Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Năm Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN NĂM MƯƠI HAI  

Thuở xưa, Vua nước Câu Thâm tên là Úc Ca Đạt, nước ấy rộng lớn, dân chúng đông đúc, Vua dùng pháp chánh trị nước, không ép uổng muôn dân.

Nhà Vua có hai người con, một trai, một gái, trai tên là Tu Đạt, gái tên là An Xà Nan, đều giữ hạnh thanh tịnh, Nhà Vua rất yêu quý, xây cho ao tắm bằng vàng để hai con vào tắm. Trong ao có con Rùa tên là Kim, mù một mắt cũng ở trong nước đùa giỡn, chạm phải thân hai đứa trẻ, khiến chúng cả kinh hét lớn.

Nhà Vua hỏi nguyên do, chúng đáp: Trong ao có con gì chạm phải, làm chúng con sợ.

Nhà Vua nổi giận: Ao là để cho bọn trẻ tắm. Con gì vào ở được khiến con ta kinh sợ.

Rồi Vua ra lệnh quăng lưới bắt lấy. Quỷ rồng, kỳ quái đều phải bắt cho được hết.

Phường chài tóm được Rùa.

Nhà Vua nói: Phải giết như thế nào đây?

Bầy tôi, hoặc có người nói: Chặt đầu.

Hoặc có người thưa: Thiêu sống.

Hoặc có người bảo: Chặt khúc ra nấu canh.

Một vị bề tôi tâu: Giết như thế chưa phải là ghê gớm. Chỉ việc đem ném nó vào sông lớn, đó mới gọi là ghê gớm.

Rùa cười thầm: Chỉ có thế mới là ghê gớm chăng.

Nhà Vua sai đem ném Rùa vào sông to.

Con Rùa thoát chết, vui mừng chạy vội đến chỗ Long Vương, tự thưa bày rõ: Vua người Ức Ca Đạt có con gái đẹp đẽ, đoan chánh, sánh ngang Thiên Nữ, nhưng lòng Vua còn so đo. Đại Vương muốn đem cô gái ấy cùng với Vua rồng kết làm vợ chồng.

Vua rồng hỏi: Người nói thật không?

Rùa thưa: Thật như thế đấy. Vua Rồng thết đãi Rùa một bữa tiệc lớn, toàn dùng đồ vật báu.

Rùa nói: Nên sớm sai hiền thần ra đi, Vua tôi muốn biết được quyết định của Ngài.

Vua rồng liền sai mười sáu vị hiền thần theo Rùa đến dưới Thành của Nhân Vương.

Rùa nói: Các ngươi dừng ở đây, để ta đến tâu lên Vua trước.

Rồi Rùa liền trốn đi mất, không trở lại nữa. Mười sáu hiền thần đều tức giận, lo lắng, cùng vào thành yết kiến Đức Vua.

Nhà Vua hỏi: Các rồng đến làm gì?

Họ đáp: Xin Thiên Vương nhân huệ tiếp bọn thần. Nghe Đức Vua muốn cho quý nữ làm phi Vua chúng tôi, nên Vua của chúng thần sai đến để nghinh đón.

Vua nghe liền nổi giận nói: Con gái của Vua người đâu có thể gá nghĩa với loài Rồng Rắn?

Đại vương đã sai Rùa thần đến truyền mệnh lệnh kia mà. Chúng thần chẳng phải đến suông.

Nhà Vua không chịu hứa gả. Các Rồng bèn biến hóa khiến cho trong cung mọi vật đều thành ảnh Rồng, nhiễu vòng quanh trước sau Nhà Vua. Vua sợ quá, kêu thét lên, Quần Thần ngạc nhiên đều đến dưới điện hỏi rõ nguyên do. Vua kể hết mọi chuyện vừa rồi.

Các bề tôi đều nói: Chẳng lẽ vì một người con gái mà phải mất nước sao?

Thế rồi Vua và Quần Thần đi đến bờ sông tiễn đưa công chúa. Nàng về làm phi Vua Rồng sinh được hai con, một trai, một gái, con trai tên là Bàn Đạt. Khi Vua Rồng chết, con trai nối ngôi làm Vua, muốn bỏ cái nhơ bẩn của sự vinh hoa nơi thế gian, học theo chí của người hạnh cao.

