Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Năm - Phẩm Ngu ám - Thí Dụ Ba Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM NGU ÁM  

THÍ DỤ BA MƯƠI  

Thuở xưa Đức Phật trú tại nước Xá Vệ. Trong thành có một vị Bà La Môn tuổi gần tám mươi, giàu có vô cùng. Nhưng ông lại là người ngu ám ngoan cố, keo kiệt xan tham khó độ, không tin đạo đức, không biết vô thường, ham thích cất nhà to lớn đẹp đẽ.

Ông cất nhà trên, nhà dưới, đài hóng mát, nhà sưởi ấm, dãy bên Đông, dãy bên Tây… cả mấy mươi gian, duy chỉ còn mái hiên che nắng căn nhà sau là chưa xong.

Lúc đó vị Bà La Môn để hết tâm trí lo chỉ huy mọi người làm việc. Đức Phật dùng Phật nhãn thấy mạng ông sống không hết ngày hôm đó. Thế mà ông không tự biết, cứ mải miết lo tính toán nhọc nhằn, đến nỗi thân tâm tiều tụy, thật vô phước đáng thương.

Đức Phật cùng A Nan đi đến nhà ông, thăm hỏi: Ông có mệt nhọc lắm không?

Nhà cửa nhiều như vậy dùng để ai ở?

Ông lão đáp: Nhà trước dung tiếp khách, nhà sau để ở, hai dãy bên Đông bên Tây dành cho dâu con, tôi tớ và cất chứa của cải. Mùa hạ thì lên đài hóng mát, mùa đông lại vào phòng sưởi ấm.

Đức Phật nói: Đã lâu nghe danh đức của ông, mà nay mới có dịp trò chuyện. Tôi có một bài kệ quan trọng có ích lợi cho việc tồn vong suy thịnh, muốn đem tặng ông.

Không biết ông có vui lòng nghỉ tay ngồi nói chuyện một chút không?

Ông lão đáp: Hôm nay bận lắm, không thể ngồi trò chuyện, xin hẹn hôm khác đến sẽ thong thả luận bàn. Còn bài kệ quan trọng gì đó xin nói ngay đi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Có con, có của

Người ngu rộn rang

Ta còn không thật

Lo gì của, con.

Nóng ở chỗ này

Lạnh ở chỗ kia

Người ngu lo

Không biết đổi thay.

Kẻ ngu cực cùng

Tự cho là trí

Ngu mà tưởng trí

Chính là cực ngu!

Vị Bà La Môn nghe xong nói: Bài kệ này hay thật, nhưng hôm nay tôi rất bận, xin bữa khác hãy đến bàn luận. Đức Phật chỉ biết xót thương ra đi. Ông lão sau đó đích thân đỡ cây đòn dông lên, không ngờ cây đòn dông rơi xuống trúng vỡ đầu chết.

Con cháu than khóc động cả hàng xóm xung quanh. Đức Phật đi chưa bao xa liền xảy ra biến cố này.

Khi Phật đến đầu làng gặp vài mươi người Bà La Môn, họ hỏi Phật: Ngài từ đâu lại?

Đức Phật đáp: Ta đã đến nhà ông lão mới chết để thuyết pháp cho ông nghe. Nhưng ông ta không tin lời Phật, không biết lẽ vô thường, giờ đây bỗng chốc đã sang đời khác. 

Rồi Đức Phật nói lại bài kệ trước cho các vị Bà La Môn nghe, ai nấy đều hoan hỷ chứng được pháp nhãn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Ngu gần người trí

Như muỗng múc vị

Dầu gần rất lâu

Vẫn không biết pháp.

Thông đạt gần trí

Như lưỡi nếm vị

Dầu gần giây lát

Liền hiểu đạo mầu.

Người ngu làm gì

Thân cũng rước họa

Thích ý làm ác

Tự chuốc tai ương.

Làm điều bất thiện

Xét lại, ăn năn

Tràn rơi nước mắt

Quả tụ từ lâu.

Các Bà La Môn nghe thêm bài kệ này lòng tin càng kiên cố, đảnh lễ Đức Phật rồi hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần