Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH LỤC TẬP ĐỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẦN HAI MƯƠI HAI
Ngày xưa, có một vị Phạm Chí sống đến một trăm hai mươi tuổi, vẫn giữ trinh không cưới vợ, chuyện dâm dục không màng đến, sống tĩnh lặng nơi núi đầm, không ưa đời phú quý, dùng cỏ tranh làm lều. Cỏ bồng, cỏ hoa làm chiếu, uống nước suối, ăn quả rừng, cốt để giữ mạng sống, chí rộng, hạnh cao, thiên hạ đều ca ngợi đức độ.
Nhà Vua đã từng mời làm tướng quốc, nhưng ông một lòng vì đạo không ra làm quan. Ông ở chốn núi đầm này hơn mấy mươi năm, nhân từ trùm khắp, cả loài cầm thú đều được nhờ cậy.
Bấy giờ có bốn con thú là cáo, rái cá, vượn và thỏ, hàng ngày chúng cúng dường Đạo Sĩ và tĩnh tâm nghe Kinh. Sự việc trải qua nhiều năm, trái cây nơi núi này dần dần hết cả, Đạo Sĩ muốn đi tìm nơi khác có nhiều trái cây hơn.
Bốn con thú lo buồn, nói: Tuy có kẻ sĩ vinh hoa khắp cả nước, nhưng như nước bẩn đầy cả biển không bằng một thưng, một đấu nước cam lộ. Đạo Sĩ Đi rồi không còn được nghe Thánh Điển nữa, chúng ta sẽ bị suy thôi. Vậy mỗi chúng ta phải tùy nghi xoay sở tìm đồ ăn thức uống cúng dường Đạo Sĩ, thỉnh Ngài ở lại núi này để được nghe đại pháp.
Bọn chúng đều nói: Được. Con vượn lãnh phần tìm hái quả. Con cáo hóa làm người kiếm được một túi lương khô. Con rái thì bắt được cá lớn.
Ba con đều nói: Số lương thực này có thể cung cấp cho Đạo Sĩ trọn một tháng.
Con thỏ tự nghĩ: Ta sẽ lấy gì để cung cấp cho Đạo Sĩ Đây?
Rồi nó nói: Hễ có sống thì phải có chết, thân này là đồ mục nát, rồi sẽ bỏ đi, cho vạn kẻ phàm phu ăn không bằng cúng dường cho Đạo Sĩ một bữa.
Nó lấy củi nhóm lửa thành than, hướng về Đạo Sĩ, thưa: Thân con tuy nhỏ, nhưng có thể cung cấp cho Ngài được một ngày.
Nói rồi, nó liền lao mình vào lửa, nhưng lửa không cháy. Đạo Sĩ thấy thế, hết sức cảm kích về việc làm của nó, nên khiến như vậy. Chư Phật khen ngợi công đức ấy, Thiên thần đem lòng lành nuôi dưỡng. Đạo Sĩ Liền ở lại nơi đó, ngày ngày nói diệu Kinh. Bốn con thú tuân theo, thọ nhận lời dạy dỗ.
Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Vị Phạm chí ngày ấy chính là Đức Phật Định Quang, con thỏ là thân ta, con vượn là Thu Lộ Tử, con cáo là A Nan, còn con rái là Mục Kiền Liên.
Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã bố thí như vậy.
Thuở xưa, Bồ Tát là một nhà giàu có, tích chứa của báu ngang với kho tàng cả nước, thường ưa cứu giúp kẻ bần cùng, bố thí cho khắp chúng sinh, nhận tất cả muôn loài nương nhờ như biển cả nhận các dòng sông.
Bấy giờ có đứa con người bạn, do hành động phóng đãng, nên cửa nhà tiêu tan.
Người nhà giàu thương xót dạy: Lấy đạo lý sống với đời thì phúc lợi không bao giờ hết. Ta đem ngàn lượng vàng cho con để làm vốn.
Hắn thưa: Thưa vâng! Con không dám trái lời dạy dỗ sáng suốt. Hắn liền đem số vàng ấy làm vốn đi buôn bán. Nhưng hắn vốn tánh hạnh tà hèn, ưa việc quỷ mị, dâm đãng, rượu chè, vui chơi nên của cái đó hết dần, trở lại bần cùng. Do có năm hạnh như thế nên tiền của sạch túi, nghèo cũng hoàn nghèo.
Khi đó, ngoài cửa nhà người giàu ấy có con chuột chết trên đống phân, người nhà giàu bèn chỉ cho hắn ta thấy và bảo: Này, kẻ sĩ thông minh với cái thây con chuột chết kia cũng có thể nuôi sống mình và tạo nên sự nghiệp, huống hồ là con có ngàn lượng vàng mà lại cùng khốn sao?
Nay ta lại cấp cho con một ngàn lượng vàng nữa.
Lúc ấy, có một đứa trẻ ăn xin từ xa nghe được lời dạy ấy, lòng bồi hồi xúc động. Đi xin ăn xong trở lại, nó lấy con chuột chết ấy đem về. Theo lời dạy hay của người nhà giàu, nó xin đủ các thứ gia vị ướp rồi nướng, đem bán được hai tiền.
Nó dùng số tiền ấy làm vốn mua bán rau, dần dần có hơn bạc trăm. Từ buôn bán nhỏ trở thành buôn bán lớn, chẳng mấy lúc trở thành người giàu có trong vùng.
Lúc rảnh rỗi bèn nhớ lại: Ta vốn là đứa trẻ ăn xin, nhờ nhân duyên gì mà được của này?
Rồi sực tỉnh ra: Nhờ lời dạy hiền thiện của người giàu kia cho một đứa trẻ ương bướng mà ta có được của báu này. Đã thọ ân thì phải đáp trả mới là người sáng suốt.
Bèn làm một cái mâm bạc và con chuột bằng vàng, trong bụng chứa đầy các thứ châu báu danh tiếng, dùng lụa phủ lên. Lại đem chuột vàng báu ấy bày lên mâm bạc, bốn bên kết treo các thứ chuỗi ngọc báu và các thứ ngon quý, rồi mang sang lễ nhà giàu kia, thuật rõ lý do, nên nay xin đền đáp ân Trời biển nọ.
Người nhà giàu nói: Hay thay bậc trượng phu đã có thể làm theo lời giáo huấn đó!
Rồi người nhà giàu liền đem con gái gả cho, cả gia sản cũng giao luôn và nói: Con là con cháu của ta, phải thờ Phật, quy y Tam Bảo, đem bốn thứ tâm để cứu giúp chúng sinh.
Anh ta thưa: Con quyết tâm tu theo lời Phật dạy. Sau này làm người kế thừa gia thế ấy, cả nước đều khen là người con hiếu đạo.
Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Người nhà giàu là thân ta. Tên đãng tử kia là Điều Đạt, người nhờ chuột mà trở nên giàu kia là Tỳ Kheo Bàn Đặc. Điều Đạt nhớ tới sáu ức Phẩm Kinh của ta, nhưng nói thuận làm nghịch, khi chết bị đọa vào địa ngục Thái sơn. Còn Tỳ Kheo Bàn Đặc chỉ nhớ làm theo một câu nói của ta cho đến đổi đời.
Ôi! Có nói không làm thì như mỡ gặp ánh nắng tự hoại. Ấy là trí của kẻ tiểu nhân. Lời nói đi đôi với việc làm thì sáng như mặt trời, mặt trăng, thương tưởng chúng sinh, giúp thành muôn vật. Ấy là sự sáng suốt của bậc Đại Nhân. Người thực hiện là đất, muôn vật do đó sinh ra.
Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba Mươi
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Bốn - Phẩm Hữu Y Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Phật Mẫu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bách Thủ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì - Phần Một