Hàng vạn bà vợ đều tìm đi theo, chạy trốn vào nơi khó tới nhưng cũng không tránh được. Khi lên đất liền, Vua Rồng đến bên gốc cây Tư Lê ẩn mình biến làm một con Rắn khoanh tròn mà nằm. Đêm đến thì gốc cây kia sáng choang đèn lửa có đến mười ngọn. Ban ngày thì mưa xuống đủ các loài hoa, màu sắc đẹp đẽ, hương thơm ngạt ngào trên đời chưa hề thấy có.

Trong nước có một người giỏi ếm Rồng tên là Pha Đồ, vào núi tìm Rồng, định làm vật dùng đi kiếm sống.

Gặp đứa trẻ chăn trâu, hắn hỏi có thấy Rồng không?

Đứa trẻ đáp: Tôi thấy có một con Rắn khoanh tròn nằm dưới gốc cây kia, đêm đến trên cây có tới mười ngọn đèn lửa, ánh sáng rực rỡ, ban ngày hoa rơi như tuyết, sắc thắm hương thơm, thật khó nói hết. Tôi lấy thân mình dựa vào, nó cũng không có lòng làm hại.

Tên thuật sĩ nói: Hay thay, ta được toại nguyện rồi!

Hắn liền dùng độc dược thoa vào răng nanh Rồng, làm cho răng nanh rụng hết. Rồi hắn dùng gậy đánh Rồng khiến cho da bị thương, xương bị gãy tên thuật sĩ dùng tay vặn mạnh từ đầu đến đuôi làm Rồng đau đớn vô cùng, nhưng lòng Rồng cũng không chút oán hận, tự cho đó là tội lỗi của mình từ kiếp trước nên mới bị tai họa này.

Rồng thề: Xin cho ta thành Phật để cứu vớt quần sinh, khiến họ đều được an ổn, không bị như ta hiện nay.

Tên thuật sĩ bắt Rồng bỏ trong cái tráp nhỏ, tự mang đi để xin ăn. Mỗi khi đến một nước nào, hắn liền bắt Rồng múa. Quần Thần các nước không ai là không sợ hãi.

Tên thuật sĩ nói: Xin cho vàng bạc mỗi thứ ngàn cân, nô tỳ mỗi loại một ngàn người, voi ngựa trâu xe mỗi thứ một ngàn.

Đến nước nào, hắn cũng thu được như vậy. Lần hồi hắn đến nước tổ phụ của Vua Rồng. Lúc này, mẹ và anh em của Vua rồng đều đã lên đất liền để tìm kiếm, đều hóa làm chim bay nương cạnh vương cung.

Lúc tên thuật sĩ đến đây, Vua Rồng hóa làm con Rồng năm đầu vừa sắp ra múa thì thấy anh em và mẹ nên xấu hổ rụt trở lại không ra múa nữa. Tên thuật sĩ gọi năm, sáu lần, Rồng vẫn cúi đầu. Mẹ Rồng hiện lại hình người, cùng với Vua tương kiến, trình bày đầu đuôi sự việc ấy. Nhà Vua và thần dân không ai là không dấy lòng thương xót.

Nhà Vua muốn giết tên Đạo Sĩ, Vua Rồng xin: Hành vi kiếp trước con đã gieo thì nay phải nhận lấy quả báo, không nên giết nó vì như vậy chỉ thêm nặng cái oán cho kiếp sau. Cứ nên theo chỗ nó xin mà ban cho. Lòng Từ rộng lớn như thế thì Phật Đạo mới thành.

Nhà Vua liền làm gương cho các nước khác, ban cho đầy đủ những gì mà tên thuật sĩ ưa thích. Tên thuật sĩ được nhiều của báu, nên vui mừng rời khỏi đất nước, đến biên giới nước khác thì gặp giặc cướp, thân mạng bị băm vằm, tài vật bị lấy sạch.

Mẹ con Rồng cùng Nhà Vua nói lời từ biệt: Nếu đại vương nhớ đến tôi, cứ gọi tên là tôi đến ngay, không nên quá buồn bã. Nhà Vua cùng toàn thể thần dân đều đến bãi biển tiễn đưa mẹ con Rồng. Cả nước thương xót không ai là không vật vã.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vua Rồng Bàn Đạt là thân ta, Quốc Vương Úc Ca Đạt là A Nan, bà mẹ Vua Rồng là mẹ ta ngày nay, người em là Thu Lộ Tử, người em gái là Tỳ Kheo Ni Thanh Liên Hoa, tên thuật sĩ hại Rồng là Điều Đạt.

Bồ Tát thực hành pháp nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần