Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Ba - ứng Thời - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BA
ỨNG THỜI
PHẦN MỘT
Lúc ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe Đức Phật dạy pháp thoại ấy xong hoan hỷ phấn chấn, tiền đứng dậy chắp tay bạch Đức Thế Tôn: Hôm nay con nghe Thế Tôn Giảng nói pháp yếu này, trong lòng hoan hỷ, được việc chưa từng có.
Vì sao?
Vì ngày trước con thường theo Phật nghe thuyết pháp dạy về Bồ Tát Thừa, thấy các vị Bồ Tát nghe theo lời Phật dạy đạt đến Chánh Giác mà chúng con không thể dự vào nên cảm thấy tiếc nuối vô cùng, tâm bị thương tổn, tự cho rằng không thể lãnh hội nổi. Con đã đánh mất trí tuệ Như Lai.
Con một mình kinh hành dù ở chốn núi cao rừng rậm, hoặc ở dưới gốc cây nơi vắng vẻ , hay trong thất nhỏ an tịnh, tự thúc liễm thân tâm theo lời Phật dạy mà lòng càng thêm sầu khổ. Con tự cho rằng đã đạt được thành quả.
Đức Thế Tôn đã vì con dạy bao nhiêu lời để chỉ dẫn mà con vẫn giữ ý chí Tiểu Thừa, đó là lỗi của con chứ chẳng phải của Như Lai.
Đức Thế Tôn đã diễn giảng cho con pháp của Bậc Đại Thánh với tâm bình đẳng, làm cho chúng cơn tán thán, tôn kính phụng trì, cho rằng đã lãnh thọ được lời dạy tối thượng của Đức Như Lai, cho đến đã thành tựu tuệ giác vô thượng.
Chúng con đã thuận theo mà mặc pháp phục, kiến lập hạnh nguyện không biết bao nhiêu lần.
Bạch Thế Tôn! Tuy vậy từ trước tới nay con thường tự trách mình, suốt ngày đêm suy nghĩ rằng con tuy từ pháp sinh ra mà không được tự tại, tất cả đều nhờ ân Phật mới được xa lìa các nẻo ác. Đến nay con mới được nghe pháp này.
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói kệ ca ngợi:
Được nghe Phật thừa
Nghĩa của một câu
Vượt khỏi mê lầm
Thật chưa từng có
Pháp con nhận lãnh
Chẳng thể nghĩ bàn
Thấy Đấng Chí Tôn
Lòng thêm hoan hỷ.
Giả sử có người
Xưa nay đã từng
Nghe pháp an ổn
Lấy đó làm vui
Các bụi trần lao
Ác nghiệp phiền não
Tin vào pháp ấy
Cũng đều dứt sạch.
Con thường ngày đêm
Lúc đi kinh hành
Hoặc dưới gốc cây
Ngồi tịnh nhất tâm
Hoặc nơi rừng sâu
Trong chốn núi cao
Con ngồi trầm tư
Suy nghĩ thế này:
Than ôi, tự trách
Lòng ác ngăn che
Do pháp bình đẳng
Mà được vô lậu
Không từ ba cõi
Kính thuận giáo pháp
Xét lỗi quá khứ
Dè răn tương lai,
Thân Phật sắc vàng
Ba mươi hai tướng
Con đã trái xa
Không tự trang nghiêm,
Tám mươi vẻ đẹp
Viên mãn thù thắng
Gồm đủ các tướng
Không cần trang sức,
Căn lực giải thoát
Tám loại thanh âm
Nơi pháp bình đẳng
Mà tự đánh mất,
Pháp của Chư Phật
Có mười tám việc
Pháp nghĩa như vậy
Con đã đánh mất,
Âm thanh con nghe
Vang khắp mười phương
Con được nghe thấy
Phật thương cuộc đời
Thường sống một mình
Ngày đêm kinh hành
Lại tự trách mình
Lòng luôn tư duy
Ngày đêm hồi tưởng
Tự rất đắn đo
Suy đi nghĩ lại
Mong độ tự thân
Phải hỏi Thế Tôn
Ý nghĩa thế này:
Con sai chỗ nào
Lại mất pháp lợi
Với trí tuệ Phật
Hiện tại trước mắt?
Bất cứ lúc nào
Ngày đêm ngẫm mãi
Con thấy Bồ Tát
Đông nhiều vố số
Thầy của cõi đời
Tuỳ nghi hóa độ
Các vị được nghe
Lời dạy Thế Tôn
Vì khắp muôn loài
Diễn giảng pháp lực
Về pháp khó lường
Các lậu dứt trừ
Đều được giác ngộ
Trí tuệ nhiệm mầu
Con thấy biết bao
Các nơi tế tự
Phạm chí ngoại đạo
Các pháp tà ngụy
Do những điều ấy
Hiểu lời Phật dạy
Thấy cửa giải thoát
Nói pháp Niết Bàn
Con hiểu tất cả
Chỗ thấy và làm
Đồng thời thấu triệt
Pháp không, vô thường
Do đó tự cho
Đã được diệt độ
Nay con mới biết
Chưa thật Niết Bàn
Được thấy Chư Phật
Thầy của trời, người
Khi Bậc Tôi Thắng
Được chúng vây quanh
Ba hai tướng tốt
Hào quang sáng ngời
Do đó hiểu rõ
Niết Bàn vô dư
Con nghe Phật nói
Trừ các khổ não
Không cần âm thanh
Mà được giải thoát
Như điều con biết
Chánh Giác sư tử
Chu Thiên loài người
Đều theo phụng sự
Phật dùng oai lực
Luôn trụ như thế
Lần đầu được nghe
Đức Thế Tôn dạy
Tưởng Ma Ba Tuần
Biến làm hình Phật
Phật chẳng phải ma
Đến gây nhiễu hại
Phật dùng nhân duyên
Thuyết pháp dẫn dụ
Vô số ức ngàn
Hiển hiện vô vàn
Khéo lập bờ kia
Đến biển ý đạo
Con nghe pháp đó
Trừ các hồ nghi
Vô số muôn ngàn
Có trăm ức Phật
Con đều trông thấy
Đã nhập Niết Bàn
Như Chư Phật kia
Đã thuyết Kinh pháp
Khéo dùng phương tiện
Tùy thuận giáo hóa
Giả sử có người
Hiện hạnh cứu cánh
Chư Phật đương lai
Muôn ức trăm ngàn
Vận dụng phương tiện
Khéo dạy mọi người
Giảng nói Kinh Pháp
Khuyên đến Niết Bàn
Tùy căn cơ họ
Dùng tuệ giáo hóa
Phân biệt hoàn toàn
Theo đúng trình tự
Pháp của Chư Phật
Sẽ đem giảng giải
Lập tức theo Phật
Nghe chuyển pháp luân
Đạo Sư Đại Hùng
Dạy pháp chân nhã
Con cũng như vậy
Nương nhờ pháp ấy
Các chúng ma kia
Đều không dám khởi
Lòng con không có
Chướng ngại nghi tà
Khởi tâm dịu êm
Với đạo thậm thâm
Nhờ âm thanh Phật
Tâm con hoan hỷ
Hôm nay được nghe
Bao nỗi nghi ngờ
Con đều dứt hẳn
Trụ nơi tuệ Thánh
Con sẽ thành Phật
Thoát lưới hoài nghi
Chư Thiên, loài người
Cùng các quyến thuộc
Hôm nay được thấy
Đạo nhãn Như Lai
Giúp con giáo hóa
Cho khắp chúng sinh.
Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Hôm nay ta ở giữa hội chúng Trời, Người, Sa Môn, Phạm Chí, A Tu 1a.
Ở Cõi Trời và cõi người tuyên bố ta biết Xá Lợi Phất xưa kia đã từng cúng dường ba mươi hai ngàn ức Đức Phật và được Chư Phật Giáo hóa sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.
Chính ta thường đem giáo nghĩa Bồ Tát phương tiện dắt dẫn cho ông. Nhờ duyên này nên ông đã tu tập thành tựu trong giáo pháp của ta, được Như Lai kiến lập oai thần, cũng dạy cho ông chí nguyện Bồ Tát. Ông chưa được Niết Bàn mà tự cho là đã dược Niết Bàn.
Xá Lợi Phất! Nếu ông muốn nhớ lại việc làm xưa kia của mình ở nơi vô số Đức Phật thì nên thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa, được tất cả Chư Phật hộ niệm này và vì tất cả chúng Thanh Văn phân tích giải nói.
Xá Lợi Phất! Trong thời vị lai, vô lượng, vô biên không thể tính đếm kiếp, ông sẽ cúng dường trăm ngàn vạn ức Đức Phật, thọ trì giáo pháp chân chánh, kính giữ tu hành Kinh Phương Đẳng này, thành tựu đầy đủ các hạnh sẽ được thành Phật, hiệu là Liên Hoa Quang Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vị Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư.
Cõi nước ấy tên Ly cấu, bằng phẳng, an vui, ánh sáng chiếu rực rỡ, đời sống thanh tịnh, chỗ ở an ổn, thực phẩm dồi dào, dân chúng đông đảo, mọi người nam nữ trong nước đều được vui vẻ sung túc.
Nước ấy dùng lưu ly, vàng ròng làm màn che, có những dải lụa giăng hai bên đường đi, có tám lớp cây bảy báu ở ngã tư đường, cành lá, hoa trái trên những cây ấy luôn xanh tươi, đẹp đẽ.
Đức Phật Liên Hoa Quang cũng đem pháp tam thừa tiếp tục giáo hóa chúng sinh. Ngài thuyết pháp trọn một kiếp, những pháp Ngài dạy đều hướng dẫn chúng sinh đến với nguyện đại thừa. Thời kỳ của Đức Phật Liên Hoa Quang tên là Đại Bảo Nghiêm.
Vì sao gọi là Đại bảo nghiêm?
Vì trong nước của Đức Phật ấy, chư vị Bồ Tát số đông vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, không có hạn lượng, chỉ có Như Lai mới có thể biết hết. Chư Đại Sĩ Bồ Tát ở cõi Phật ấy đều là bậc có trí tuệ sáng suốt, đức hạnh quý báu như hoa sen, không phải mới phát tâm mà đã lâu đời gieo trồng cội rễ công đức.
Tu hành phạm hạnh thanh tịnh lâu dài, gần gũi Như Lai, thường tu tập trí tuệ Phật, có đủ thần thông lớn, an trụ trong chánh pháp, dõng mãnh, tinh tấn. Chư vị Bồ Tát luôn đầy đủ không suy giảm. Vì thế mà thời kỳ ấy có tên là Đại Bảo Nghiêm.
Đức Phật Liên Hoa Quang sẽ thọ mười hai trung kiếp, không kể thời gian làm vương tử. Nhân dân trong nước của Ngài tám kiếp. Đức Phật Liên Hoa Quang sau khi mãn mười hai trung kiếp, sẽ thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn.
Ngài bảo các vị Tỳ Kheo: Sau khi ta diệt độ Bồ Tát Kiên Mãn đây sẽ thành đạo vô thượng chánh chân hiệu là Độ Liên Hoa Giới Như Lai Chánh Giác.
Xá Lợi Phất! Sau khi Đức Phật Liên Hoa Quang diệt độ, thời kỳ chánh pháp và Tượng pháp trụ ở đời hai mươi trung kiếp.
Cõi nước của Đức Phật sau cũng giống như cõi nước Đức Phật trước không sai khác. Đức Độ Liên Hoa Giới Như Lai cũng thọ hai mươi hai trung kiếp mới diệt độ. Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, chánh pháp và Tượng pháp của Ngài cùng trụ ở đời hai mươi hai trung kiếp.
Khí ấy Đức Thế Tôn dùng kệ rằng:
Này Xá Lợi Phất!
Trong thời vị lai
Ông sẽ thành Phật
Như Lai Tối Thắng
Hiệu Liên Hoa Quang
Mắt tuệ bình đẳng
Truyền dạy hóa độ
Vô số chúng sính.
Ông sẽ phụng sự
Vô lượng Phật đà
Tính tấn tu tập
Bao hạnh viên mãn
Khuyến hóa khắp cả
Đầy đủ mười lực
Nên được thành tựu
Quả Phật tối diệu,
Không thể nghĩ bàn
Kiếp thật vô lượng
Kiếp ấy có hiệu
Đại bảo trang nghiêm,
Thế Giới mang tên
Là nước ly cấu
Cõi nước Phật ấy
Vô cùng thanh tịnh,
Dùng lưu ly biếc
Rải khắp đất bằng
Dây vàng lấp lánh
Giăng bên đường đi
Vô số loại cây
Đều bằng bảy báu
Hoa quả trên cây
Đều bằng vàng ròng
Bồ Tát cõi ấy
Ý chí vững bền
Thành tựu ngôn hạnh
Thánh trí thông minh
Khéo học Phật Đạo
Muôn ức trăm ngàn
Hiện đều đã đạt
Giáo pháp tôi thắng
Phật ấy diệt độ
Không gì trở ngăn
Khi làm đồng tử
Không có đắm say
Lìa xa ái dục
Bỏ đi xuất gia
Thành tựu tuệ giác
Phật đạo vô thượng.
Bậc Tối Thắng ấy
Luôn được tư tại
Thọ mạng của Ngài
Mười hai trung kiếp
Giáo pháp sẽ trụ
Ở đời tám kiếp
Thọ mạng kiếp số
Của Phật như vậy
Đức Liên Hoa Quang
Sau khi diệt độ
Viên mãn tràn đầy
Hai mươi trung kiếp
Khi ấy pháp trụ
Vô lượng vô số
Thương xót trời, người
Và khắp mọi loài
Chánh pháp của Phật
Sau khi kết thúc
Tượng pháp sẽ trụ
Hai mươi trung kiếp.
Xá lợi của Ngài
Truyền rộng khắp nơi
Trời, người, quỷ, thần
Cúng dường tối thắng
Đức độ Thế Tôn
Cũng sẽ như vậy.
Này Xá Lợi Phất!
Hãy tự vui mừng
Cõi nước của ông
Trang nghiêm như vậy
Phước trí tôn quý
Không ai sánh bằng.
Lúc ấy bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc… nghe Đức Thế Tôn thọ ký cho Tôn Giả Xá Lợi Phất sẽ thành đạo vô thượng chánh chân, tâm họ vô cùng hoan hỷ, phấn chấn không thể diễn tả được. Mỗi người tự lấy y của mình dâng lên Đức Thế Tôn.
Trời Đế Thích, Phạm Thiên Vương cùng vô số Thiên Tử cũng đem y trời cúng dường Đức Thế Tôn rồi dùng các loại hoa hương Cõi Trời như hoa ý, hoa đại ý tung rải hiến cúng Đức Phật. Y và hoa của Chư Thiên tung lên đầy khắp hư không và đứng yên ở đó.
Nhạc trời tự nhiên hòa tấu, trên trời tự nhiên sấm sét vang rền và mưa hoa khắp nơi.
Chư Thiên cùng cất tiếng ca ngợi: Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con được nghe pháp từ xưa chưa từng có trước đây trong vườn Nai, tại nước Ba La Nại, Thế Tôn đã lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp bất khả thuyết.
Hôm nay Thế Tôn lại giảng nói bánh xe chánh pháp vô thượng.
Lúc ấy các vị Thiên Tử dùng kệ tán thản:
Bậc thế gian khó sánh
Nay chuyển bánh xe pháp
Vì mọi người giảng nói
Năm ấm sinh và diệt
Tuyên thuyết đệ nhất nghĩa
Trình tự mười hai duyên
Đấng Đạo Sư diễn nói
Ít người muốn tin hiểu.
Đấng Đại Thánh trên đời
Con nghe nhiều chánh pháp
Nhưng từ xưa đến nay
Chưa từng nghe pháp này,
Lời Bậc Đạo Sư dạy
Chúng con kính tùy hỷ
Đại trí Xá Lợi Phất
Vừa được Phật thọ ký.
Chúng con xưa phát tâm
Cúng dường vô số Phật
Chúng con mong nhờ ân
Được làm Phật tối thượng,
Bao nhiêu điều phước lợi
Hạnh thanh tịnh đã làm
Phụng thờ Phật quá khứ
Nguyện đạt thành Phật Đạo.
Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Thế Tôn: Hôm nay con không còn thắc mắc, hoài nghi nữa.
Nay con đối trước Thế Tôn, được Phật thọ ký cho con thành tựu đạo vô thượng chánh chân.
Bạch Thế Tôn! Một ngàn hai trăm vị tự tại giải thoát này, xưa nay chẳng phải không ở trong học địa sao?
Thế Tôn có dạy các vị ấy sẽ đạt được Phật Quả như con không?
Các vị Tỳ Kheo này tâm hạnh an định tuân giữ pháp luật, thoát ly sinh, già, bệnh, chết, cứu cánh Niết Bàn.
Những vị Tỳ Kheo này đã cúng dường muôn ngàn vô số Đức Phật, học các pháp môn, lo sợ chấp ngã trong ba đời, hủy các tà kiến, lập hạnh diệt độ, tưởng rằng đã được Niết Bàn.
Từ trước đến nay họ chưa từng được nghe giáo pháp này nên tâm rất phân vân, nghi ngờ.
Lành thay, Đức Thế Tôn! Xin Ngài nói yếu nghĩa khiến cho chúng Tỳ Kheo đây được dứt bỏ lưới nghi.
Nay cả bốn chúng đều ôm lòng buồn bã, xin Ngài giải thích khiến cho họ thoát khỏi tâm niệm hoài nghi, hối tiếc.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Như Lai vừa rồi đã chẳng nói giáo pháp ấy hay sao?
Ta đã đem bao nhiêu phương tiện quyền biến, tùy theo nhân duyên của mỗi người mà thị hiện.
Tất cả pháp mà Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác giảng nói phân biệt đều vì đạo vô thượng chánh chân.
Những gì ta tán thán, các ông cần biết chính là vì đạo Bồ Tát.
Xá Lợi Phất, nay Như Lai nói ví dụ để giải thích rõ thêm về ý nghĩa ấy. Những người có trí tuệ nhờ ví dụ này mà được hiểu rõ hơn.
Ví như tại một thôn xóm của nước kia có vị đại trưởng giả tuổi đã già suy, đứng ngồi khó khăn.
Ông trưởng giả này vô cùng giàu có, có một ngôi nhà lớn kín cổng cao tường Ngôi nhà đã quá cũ kỹ mà lại có trăm ngàn người ở trong đó nhà chỉ có một cửa duy nhất và người trông nom.
Phòng ốc xiêu vẹo, cột kèo mục nát, mái hiên, cửa sổ … bị rong rêu bám dày đặc. Bỗng nhiên một ngọn lửa lớn từ một phía nổi lên thiêu đốt ngôi nhà ấy
Trưởng giả có mười người hay hai mươi người con. Ông muốn các con ra khỏi ngôi nhà ấy, nhưng các người con vẫn mê mãi vui chơi ăn uống. Cuối cùng thấy lửa bốc cháy họ đều chạy quanh, hỏi nhau mà không biết lối ra.
Người cha suy nghĩ: Nay ngôi nhà bị lửa dữ đốt cháy khắp nơi, ta phải tìm cách nào để cứu các con ta ra khỏi ngôi nhà ấy.
Người cha biết ý thích của mỗi đứa con nên liền bày ra đủ các cỗ xe để dạo chơi như xe voi, xe ngựa, đặt ngay trước cửa để cho các con mau ra ngoài.
Ông lại đánh trống và trổi lên các khúc âm nhạc tuyệt diệu, các trò vui chơi thú vị để giúp các con khỏi tai nạn lửa cháy và hứa sẽ ban cho chúng các thứ xe voi, xe ngựa, xe dê và xe kéo.
Vị trưởng giả nói: Ta đã chuẩn bị đầy đủ và để ngoài cửa, các con hãy mau chạy ra khỏi nhà lửa.
Các con sẽ được tha hồ vui chơi theo ý thích của mình. Các người con nghe lời dạy của cha, hứa ban cho các loại xe voi, xe ngựa và âm nhạc nên ai cũng hăng hái tìm phương cách sử dụng cát, nước để dập lửa và xô đẩy nhau vội vã chạy ra khỏi nhà lửa.
Trưởng giả thấy các con đã an ổn ra khỏi nhà lửa, ngồi nơi chỗ đất trống ở giữa ngã tư thì lòng ông khoan khoái, không còn lo sợ gì nữa.
Mỗi người con đều thưa cha: Xin cha ban cho con xe voi, xe ngựa và các loại nhạc cụ vui thích mà cha đã hứa.
Này Xá Lợi Phất! Vị đại trưởng giả khi đã ban cho mỗi người con một cỗ xe lớn bằng bảy báu như nhau.
Cỗ xe ấy rất cao rộng, được trang hoàng bằng các thứ ngọc làm màn bao quanh và các vật báu quý hiếm vô cùng, những đường dây anh lạc kết hoa có hương thanh khiết.
Xe lại được trải lụa và những đệm gối mềm mại, màu sắc đẹp đẽ. Những con vật kéo xe đều khỏe đẹp, trắng sạch như vầng tia chớp.
Mui trần được bao phủ bằng loại gấm thật hiếm có. Mỗi người con đều được nhận một cỗ xe.
Trưởng giả nghĩ: Ta sẽ ban cho các con đồng đều những loại đồ chơi tốt đẹp.
Vì sao?
Vì những đứa bé này đều là con của ta, ta yêu thương chúng đồng đều không thiên lệch. Vì thế nên ta ban cho các con những cỗ xe lớn như nhau.
Này Xá Lợi Phất! Như Lai cũng vậy. Như Lai là cha của muôn loài, vật báu đầy ắp trong kho không thiếu.
Như Lai đã đem pháp phương tiện để giáo hóa, khuyến dẫn chúng sinh phát triển trí tuệ hướng đến đại thừa. Các người con của trưởng giả khi đã đạt được cỗ xe lớn đẹp, cho đó là được điều trân quý chưa từng có nên cưỡi xe dạo chơi khắp nơi.
Ý của ông nghĩ sao?
Trưởng giả ban cho các con những cỗ xe lớn quý báu như vậy, có dối trá không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Không có dối trá. Vị trưởng giả đó rất thành thật.
Vì sao?
Vì ông trưởng giả ấy muốn cứu giúp các con, không muốn cho chúng gặp tai nạn lửa thiêu đốt, tùy theo ý các con muốn mà hứa ban cho các con. Sau khi chúng đã thoát ra khỏi nhà lửa, ông đã ban cho mỗi đứa con một cỗ xe lớn đẹp.
Vì thế ông trưởng giả không hề hư vọng. Cuối cùng các người con đều được như ý, vì trưởng giả đã dùng phương tiện khiến cho các người con của ông thoát khỏi tai họa.
Huống chi ông còn biết mình giàu có vô lượng kho tàng châu báu, nên đồng đều ban cho các con những cỗ xe lớn, thật là không hư vọng vậy.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, Xá Lợi Phất! Thật đúng như lời ông nói! Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, ánh sáng tỏa chiếu đến các chốn u tối ở khắp mười phương.
Như Lai đã giải thoát và đoạn hẳn những gốc rễ của phiền não, sợ sệt, lo buồn. Như Lai với trí tuệ đã thấy rõ cành lá, hoa quả của chúng.
Như Lai là Bậc Pháp Vương có thần lực, là từ phụ của muôn loài, khéo vận dụng phương tiện, luôn nghĩ đến việc cứu độ chúng sinh, thực hành tâm đại bi bình đẳng, đạo vô tận, thương xót ba cõi bị lửa dữ đất cháy, mọi loài không thể ra khỏi, nên Như Lai xuất hiện ở thế gian để cứu vớt chúng sinh vượt qua sinh, già, bệnh, chết và phiền não ràng buộc, không được như ý.
Như Lai lại làm cho chúng sinh được thoát khỏi tham dục, sân giận và si mê, dụ dẫn nói pháp tam thừa, khuyên họ tu tập dần dần, hướng dẫn họ tiến đến đạo vô thượng chánh chân.
Như Lai xuất hiện ở thế gian thấy các chúng sinh bị vọng tưởng, tiền tài, danh vọng, đam mê không biết nhàm chán, từ ái dục đưa đến vô số khổ đau.
Hiện tại họ tham cầu theo đuổi, nếu không được cứu giúp trong tương lai sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, bị gánh nặng thiêu đốt, nấu rang, đói khát, đau đớn không thể kể hết.
Giả sử được sinh lên Cõi Trời hay ở tại nhân gian thì bị khổ vì ân ái mà chia lìa, không thể gặp được nhau mà ưu não khó lường nên đều muốn thoát khổ. Chúng sinh cứ ca múa, vui chơi mà không biết kinh sợ nạn ấy nên không thể tự giác ngộ, không chịu tư duy về cội nguồn đau khổ, cũng chẳng mong cầu được cứu giúp mà vẫn ở mãi trong cảnh thiêu đốt ấy.
Vì chúng trong ba cõi đang có nỗi họa đau khổ ấy nên ta phải nói pháp, an lập cho họ vào nơi vô cùng an ổn.
Đó là chánh trí của vô lượng, không thể nghĩ bàn các Đức Phật. Chúng sinh đang tràn đầy dục lạc và mê hoặc.
Như Lai vì khuyên họ thể đạt đầy đủ thần thông và trí tuệ giả thoát nên khéo dùng phương tiện quyền biến để dạy họ trí tuệ của Phật, để họ được nghe thần lực vô sở úy của Phật, nhưng chúng sinh vẫn mù mờ không chịu tin nhận.
Vì bị các nhân duyên trói buộc nên không giải thoát khỏi tai họa lo sầu sinh, già, bệnh, chết, xưa nay chưa bao giờ thoát khỏi được sự thiêu đốt của ba cõi, không hiểu rõ pháp để quay về thì làm sao lãnh hội được tuệ giác Phật Đà?
Ví như vị trưởng giả có trí lực như sức mạnh dũng mãnh, vững vàng của nhiều lực sĩ mới cứu giúp các con ông khỏi tai họa nhà lửa, dùng phương tiện khuyên bảo khiến chúng thoát khỏi ra ngoài, sau đó mới ban cho mỗi đứa một cỗ xe lớn quý báu, tốt đẹp.
Cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Chánh Giác dùng lực vô úy kiến lập các đức, khéo dùng phương tiện, tu tập trí tuệ dũng mãnh nên thấy ba cõi như ngôi nhà lửa.
Vì muốn cứu giúp nạn khổ cho chúng sinh nên Như Lai thị hiện dạy đạo Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, dùng ba thừa ấy khuyến hóa họ rời khỏi ái dục.
Như Lai dạy cho chúng sinh dập tắt lửa ở nơi ba cõi, thoát khỏi sự trói buộc của dâm, nộ, si và các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc thấp hèn.
Nếu ai tham đắm ngũ dục trong ba cõi sẽ bị lửa ngũ dục nung đốt, không dựa vào ba cõi sẽ được ba thửa, tinh tấn tu tập ba thừa ấy sẽ vượt khỏi ba cõi.
Tất cả Chư Phật đều dạy cần tinh tấn tu tập ba thừa nên vô số chúng sinh đều tập hợp đến với đạo.
Thế Tôn đã phương tiện dạy các hạnh ấy làm cho các ông vui thích tu tập căn, lực, giác ý, thiền định, giải thoát, Tam Muội chánh thọ, đời sau sẽ đạt đến vô lượng pháp lạc, an vui tự tại, không còn bị bất cứ chướng ngại nào.
Xá Lợi Phất! Nếu chúng sinh nào chưa sinh lòng tin, Như Lai ra đời mang lại cho họ đức tin. Họ theo Phật, nghe giáo pháp và tinh tấn phụng hành, cứu cánh của họ là muốn đạt đến Niết Bàn, gọi đó là Thanh Văn thừa, mong cầu quả vị La Hán vượt khỏi ba cõi.
Ví như vị trưởng giả theo lời hứa ban xe để cho các người con mới thoát nạn.
Nếu có người nào không gặp thầy dạy giáo pháp, tự mình xuất gia mong cầu đến nơi vắng lặng, thích sống đơn độc, giác ngộ lý duyên khởi, tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai vị ấy được gọi là Duyên Giác thừa. Cũng như khi những người con của vị trưởng giả đã rời khỏi nhà lửa, ông liền theo lời hứa ban cho cỗ xe ngựa.
Nếu có người nào mong cầu trí tuệ hoàn toàn, Tuệ giác của Phật, Thánh tuệ tự tại phát xuất từ tự tâm, trí tuệ vô sư, có tâm đại Từ bi muốn đem lại sự an ổn cho Chư Thiên và loài người, muốn làm lợi ích cho Chư Thiên và loài người, muốn chúng sinh an trí trong pháp của Phật và được giải thoát nên người ấy tinh tấn phụng hành, mong cầu quả vị Phật, có sức trí tuệ vô sở úy thấy khắp tất cả, gọi là con đường của Như Lai.
Các ví Đại Sĩ Bồ Tát đi trên con đường này. Ví như ông trưởng giả khuyến dụ các con ra khỏi tai nạn lửa đốt, nên hứa cho xe voi để các con chạy ra khỏi nhà lửa.
Người cha trông thấy con thoát khỏi nhà lửa an toàn, đến chỗ không sợ hãi, tự biết mình tài sản vô lượng nên ban cho các con những cỗ xe lớn đẹp bằng bảy báu bằng nhau không khác.
Đức Như Lai Chánh Giác cũng lại như vậy, thấy vô số trăm ngàn muôn ức chúng sính muốn cứu họ thoát khỏi ba nạn khổ đau kinh sợ, nên do bản nguyện của Phật mà mở cửa sinh tử, khiến cho chúng sinh thoát khỏi hiểm nạn khủng khiếp, được Niết Bàn an vui.
Này Xá Lợi Phất! Như Lai lúc ấy từ ngôi nhà tam giới, dùng vô số tuệ lực vô sở úy, thấy các con của Như Lai bị khổ ách nên khuyến hóa khiến tất cả họ quay về với Phật thừa mà không để cho mỗi người tự ý Niết Bàn riêng lẻ.
Như Lai đều khuyên dạy họ, đem Niết Bàn của Như Lai mà làm cho họ được Niết Bàn. Nếu có chúng sinh được thoát khỏi ba cõi, Như Lai đều dùng trí tuệ, giải thoát, thiền định của Như Lai để an ủi, ngợi khen, ban cho họ pháp nghĩa an lạc cùng một sắc thái và cùng một phẩm chất Phật Đạo.
Như vị trưởng giả kia lúc đầu hứa cho các con ba thứ xe, nhưng khi thấy các con đã thoát nạn mới ban cho mỗi người một loại xe lớn như nhau. Vị trưởng giả ấy thật không có lỗi dối trá. Mỗi người con được xe nhảy nhót vui mừng không xiết.
Như Lai cũng như vậy, ban đầu thị hiện tam thừa nhưng sau đó đều khuyến hóa, đưa tất cả vào đại thừa, chẳng phải là dối trá vậy.
Vì sao?
Nên biết rằng Đức Như Lai Đẳng Giác có vô số kho tàng quý giá, sử dụng một cách tự tại, vì tất cả chúng sinh thị hiện pháp lớn, dạy chúng sinh các thần thông, bi mẫn, trí tuệ.
Các ông nên biết, nên hiểu rõ ý nghĩa ấy, Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác khéo dùng phương tiện lực, dùng trí tuệ, lời nói chỉ để tuyên thuyết nhất thừa, là Phật thừa mà thôi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về đại Thừa - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Dũng Vương - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Tam Thân
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ác Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thập Nhất
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Bảy - Phẩm Nước Phật Thanh Tịnh
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Mười Chín - Phẩm Sở Nhân Xuất Diễn