Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN BẢY MƯƠI BẢY  

Thiền độ vô cực là gì?

Đó là lòng ngay thẳng, ý chuyên nhất, gồm thâu các lành, mang lấy trong lòng, dùng thiện để tiêu trừ các ý xấu nhơ. Thiền có bốn bậc.

Hành thiền thứ nhất bỏ chỗ tham ái, năm việc yêu tà. Mắt thấy sắc đẹp, lòng dại vì dâm, bỏ tai nghe tiếng..., mũi ngửi hương..., miệng nếm vị..., thân ưa tốt... Người có chí hành đạo ắt phải xa lìa chúng.

Lại có năm thứ che phủ:  Che do tham của cải, che do sân hận, che do mê ngủ, che do dâm dục, che do nghi ngờ. Có đạo hay không đạo, có Phật hay không Phật, có Kinh hay không Kinh, tâm ý luôn nhớ nghĩ thì thanh tịnh không nhơ bẩn. Tâm sáng suốt.

Thì thấy được nẻo chân, chứng đạt thì không gì là không biết. Trời, Rồng, Quỷ yêu không thể mê hoặc được, như người có mười nỗi oán mà đã lìa bỏ, thoát thân được, một mình ở trong núi, không ai biết, không còn lo sợ. Người xa tình dục, trong sạch, tâm lặng, đó gọi là thiền thứ nhất.

Tâm đã đạt được thiền thứ nhất rồi thì tiến hướng đến thiền thứ hai. Bậc thiền thứ hai như người tránh oán thù, tuy ở trong núi sâu mà vẫn còn sợ oán thù tìm đến, càng tự giấu sâu thêm.

Hành giả tuy xa mười oán thù dục tình, vẫn còn sợ giặc dục đến hủy hoại chí đạo. Khi chứng được thiền thứ hai thì dục tình hơi xa không thể làm ô uế mình được.

Ở bậc thiền thứ nhất, thiện ác tranh nhau, dùng thiện trừ ác, ác lùi thiện tiến, ở bậc thiền thứ hai, lòng vui dừng lặng, không còn dùng thiện để tiêu diệt ác nữa. Hỷ, thiện hai ý đều tiêu diệt, mười ác bặt tăm, nhân duyên bên ngoài không len vào được trong lòng.

Ví như đỉnh cao có suối, suối không có nguồn nước chảy vào, cũng chẳng phải nước do rồng mưa xuống, mà suối tự có nước trong sạch tràn đầy, thiện từ tâm ra, ác cũng không còn do mắt, tai, mũi, miệng vào nữa. Chế ngự được tâm như vậy thì lòng hướng về thiền thứ ba.

Ở bậc thiền thứ ba, giữ ý vững vàng chắc chắn, thiện ác không vào được, lòng an như núi Tu Di, ác thiện không ra với việc bên ngoài, thiện ác vắng tiêu, không len vào trong lòng, giống như hoa sen, gốc cành ở trong nước, hoa búp chưa nở bị nước phủ che.

Hành thiền thứ ba thanh tịnh như hoa sen, bỏ lìa các ác, tâm ý đều an. Chế ngự được lòng như thế liền hướng về thiền thứ tư.

Ở bậc này, thiện ác đều bỏ hết, lòng không nghĩ thiện, cũng chẳng nhớ ác, trong lòng sáng sạch như ngọc lưu ly. Lại như vương nữ, tự tắm gội sạch sẽ, thân thoa hương thơm, áo mới mặc trong ngoài rực rỡ, thơm sạch hiển bày.

Bồ Tát lòng ngay chứng thiền thứ tư. Lũ tà chúng bẩn, không thể che lòng, giống như lụa sạch nhuộm màu gì chẳng được. Lại như thợ gốm, nhồi đất nặn đồ, đất không cát sỏi thì nắn đồ gì cũng được. Lại như thợ bạc, nấu chín vàng ròng, trăm lạ, ngàn khéo theo lòng mình muốn.

Bồ Tát tâm tịnh, chứng được bốn thiền ấy rồi tùy ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, bước trên nước mà đi, phân tán thân thể, biến hóa muôn điều ra vào không gián đoạn, mất còn tự do, sờ mó mặt trời, mặt trăng, lay động Trời đất, thấy nghe thông suốt, không gì là không lãnh hội thấu đáo.

Tâm thanh tịnh xem xét sáng suôt, chứng được nhất thiết trí. Được trí này rồi, thì từ khi chưa có Trời đất chúng sinh đổi thay mười phương hiện tại, các tâm đã nghĩ nhớ, việc chưa nẩy sinh, hồn linh của chúng sinh làm Trời, làm người, đọa vào địa ngục Thái sơn, sinh trong loài ngạ quỷ, súc sinh, phước hết thì thọ tội, tai ương hết thì thọ phước, không chỗ xa nào mà không đi tới.

Phàm được bốn thiền rồi mà muốn được trí sáng suốt của các bậc Câu Cảng, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Nghi và trí sáng giác ngộ của các Bậc Như Lai Chí Chân Bình Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì cầu là được ngay, giống như muôn vật đều từ nơi đất mà sinh ra.

Từ bậc đạt trí năm thông cho đến Bậc Thế Tôn đều từ bốn thiền mà thành, cũng như chúng sinh không thể đứng vững nếu không có đất.

Đức Thế Tôn lại dạy: Quần sinh ở đời, dù cho có được trí của các bậc Thiên Đế, Tiên Thánh tuệ thông, mà không gặp Kinh này thì cũng không đạt được cái định dứt lìa bốn thứ, khác nào người ngu tối. Đã có trí tuệ, mà lại nhất tâm, là gần với việc độ đời.

Đấy là thiền độ vô cực của Bồ Tát, nhất tâm như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần