Phật Thuyết Kinh Lạc Anh Lạc Trang Nghiêm Phương Tiện - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

LẠC ANH LẠC TRANG NGHIÊM

PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần  

PHẦN NĂM  

Lúc này, Thiên Nữ hỏi Đại Đức Tu Bồ Đề: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Người nữ này, nhân duyên gì mà giảng nói pháp như vậy, sao Đại Đức không đáp?

Tu Bồ Đề đáp: Này Thiên Nữ! Ý ngươi thế nào?

Thân người như huyễn, có thể nói là nguyên nhân hay chẳng là nguyên nhân không?

Thiên Nữ đáp: Không, thưa Đại Đức Tu Bồ Đề!

Tu Bồ Đề tiếp: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ngươi nói! Các pháp đều như huyễn, ta đáp làm gì.

Này Thiên Nữ! Như các chúng sinh nói hư, thật bình đẳng là đồng với ta.

Vì sao?

Vì khi giảng nói pháp thọ thực như vậy, những lời nói bình đẳng ấy là như huyễn, nên có một trăm Thiên Tử được mắt pháp trong sạch.

Bấy giờ, người nữ hướng về Tu Bồ Đề hối lỗi, hối lỗi rồi nói với Đại Đức Tu Bồ Đề là tùy ý Đại Đức đi. Đại Đức mang thức ăn này đến chỗ Phật, tôi cũng sẽ đến chỗ Phật.

Lúc này, Đại Đức Tu Bồ Đề mang thức ăn khất thực được, rời thành Vương Xá. Nghe pháp ấy, Đại Đức sinh tâm vui vẻ không muốn thọ trai. Khi Đại Đức Tu Bồ Đề lòng đang suy nghĩ thức ăn này sẽ bố thí cho ai, phải tùy chỗ bo thí, để không mất quả báo. Khi đó, có một vị Bồ Tát, tên Bất Ô Nhất Thiết Pháp, biết ý nghĩ của Tôn Giả Tu Bồ Đề, liền đến thẳng chỗ Đại Đức Tu Bồ Đề.

Đến rồi, nói với Đại Đức Tu Bồ Đề: Thức ăn này nên thí cho tôi thì không mất quả báo.

Tu Bồ Đề hỏi: Này thiện nam! Ông có an trụ nơi giới không?

Đáp: Này Đại Đức Tu Bồ Đề! Tôi không thọ các pháp, không trì giới lại còn phá giới.

Đại Đức Tu Bồ Đề! Tôi sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, tham lam, sân giận và tà kiến.

Lúc đó, Đại Đức Tu Bồ Đề nghe và nghĩ về lời nói ấy, biết thiện nam này đã đắc biện tài về ngôn tư, nên sẽ hỏi nhân duyên chỗ nói đó.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Này thiện nam! Nhân duyên gì mà nói lời như thế?

Khi ấy, Bồ Tát Bất Ô Nhất Thiết Pháp hướng về Đại Đức Tu Bồ Đề, nói kệ:

Đạo tôi rất thanh tịnh

Đạo Bồ Đề Vô thượng

Trăm ngàn ức chúng sinh

Ở ngay trong đạo này.

Nhờ duyên này nên nói

Tôi sát hại chúng sinh

Gọi là sát chúng sinh

Ai hay đạo ấy tịnh.

Bồ đề chẳng cùng trời

Cũng chẳng cùng Thích, Phạm

Không do tự nhiên được

Do duyên đó tôi trộm.

Đại thừa không ban cho

Không y chỉ thừa kém

Tôi nói là đại thừa

Do đó nên tôi trộm.

Biết đối với tà dâm

Người trí tuệ cầu pháp

Cấm dục mà cố dục

Như vậy hành tà hạnh.

Như chỗ có giả danh

Vì người khát ngưỡng nói

Tất cả các vọng ngữ

Do đó nên vọng ngữ.

Nếu có các chúng sinh

Nương tựa theo thừa dưới

Phá bỏ những điều ấy

Khuyên phát theo đại thừa.

Người hai lưỡi như vậy

Phá trừ các ngoại đạo

Đọa phi đạo chúng sinh

An trụ đất bình thản.

Nếu ai hay quở trách

Là không có ái ngữ

Nói những lời thô ác

Hàng phục tất cả ma.

Nói những lời thô ác

Tâm cũng không san giận

Người khỏe thấy phương tiện

Nên giáo hóa chúng sinh.

Biết nói nhân duyên gì

Tùy nhân duyên mà nói

Đó gọi là thêu dệt

Biết ức số chúng sinh.

Hoặc nói nơi chân thật

Hoặc biết rõ vọng ngữ

Do đó nên thêu dệt

Diễn thuyết về chánh pháp.

Nếu tất cả chúng sinh

Cùng thọ vui trời, người

Lại cầu khỏi tội lỗi

Cầu mong một chúng sinh.

Nếu vui thích tương ưng

Điều phục lợi thế gian

Bậc trí tuệ ban cho

Tất cả chúng sinh vui.

Chỗ diễn nói người tham

Những người tham như vậy

Thường tạo nguyện như thế

Các chúng sinh làm Phật.

Khi chánh pháp muốn diệt

Người dũng kiện trì giữ

Thân mạng dù xả bỏ

Chứ không bỏ Pháp Phật.

Hiện ra vô sở úy

Các chúng sinh tranh tụng

Và tất cả ngoại đạo

Thâu giữ lấy chánh pháp.

Hoặc giữ gìn một kiếp

Hoặc giữ một ức kiếp

Cũng không bỏ chánh pháp

Sau đó không vọng ngữ.

Người dũng kiện tà kiến

Tất cả hữu vi tà

Cũng biết nơi tà kiến

Tiến vào theo chánh kiến.

Người có pháp như vậy

Là an trụ trì giới

Trụ nơi không có trụ

Bậc trí hiểu bồ đề.

Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề dùng thức ăn khất thực được, cúng dường cho vị thiện nam và nói: Đại Sĩ là bậc thiện trượng phu, đáng thọ tín thí mà không mất quả báo.

Ngày đó Đại Đức Tu Bồ Đề không thọ trai. Qua giờ thọ thực, Tu Bồ Đề ra khỏi tam muội, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi hướng về Phật, nói lại đầy đủ pháp đã nghe.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ông nay biết Bồ Tát ấy tên gì không?

Tu Bồ Đề thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn!

Phật nói: Bồ Tát ấy tên là Đại Bồ Tát Chuyển Nữ Thân, đã ưa thích trang nghiêm nơi phương tiện để giáo hóa chúng sinh. Như ở nước Ma Già Đà cứ mười đấu bằng một hộc, một ngàn hộc bằng một xe, gồm có một ngàn xe hạt cải như vậy, có người có thể đếm hết số đó, nhưng Đại Bồ Tát Chuyển Nữ Thân do ưa thích trang nghiêm nơi phương tiện, ở Thế Giới Ta Bà giáo hóa chúng sinh, khiến cho Cõi Trời, người đều phát tâm nơi đạo chánh chân vô thượng thì không thể đếm biết.

Lúc này, người nữ và năm trăm nữ nhân thị tùng vây quanh cùng ra khỏi thành Vương Xá, hướng về núi Kỳ Xà Quật, thẳng đến chỗ Phật.

Từ xa, Đức Thế Tôn trông thấy người nữ, bên nói với Đại Đức Tu Bồ Đề: Ông có thấy năm trăm người nữ ấy đến đây không?

Dạ thấy, thưa Thế Tôn, Phật nói: Những người nữ này là Đại Bồ Tát Chuyển Nữ Thân do ưa thích trang nghiêm nơi phương tiện giáo hóa đã thành thục, đều đã an trụ nơi tâm đạo chánh chân vô thượng.

Khi ấy, người nữ cùng năm trăm nữ nhân thị tùng đi theo đã đến chỗ Phật, người nữ đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra đứng qua một bên. Năm trăm người nữ kia cũng đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đứng qua một bên.

Lúc này, Đại Đức Tu Bồ Đề đến chỗ người nữ, chắp tay cung kính.

Khi đó, Đại Đức Xá Lợi Phất hỏi Đại Đức Tu Bồ Đề: Tôn Giả nay đạt được phi Thánh pháp phải không?

Đã trụ nơi phi Thánh giới phải không?

Sao lại cung kính nữ nhân?

Bấy giờ, người nữ nói với Đại Đức Xá Lợi Phất: Thưa Đại Đức! Đại Đức có biết Thánh thế gian và chẳng phải Thánh thế gian không?

Nếu không thể nói thì nên im lặng.

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Này cô! Cô có thể biết Thánh và chẳng phải Thánh chăng?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi có thể biết điều đó.

Cô biết như thế nào?

Đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu không đoạn Thánh chủng, đó gọi là Thánh. Nếu không đoạn Phật chủng, Pháp chủng, Tăng chủng, đó gọi là Thánh. Nếu thực hành lòng từ bi, mong muốn cho tất cả chẳng phải Thánh được giải thoát, đó gọi là Thánh.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Thà là một người nữ, dùng đủ loại chuỗi ngọc tự trang nghiêm, đeo tràng hoa Chiêm Bặc, nhận năm thứ dục lạc mà tăng trưởng rạng rỡ dòng Thánh, không bỏ tâm đạo chánh chân vô thượng, còn hơn là A La Hán tu tám giải thoát, các lậu tịch tĩnh.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi xin ví dụ: Nếu dùng bát lưu ly chứa đầy ngọc thủy tinh, với dùng vật báu vô giá đặt trong phân uế.

Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ý Tôn Giả sẽ thế nào?

Này cô! Thà dùng vật báu vô giá đặt trong phân uế, chứ chẳng dùng bát lưu ly chứa đầy ngọc thủy tinh.

Đúng vậy! Đại Đức Xá Lợi Phất! Như có người nữ, tâm đạo trụ nơi chánh chân vô thượng, vượt qua chư Thánh, không như A La Hán tu tám giải thoát, trụ nơi tịch tĩnh dứt hết các lậu.

Đại Đức Xá Lợi Phất nói: Này cô! Cô có hướng về đại thừa không?

Thưa Đại Đức! Thể của đại thừa là không hướng tới cũng không quay trơ lại.

Này cô! Nếu đại thừa ấy, không hướng tới, không quay trở lại, vậy hướng về đại thừa thì chỗ hướng về là chỗ nào?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chỗ hướng là đại thừa, tức là hướng về từ vô minh vô tận, cho đến hướng về lão tử vô tận.

Vì sao?

Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Vì vô minh không thể tận, cho đến lão tử cũng không thể tận. Vô tận tức là pháp tánh vô sinh. Nếu sinh là tận thì vô sinh là vô tận.

Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Duyên hợp pháp sinh là pháp không tranh.

Bấy giờ, Đại Đức Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ai là người có thể tuyển chọn?

Thưa Thế Tôn?

Người nữ này dùng chuỗi ngọc tự trang nghiêm nơi phương tiện mà thành tựu ngôn biện như vậy chăng?

Người nữ đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Lời nói biện biệt đó chẳng phải là chuỗi ngọc trang nghiêm.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Này cô! Vậy ai là biện luận?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Bồ Tát trang nghiêm tám thứ chuỗi ngọc, nếu trang nghiêm rồi thì đạt được biện tài vô ngại của Bồ Tát.

Những gì là tám?

Không mất tâm bồ đề là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ nhất.

Trụ nơi tâm đại bi rốt ráo là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ hai.

Tất cả chúng sinh không có lòng nghi ngại, là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ ba.

Cầu tiến được hiểu biết rộng, không hề chán đủ là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ tư.

Khéo có thể quán sát như pháp đã nghe, là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ năm.

Hóa độ chúng sinh, nhưng cũng không thể thấy đối với tất cả các pháp là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ sáu.

Khéo biết phương tiện, phân biệt sâu xa về pháp duyên hợp sinh khởi, khéo biết tất cả các căn của chúng sinh là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ bảy.

Khéo biết phương tiện của Chư Phật thọ trì là chuỗi ngọc trang nghiêm thứ tám.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần