Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội - Phẩm Hai - Phẩm Pháp Vô Tướng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẨM HAI

PHẨM PHÁP VÔ TƯỚNG  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ tam muội đứng dậy nói với đại chúng: Cõi trí tuệ của chư Phật nhập vào pháp tướng chân thật, vì là tánh quyết định nên phương tiện thần thông đều không cùng có lợi. Diệu nghĩa của nhất thừa vốn khó hiểu, khó vào, hàng nhị thừa chẳng thể nhận biết được, chỉ có Phật và Bồ Tát mới có thể thấu đạt, vì độ chúng sinh nên giảng nói nhất thừa.

Lúc ấy, Bồ Tát Giải Thoát từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp cách xa, tượng pháp trụ thế, vào thời kiếp mạt, chúng sinh ở trong năm trược phần nhiều tạo nghiệp ác, bị luân hồi trong ba cõi không có lúc nào ra khỏi. Xin Phật từ bi vì chúng sinh sau này mà giảng nói rõ về nhất thừa quyết định chân thật, khiến cho các chúng sinh đều được giải thoát.

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Ông đã có thể hỏi, nguyên nhân ra đời của ta là nhằm giáo hóa chúng sinh, khiến họ được quả xuất thế, đây là một việc lớn không thể nghĩ bàn, vì lòng đại từ, đại bi, nếu không giảng nói thì ta sẽ bị rơi vào chỗ tham lam keo kiệt. Các ông hãy nhất tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà giảng nói.

Này thiện nam! Nếu giáo hóa chúng sinh mà không có chúng sinh để hóa độ, không chúng sinh, không giáo hóa thì sự giáo hóa ấy rất lớn, khiến cho chúng sinh đều xa lìa tâm chấp ngã. Tất cả tâm ngã xưa nay đều vắng lặng, nếu đắc tâm không thì tâm không phải là huyễn hóa, không huyễn không hóa tức được vô sinh, tâm vô sinh ở nơi vô hóa.

Bồ Tát Giải Thoát thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm tánh của chúng sinh vốn lặng không, thể của tâm lang không, không có sắc tướng, vậy làm thế nào tu tập để được tâm không?

Xin Đức Phật từ bi giảng nói cho con.

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát! Tướng của tất cả tâm xưa nay vốn không, không nguồn gốc, không xứ sở, vắng lang vô sinh. Nếu tâm vô sinh tức vào chỗ không tịch, cõi tâm không tịch tức đắc tâm không. Thiện nam, tâm vô tướng, không tâm, không ngã, tất cả pháp tướng cũng như vậy.

Bồ Tát Giải Thoát thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh nếu chấp ngã, chấp tâm thì dùng pháp gì để khiến cho chúng sinh ấy ra khỏi sự trói buộc ấy?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Nếu người nào chấp ngã thì nên quán mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên vốn từ nhân quả, chỗ phát khởi của nhân quả ở nơi tâm hành. Tâm còn không có huống nữa là có thân.

Nếu người chấp hữu ngã thì khiến diệt trừ hữu kiến. Nếu chấp vô ngã thì khiến diệt vô kiến. Nếu là tâm sinh thì khiến diệt tánh sinh. Nếu là tâm diệt thì khiến diệt tánh diệt. Diệt thì thấy tánh, tức hội nhập vào thật tế.

Vì sao?

Vì sinh vốn không diệt, diệt vốn không sinh. Không diệt, không sinh. Không sinh, không diệt, tất cả các phap cũng đều như vậy.

Bồ Tát Giải Thoát thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh, khi thấy pháp sinh nên diệt kiến chấp nào?

Khi thấy pháp diệt nên diệt kiến chấp nào?

Đức Phật dạy: Bồ Tát! Nếu có chúng sinh khi thấy pháp sinh nên diệt vô kiến, khi thấy pháp diệt nên diệt hữu kiến. Nếu diệt hết kiến này thì được pháp chân không, nhập vào tánh quyết định, quyết định vô sinh.

Bồ Tát Giải Thoát liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khiến cho chúng sinh ấy trụ nơi vô sinh là vô sinh chăng?

Đức Phật dạy: Trụ nơi vô sinh tức là hữu sinh.

Vì sao?

Vì không trụ, không sinh, chính là vô sinh. Bồ Tát, nếu sinh nơi vô sinh, là do sinh diệt sinh. Sinh diệt đều diệt, sinh vốn vô sinh. Tâm thường không tịch, không tánh là vô trụ, tâm không có trụ chính là vô sinh.

Bồ Tát Giải Thoát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm không có chỗ trụ thì có gì phải tu học, vì hữu học là vô học.

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát! Tâm vô sinh, tâm chẳng ra vào. Bản tánh của Như Lai tạng là vắng lặng, không động, cũng chẳng phải là hữu học, cũng chẳng phải là vô học. Không có học nào mà chẳng học, đó tức là vô học. Chẳng phải là không hữu học đó là chỗ cần học.

Bồ Tát Giải Thoát thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tánh của Như Lai tạng vắng lặng, bất động?

Đức Phật dạy: Như Lai tạng là tướng nhận biết suy xét về sinh diệt, lý ấn không hiện rõ. Đó là tánh Như Lai tạng vắng lặng, không động.

Bồ Tát Giải Thoát thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng nhận biết suy xét về sinh diệt?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát! Lý không thể đạt được chăng?

Nếu có thể đạt được tức sinh khởi các niệm, ngàn suy vạn xét là tướng sinh diệt. Bồ Tát quán tướng của bản tánh lý tự đầy đủ. Ngàn suy vạn xét không làm tăng lý đạo, chỉ theo động loạn mất gốc nơi tâm vương. Nếu không suy xét thì không sinh diệt, như thật, không sinh khởi, các thức vắng lặng, sự trôi chảy chẳng sinh, được năm pháp tịnh, đó là đại thừa.

Bồ Tát nhập vào năm pháp tịnh, tâm tưc không vọng. Nếu không có vọng thì nhập vào cảnh giới Thánh trí tự giác của Như Lai. Người nhập vào trí địa thì khéo biết tất cả vốn từ chẳng sinh, biết vốn không sinh thì không vọng tưởng.

Bồ Tát Giải Thoát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người không vọng tưởng nên không dừng dứt?

Đức Phật dạy: Bồ Tát! Vọng vốn không sinh, nên không vọng có thể dứt. Biết tâm là vô tâm, thì vô tâm có thể dừng. Không phân không biệt thì hiện thức không sinh, vô sinh có thể dừng. Đó tức là không dừng, cũng chẳng phải là không dừng.

Vì sao?

Vì dừng là không dừng.

Bồ Tát Giải Thoát thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu dừng là không dừng, dừng tức là sinh, sao gọi là vô sinh?

Phật bảo: Bồ Tát nên biết! Dừng là sinh, dừng rồi thì không dừng, cũng chẳng trụ nơi không dừng, cũng chẳng trụ nơi vô trụ, thì sao gọi là sinh.

Bồ Tát Giải Thoát thưa: Bạch Thế Tôn! Tâm đã vô sinh thì có gì để lấy và bỏ?

Trụ nơi pháp tướng nào?

Đức Phật dạy: Tâm vô sinh, thì không lấy, không bỏ, trụ ở chỗ không tâm, trụ nơi không pháp.

Bồ Tát Giải Thoát thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là trụ nơi không tâm, trụ nơi không pháp?

Đức Phật dạy: Không sinh nơi tâm là trụ nơi không tâm, không sinh nơi pháp là trụ nơi không pháp. thiện nam, tâm và pháp không sinh tức không nương dựa, không trụ nơi các hành, tâm thường vắng lặng, không có thể khác. Ví như hư không kia không có động, dừng, không sinh khởi, không tạo tác, không đây, không kia.

Đắc Nhãn tâm không, đắc Pháp tâm không. Năm ấm, sáu nhập thảy đều vắng lặng. Này thiện nam, người tu pháp không, không nương nơi ba cõi, không trụ nơi tướng giới, thanh tịnh vô niệm, không thâu giữ, không phóng xả, tánh như Kim Cang, không hoại Tam Bảo, tâm rỗng lặng bất động, đầy đủ sáu pháp Ba la mật.

Bồ Tát Giải Thoát thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Sáu pháp Ba la mật đều là hữu tướng, pháp của hữu tướng có thể xuất thế gian chăng?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Ta nói sáu pháp Ba la mật là vô tướng, vô vi.

Vì sao?

Nếu người lìa dục, tâm thường thanh tịnh, phương tiện của thật ngữ, lợi mình lợi người là bố thí Ba la mật. Chí niệm vững chắc, tâm thường không trụ, thanh tịnh vô nhiễm, không chấp vướng nơi ba cõi, là tịnh giới Ba la mật.

Tu pháp không, dứt trừ kết sử, không nương vào các cõi, ba nghiệp tịch tĩnh, không trụ nơi thân tâm, đó là nhẫn nhục Ba la mật. Xa lìa phiền não, đoạn trừ chấp có và không, vào sâu nơi không ấm, đó là tinh tấn Ba la mật. Đều lìa không tịch, chẳng trụ các không, tam ở nơi vô trụ, chẳng trụ nơi không đại, là thiền định Ba la mật.

Tâm không tướng tâm, không chấp thủ hư không, các hành chẳng sinh, không thủ chứng tịch diệt, tâm không ra vào, tánh thường bình đẳng, các pháp nơi thật tế đều là tánh quyết định, không nương nơi các địa, không trụ nơi trí tuệ, là trí tuệ Ba la mật.

Này thiện nam! Sáu pháp Ba la mật này đều đạt lợi ích cho mình, vào tánh quyết định, siêu việt thế gian, giải thoát vô ngại. Này thiện nam, pháp tướng giải thoát như vậy đều là hành không tướng, cũng không nẻo nào là không giải, đấy gọi là giải thoát.

Vì sao?

Vì tướng của giải thoát là không tướng, không hành, không động, không loạn, là Niết Bàn tịch tĩnh, cũng không chấp thủ tướng Niết Bàn.

Bồ Tát Giải Thoát nghe lời Phật dạy rồi, tâm rất vui mừng được điều chưa từng, muốn nhắc lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:

Đấng đầy đủ Đại Giác

Vì chúng diễn nói pháp

Đều nói đạo nhất thừa

Không có đạo nhị thừa.

Một vị không tướng lợi

Cũng giống như hư không

Đều dung chứa tất cả

Tùy căn tánh khác nhau,

Đều được nơi chốn gốc

Như xa lìa tâm ngã

Một pháp được thành tựu

Các hữu, hành đồng khác,

Thảy đều được lợi ích

Đoạn dứt tướng nhị kiến

Nơi Niết Bàn tịch tĩnh

Không chấp thủ chứng đắc,

Nhập vào chỗ quyết định

Không tướng, không có hành

Cõi tâm không, vắng lặng

Tâm tịch diệt, vô sinh,

Đồng tánh Kim Cang kia

Không hoại nơi Tam Bảo

Đủ sáu Ba la mật

Độ tất cả chúng sinh,

Siêu vượt khỏi ba cõi

Đều không dùng tiểu thừa

Pháp ấn của một vị

Thành tựu đạo Niết Bàn.

Lúc ấy, đại chúng nghe ý nghĩa này rồi, đều rất vui mừng, xa lìa tâm ngã, hội nhập vào pháp không, vô tướng, mở ra nẻo rộng lớn vô biên, tất cả đều được quyết định, đoạn trừ hết các phiền não lậu hoặc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần