Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số Mười Sáu - Phật Nói Kinh Tứ Tánh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG MỘT

BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ MƯỜI SÁU

PHẬT NÓI KINH TỨ TÁNH  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, nhà của Tứ Tánh gặp phải tai ương từ kiếp trước, nên nghèo túng khôn cùng, mặc áo cỏ, nằm chiếu rơm, cháo rau qua ngày.

Tuy là nghèo cực, nhưng chân không bước tới nhà kẻ vô đạo, tay không cầm lấy vật của người vô đạo cho, chí hạnh trong sạch, các thứ tà vọng không thể làm ô nhiễm lòng mình. Sáng học, chiều giảng Kinh, giới không ngớt nơi miệng, được Đức Thế Tôn khen ngợi, các bậc trí cung kính.

Tuy áo cơm không đủ nuôi thân miệng, nhưng luôn cúng dường Thánh Chúng, tùy theo khả năng của gia đình, dù chỉ là cháo rau, chiếu cỏ, cũng không một ngày thiếu vắng.

Các vị Sa Môn nói: Gia đình Tứ Tánh nghèo khốn, thường lộ vẻ thiếu đói, chúng ta không nên thọ nhận vật cúng dường của ông.

Trong Kinh nói: Bậc Sa Môn một lòng giữ điều chân chánh, giới đủ, hạnh cao, chí như vàng quý, không trọng tài sắc, chỉ có Kinh Điển là vật báu, dứt tuyệt sáu thứ đói, nên thề Xuất Gia.

Vậy còn xấu hổ gì vì việc xin ăn mà không đi ư?

Rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật, thuật rõ đầu đuôi.

Đức Thế Tôn im lặng. Hôm sau, Tứ tánh tự thân đến tịnh xá, cúi đầu lễ Phật xong, ngồi sang một bên.

Đức Phật nghĩ tới lời thưa của các vị Sa Môn hôm trước, nên hỏi Tứ Tánh: Hằng ngày ông đem lòng từ bố thí, cúng dường các Tỳ Kheo phải không?

Đáp: Thưa vâng! Gia đình con hàng ngày cúng dường, chỉ hiềm một nỗi nhà nghèo, chỉ có rau cháo, chiếu cỏ, làm cực nhọc các vị Thánh Hiền, nên lấy làm áy náy.

Đức Thế Tôn nói: Hạnh bố thí cốt ở bốn ý: Lòng từ hướng về người thọ thí, lòng bi luôn thương xót họ, lòng hỷ khi thấy họ có được những thành tựu, lòng hộ xả luôn cứu giúp chúng sinh, thì dù là bố thí ít ỏi, nhưng phước đức sau này thường được sinh vào hai đường Trời, người, mọi sở nguyện sẽ luôn như ý.

Mắt nhìn sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, miệng nếm vị, thân mặc quần áo tốt, tất cả vui vẻ thỏa lòng, không sợ thiếu thốn. Nếu bố thí lắm thứ, nhiều đồ mà lòng không vui thì sau này được phước, phước ấy cũng mỏng manh. Dù được ngôi quan bảy báu vẫn thấy không đủ sang.

Ở trong phước mộng ấy mà lòng lại tham lam keo kiệt, chẳng dám ăn mặc, lo sợ ngay ngáy, chưa từng được vui vẻ, bụng đói, thân lạnh chẳng khác gì người ăn xin, sống dở chết dở, không có được chút phước lành để tự giúp mình.

Nếu bố thí mà lòng tốt không thành khẩn, kiêu ngạo, tự thị, thân không cung kính, chỉ cốt cầu danh để tiếng tăm mình được vang xa, thì sau cũng có ít của cải, người đời chỉ xưng tụng suông, cho là ức triệu, lòng lo sợ cướp đoạt, áo thường thô mỏng, ăn chưa từng nếm món ngon cũng là sống uổng chết không. Các Tỳ Kheo chưa từng bước đến nhà, kẻ ấy vốn xa lìa ba ngôi báu, luôn gần đường ác.

Nếu ai đem các vật tốt bố thí dùng bốn Đẳng Tâm kính dâng, tự tay san sẻ đặt bày, luôn ghi nhớ Tam Bảo, cầu nguyện cho chúng sinh sống được gặp Phật, chết được sinh lên Cõi Trời, khổ độc tiêu trừ, đời sau sinh ra không cầu mong gì mà không đạt được: Gặp Phật, sinh lên Cõi Trời, ắt được như chí nguyện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần