Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Mười Ba - Phẩm Thích đề Hoàn Nhân
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH MA HA BÁT NHÃ SAO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM THÍCH ĐỀ HOÀN NHÂN
Thích Đề Hoàn Nhân ngay trong chúng hội bạch Phật: Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Thậm thâm, đó là việc Bồ Tát khó hiểu rõ. Người có đức nghe bát nhã Ba la mật liền biên chép, học tập, thọ trì, phước của người đó không ít.
Đức Phật bảo Câu Dực: Nếu người ở Diêm Phù Lợi đều thọ trì thập thiện, công đức đó gấp trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, nhiều ức lần. Chẳng những con số ấy mà lại quá hơn thế nữa, không bằng thiện nam, thiện nữ nghe bát nhã Ba la mật biên chép, học tập, thọ trì.
Trong đại hội có một Tỳ Kheo bảo với Thích Đề Hoàn Nhân: Đây là người vượt lên trên Câu Dực.
Thích Đề Hoàn Nhân thưa với vị Tỳ Kheo: Người biết hồi tâm nghĩ đúng là đã hơn tôi huống chi nghe bát nhã Ba la mật rồi biên chép, học tập, thọ trì, nghe theo, thực hành theo như trong đó đã dạy, sẽ vượt lên trên hết tất cả Chư Thiên, A Tu Luân và người đời.
Nếu Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không riêng gì vượt lên Chư Thiên, A Tu Luân, người đời cho đến Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, người đó cũng đều vượt qua. Nếu Đại Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật không riêng gì vượt lên trên Bích Chi Phật mà cũng vượt lên trên Bồ Tát thực hành bố thí Ba la mật không có phương tiện quyền xảo.
Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không riêng gì vượt qua bố thí Ba la mật, mà cũng vượt qua thực hành trì giới Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật không phương tiện quyền xảo.
Đại Bồ Tát nào đọc, thực hành bát nhã Ba la mật, Chư Thiên. A Tu Luân, người đời, hoàn toàn không thể hơn.
Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật vì vậy rất là tôn quý.
Gần gũi bát nhã Ba la mật nên Đại Bồ Tát này thực hành theo nhất thiết trí. Lời nói không bị gián đoạn. Đại Bồ Tát này không lìa danh hiệu Như Lai. Đây là Đại Bồ Tát không xa rời Phật. Đại Bồ Tát này không còn sinh giải đãi. Sự học của Đại Bồ Tát này là rất tôn quý. Không học Thanh Văn, Bích Chi Phật là học về Bồ Tát.
Tứ Thiên Vương nên đến thưa hỏi, làm cho ưa thích, được học mau lẹ sự học này, sẽ ngồi chỗ ngồi của Phật, đạt đến vô thượng bồ đề, sẽ độ bốn bộ đệ tử. Đại Bồ Tát nên học như vậy. Tứ Thiên Vương nên đến thưa hỏi, huống là các Thiên Tử khác.
Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật thường được Đức Như Lai A La Hán Đẳng Chánh Giác nghĩ đến. Bát nhã Ba la mật là hạnh của Bồ Tát. Nếu ở thế gian có những điều khổ cực thì ngay thân này không có những điều ác, đó là chỗ đạt đến của Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, liền được phước hiện tiền.
Ngài A Nan suy nghĩ: Thích Đề Hoàn Nhân từ trí tuệ mình thuyết hay là nhờ oai thần của Đức Phật để thuyết?
Thích Đề Hoàn Nhân biết ý nghĩ của A Nan liền thưa với Tôn Giả A Nan: Những điều tôi thuyết là nhờ oai thần của Phật.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này A Nan! Thích Đề Hoàn Nhân thuyết đều là nhờ oai thần của Phật.
Này A Nan! Hoặc khi Đại Bồ Tát ngay trong niệm sâu xa này thực hành bát nhã Ba la mật, liền nghĩ đến việc học tập bát nhã Ba la mật.
Bấy giờ ác ma ở trong tam thiên đại thiên cõi nước, tất cả đều buồn rầu bực bội. Đức Phật, khiến cho hàng trung đạo Đại Bồ Tát lấy sự tu hành từ đầu cho đến cùng cực làm sự chứng đắc, khiến cho họ chứng được Thanh Văn hoặc giả Bích Chi Phật Đạo, hoặc Ngài khiến cho họ chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chóng thành hiện Đẳng Giác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba