Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện ông Thẩm Lõa Hình
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG
VỀ CHUYỆN ÔNG THẨM LÕA HÌNH
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bây giờ, có một vị Quốc Vương cùng với một người nữ Phạm Chí sinh được một đứa con trai, đặt tên là Chí Thành, người này theo học một phái ngoại đạo là phái lõa hình, lấy đó làm tên, gọi là Lõa Hình Tử.
Ông ấy trí tuệ thông minh, có sự hiểu biết khác lạ hơn người, ở những nơi chốn thuyết giảng luôn hàng phục được nhiều đối tượng, đối với các thứ Kinh Điển không chỗ nào là không thông tỏ, tiếng tăm được bàn tán khắp trong ngoài triều, thấu đến tai Đức Thế Tôn.
Người theo phái lõa hình kia có bốn chị em do Phạm Chí sinh, đều theo học các phái ngoại đạo: Một tên là Thao Than, hai là Hưng Tham, ba là Kim Thành, bốn là Thành Tuyết. Lõa Hình Tử sai bốn người này đến chỗ Đức Phật, muốn dò xét Đức Thế Tôn nên hắn buộc họ phải tiếp nhận các phép tắc, cùng học Kinh Điển để sau này về nói lại cho hắn.
Lúc ấy, bốn chị em bàn với nhau: Chúng ta đến chỗ ông Sa Môn Cù Đàm để dò xét về những hành động, cách thức sinh hoạt tu học, cố nắm lấy chỗ sở trường, sở đoản của ông ấy. Bàn xong, họ liền đến chỗ Đức Phật, lìa bỏ gia đình, thảy đều xin làm Sa Môn, thọ giới pháp đầy đủ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thường lấy các việc đời trước để dẫn dụ nhằm khai thị giáo hóa họ, chỉ rõ cội nguồn, chỗ các căn phải theo cùng gốc của mọi công đức, nhờ đó họ dứt bỏ hết mọi thái độ cao ngạo, kiêu mạn, chứng được quả A La Hán.
Khi ông Lõa Hình Tử hỏi các chị em về công việc dò xét ra sao thì những người con gái ấy đã dùng không biết bao nhiêu lời hay tốt để tán thán Đức Thế Tôn, ca ngợi sự nhiệm mầu không gì hơn của Kinh Điển và giới luật do Phật dạy. Lõa Hình Tử chẳng chịu nghe lời tán thán của họ.
Hắn nói: Nhiệm vụ của các ngươi đến đó là để dò xét và làm rối loạn đạo pháp, nay thì ngược lại, các ngươi đã bị ông Thế Tôn thu phục làm cho mê hoặc, bị lừa dối rồi!
Ví như có người vào trong nước nhằm để rửa bỏ mọi thứ dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ, nhưng trái lại thì bị chết chìm trong ấy.
Các ngươi là như vậy đó!
Muốn đến dò xét để hủy hoại ý đạo, xem xét mọi hành động, cách sinh hoạt để nắm lấy cái sở trường, sở đoản của họ, ngược lại, các ngươi đã bị ông Cù Đàm mê hoặc, tự đắm chìm để chết trong ấy, không thể cứu được nữa rồi.
Ví như có người đi vào rừng cây trái, muốn hái được nhiều quả ngon, nhưng lại bị các loài thú dữ như cọp, sói ăn thịt mất xác chẳng còn trở về.
Các ngươi cũng thế!
Các ngươi đến đó là nhằm dò xét ông Sa Môn Cù Đàm, nắm lấy phép tắc, mọi sinh hoạt, cái hay cái kém để về nói lại với ta, nhưng trái lại thì bị chìm ngập trong ấy, bị ông Cù Đàm mê hoặc.
Ví như đối với loài rắn hổ mang, trùng độc hoặc người hung hãn hãy còn có thể gần gũi, tin tưởng, vui thích, có thể có được các phép tốt lành, yên ổn, chứ còn đối với ông Thế Tôn Cù Đàm thì mong cầu có được công đức ấy tức ý nghĩa của sự yên ổn thì chắc chắn là không thể được.
Các người con gái đáp: Đạo đức của Đấng Thế Tôn trừ khử được cho con người các độc hại của loài rắn dữ, các thứ lỗi lầm, ô uế, khiến cho mọi người đạt được yên ổn, tịch tĩnh. Hư không còn có thể có tỳ vết, chứ Đức Như Lai Thế Tôn thì chưa từng có chút thiếu sót, sai lầm.
Nam nữ, ai được nhìn thấy Ngài không ai là không được yên vui. Ngài đã vì chúng tôi mà thuyết giảng những ý nghĩa mầu nhiệm, tuyên dương đạo pháp khiến chúng tôi rất vui mừng, nên cung kính đảnh lễ xin quy y.
Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo Tăng thưa bày đầy đủ với Đức Phật: Thưa Đức Thế Tôn, chúng con thấy ông ngoại đạo Lõa Hình Tử dùng những lời không tốt để bài báng đạo giáo của Đức Phật, lại quở trách những người con gái kia:
Nào là tại sao các ngươi lại quy mạng ông Thế Tôn, nào là các ngươi phải quan sát mọi sinh hoạt ở đây, phải nắm lấy chỗ mạnh, chỗ yếu của Phật để báo lại cho ta biết, nào là các ngươi trái lại đã bị mê hoặc, đã bị chết chìm trong ấy không thể tự cứu được.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Lõa Hình Tử sai bốn người có gái ấy đến là nhằm dò xét ta, muốn nắm lấy chỗ hơn kém của ta. Nhưng ta không chút tỳ vết thì tìm đâu ra khuyết điểm. Ta nhân đấy liền khai thị giáo hóa cho, khiến cả bôn người đều được độ, chứng được đạo quả Vô Trước.
Đức Phật kể: Về đời xa xưa, có một vị Quốc Vương tên là Ca Lân cùng một vị Quốc Vương khác kết oán thù với nhau. Muốn phá hoại vị Quốc Vương kia nên Vua Ca Lân sai bốn người con gái trẻ trung, diễm lệ, nhan sắc tuyệt vời đến thăm dò để nắm lấy chỗ mạnh, chỗ yếu của nhà Vua ấy, ngầm làm giặc bên trong.
Đám nữ đó đến chỗ Vua A Chi và được Vua chấp thuận. Vua A Chi có bà Thái Hậu đáng kính, đoan chánh, đẹp đẽ, ai cũng tôn quý, uy thần lồng lộng, phước đức thù thắng vô lượng, không có chút tỳ vết, nhơ uế, nhu hòa hiền hậu, tiếng lành vang xa.
Các con gái của Vua Ca Lân ca ngợi: Công đức của Vua A Chi thật trên đời hiếm có, danh tiếng đồn xa, tám phương, trên dưới đâu đâu cũng vang dậy. Phụ Vương chúng tôi húy là Ca Lân, cùng sai chúng tôi đến để hầu hạ, phụng sự Đại Vương.
Phụ Vương chúng tôi dặn: Đức độ của Vua A Chi thù thắng, vi diệu, khó nghĩ kịp, không có vết nhơ, hiền hậu, không hung bạo, nhẫn nhục, trong lành, đặc biệt có tài biện luận với mọi người, nghe đến tên Vua thì ai cũng bái phục, nhưng cha chúng tôi chẳng chịu nghe lời.
Có nước kia thuộc dưới quyền của Vua A Chi, là một nước lớn, tên nước là hư không, nước này có một vị Đại Thần tên là Tế Na, trí tuệ thông minh, thông đạt không ai bì kịp, ứng đối nhanh nhẹn, làm phụ thần cho Vua.
Khi đó, Vua Ca Lân không nghe theo lời các con gái, bỏ đến thẳng biên giới nước lớn của Đại Thần Tế Na, cùng với cả đoàn người vây chung quanh.
Nhà Vua hỏi kẻ bề tôi bên cạnh: Ta tự mở cửa ra đi đến cửa của kẻ khác, vậy thì phải làm sao đây?
Kẻ bề tôi bên cạnh tâu: Không nên sợ hãi, Thiên Tử cứ yên tâm. Ví như sư tử trong rừng chẳng hề sợ cây cối, nay ta ở đây cũng lại như vậy. Thành quách yên ổn, được bảo vệ kỹ, khỏi phải lo lắng gì cả.
Rồi làm bài kệ:
Tự mở cửa nước nhà
Vào đất nước người ta
Dựa A Lan nước lớn
Như sư tử rừng già.
Muốn giúp mà được giúp
Tự nhiên không sợ gì
Hân Dũng, Quốc Vương ấy
Được yên ổn dài lâu.
Mọi người tha hồ bàn luận, lời nói lan đi khắp nơi.
Vua A Chi nghe Vua Ca Lân vì của cải và tiếng tăm mà khởi ý đến đó, nên than:
Việc này rất tốt
Mầu nhiệm khó lường
Danh đức lưu khắp
Không còn tai ương.
An trụ nơi pháp
Không nên phô trương
Tất có điều gian!
Lại tự hỏi: Nay đây các vị Tiên Nhân, các vị Thần của Thiên Đế đều du hành đến cõi nước của Vua Ca Lân. Các vị ấy uy thần lớn lao, nên biết được đức hạnh của ta, nhất định phải cho ta thắng lợi, còn Vua Ca Lân kia thì bị phá bỏ, phải tự hàng phục.
Lúc ấy, Vua A Chi tự nghĩ: Các vị Tiên Nhân kia trước sau chẳng hề nói dối. Chư Tiên Nhân nói rằng ta sẽ đạt được thắng lợi, công đức ấy thật là vô lượng, chắc chắn là như thế đấy.
Các bề tôi đáp: Thưa vâng, Đại Vương! Tiên Nhân là người chí thành nhất định không nói dối.
Và đọc bài kệ:
Đám Ca Lân đắc thắng
Hàng phục dựa vào đây
Vua A Chi thất thế
Tiên lại nói thế này.
A Chi thắng, không mất
Lời chân thực, hay thay
Tại sao nói được vậy
Tự nhiên lời nêu bày.
Vua Trời phải biết đó
Lời chí thành đến đây
Hành động không phóng túng
Thắng lợi phải được thôi.
Lại nói Vua A Chi
Thắng lợi phải đến tay
Chí thành thế do đâu
Lại vì ta giải ngay.
Các Đại Thần đáp: Chưa từng được nghe hay sao, các vị Tiên Nhân mất Thánh Đức, rất là cứng cỏi khó cảm hóa, tay cầm kiếm bén, dáng dấp thật đáng sợ.
Bậc nam tử Trượng Phu, chính vì dân chúng nương theo gốc nơi đức độ của nhà Vua mà quyết làm cho đối phương hàng phục, không dùng nhiều lời mà chúng tự quay về nẻo chánh.
Vua A Chi ấy là một vị Đại Trượng Phu, mọi phương tiện kế hoạch trù liệu cũng lại như vậy. Hơn nữa, quyến thuộc của nhà Vua luôn hòa thuận, vâng lời chỉ dạy, không có khác lòng, không có tâm chia rẽ, những việc làm đều cao cả, uy đức lồng lộng.
Giá như Vua A Chi không được thắng lợi, thì nay xin Vua Trời hãy tận mắt nhìn thấy nhà Vua dũng mãnh, kế sách phương tiện quyền biến hơn người, nhất định không thể bị phá hoại được. Ví thử không tin, thì khi đã tận mắt thấy rõ sẽ không còn nghi ngờ gì.
Bèn đọc bài kệ khen:
Kế sách rất cao thâm
Biết thì tinh tấn thêm
A Chi vang đức nhẫn
Hóa giải các giận hờn
Vua A Chi được hết
Ca Lân làm sao bằng.
Bấy giờ, Vua Ca Lân chẳng hề tuyên chiến, tự dấy khởi binh tướng kéo thẳng đến nước Vua A Chi, thì binh sĩ của Hân Dũng, là vị Đại Thần phụ tá, vốn thông minh trí tuệ, dũng mãnh tinh tấn, lòng dạ cao cả, hòa hợp không hề chia rẽ.
Hơn nữa, bản thân Vua A Chi cũng dũng mãnh hơn người, đó là sức mạnh Thần Thánh, nên nhất định phải thắng Vua Ca Lân. Vua Ca Lân chịu phục, tự quy mạng bái yết, thả hết những người đã bắt sống được.
Khi ấy, Trời Đế Thích đọc kệ khen:
Nhẫn nhục Thánh Hiền khen
Hóa giải mọi giận hờn
Vua Ca Lân quy phục
A Chi thắng hoàn toàn.
Đức Phật bảo với các vị Tỳ Kheo: Nên biết Vua Ca Lân lúc ấy nay là ông Thẩm Lõa Hình Tử, Vua A Chi là bản thân ta, Đại Thần Hân Dũng nay là Tôn Giả Xá Lợi Phất, Đế Thích là Tôn Giả A Nan. Thời ấy theo nhau kết làm bạn bè, giáo hóa đạo lý cho nhau, đến hôm nay cũng vậy.
Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bất Tư Nghị Công đức Chư Phật Sở Hộ Niệm - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tháo Quán Trượng
Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Hai - Quán Niệm Hơi Thở
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đại Sư được Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Ba - Quán Thế âm Phổ Môn
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Sáu