Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Bốn - Phẩm địa Ngục - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM BỐN
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP BA
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, đại địa ngục Hiệp cũng có mười sáu tiểu địa ngục rộng dài năm trăm do tuần, bao bọc chung quanh, từ ngục Hắc vân sa… nói lược cho đến… địa ngục cuối cùng tên là địa ngục Hắc băng.
Chư Tỳ Kheo, do nhân duyên gì mà đại địa ngục ấy gọi là Hiệp?
Chư Tỳ Kheo, trong địa ngục ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt, xuất hiện và hóa sanh cho đến ở. Do quả báo từ nghiệp ác của chúng sanh ấy, nên có hai núi lớn tên là Bạch dương khẩu ánh lửa đỏ rực nóng bức vô cùng.
Lúc bấy giờ tội nhân bị ép đuổi vào trong núi ấy. Vào khoảng giữa hai núi rồi, hai núi liền kẹp lại, lại chạm vào nhau, lại húc nhau, lại ma xát nhau. Khi hai núi hiệp lại như vậy, chạm nhau, húc nhau, ma xát nhau rồi, trở về chỗ cũ.
Thí như rồng Tỳ khưnâu cùng với rồng La Tỳ Kheo nâu hiệp nhau, chạm nhau, húc nhau, ma xát nhau. Chúng đã hiệp nhau, chạm nhau, húc mài nhau rồi, đều trở về chỗ cũ, như vậy, như vậy. Chư Tỳ Kheo, hai ngọn núi ấy hiệp nhau, chạm nhau, húc nhau, mài nhau, mài nhau dữ dội rồi đều trở về chỗ cũ, cũng lại như vậy.
Các chúng sanh trong địa ngục ấy, khi bị hai núi hiệp, chạm, húc, mài thì tất cả máu mủ trong thân chảy ra lai láng, chỉ còn có xương bị nghiền nát. Tội nhân lúc bấy giờ… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa dứt, lược nói như trên… lần lượt đều chịu, nên biết như vậy.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong các đại địa ngục Hiệp ấy có các chúng sanh sanh ra và ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh trong địa ngục ấy đặt trên nền sắt nóng, hừng hực.
Lửa ấy nóng dữ dội, đỏ rực, dễ sợ, xô lật nằm ngửa, lại thấy miếng sắt lớn cũng rất nóng đem phủ lên trên. Giống như cách mài nghiền ở thế gian, như thế mà mài, mài đi, mài lại, lại mài thật kỹ, làm mịn rồi mịn nữa, lại làm rất mịn. Nghiền đi nghiền lại, lại nghiền nhỏ nữa cho đến thành bụi.
Đã thành bụi rồi lại làm thành bụi nhỏ, lần lượt như vậy, biến thành bụi cực nhỏ, khi biến thành bụi nhỏ, tất cả bộ phận cơ thể đều thành mủ máu chảy ra hết, chỉ có bộ xương còn lại chỗ đó. Lúc ấy tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa hết, lược nói như trên… lần lượt nên biết.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong các đại địa ngục ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh đặt trong chậu sắt lớn rất nóng, chậu ấy hừng hực một màu đỏ rực. Đặt vào trong chậu rồi ép lại giống như mía và vỏ gai ở thế gian, trong khi ép như vậy, ép đi ép lại, cho đến ép thật sát.
Đã bị ép rồi chỉ thấy máu mủ chảy ra một bên, hài cốt đều thành bột mịn. Bấy giờ tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực… lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt, tùy theo việc làm của họ mà chịu đủ tất cả.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh bỏ vào cối sắt, cối ấy hừng hực, ánh lửa đỏ rực, lại cầm chày sắt, cũng rất nóng giữ tội nhân ấy, giã đi giã lại cho đến giã mạnh. Nghiền lại rồi nghiền cho đến nghiền mạnh.
Đã giã nghiền rồi liền thành bột mịn. Đã mịn như vậy rồi mà lại càng mịn nữa, cho đến rất mịn. Trong khi nghiền thành bột mịn, chỉ thấy máu mủ ràn rụa chảy về một bên, chỉ còn bột xương. Bấy giờ, tội nhân… cho đến… chịu khổ cùng cực… lược nói như trên… cho đến… lúc bấy giờ, mạng cũng chưa dứt, chịu đủ các khổ.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Lúc bấy giờ, ở trên hư không, có một con voi sắt lớn, tự nhiên xuất hiện, hừng hực mạnh mẽ, cho đến ánh lửa một màu đỏ rực, dùng hai chân đạp thân các chúng sanh ở địa ngục ấy, lần lượt đạp từ đầu đến chân, trước hết đạp trên đầu, sau đạp các chỗ khác.
Đạp đi đạp lại cho đến đạp mạnh. Khi bị voi đạp, phần thân chúng sanh trong địa ngục ấy, máu mủ ràn rụa chảy khắp các nơi, chỉ có bột xương còn lại một bên. Bấy giờ tội nhân chịu khổ cùng cực… lược nói như trên, mạng cũng chưa dứt, như vậy lần lượt, ở trong đó chịu đủ.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp này, các chúng sanh trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài. Khổ này dứt rồi, từ các đại địa ngục thoát ra, ra rồi một mạch chạy đi… cho đến cầu nơi cứu hộ. Bấy giờ lại rơi vào trong tiểu địa ngục Hắc vân sa rộng năm trăm do tuần ấy. Rơi vào rồi, lại rơi vào tiểu địa ngục khác… cứ như vậy cho đến địa ngục Hàn băng, chịu khổ đầy đủ.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, lại liền nhập vào địa ngục Khiếu hoán. Trong địa ngục đó cũng có mười sáu tiểu địa ngục. Mỗi ngục rộng năm trăm do tuần, bao bọc chung quanh. Từ ngục Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.
Chư Tỳ Kheo, địa ngục ấy, có nhân duyên gì mà gọi là Khiếu hoán?
Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục Khiếu hoán ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục cùng một lúc đuổi ép các chúng sanh ấy khiến vào trong thành sắt. Thành ấy hừng hực, sắt nóng dữ dội, ánh lửa đỏ rực.
Lúc ấy tội nhân ở trong thành sắt… cho đến… chịu khổ cùng cực. Vì các khổ bức bách, chẳng thể chịu đựng nổi nên thường kêu la, nên gọi là địa ngục Khiếu hoán. Lại trong ngục ấy, dùng sắt làm nhà, phòng xe cộ cũng đều bằng sắt. Lâu đài, vườn ao tất cả đều là lửa lớn dữ dội, ánh lửa rực sáng, trên dưới rỗng suốt.
Ngục tốt dẫn chúng sanh chịu tội cho vào trong ấy, chịu khổ bức bách, chẳng thể chịu nổi, nên liền kêu la, vì vậy gọi là địa ngục Khiếu hoán. Tội nhân ở trong ấy, chịu khổ vô cùng. Lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt. Nếu nghiệp ác bất thiện của họ chưa dứt, thì cứ lần lượt như vậy mà chịu đầy đủ.
Chư Tỳ Kheo, trong địa ngục ấy, các loài chúng sanh chịu khổ lâu dài, trải qua thời gian vô lượng, từ địa ngục Khiếu hoán thoát ra, ra rồi chạy đi… lược nói như trước… cho đến cầu nơi cứu hộ, liền lại đến các tiểu địa ngục Hắc vân sa rộng năm trăm do tuần, nhập vào rồi, chịu đủ các tội như trước… lược nói… cho đến sau cùng nhập vào địa ngục Hàn băng, thọ đủ các khổ mới được mạng chung.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục Đại khiếu hoán ấy, cũng có mười sáu tiểu ngục vây chung quanh, đều rộng dài năm trăm do tuần, từ ngục Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.
Chư Tỳ Kheo, địa ngục ấy có nhân duyên gì mà được gọi là Đại khiếu hoán?
Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục Đại khiếu hoán ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Các ngục tốt giữ ngục bắt chúng sanh ấy cũng bỏ vào trong thành sắt nóng cháy dữ dội, cho đến trên dưới ánh lửa rực sáng cùng khắp. Tội nhân ở trong ấy chịu khổ cùng cực, vì các khổ não bức bách chẳng thể chịu nổi nên phải kêu la lớn tiếng.
Do nhân duyên ấy nên gọi địa ngục đó là Đại khiếu hoán. Trong địa ngục đó, cũng dùng sắt nóng mà làm nhà. Phòng xá, xe cộ, lầu gác đều làm bằng sắt, lửa dữ hừng hực đỏ rực khắp nơi. Tội nhân trong đó, chịu khổ cùng cực… lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt… lần lượt như vậy, nhận chịu đầy đủ.
Chư Tỳ Kheo, lại các loại chúng sanh trong địa ngục ấy chịu khổ lâu dài, trải qua thời gian vô lượng, mới từ đại địa ngục Đại khiếu hoán được thoát ra, thoát ra rồi chạy đi… cho đến… nói lược… cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy, lại rơi vào trong các tiểu địa ngục Hắc vân sa. Vào rồi chịu khổ… cho đến địa ngục cuối cùng là Hàn băng, chịu đủ các khổ, cho đến mạng chung.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, ở trong đại địa ngục nhiệt não ấy, cũng có mười sáu tiểu địa ngục vây bọc chung quanh. Ngục ấy, mỗi cái đều giống như trước, rộng dài năm trăm do tuần, từ Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.
Chư Tỳ Kheo, địa ngục ấy có nhân duyên gì mà gọi là đại địa ngục nhiệt não?
Chư Tỳ Kheo, ở trong đại địa ngục nhiệt não ấy chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Các ngục tốt giữ ngục bắt chúng sanh ấy chúc đầu xuống treo chân lên, bỏ vào trong nồi, nồi đó rất nóng, nước sôi sùng sục, lửa đỏ phừng phực phủ ngập tội nhân theo nước bùng lên hạ xuống.
Ngay khi đó, tội nhân chịu nóng bức hết sức, nóng bức cùng cực… vì vậy nên gọi là ngục Đại nhiệt não. Lại trong ngục ấy có vò sắt, chậu sắt, vạc sắt, đảnh sắt, nồi sắt, cũng đều rực đỏ, nóng vô cùng.
Lại đem tội nhân bỏ vào trong đó. Lúc ấy tội nhân bị lửa địa ngục hoặc nấu, hoặc rim, chịu các khổ não. Chịu khổ não rồi, lại chịu khổ não nữa. Chịu khổ não cùng cực. Vì vậy gọi là địa ngục nhiệt não rất nóng. Tội nhân ở trong đó, chịu khổ cùng cực… lược nói như trước… cho đến mạng chung, lần lượt như vậy, chịu đủ các khổ.
Chư Tỳ Kheo, các chúng sanh ở trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng chịu các thứ khổ dài lâu trong ấy rồi, mới từ đại địa ngục đại địa ngục nhiệt não vô cùng nóng bức ấy thoát ra, ra rồi chạy đi… cho đến… muốn cầu nơi cứu hộ, nơi nương tựa. Lúc ấy lại rơi vào các tiểu địa ngục Hắc vân sa cho đến địa ngục cuối cùng là địa ngục Hàn băng, nếu mạng chưa dứt thì lần lượt chịu các khổ não như trước.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí cũng có mười sáu loại địa ngục trực thuộc, bao bọc chung quanh. Mỗi ngục rộng năm trăm do tuần, trước hết là địa ngục Hắc vân sa, cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.
Chư Tỳ Kheo, địa ngục ấy do nhân duyên gì mà gọi là A tỳ chí?
Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy có các chúng sanh, sanh ra, có mặt, xuất hiện và ở đó. Các chúng sanh ấy do quả báo của các nghiệp ác, tự nhiên sanh ra.
Các ngục tốt giữ ngục dùng hai tay chụp thân của chúng sanh trong địa ngục ấy, ném trên nền sắt nóng hừng hực, ánh lửa bốc thẳng lên một cách mãnh liệt, phủ khắp mặt đất, rồi cầm dao bén từ mắt cá xẻ gân ra. Dùng tay lôi rút cho đến gân trên đầu, tất cả đều dính mắc nhau, xuyên thấu tim tủy, thống khổ khó bàn. Lôi rút như vậy rồi, bỏ lên xe sắt, vội vàng kéo chạy.
Xe ấy rất nóng, ánh lửa hừng hực mãnh liệt, kéo chạy qua vô lượng do tuần. Chỗ đã đi qua toàn là đường sắt hiểm hóc lửa cháy đỏ rực, đi rồi, lại đi tùy theo ý của ngục tốt, không có thời gian dừng nghỉ, muốn đến phương nào theo ý liền đến, tùy chỗ đi, tùy chỗ đến, ngục tốt kéo đi, không hề rời xa. Khi đi như vậy, tùy chốn đi qua, thiêu tiêu thân tội nhân, máu thịt không còn lại chút nào.
Do nhân duyên ấy chịu khổ vô cùng, chịu khổ kịch liệt, khổ chẳng chịu nổi, mạng sống cũng chưa dứt cho đến khi nghiệp ác bất thiện chưa hết, chưa diệt, chưa tan, chưa biến, chưa đổi thì những việc đã làm của thân người và chẳng phải người từ trước, đều chịu đủ tất cả.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt, biến hóa và ở đó. Vì quả báo theo nghiệp bất thiện của họ, từ phía Đông, có một đống lửa lớn bỗng nhiên hiện ra, màu đỏ hừng hực, mãnh liệt vô cùng, rực đỏ về một phía.
Lần lượt như vậy, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới, đâu đâu cũng có đống lửa rất lớn phát ra ngọn lửa đỏ rực, sức nóng hừng hực. Lúc ấy tội nhân bị các đống lửa bốn phương này vây quanh dần dần áp sát, chạm vào thân thể nên chịu các thống khổ… cho đến chịu khổ cùng cực mà mạng cũng chưa dứt… như trên… ở trong các ngục ấy, chịu đủ tất cả.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến… ở đó. Do quả báo của nghiệp ác, nên từ tường phương Đông, phát ra ánh lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Tây, đến rồi dừng lại. Từ tường phía Tây phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng xa qua tường phía Đông, đến rồi dừng lại.
Từ tường phía Nam phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Bắc. Từ tường phía Bắc phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Nam, từ dưới vọt lên. Từ trên vọt xuống. Dọc ngang, trên dưới liên tục lao vào nhau.
Ánh lửa rực đỏ, khối lửa chạm nhau. Lúc ấy ngục tốt bắt các tội nhân ném vào trong đống lửa lớn do sáu phương nhóm lại đó. Các tội nhân ấy… cho đến chịu khổ cùng cực và mạng cũng chưa dứt… lược nói… cho đến khi các nghiệp ác bất thiện của họ chưa dứt thì ở khoảng giữa đó, chịu đầy đủ tất cả.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy, các chúng sanh sanh ra, có mặt… cho đến ở đó, do quả báo của nghiệp ác nên trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài. Bấy giờ, họ thấy ở cửa phía Đông của địa ngục bỗng nhiên tự mở. Các chúng sanh ấy đã nghe tiếng mở cửa, thấy cửa mở, liền chạy đến đó, chạy rồi, chạy lại rất nhanh.
Họ nói: Chúng ta đến nơi đó chắc chắn sẽ được thoát ra. Nay chúng ta nếu đến được chỗ ấy, chắc là được an lành. Các chúng sanh ấy khi chạy đi như vậy, chạy đi, chạy đi mãi, chạy đi rất nhanh, thân họ chuyển thành ánh lửa rực đỏ, giống như thế gian có người con trai tráng kiện cầm ngọn đuốc lớn chạy ngược gió, lửa của ngọn đuốc ấy chuyển thành rực đỏ, ánh lửa mãnh liệt… như thế, như thế.
Các chúng sanh ấy chạy như vậy, gần đến cửa thì do nghiệp lực của tội báo, cửa lại tự đóng. Khi ấy tội nhân ở trong ngục đó, bị ngọn lửa rực cháy nung nóng nền sắt làm cho tội nhân mê man ngã xuống, úp mặt mà chịu.
Nằm úp xuống rồi, liền bị đốt da. Đã bị đốt da rồi, kế đến bị đốt thịt. Đã bị đốt thịt rồi, kế đến bị đốt gân. Đã bị đốt gân rồi, kế đến bị đốt xương. Đã bị đốt xương rồi, đốt thấu đến tủy. Khi đốt thấu đến tủy, chỉ thấy khói bay ra, bay ra mãi.
Khói hết rồi, lửa phát ra. Tội nhân ở trong đó, cho đến… lần lượt chịu khổ cùng cực mà mạng cũng chưa dứt… lược nói như trước… nghiệp ác bất thiện của những kẻ ấy chưa hết cho đến những điều đã làm của thân người hay chẳng phải người từ trước, ở trong đó, chịu đủ.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, trong các đại địa ngục A tỳ chí ấy, các chúng sanh sanh ra, có mặt… cho đến ở đó. Do quả báo của các nghiệp ác bất thiện, nên trải qua thời gian vô lượng, ở trong đó chịu các khổ rồi, bốn cửa địa ngục lại mở ra lại.
Khi cửa ngục mở, các chúng sanh trong địa ngục ấy nghe tiếng động, thấy cửa mở, nhắm theo cửa chạy ra, chạy mãi chạy mãi, cho đến chạy hết sức nhanh, khởi ý nghĩ thế này: Chúng ta nay đây, đang ở nơi này, nhất định sẽ thoát được. Chúng ta nay đây, nhất định sẽ hết khổ.
Các người ấy, khi đang cố sức chạy như vậy, thân họ lại chuyển thành lửa đỏ mãnh liệt. Giống như một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây đuốc bằng cỏ khô chạy ngược gió. Cây đuốc ấy đã cháy, lại càng cháy mạnh hơn. Như vậy, như vậy, các chúng sanh ấy chạy rồi chạy mãi, chạy hết sức nhanh, trong lúc chạy, các chi phần nơi thân thể của họ chuyển thành lửa đỏ.
Khi muốn cất chân lên thì máu thịt đều tan ra, khi muốn đặt chân xuống thì máu thịt sanh lại, khi đến các cửa ngục thì các cửa ngục đều đóng. Các chúng sanh ấy ở trên nền sắt nóng hừng hực ấy, một mặt chạy đi nhưng chẳng ra được tâm họ hôn mê, té úp xuống đất. Té úp xuống đất rồi, bị đốt hết da trên thân.
Đã bị đốt da rồi, kế đến bị đốt thịt. Đã bị đốt thịt rồi lại bị đốt xương, cho đến đốt thấu tủy, khói lửa phực lên, khói tỏa mịt mù, lửa bốc đỏ rực, khói lửa quyện nhau, sức nóng tăng gấp bội, các tội nhân trong ấy, chịu khổ cùng cực… lược nói như trước cho đến thọ mạng chưa được chấm dứt, nghiệp ác bất thiện chưa diệt, chưa lìa, chưa biến, chưa tan… cho đến các việc đã tạo tác của thân người hay chẳng phải người từ trước, tất cả đều chịu đủ.
Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy, có các chúng sanh… cho đến ở đó, do vì sức quả báo của các nghiệp ác bất thiện, mà bị ngọn lửa bừng lên thiêu đốt. Bấy giờ sắc và mắt đã thấy đều là những cái không vừa ý.
Cái vừa ý đều chẳng hiện ra. Chẳng phải là cái mà ý ưa thích như là sắc chẳng thể ưa, sắc chẳng đẹp thường gây bực bội. Âm thanh mà tai nghe, mùi mà mũi ngửi, vị mà lưỡi nếm, cái mà thân xúc chạm, điều mà ý nghĩ đến đều là những cái mà tâm ý chẳng ưa, chẳng phải là cái mà ý ưa, chẳng phải là điều mà ý thích thì thường hiện ra.
Hễ có cảnh giới đều là chẳng tốt, những tội nhân ở trong đó, do nhân duyên ấy nên thường chịu khổ não nặng nề. Vì sắc kia xấu nên xúc kia cũng vậy, cho đến thọ mạng chưa được chấm dứt, nghiệp ác bất thiện chưa hết, chưa diệt. Đối với tất cả các nghiệp ác đã tạo tác của thân người hay chẳng phải người đời trước thì phải chịu đủ.
Lại nữa, Chư Tỳ Kheo, do duyên cớ gì mà ngục A tỳ chí gọi là A tỳ chí?
Chư Tỳ Kheo, trong đại địa ngục A tỳ chí ấy, vào tất cả thời gian, không có một khoảnh khắc nào tạm hưởng được sự an lạc, kể cả khoảng thời gian như búng ngón tay, vì vậy gọi tên đại địa ngục ấy là A tỳ chí. Lần lượt như vậy, chịu khổ liên tục.
Chư Tỳ Kheo, các chúng sanh trong đại địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài cho đến khi từ đại địa ngục A tỳ chí này được thoát ra, ra rồi chạy đi. Chạy rồi chạy mãi cho đến chạy thật nhanh, muốn cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất đai, cầu nơi nương tựa, cầu chỗ cứu hộ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười - Phẩm Tỏ Bày Công đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tinh Tấn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Năm - Quán Thân Bất Tịnh
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh đạt Phạm Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tu Hành Bản Khởi - Phẩm Hai - Phẩm Bồ Tát Giáng Thần
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Madhura
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Bốn - Phẩm địa Ngục - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Một - Phẩm Từ - Phần Hai - Tuệ