Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Bảy - Phật Thuyết Kinh Vua Ong Mật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN SÁU MƯƠI BẢY

PHẬT THUYẾT KINH

VUA ONG MẬT  

Nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở tại khu Lâm Viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.

Đức Phật bảo các đệ tử: Hãy siêng năng, tinh tấn, nghe nhớ, đọc tụng, không được biếng trễ, để khỏi bị vòng tối của các ấm phủ che. Ta nhớ lại từ vô số kiếp về trước, có Đức Phật hiệu là Nhất Thiết Độ Vương Như Lai Vô Sở Trước Tối Chánh Giác, lúc ấy đã vì Chư Thiên, chúng dân nhiều không kể xiết mà thuyết giảng Kinh Pháp.

Bấy giờ trong chúng có hai vị Tỳ Kheo, một vị tên là tinh tấn biện, còn vị kia tên là Đức Lạc Chánh, đều cùng nghe Kinh Pháp.

Tinh tấn biện nghe Kinh hoan hỷ, liền chứng được quả A Duy Việt Trí Bồ Tát không thoái chuyển, thần thông đầy đủ, còn Tỳ Kheo Đức Lạc Chánh thì ngủ say không thức nghe nên không được gì.

Khi đó, tinh tấn Biện gọi Đức Lạc Chánh nói: Đức Phật khó gặp! Hàng ức trăm ngàn đời mới một lần xuất thế, nên phải lấy tinh tấn làm gốc cho các việc làm, sao lại ngủ nghỉ mãi?

Phàm ưa ngủ nghỉ là tội bị các ấm che lấp, phải tự cố gắng mới có được tâm giác ngộ.

Đức Lạc Chánh nghe lời bảo ban ấy liền đi kinh hành, trong khoảng các hàng cây của Khu Lâm Viên Kỳ Đà. Vừa mới đi kinh hành thì lại đứng ngủ, phiền loạn như thế thì không thể tự định được.

Ông liền đi đến bên dòng suôi, muốn ngồi tư duy thì lại ngồi ngủ nữa. Khi ấy, Tỳ Kheo tinh tấn Biện phải quyền biến khéo léo đến để độ bạn, bèn hóa làm con ong mật chúa bay đến trước mắt bạn như muốn chích vào.

Đức Lạc Chánh cả Kinh nên thức dậy và ngồi, nhưng chỉ sợ chúa ong trong giây lát rồi lại ngủ tiếp. Lúc ấy, ong mật chúa bay xuống dưới nách, chích vào ngực và bụng ông ấy. Đức Lạc Chánh cả Kinh, trong lòng rúng động, không dám ngủ nữa.

Khi đó, nơi suối nước có các thứ hoa Ưu Đàm, Câu Văn đủ màu sắc, hoa nào hoa nấy đều tươi đẹp, thanh khiết, ong mật chúa bay đậu trên đóa hoa hút lấy mật hoa.

Đức Lạc Chánh bèn ngồi ngay ngắn nhìn ong, sợ nó bay đến chích nên không dám ngủ nữa, lại tư duy về ong chúa, quan sát nguồn cội sự việc. Ong chúa hút nhụy không bay ra khỏi hoa. Trong chốc lát, ong chúa ngủ, rơi vào vũng bùn, thân thể lấm dơ, lại bay trở về đậu trên đóa hoa.

Lúc ấy, Đức Lạc Chánh hướng về ong mật chúa nói lời kệ:

Người ăn vị cam lộ

Thân thể được an ổn

Không nên lại mang về

Cho khắp cả vợ con

Vì sao rớt trong bùn

Tự làm nhơ thân thể?

Như thế là không khôn

Vị cam lộ bị hỏng

Lại như đóa hoa này

Chẳng nên ở trong lâu.

Trời lặng hoa lại khép

Muốn ra khỏi được nào

Phải đợi mặt trời mọc

Mới ra khỏi được hoa

Mệt tối nơi đêm dài

Khổ nhọc như thế đấy.

Ong mật chúa hướng về Đức Lạc Chánh, nói kệ đáp:

Phật ví như cam lộ

Lắng nghe không nhàm đủ

Chẳng nên có biếng trễ

Không ích cho mọi người

Năm đường biển sinh tử

Ví như rớt bùn nhơ

Ái dục đã trói buộc

Không trí là đắm mê

Mặt Trời mọc, hoa mở

Ví sắc thân Đức Phật

Mặt trời lặn, hoa khép

Ví Phật nhập Niết Bàn

Được gặp đời có Phật

Phải tinh tấn thọ trì

Trừ bỏ ngủ che lấp

Chớ bảo Phật thường trụ

Yếu Tuệ của pháp sâu

Không do sắc duyên hợp

Ấy hiện có người trí

Nên biết là phương tiện

Quyền biến khéo để độ

Có ích không nêu quấy

Mà hiện biến hóa này

Cũng do tất cả ấy.

Khi Đức Lạc Chánh nghe ong mật chúa nói kệ như thế thì đạt được pháp nhẫn bất khởi, tỏ được gốc của các pháp, chứng được Đà La Ni, mới biết đây là phương tiện quyền xảo của tinh tấn biện. Từ đó, Đức Lạc Chánh thường một mình đi kinh hành, không còn biếng trễ, đồng thời cũng chứng được quả vị bất thoái chuyển.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tinh tấn biện lúc bấy giờ nay là thân ta, còn Đức Lạc Chánh ấy là Di Lặc.

Đức Phật nói với Tôn Giả A Nan: Lúc bấy giờ ta với Di Lặc cùng nghe Kinh Pháp, Di Lặc thì lo ngủ nghỉ nên không được gì cả. Giả như thời đó ta không dùng phương tiện khéo léo để độ ông ấy thì Di Lặc đến nay vẫn còn ở trong sinh tử, chưa được giải thoát.

Vậy các vị nghe pháp này phải thường tinh tấn, rộng khuyên tất cả mọi người, phải từ bỏ sự che lấp của ngủ nghỉ, phải dốc tạo căn bản cho trí tuệ sáng suốt.

Đức Phật nói như vậy rồi, thì vô số người đều phát tâm vô thượng bình đẳng.

Bồ Tát luyện chí độ vô cực, đã luôn tinh tấn như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần