Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Như Pháp Trụ Sanh Bồ đề địa - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
PHẨM NHƯ PHÁP TRỤ SANH BỒ ĐỀ ĐỊA
PHẦN HAI
Bồ Tát Trợ bồ đề hạnh có những tướng gì?
Bồ Tát Tuệ Hạnh đã có mười pháp như trước đã nói.
Trụ pháp như vậy tâm không hư hoại, tu tập trí tuệ, có thể vì chúng sanh diễn nói chánh pháp khiến được điều phục và được thuần phục, người đã thuần thục, vì họ nói pháp khiến được giải thoát, sanh chủng tánh Phật.
Vì tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo và phương tiện khéo, xa lìa chấp ngã. Do phá chấp ngã mà dứt phiền não, được tâm an nhẫn, tâm nhu nhuyến, tâm thanh tịnh thuần thiện và tâm của vô lượng hạnh.
Biết ơn, biết ơn, đầy đủ vô lượng thiện pháp trong sạch, càng siêng tinh tấn tu các nghiệp lành của bậc địa thượng. Biết rõ pháp giới và chúng sanh giới.
Tất cả kẻ ác, tất cả ác ma, quyến thuộc ác ma không thể đổi dời hay làm trở ngại hoặc làm hư hỏng tâm Bồ Tát này.
Ngoài ra như đã nói qua nơi các hạnh trước. Ví như tay thợ làm sâu chuỗi vàng, dễ khiến mọi người ham thích. Thiện pháp của Bồ Tát này cũng tự như vậy, không bị hàng Thanh Văn, Duyên Giác hay các hạng khác lay động.
Bồ Tát này sanh về Trời Dạ Ma, nhằm phá chấp ngã của chúng sanh nơi đó. Đây gọi là Bồ Tát trợ bồ đề hạnh.
Vì muốn tu tập trí tuệ lợi ích.
Vì tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, phá tất cả kiến chấp, tất cả mê lầm.
Vì ngăn đóng tất cả ác nghiệp.
Vì tăng trưởng thiện pháp.
Vì làm cho quả địa được thanh tịnh, Bồ Tát tu tập hạnh trợ bồ đề.
Như trong Thập Trụ nói về Diệm Huệ địa.
Diệm Huệ địa với trợ bồ đề hạnh này ngang nhau không khác.
Tự lợi gọi là địa. Lợi tha là hạnh.
Bồ Tát Chung Thánh Đế Hạnh có những tướng gì?
Bồ Tát Đế Hạnh trước hết được mười pháp thanh tịnh. Vì sự thanh tịnh cực kỳ vĩ đại đối với bốn Chân Đế, cho nên gọi là Cộng Đế Hạnh. Chung Thánh Đế Hạnh.
Bồ Tát Đế Hạnh thấy vô lượng Thế Giới, vô lượng Đức Phật, quán bốn Thánh đế đều có mười hạnh.
Nếu nói về sự khổ, vì cớ gì nói?
Nói nhân duyên nào?
Nói cách nào?
Nói về những ai?
Những điều như thế Bồ Tát đều biết một cách chân thật. Khổ đế như vậy, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế cũng vậy. Trong khi quán sát, biết những phương tiện của bốn Thánh Đế, quán tất cả khổ, tất cả tội lỗi và những công đức của mỗi mỗi đế. Vì chúng sanh mà thêm lớn tâm bi. Biết rõ nghiệp báo của các chúng sanh qua lại thế gian.
Biết rõ đế lý hữu vi thế gian và biết rõ sự nhận chịu hậu quả bởi những pháp tà. Vì kẻ thực hành pháp tà mà nói môn giải thoát.
Biết về những sự trang nghiêm, đầy đủ tâm ghi nhớ. Đủ tâm sáng tỏ và đủ phương tiện điều phục chúng sanh. Hiểu rõ tất cả phương thuật thế gian. Vì cảm hóa chúng sanh mà phá những thống khổ.
Vì chứng vô thượng bồ đề mà thường bố thí chúng sanh những vật cần dùng. Luôn luôn phá sự nghèo nàn khốn khổ của các chúng sanh.
Biết rõ ý nghĩa xứ chẳng phải xứ, phá thờ tự tà, chẳng chấp nhận lối hiểu biết điên đảo nghĩa Bồ Tát tạng, mà thuyết minh về đạo lý chân thật. Ngoài ra như các hạnh trên đã nói.
Ví như vàng ròng được cẩn trong các vật quý, giá trị của nó khó lường. Đại Bồ Tát này cũng vậy. Bao nhiêu thiện pháp đều hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, hơn những Bồ Tát ở các địa dưới.
Đại Bồ Tát ở bậc Tuệ Hạnh Đệ Tam địa, trí tuệ đã như ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng. Không ai có thể phá hoại che lấp, gió chướng Tỳ lam không thể đổi dời.
Bao nhiêu trí tuệ của Đại Bồ Tát Cộng Đế Hạnh này lại cũng như vậy và còn trỗi vượt hơn. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm cho nghiêng ngả, những gì thế pháp không thể phá hoại.
Khi bỏ thân mạng, sanh nơi Cõi Trời Đâu Suất, được đại tự tại và phá hỏng pháp tà, thành tựu vô lượng ức số phước đức, đầy đủ trí tuệ của Bồ Tát để tịnh hóa chúng sanh.
Vì biết phương tiện nói về Chân Đế.
Vì xem sanh tử có sự khổ lớn.
Vì muốn tăng trưởng về tâm đại bi.
Vì muốn đầy đủ phước đức trang nghiêm.
Vì phát nguyện lành.
Vì làm cho tâm ghi nhớ, tâm thí xả và tâm sáng suốt thay đổi thêm lớn.
Vì muốn tư duy các thứ thiện pháp.
Vì muốn điều phục hạnh các chúng sanh.
Vì dạy pháp phương tiện thế, xuất thế gian.
Vì trong sạch các căn lành… ngoài ra, như trên đã nói.
Như trong Thập Trụ nói về nan thắng địa, đế hạnh đây cũng vậy, ngang nhau không khác.
Bồ Tát Chung Thập Nhị Nhân Duyên Hạnh có những tướng gì?
Như trước đã nói sơ lược, Bồ Tát trụ Hạnh Chung Thập Nhị Nhân Duyên, quán về tướng đệ nhất nghĩa của tất cả pháp đệ nhất nghĩa là tướng không của các pháp.
Vì tất cả pháp đều không thể tuyên nói, cho nên gọi là không tướng. Không tướng là tướng không sanh, không diệt. Vì không sanh, không diệt, cho nên cái thấy vô sanh là bình đẳng. Vô thỉ vô chung bình đẳng. Có và không bình đẳng. Không lấy không bỏ bình đẳng, như huyễn bình đẳng.
Tánh không bình đẳng. Chẳng có, chẳng không bình đẳng. Đại Bồ Tát trụ những sự bình đẳng đây rồi thêm lớn tâm đại bi, hết lòng nhớ pháp bồ đề, biết rõ chỗ xuất và chỗ hoại diệt của các thế gian, biết mười hai duyên, rõ biết các pháp vốn từ duyên sanh.
Lại cũng biết rõ từ mười hai nhân duyên, sanh ra ba giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện. Vì tu tập ba giải thoát môn mà dứt hẳn tướng ngã, tướng sở. Đoạn hẳn tướng tác, tướng thọ. Đây gọi là đệ nhất nghĩa. Vì chúng sanh mà chân thật tư duy tính chất phiền não bởi nhân duyên hòa hợp, không bền không chắc.
Vì nhân duyên không chắc, cho nên pháp hữu vi mong manh, do đó không ngã và không ngã sở. Thành tựu đầy đủ vô lượng các khổ.
Bồ Tát tự nghĩ: Tôi có thể làm tan hoại tất cả các pháp hữu vi.
Tuy có thể làm, nhưng tôi chẳng nên diệt hẳn. Tôi để pháp hữu vi là vì chúng sanh.
Khi khởi quán này liền được tuệ hạnh vô ngại.
Vì rõ tuệ hạnh sáng suốt vô ngại, nên không trở ngại đối với tất cả các hạnh trong đời.
Vì được tuệ hạnh vô ngại cho nên gọi là nhiếp lấy sức nhân của đệ thất địa.
Tu hạnh trợ bồ đề chung pháp hữu vi đây, chẳng thích diệt hẳn các pháp hữu vi.
Tuy chẳng diệt hẳn, cũng không nhiễm mắc.
Lúc Bồ Tát tu về phương tiện này, liền chứng một vạn môn không tam muội, vô tướng, vô nguyện tam muội lại cũng như vậy.
Bởi tu ba vạn môn tam muội cho nên tất cả ngoại đạo tà kiến, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác hay quyến thuộc của các thứ ác ma không thể lay động, không thể làm cho ngăn trở hư hoại. Ngoài ra như đã được nói ở các hạnh trên.
Ví như vua Trời Đế Thích và Chuyển Luân Vương đầu đội Kim quan có cẩn tạp bảo, là thứ chân bảo mà Chư Thiên, loài người đều rất ưa nhìn.
Trí tuệ của Đại Bồ Tát này cũng vậy, đều được Chư Phật và Chư Bồ Tát mười phương ưa thấy. Lại như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hơn hẳn tất cả mọi ánh sáng khác, trí tuệ Bồ Tát cũng lại như vậy.
Đại Bồ Tát trụ Hạnh Chung Thập Nhị Nhân Duyên, vì khiến chúng sanh thấy sự bình đẳng các pháp.
Vì biết mười hai nhân duyên được chứng giải thoát.
Vì được ba giải thoát môn.
Vì phá hỏng tất cả tướng tà.
Vì biết phương tiện giáo hóa xoay chuyển sanh tử.
Vì được trí tuệ vô ngại.
Vì được hạnh sáng suốt vô ngại.
Vì được vô lượng môn tam muội.
Vì không phá, không động.
Vì thêm lớn thiện pháp.
Vì làm trong sạch các cõi.
Ngoài ra, như trong Thập Trụ nói về Hiện Tiền Địa.
Trong Thập Trụ nói và chỗ nói nơi đây ngang nhau không khác.
Bồ Tát Hành Hạnh có những tướng gì?
Khi Đại Bồ Tát được hạnh trợ bồ đề, sự tu hành đầy đủ, có thể chứng vô lượng tam muội có sự chung cùng đối với thế gian và chẳng chung thế gian.
Vì được đầy đủ cho nên vào Hạnh thứ bảy.
Bấy giờ Bồ Tát được sức đại tự tại đối với các pháp thế gian, dốc lòng nghĩ về từ tâm.
Sự trang nghiêm về công đức, trang nghiêm về đạo bồ đề thảy đều tăng trưởng.
Chỗ chứng ngộ về pháp trợ bồ đề của Bồ Tát này chẳng cùng với Thanh Văn, Duyên Giác.
Biết được pháp giới, biết chúng sanh giới, Thế Giới, và biết thâm tâm Phật.
Khi Bồ Tát này đầy đủ các thứ công đức như vậy, biết cảnh giới Phật không tướng, không nghiệp và không giác tri, thấy được vô lượng Quốc Độ Chư Phật, trong tất cả động tác đi, đứng, ngồi, nằm đều không mất đạo tâm.
Khi đó Bồ Tát trong mỗi mỗi niệm thêm lớn mười Ba la mật, thành tựu đầy đủ pháp trợ bồ đề.
Khi trụ hoan hỷ hạnh, sự phát nguyện của Bồ Tát chỉ mới là nhân duyên.
Trụ Hạnh thứ hai giới hạnh, là nhân duyên xa lìa tất cả sự hủy giới.
Trụ Hạnh thứ ba tuệ hạnh là thêm lớn thiện nguyện và được pháp sáng suốt.
Trụ Hạnh thứ tư trợ bồ đề hạnh là nhân duyên lìa các tướng đạo.
Trụ Hạnh thứ năm cộng Thánh Đế hạnh là lìa chướng ngại sự học phương tiện thế gian.
Trụ Hạnh thứ sáu Cộng Thập Nhị Nhân Duyên Hạnh được vào nghĩa thâm sâu.
Đến Hạnh thứ bảy hành hạnh là tăng trưởng sự hướng đến tất cả Pháp Phật, tăng trưởng đầy đủ pháp trợ bồ đề, thế nên Bồ Tát lần lượt sẽ được tịnh hạnh là hạnh thứ tám vô tướng hạnh.
Vì sự trong sạch đã được hoàn tất cho nên gọi là tịnh hạnh.
Ở đệ thất hạnh vì còn xen tạp cho nên chẳng gọi là tịnh hạnh.
Khi trụ Đệ Thất Hạnh đây đoạn các phiền não, lại cũng chẳng gọi là lìa phiền não.
Nghĩa là: Phiền não chẳng khởi nên chẳng gọi là đi đôi tương ứng, vì chưa được quả Phật cho nên chẳng được gọi là lìa.
Nhưng đến địa vị này, ba nghiệp đã được thanh tịnh, biết rõ tất cả phương tiện và học thuật thế gian, có thể làm thầy cho hàng Trời, người trong toàn cả cõi đại thiên Thế Giới.
Chỉ trừ Bát Địa, ngoài ra chúng sanh trong khắp đại thiên Thế Giới, không ai có thể có tâm ngang hàng với Bồ Tát này.
Lại cũng trừ Bát Địa Bồ Tát, bậc Thất Địa này có thể tự do xuất nhập vô lượng pháp môn, lìa hẳn con đường của Thanh Văn, Duyên Giác.
Đây gọi là bậc Thanh tịnh thân, khẩu, ý nghiệp cũng vẫn tu tập về đạo bồ đề không biết chán đủ, có thể chứng quả vô thượng bồ đề, vì chúng sanh mà nói pháp hữu vi lìa tất cả tướng mạo thuộc thân, miệng, ý, được pháp nhẫn sâu, không sanh không diệt.
Khi thực hành Hạnh thứ sáu vào diệt tận định. Qua đến hạnh này, tuy niệm niệm diệt nhưng không thủ chứng Niết Bàn, do đó mệnh danh chẳng thể nghĩ bàn.
Dầu cùng chúng sanh tu Hạnh bồ đề nhưng chẳng bị pháp thế gian làm cho ô nhiễm. Ngoài ra, như đã được nói ở các hạnh trước.
Đại Bồ Tát tu ba giải thoát môn điều phục chúng sanh, chẳng để cho họ ở vào địa vị Thanh Văn, Duyên Giác. Điều phục chúng sanh khiến lìa ngũ dục, dứt các tà kiến.
Khi tu như vậy, tất cả thiện pháp ngày càng tăng trưởng, tâm của Bồ Tát không ai có thể phá hoại lay động.
Ví như vàng ròng, được cẩn vào giữa các thứ báu vật, giá trị khó lường, vô biên không thể tính kể.
Lại như ánh sáng mặt trời, tất cả chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát này lại cũng như vậy.
Đại Bồ Tát tu tập hạnh này vì khiến chúng sanh được vô lượng ức các môn tam muội.
Vì phá tất cả những tâm chấp tướng.
Vì được phương tiện khéo tu đạo quả.
Vì thấy Thế Giới Phật được chứng giải thoát.
Vì có thể nhập các pháp môn rất sâu.
Vì được đầy đủ pháp trợ bồ đề.
Vì đoạn hẳn tịnh bất tịnh pháp.
Vì trang nghiêm đầy đủ về đạo bồ đề.
Vì tịnh tam nghiệp.
Vì biết rõ tất cả phương thuật thế gian.
Vì chứng vô lượng pháp môn và các tam muội chẳng đồng chung với Thanh Văn, Duyên Giác.
Ngoài ra như trong Thập Trụ nói về Viễn hành địa.
Về nghĩa Viễn hành địa và hành hạnh đây ngang nhau không khác.
Bồ Tát Vô Tướng Hạnh có những tướng gì?
Khi Đại Bồ Tát trụ bậc thứ nhất hỷ hạnh, đã được pháp hạnh, biết nghĩa các pháp và biết sự không sanh không diệt trong ba đời.
Quá khứ chẳng sanh, vị lai chẳng diệt. Hiện tại không tướng.
Vì không nhân duyên cho nên chẳng sanh chẳng diệt.
Do đó tướng đệ nhất nghĩa chẳng thể tuyên nói, chẳng thể tuyên nói về pháp, còn pháp có thể nói, là phần tướng lan rộng.
Tuy có thể lan rộng nhưng thật sự ra vốn không có tánh. Vì tánh không có tướng cho nên không nhân, không quả.
Nhưng tánh bất khả thuyết này, chẳng thể bảo nó là không.
Tại sao vậy?
Vì nó thể diễn bày bởi ngôn thuyết.
Nếu tánh có thể nói là có tướng, đó gọi là tướng tà.
Nếu có vật gì không thể nói được, tức không có sự khác nhau ở ban đầu, chặn giữa và rốt sau.
Vì lẽ ấy trong tất cả thời gian phiền não chẳng thể chi phối, vào đúng pháp giới, không sự tư duy, tâm được bình đẳng, vì đã lìa khỏi lưới si mê, Bồ Tát đầy đủ mười thứ sáng suốt như vậy rồi nhập Đệ Bát hạnh.
Khi Đại Bồ Tát trụ vào hạnh này liền được sự vắng lặng của vô sanh pháp nhẫn.
Lại có bốn sự suy cầu về tất cả pháp, có bốn chân trí biết tất cả pháp. Vì sự cầu biết, cho nên có thể đoạn hết tất cả tà nghiệp v.v…vì đoạn tà nghiệp cho nên thấy các phiền não chẳng còn tái sanh.
Tại sao vậy?
Vì đã qua rồi. Lại thấy tất cả phiền não chẳng diệt.
Vì sao thế?
Vì không nhân sanh lại thấy hiện tại chẳng phát khởi những kiết sử phiền não, vì chẳng tập nhân vậy.
Bốn sự suy cầu như đã nói trong phần nghĩa chân thật.
Bốn chân trí cũng được nói trong phần giải hạnh. Đệ Bát hạnh này gọi là pháp nhẫn vắng lặng, bởi vì Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Vì chứng vô sanh pháp nhẫn cho nên được chỗ rất sâu của Bồ Tát hạnh.
Khi trụ vào hạnh rất sâu xa này, Bồ Tát tu hành diệu hạnh vô tướng. Nếu Bồ Tát có những mối lo ngại hay tướng vô minh vi tế nào, thì đến địa này Bồ Tát đều xa lìa. Do thế hạnh này gọi là vắng lặng.
Bồ Tát trụ hạnh sâu thẳm này rồi, bèn thích ở luôn nơi giòng pháp trí nhập hẳn Niết Bàn. Bấy giờ vô lượng Đức Phật đều cùng hiện thân an ủi khuyến phát.
Do sự khuyến phát cho nên Bồ Tát khởi nhập pháp môn, vì chứng pháp môn, cho nên lại được mười tâm tự tại như trên đã nói. Vì được sức tự tại nên Bồ Tát này nếu muốn trụ kiếp lâu dài hay kiếp ngắn ngủi đều được tùy ý.
Muốn nhập định nào tùy ý được nhập. Muốn làm hạnh nào là tùy ý thực hành. Trong khoản một niệm muốn cầu việc gì, có thể được ngay. Muốn biết tất cả phương tiện thế gian có thể biết rõ.
Muốn sanh chỗ nào là tùy ý sanh. Muốn thị hiện ra sức thần thông gì liền có thể thị hiện. Muốn lập thệ nguyện gì, đều có thể như ý.
Muốn khởi quán hạnh nào, liền có thể tùy ý thành tựu. Muốn biết pháp giới, tức có thể biết. Muốn biết văn tự, lời lẽ, câu nghĩa, những chỗ đúng pháp, sai pháp v.v… liền có thể biết rõ ràng.
Đây mệnh danh là công đức tự tại của Đại Bồ Tát ở Đệ Bát Địa. Trong mỗi mỗi niệm thường thấy Chư Phật… ngoài ra như đã lược nói ở các địa trên. Những ví dụ vàng và ví dụ mặt trời lại cũng như vậy.
Khi Đại Bồ Tát trụ nơi hạnh này, vì phá chấp tướng của chúng sanh. Vì nhận thức chân thật về đệ nhất nghĩa.
Vì được trí tuệ chân thật. Vì được vô sanh vắng lặng. Vì biết hạnh rất thẳm sâu. Vì trụ vào giòng pháp. Vì vào pháp môn của Phật.
Vì nhập pháp môn chẳng thể nghĩ bàn. Vì đối với Phật Pháp tâm không hư hỏng, chẳng thể lay động. Vì được vô lượng thần túc.
Vì được mười thứ tự tại. Vì được mười món công đức tự tại. Vì làm cho căn lành vắng lặng. Vì đối với các cõi được tự do sanh đến…
Ngoài ra, có những pháp khác như trong Thập Trụ nói về Bất Động Địa. Bất động địa và vô tướng hạnh này ngang nhau không khác.
Bồ Tát vô ngại hạnh có những tướng gì?
Đại Bồ Tát đã thực hành công hạnh rất là sâu xa không biết chán đủ, tu huệ vô thượng đủ tất cả pháp, vì chúng sanh mà nói ra giáo pháp.
Rõ biết pháp giới. Pháp giới nghĩa là cấu uế phiền não đã hết.
Những gì cấu, tịnh đều biết rõ ràng và nói được tất cả những pháp như vậy.
Đây mệnh danh là bực đại Pháp Sư, là bậc thành tựu vô lượng môn Đà La Ni, biết phương tiện nói không cùng tận về lời, về nghĩa, thọ pháp, trì giới, tùy niệm chúng sanh vì đó diễn nói, phi thời chẳng nói, tùy sự ưa thích của chúng sanh mà nói.
Đây gọi là bốn trí vô ngại của Bồ Tát vô ngại hạnh. Ngoài ra, những công đức khác như trên đã nói.
Đại Bồ Tát trụ nơi hạnh này, vì các chúng sanh nhập sự vắng lặng. Vì các chúng sanh mà biết pháp giới. Vì các chúng sanh làm đại pháp sư chẳng thể nghĩ bàn.
Vì tăng trưởng Phật Pháp. Như trong Thập Trụ thuyết minh rộng rãi về Thiện Huệ địa.
Nhằm khiến chúng sanh được sự an vui, Đại Bồ Tát trụ vô ngại hạnh, cùng với nghĩa Thiện Huệ địa ngang nhau không khác.
Bồ Tát trụ Bồ Tát hạnh có những tướng gì?
Đại Bồ Tát tịnh vô ngại hạnh rồi, muốn trở thành một đấng Pháp Vương, cho nên nhập tam muội thanh tịnh, muốn được đầy đủ nhất thiết chủng trí, chỗ chứng pháp môn và tam muội sau cùng đồng với Chư Phật, cùng Phật ngồi chung.
Làm tất cả Hạnh, rõ tất cả pháp, biết phương tiện giải thoát, biết sở hành của Phật, biết vô tận môn Đà La Ni giải thoát, biết sức nghĩ nhớ cực đại, biết đại thần thông, thiện căn vắng lặng, biết sự tịnh hóa các cõi v.v…
Ngoài ra như trong Thập Trụ nói về pháp vân địa, đầy đủ trang nghiêm về đạo bồ đề và Hạnh Bồ Tát.
Bực Phát vân địa Bồ Tát cùng Chư Phật chung chứng bồ đề rồi, thí khắp chúng sanh vô lượng mưa pháp, mưa pháp như vậy hay khiến chúng sanh lắng đọng tất cả phiền não trần ai, làm nẩy mầm mọng hạt giống pháp lành, làm tăng mầm lành và làm thành thục căn lành sẵn có.
Do vậy địa này gọi là pháp vân địa, cũng bởi nghĩa đây mà mệnh danh là Bồ Tát hạnh. Nếu nói về công đức của pháp vân địa, thì công đức của bậc trước không có.
Bồ Tát tu mỗi mỗi hạnh, phải trải qua thời gian vô lượng na do tha kiếp và phải đầy đủ ba A tăng kỳ đại kiếp mới chứng được hết tất cả các hạnh.
A Tăng Kỳ đại kiếp thứ nhất được bậc giải hạnh các quả vị Tam Hiền Qua Giải Hạnh rồi đến đầu A tăng kỳ kiếp thứ hai chứng được hỷ hạnh Sơ Địa qua hỷ hạnh rồi cũng cứ tu hành mải miết cho đến vô tướng hạnh Đệ Bát Địa.
Đến vô tướng hạnh là mãn A Tăng Kỳ đại kiếp thứ hai, đến đây Bồ Tát chứng vô tướng hạnh, được gọi là hạnh quyết định. Qua khỏi vô tướng hạnh được vô ngại hạnh, qua vô ngại hạnh được Bồ Tát hạnh.
A tăng kỳ có hai cách gọi:
Một là đại kiếp.
Hai là trung kiếp A tăng kỳ.
Không thể đếm xiết gọi là A tăng kỳ. Sự tu hành của Bồ Tát là A tăng kỳ đại kiếp vô số đại kiếp.
Nếu Bồ Tát siêng năng tinh tấn, có thể đổi A tăng kỳ trung kiếp, chẳng thể đổi đại kiếp.
Đại Bồ Tát tu tập các hạnh như vậy, luôn luôn phá phiền não và sở tri chướng.
Khi trụ vô tướng hạnh là dứt tất cả phiền não về phần thô tướng.
Khi trụ các hạnh sau là dứt tất cả tập khí phiền não còn gọi là căn bản vô minh, cho nên gọi là Như Lai hạnh.
Sở tri chướng có ba lớp, cũng ví như lớp da ngoài, lớp da trong và lớp xương tủy.
Khi chứng hoan hỷ địa là mới đoạn món chướng da ngoài.
Chứng vô tướng hạnh có thể đoạn món chướng da trong. Đến khi chứng Như Lai hạnh là chấm dứt hoàn toàn lớp chướng trong xương tủy.
Đầy đủ những hạnh trên, được mười một sự thanh tịnh:
Hạnh thứ nhất được tánh tịnh.
Hạnh thứ hai được giải tịnh.
Hạnh thứ ba được tâm tịnh.
Hạnh thứ tư được giới tịnh.
Hạnh thứ năm được nguyện tịnh.
Hạnh thứ sáu được trí trang nghiêm tịnh.
Hạnh thứ bảy được trí trang nghiêm tịnh.
Hạnh thứ tám được trí trang nghiêm tịnh.
Hạnh thứ chín được đủ trang nghiêm bồ đề tịnh.
Hạnh thứ mười được trí chân thật tịnh.
Hạnh thứ mười một được trí vô ngại tịnh.
Hạnh thứ mười hai. Nhất thiết trí tịnh.
Hạnh thứ mười ba. Tập khí tịnh.
Hạnh thứ nhất, thứ hai nhờ nghe tạng pháp Bồ Tát được sanh tín tâm.
Hạnh thứ ba, dốc lòng lập nguyện tu tập nguyện khác.
Hạnh thứ tư, thứ năm, thứ sáu là biết rõ tướng các pháp.
Hạnh thứ bảy đến hạnh thứ mười là sự vắng lặng tất cả hạnh, là sự rốt ráo nhân quả của tất cả hạnh.
Thanh Văn thừa cũng có mười hai hạnh:
Có tánh Thanh Văn là hạnh thứ nhất.
Nếu được pháp thứ nhất về thế gian, gọi là hạnh thứ hai.
Được nhẫn pháp khổ là hạnh thứ ba.
Được bốn tín tâm, được giới trong sạch là hạnh thứ tư.
Đúng theo giới trụ, pháp được tăng trưởng là hạnh thứ năm.
Quán Tứ Thánh Đế là hạnh thứ sáu, thứ bảy thứ tám.
Tu Vô tướng tam muội là hạnh thứ chín.
Thành tựu đủ ba môn tam muội là hạnh thứ mười.
Chứng được giải thoát là hạnh thứ mười một.
Quả vị A La Hán là hạnh thứ mười hai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba