Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Chín Mươi - Phật Thuyết Kinh A Ly Niệm Di
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH LỤC TẬP ĐỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẦN CHÍN MƯƠI
PHẬT THUYẾT KINH
A LY NIỆM DI
Nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại xóm Ưu Lê thuộc Xá Vệ.
Lúc ấy, sau bữa ngọ trai, các Tỳ Kheo ngồi lại ở giảng đường, riêng cùng bàn luận: Mạng người ngắn ngủi, thân yên ổn không được bao lâu, sẽ phải đến đời sau rồi!
Trời, người, các vật... không gì sinh ra mà không chết, những người ngu tối, keo kiệt khổng biết bố thí, không vâng giữ Kinh Đạo, cho làm thiện không phúc, làm ác không bị họa nặng, buông lòng, thả chí, không việc ác nào mà không làm, trái lời Phật dạy, về sau dù hối hận phỏng có ích gì.
Đức Phật dùng thiên nhĩ, xa nghe các vị Tỳ Kheo bàn luận về chuyện vô thường không gì hơn.
Đức Thế Tôn liền đứng dậy, đến chỗ các vị Tỳ Kheo, lên tòa ngồi an tọa rồi hỏi: Các vị vừa bàn luận việc gì?
Các Tỳ Kheo quỳ gối, thưa: Sau bữa ăn, chúng con cùng nhau bàn luận về vấn đề mạng người thoáng chốc, không bao lâu phải sang đời sau... như trên đã nói.
Đức Thế Tôn khen: Lành thay! Lành thay!
Rất thú vị! Đang khi các ông bỏ nhà học đạo, chí phải trong sạch, chỉ có điều thiện mới nên nhớ nghĩ.
Tỳ Kheo đứng ngồi, phải luôn tâm niệm hai việc: Một là phải giảng Kinh, hai là phải thiền định.
Các vị có muốn nghe ta giảng Kinh không?
Các vị Tỳ Kheo đáp: Thưa vâng, chúng con nguyện vui thích lãnh hội.
Đức Thế Tôn kể: Thuở xưa có vị Quốc Vương tên là Câu Lạp. Nước ấy có một loại cây lớn, tên là Tu Ba Hoàn, chu vi thân cây năm trăm sáu chục dặm, rễ dưới bốn phía rộng đến tám trăm bốn chục dặm, cao bốn ngàn dặm, cành tỏa ra bốn phía đến hai ngàn dặm.
Cây ấy có năm mặt: Mặt thứ nhất, Vua và cung nhân cùng ăn. Mặt thứ hai, bá quan ăn. Mặt thứ ba, dân chúng ăn. Mặt thứ tư, đạo nhân, Sa Môn ăn. Mặt thứ năm, chim thú ăn. Quả của cây to bằng cái bình hai đấu, vị ngọt như mật, không có người giữ gìn, cũng không ai xâm phạm phá phách.
Con người thời ấy đều thọ đến tám mươi bốn ngàn tuổi, họ đều có chín thứ bệnh: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiểu tiện, ái dục, ăn nhiều, tuổi già, thân suy. Họ có chín thứ bệnh ấy, con gái đến năm trăm tuổi mới đi lấy chồng.
Bấy giờ, có vị Trưởng Giả tên là A Ly Niệm Di, của cải nhiều vô số.
Niệm Di tự nghĩ: Thọ mạng rất ngắn, không gì có sinh mà không có tử. Của báu nào phải là của mình, nhiều lần đem tai họa đến, chẳng bằng ta đem bố thí, cứu giúp kẻ nghèo đói, thiếu thốn. Đời sang tuy vui, nhưng không tồn tại lâu, chi bằng ta xa lìa nhà vứt bỏ mọi uế trược, giữ hạnh trong sạch, mặc Ca Sa làm Sa Môn.
Bèn đến chỗ Chúng Tăng thọ giới Sa Môn. Những người thường thấy Niệm Di làm Sa Môn, có hơn mấy ngàn người, nghe lời dạy của Bậc Thánh ấy, đủ hiểu rõ về lẽ vô thường, có thịnh tức có suy, không gì còn mãi mà không mất, chỉ có đạo là đáng quý, nên họ đều xin làm Sa Môn, thuận theo sự giáo hóa của ông.
Niệm Di vì các đệ tử nói Kinh: Mạng người ngắn ngủi, thoáng chốc vô thường, phải bỏ thân này, đến với đời sau, không có gì sống mà không chết, đâu được lâu dài. Vậy nên phải dứt tuyệt lòng keo kiệt, bố thí cho kẻ nghèo cùng thiếu thôn, thu nhiếp tình dục, không phạm các điều ác. Sống ở đời, mạng người trôi qua rất nhanh.
Mạng người ví như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, giây lát đã rơi, mạng người như thế nào được lâu dài. Mạng người ví như Trời mưa nước xuống, bọt nổi liền tiêu, mạng trôi qua nhanh hơn cả bọt nước.
Mạng người ví như sấm chớp loáng nhanh, giây lát diệt ngay, mạng trôi qua nhanh, hơn cả sấm chớp. Mạng người ví như dùng gậy đập xuống nước, nhắc gậy lên nước liền lại ngay, mạng trôi qua nhanh còn hơn cả việc này.
Mạng người ví như chút dầu xào trên lửa mạnh, để trong giây lát là cháy rụi, mạng trôi qua nhanh hơn cả chút dầu cháy ấy. Mạng người ví như máy dệt, sợi liền qua lại chỉ một chút liền giảm tới hết. Mạng người ngày đêm hao mòn như vậy, nhiều buồn lắm đau nào được lâu dài. Mạng người ví như dắt trâu ra chợ mổ thịt, trâu dời một bước là gần đến chỗ chết một bước.
Người sống một ngày như trâu bước một bước. Mạng sống trôi qua còn nhanh hơn như thế. Mạng người như nước từ núi đổ xuống, ngày đêm tuôn mau, không phút giây ngừng nghĩ. Mạng người qua đi còn nhanh hơn thế.
Ngày đêm hướng đến cõi chết, nhanh lẹ không dừng. Người ở thế gian lắm khổ cực, nhiều lo nghĩ. Mạng người khó được, vì lẽ đó, nên phải vâng theo chánh đạo, giữ giới, nghe Kinh, không được chê bỏ, bố thí kẻ nghèo cùng, thiếu thốn, người sống ở đời không ai là không chết.
Niệm Di đã dạy các đệ tử như thế.
Rồi lại nói tiếp: Ta bỏ lòng tham dâm, sân giận, ngu si, ca múa, đàn xướng, ngủ nghỉ, tà vạy, mà giữ lòng thanh tịnh, lìa xa ái dục, bỏ các hạnh ác, trong rửa sạch tâm cấu uế, ngoài diệt các niệm vọng, thấy thiện không mừng, gặp ác không lo, khổ vui không hại, hạnh ấy trong sạch, nhất tâm bất loạn, chứng được thiền thứ tư.
Ta dùng tâm từ, giáo hóa người, vật, khiến biết đường thiện, sinh lên trên Cõi Trời: Thương mến xót xa sợ họ bị đọa vào cõi ác. Ta đã chứng đắc bốn Thiền và các pháp tịnh, không gì là không thấu đạt, lòng hoan hỷ. Đem chỗ chứng đạt ấy giáo hóa muôn vật khiến thấy được pháp thâm diệu về thiền định, Phật sự. Như có ai chứng đắc ta cũng vui giúp, nuôi dưỡng giúp đỡ muôn vật như tự giữ thân mình.
Thực hành bốn việc ấy thì lòng chân chánh, bình đẳng, mắt nhìn thấy các sắc xấu đẹp, tai nghe lời khen tiếng chê, mũi ngửi mùi thơm, thối, lưỡi: Nếm vị ngon ngọt, đắng cay, thân chạm xúc mượt mà, thô ráp, nguyện ước vừa ý hay phiền não trái lòng, tót không mừng rỡ, xấu không oán giận. Giữ sáu hạnh này đến lúc đạt đạo quả vô thượng chánh chân. Các vị cũng dốc thực hành sáu hạnh này để đạt đạo quả ứng chân.
Niệm Di là bậc Tôn Sư của các Thánh trong ba cõi, trí tuệ thông đạt, không chỗ sâu xa nào mà không thấu tỏ. Các đệ tử, tuy chưa tức thời đắc được đạo ửng chân, nhưng chắc chắn là sau khi mạng chung, đều được sinh lên Cõi Trời.
Kẻ tâm vắng chí lặng, chuộng thiền định, đều sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên. Thứ đến là sinh lên Cõi Trời Hóa ứng thanh, thứ đến sinh lên Cõi Trời Bất kiêu lạc, kế tiếp sinh lên Cõi Trời Đao Lợi, kế tiếp sinh lên Cõi Trời Đệ nhất, thứ đến nữa là sinh vào các nhà vương hầu ở Thế Gian.
Hạnh cao được cao, hạnh thấp được thấp, giàu nghèo sang hèn, sống lâu hay chết yểu, đều do từ kiếp trước. Những kẻ vâng lời các giới của Niệm Di thì không còn khốn khổ.
Niệm Di ấy là thân ta. Các Sa Môn tu hành tinh tấn nên thoát được cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử, ưu não, chứng được đạo lớn ứng chân giải thoát. Người không đủ năng lực tu hành trọn vẹn thì ít ra cũng đạt được đạo Câu Cảng, Tần Lai, Bất Hoàn.
Người sáng suốt suy nghĩ sâu xa: Mạng người vổ thường, thoáng chốc không lâu. Sống một trăm tuổi thì có người được, người không. Trong một trăm năm gồm có ba trăm mùa, xuân, hạ, đông, mỗi mùa có được một trăm.
Lại trong số một ngàn hai trăm tháng, các tiết xuân, hạ, đông mỗi thứ có được bốn trăm tháng. Trong ba mươi sáu ngàn ngày, mùa xuân được mười hai ngàn ngày. Trong một trăm năm, phàm một ngày ăn hai bữa thì có được bảy mươi hai ngàn bữa, các mùa xuân, hạ, đông mỗi mùa tính được hai mươi bốn ngàn bữa.
Trừ đi lúc còn nhỏ, chỉ bú mớm chưa thể ăn được, những lúc nghỉ ăn, hoặc ốm đau, hoặc sân giận, hoặc ngồi thiền, hoặc trai giới hoặc trường hợp nghèo khốn thiếu ăn, đều ở trong bảy mươi hai ngàn bữa ăn.
Trong một trăm năm, đêm ngủ trừ đi năm chục năm, lúc còn bé trừ đi mười năm, thời gian bệnh trừ đi mười năm, lo nghĩ việc gia đình và các việc khác trừ đi hai chục năm, thì con người thọ một trăm năm chỉ được chừng mười năm vui mà thôi.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Ta đã nói về thân mạng con người, nói về năm, tháng, ngày, về ăn uống, về tuổi thọ.
Những điều ta phải vì các thầy Tỳ Kheo thuyết giảng đều đã thuyết giảng rồi, những sở cầu của chí ta đều đã thành tựu. Còn Tỳ Kheo các vị sở cầu, chí nguyện rồi cũng sẽ thành tựu, ở nơi núi đầm hay chốn tông miếu đều phải giảng kinh, nhớ đạo, không được biếng trễ. Kẻ sĩ đã quyết tâm sau này, không có gì phải hối.
Đức Phật nói kinh xong, các vị Tỳ Kheo không ai là không hoan hỷ, lễ Phật mà lui ra.
Tám mươi chín Kinh Vua Kính Diện.
Nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá vệ.
Đến giờ ăn, chúng Tỳ Kheo mang bình bát vào thành khất thực, mà Trời chưa đứng bóng nên lòng đều nghĩ nói: Vào thành sớm quá, chúng ta nên đến giảng đường của Phạm chí đạo khác ngồi nghỉ chốc lát.
Mọi người đều nói: Được. Rồi họ liền kéo đến chỗ đó, cùng các Phạm Chí hỏi thăm nhau, rồi ngồi vào chỗ.
Khi ấy, các Phạm Chí cùng nhau tranh cãi về Kinh Điển, phần khúc mắc không giải được, chuyển sang oán giận, bài bác nhau, nói: Ta biết pháp ấy, ông biết pháp nào?
Điều ta biết là hợp với đạo, còn chỗ ông biết thì không hợp đạo. Đạo pháp của ta nên thi hành, còn đạo pháp ông thì khó gần gũi được, điều đáng nói trước thì đem nói sau, điều đáng nói sau lại đem nói trước. Nhiều pháp nói sai, như gánh nặng không thể cất lên nổi. Tôi vì ông giảng giải nghĩa lý mà ông không thể hiểu.
Ông chẳng biết, ông thật không có được gì cả?
Sao lại bức bách ta?
Trả lời thì dùng lưỡi sỉ vả, thành ra hại nhau, bị một lời độc thì đáp lại bằng ba.
Các vị Tỳ Kheo nghe họ nói những lời dữ như vậy, cũng không đồng tình với lời nói kiểu ấy, nhưng cũng không chứng minh được chúng phải.
Các vị Tỳ Kheo đều đứng dậy, đi vào thành Xá Vệ khất thực. Thọ trai xong, cất bát, trở lại khu lâm viên Kỳ Đà, làm lễ Đức Phật, xong đều ngồi sang một bên, đem sự việc trên bạch với Đức Phật, nghĩ rằng đám Phạm Chí ấy tự làm khổ với cái học như thế.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Không biết tới khi nào hiểu được?
Đám dị học đó không phải chỉ ngu tối một đời.
Này các Tỳ Kheo, vào thời quá khứ xa xưa, ở cõi Diêm Phù Đề này có vị Vua tên là Kính Diện, thường đọc tụng các kinh quan trọng của Phật, trí tuệ như cát Sông Hằng, đa số thần dân không tụng đọc, lại ưa thích sách nhảm, tin theo vết sáng của đom đóm mà nghi ngờ cái thấy xa của mặt trời, mặt trăng.
Bèn đem người mù để dẫn dụ, muốn họ từ biệt vũng nước nhỏ mà đi vào biển lớn. Liền lệnh sứ giả đi khắp trong nước, bắt những người mù bẩm sinh đem về cửa cung Vua.
Sứ giả phụng mệnh thi hành, đem hết cả những người mù trong nước về cung, rồi tâu lên Vua: Chúng thần đã bắt được những người mù mắt, hiện đang chờ dưới điện.
Nhà Vua nói: Đem họ đi xem voi. Quan phụng mệnh Vua, dẫn những mù ấy đến chỗ voi, dắt tay chỉ voi cho họ xem. Trong bọn họ có người sờ được chân voi, có người sờ được phần ngọn của đuôi voi, có người sờ được bụng, có người sờ bên sườn, có người sờ lưng, có người sờ tai, sờ đầu, sờ ngà, sờ mũi...
Bọn người mù ở chỗ voi tranh cãi nhau om sòm. Ai cũng cho rằng mình đúng, còn người khác sai. Sứ giả dẫn họ trở về, đem đến chỗ của Nhà Vua.
Vua hỏi: Các ngươi thấy voi chưa?
Họ tâu: Chúng tôi đều thấy cả.
Nhà Vua hỏi: Voi giống như cái gì?
Người sờ được chân, tâu: Thưa minh vương nó giống như cái thùng sơn.
Người sờ được phần cuối đuôi, tâu: Voi như cái chổi quét rác.
Người sờ gốc đuôi, tâu: Voi như cây gậy.
Người sờ bụng, tâu: Voi như cái trống.
Người sờ hông, tâu: Voi như bức vách.
Người sờ được lưng, tâu: Voi như cái ghế cao.
Người tóm được tai, tâu: Voi như cái nia để gạo.
Người sờ đầu, tâu: Voi như cái đâu lớn.
Người nắm phải ngà tâu: Voi như cái sừng.
Người sờ được vòi voi, tâu: Thưa minh vương, voi như sợi dây kéo lớn.
Rồi chúng lại ở trước mặt Vua cùng tranh cãi nhau, ai cũng bảo: Voi đúng như lời con thưa.
Vua Kính Diện cười, bảo chúng: Những kẻ mù kia ơi! Những kẻ mù kia ơi!
Lũ ngươi cũng như người không hiểu Kinh Phật vậy.
Bèn nói bài kệ:
Nay bọn đui mù này
Cãi suông, tự cho đúng
Thấy một cho khác sai
Ngồi một voi cùng oán.
Nhà Vua lại nói: Phàm chuyên chú vào đám sách vở nhảm bậy thì không thấy được Kinh Phật mênh mông, không gì hơn, chân chánh ngất Trời, không gì che phủ, khác nào bọn người không mắt.
Từ đấy, cả nước trên dưới lớn nhỏ đều đọc tụng Kinh Phật.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vua Kính Diện ấy là thân ta, còn những người mù mắt kia là đám Phạm chí ở giảng đường. Lúc ấy, bọn họ vô trí, mù nên tranh cãi nhau, nay cãi nhau cũng vì mờ tối, ngồi tranh cãi nhau một cách vô ích.
Bấy giờ, Đức Phật kiểm đầy đủ sách ấy, khiến các đệ tử giải thích, vì đời sau làm rõ ràng, để cho Kinh đạo được trụ thế lâu dài.
Đức Phật bèn nói Kinh đủ nghĩa này:
Mình mù, nói họ chẳng bằng ta
Ngày một nặng si, lúc nào rõ
Mình không đạo, bảo là học hết
Đảo loạn không tu, bao giờ tỏ?
Hạnh quý thường làm tự biết
Hạnh tự thấy nghe khó sánh
Đã đọa năm nhà đời buộc
Thêu dệt há thắng người ngay!
Ôm si đứng ngóng nẻo thiện
Học tà mà mong được độ
Chân lý thấy nghe, suy nghĩ
Tuy giữ giới chớ chấp trước.
Thấy việc đời chớ thuận làm
Chỉ tuệ, niệm mới nên ham
Với bốn đẳng nên kính giữ
Chớ sinh tưởng không kịp người.
Dứt thế, đời sau nghiệp dứt
Bỏ vọng tưởng đi riêng mình
Chớ tự biết cho rằng sáng
Tuy thấy nghe, chỉ dốc quán.
Cả hai mặt đều vô nguyện
Thai, không thai cũng xa lìa
Hai chốn cũng vô sở trụ
Dốc quán chỉ đạt các pháp.
Chỗ thấy, nghe, ý thọ hành
Nẻo niệm tà chớ hề tưởng
Tuệ quán pháp ý cùng hợp
Từ đấy buông xả, đời không xa.
Tự không có, chỗ nào đợi?
Hạnh gốc, cầu mong phép mầu
Dốc giữ giới, chưa phải tuệ
Vượt bờ chẳng lại qua mau.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tôn Trọng
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi - Kinh được Túi Tiền Vàng
Phật Thuyết Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thổ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi Năm - Phẩm Hư Không