tôn! Nếu Đức Như Lai đem lòng từ đến tất cả, làm họ phát khởi lòng đại bi, vì quá khứ, vị lai, hiện tại các Bồ Tát, Hành Giả, Thiên, Long, Quỷ Thần, các chúng sanh trong mười phương, rộng nói ý nghĩa của đạo phẩm vô cùng thanh tịnh của pháp này.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu Tộc Tánh Tử và Tộc Tánh nữ nghe Kinh Long Vương A Nậu Ðạt thưa hỏi để giả quyết hồ nghi này, mà không liền thọ trì luyện tập, đọc tụng, lại không tuyên bố rộng rãi cho các người tập học, cũng không khởi tâm khuyến trợ họ, nên biết Tộc Tánh nam và Tộc Tánh nữ ấy bị chúng ma, quyến thuộc của ma, và tà ngoại đạo sai khiến, thường ở trong lưới hồ nghi trói buộc.
Khi ấy Đức Phật khen ngợi: Vui thay lời nói ấy, các ngươi hãy khuyến dụ, khích lệ tất cả, khiến cho họ tập pháp này, làm cho họ thực hành tương ưng.
Ðức Như Lai lại nói: Nên lấy Kinh này, thường vì bốn chúng tuyên bố rộng rãi.
Bấy giờ Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ, Hiền Giả A Nan bạch Đức Phật: Thưa vâng! Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thọ trì, tuyên bố, diễn giảng pháp này.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì?
Làm sao để phụng hành?
Ðức Thế Tôn bảo rằng: Này các Tộc Tánh! Kinh này tên gọi là Long Vương A Nậu Ðạt thưa hỏi để giải quyết các hồ nghi, phẩm pháp thanh tịnh. Cũng có tên Hoằng Ðạo Quảng Hiển Ðịnh Ý. Phải siêng năng thọ trì yếu nghĩa của Kinh này.
Lại nữa, này các Tộc Tánh Tử! Ðạo phẩm này là trân bảo vì nó hộ trì biển sâu thẩm của các pháp. Bồ Tát Từ Thị Đồng Tử Nhuyến Thủ, và các Bồ Tát Thần thông đến dự hội, Thích, Phạm.
Trì Thế, Thiên, Long, Quỷ, Thần, đồng thanh bạch Đức Phật: Thật hay! Thưa Như Lai! Chúng con rất thích nói pháp này.
Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ ở tại tụ lạc, cõi nước, huyện ấp, nếu có người thực hành pháp này, chúng con sẽ cùng nhau suốt đời hộ trì họ. Nếu có ai nghe pháp này, chúng con sẽ làm cho họ không bị tà sai sử. Chúng con cũng sẽ hộ trì Kinh này, khiến cho Kinh được lưu bố rộng rãi, thường không gián đoạn.
Ðức Phật khen ngợi Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ, và các Bồ Tát: Lành thay! Này các Tộc Tánh Tử! Các ngươi đã nói là sẽ khuyến trợ các Bồ Tát hữu học ở thời đương lai, thật là hết sức tốt đẹp. Ðức Phật nói như vậy xong, mười phương các Bồ Tát thần thông đến dự hội, bảy vạn hai ngàn người đều được Hiển Ðịnh. Năm vạn bốn ngàn Thiên, Long, Quỷ và người đều phát đạo ý Chánh Chân Vô Thượng, năm ngàn Trời, người được sanh pháp nhẫn.
Long Vương A Nậu Ðạt Bồ Tát Từ Thị, Đồng Tử Nhuyến Thủ, tất cả Bồ Tát, Hiền Giả A Nan, bốn chúng đến dự hội, và các Thiên, Long, các loại Quỷ Thần, người và chẳng phải người, nghe Đức Phật thuyết như vậy, ai cũng hoan hỷ, cúi lạy dưới chân Đức Phật, rồi ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba