Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Mười Bảy - Phẩm Ba Mươi Kệ - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP TÁM

TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ  

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

PHẨM BA MƯƠI KỆ  

PHẦN MỘT  

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh làm con một vị vua trị vì một tỉnh, được đặt tên là Phussa, và được giáo dục trong mọi tài năng của thanh niên hoàng tộc.

Nhưng Ngài có tâm hướng khác thường, không thiên về thế tục, nên khi nghe một vị Trưởng Lão thuyết pháp, Ngài khởi lòng tin và xuất gia.

Tu tập thiền định, Ngài phát triển thiền quán và sau một thời gian, chứng được sáu thắng trí.

Một hôm, một Ẩn Sĩ tên Pandara gotta nghe Ngài thuyết pháp, thấy xung quanh có một số Tỳ Kheo giới đức nghiêm minh, tu tập, chế ngự thân và tâm, vị Ẩn Sĩ suy nghĩ: Hệ thống này thật đáng tin tưởng, mong rằng hệ thống này được tồn tại!

Rồi vị ấy hỏi Ngài về tương lai sự tiến bộ các Tỳ Kheo như thế nào?

Ngài trả lời với những bài kệ như sau, riêng bài kệ ở trên do các nhà kiết tập đặt thêm vào:

Ẩn Sĩ Pan Đa Ra,

Thấy nhiều vị thành tín,

Tự ngã có tu tập,

Khéo hộ trì chế ngự

Ngài mới đặt câu hỏi,

Với vị tên Phussa.

Trong thời gian tương lai,

Sẽ có ước muốn gì?

Sẽ có chí nguyện gì?

Sẽ có cử chỉ gì?

Mong Ngài hãy trả lời,

Câu hỏi của chúng tôi.

Ẩn Sĩ Pan Đa Ra,

Hãy nghe lời ta nói,

Hãy thọ trì cẩn thận,

Ta sẽ nói tương lai.

Phẫn nộ và hiềm hận,

Che đậy và cứng đầu,

Nhiều lừa đảo ganh tị,

Tương lai nhiều loại vậy,

Họ tự cho có trí,

Pháp sâu, chỉ đến bờ,

Họ khinh nhờn chánh pháp,

Họ không kính trọng nhau.

Nhiều nguy hiểm ở đời,

Sẽ xảy ra tương lai,

Pháp được khéo giảng này,

Kẻ ngu làm uế nhiễm.

Trong Tăng Chúng, những vị,

Có đức hạnh hạ liệt,

Họ thường hay tuyên bố,

Có tự tín, không sợ,

Kẻ không học, lắm lời,

Sẽ đứng vào thế mạnh.

Trong Tăng Chúng, những vị,

Có giới hạnh tốt đẹp,

Khi họ có tuyên bố,

Tuyên bố đúng sự thật,

Họ thường ở thể yếu,

Hổ thẹn thiếu nhiệt thành.

Bạc, vàng và đồng ruộng,

Ðất đai, dê và cừu,

Nô tỳ nữ và trai,

Kẻ ngu si vô trí,

Sẽ thâu nhận tất cả,

Trong tương lai là vậy.

Kẻ ngu dễ nóng giận,

Không định tĩnh trong giới,

Kiêu ngạo, đi đó đây,

Như thú ưa đánh nhau.

Họ trở thành tháo động,

Thường đắp y màu xanh,

Lừa đảo và ngoan cố,

Lắm mồm, ăn nói giả,

Họ bắt chước giả bộ,

Như Bậc Thánh thời xưa.

Với tóc bôi dầu láng,

Dao động, mắt vẽ xanh,

Ðắp y màu trắng ngà,

Họ qua lại trên đường.

Y vàng được khéo nhuộm,

Lá cờ bậc La Hán,

Ðược các bậc giải thoát,

Ðắp mang không nhàm chán,

Còn họ chán y vàng,

Ái luyến đắp màu trắng.

Họ trở thành tham lợi,

Biếng nhác, ít tinh cần,

Khó sống rừng hoang vu,

Thích sống gần xóm làng.

Những ai sợ được lợi,

Luôn luôn ưa tà mạng,

Họ học đòi người ấy,

Thân cận, không tự chế.

Những ai không được lợi,

Họ không trọng không kính,

Bậc khả kính, Hiền Trí,

Họ không có thân cận.

Khinh cờ hiệu của mình,

Ưa thích màu ngoại sắc,

Có kẻ mang y trắng,

Lá cờ hiệu ngoại đạo.

Không kính y màu vàng,

Thời ấy họ là vậy,

Chờ đợi màu y vàng,

Không phải của Tỳ Kheo.

Bị đau khổ chinh phục,

Bị quặn đau tên đâm,

Chờ đợi đại khủng bố.

Voi ta không nghĩ nghì.

Khi bậc sáu ngà thấy,

Cờ La Hán khéo nhuộm,

Voi nói lên những kệ,

Liên hệ đến mục đích.

Ai sẽ mặc Cà Sa,

Tâm chưa rời uế trược,

Không tự chế, không thực,

Không xứng áo Cà Sa.

Ai rời bỏ uế trược,

Khéo định trong giới luật,

Tự nhiếp phục chơn thực,

Thật xứng áo Cà Sa.

Phá giới, trí hạ liệt,

Không tự chế, tham dục,

Tâm loạn, thiếu phấn chấn,

Không xứng áo Cà Sa.

Ai đầy đủ giới hạnh,

Ly tham, có định tĩnh,

Tâm tư thật trinh bạch,

Vị ấy xứng áo Cà Sa.

Ai kiêu ngạo phóng đãng,

Ngu si, không giới hạnh,

Xứng đáng mặc áo trắng,

Làm gì có Cà Sa.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni,

Tâm uế, không tin kính,

Tương lai sẽ ức hiếp,

Ðối vị có tâm từ.

Kẻ ngu mang y áo,

Dầu được Trưởng Lão dạy,

Liệt trí sẽ không nghe,

Không tự chế, tham dục.

Kẻ ngu dầu dạy vậy,

Không có kính trọng nhau,

Sẽ không có vâng lời,

Lời dạy giáo thọ sư,

Giống như ngựa bất kham,

Ðối với người đánh xe.

Như vậy, thời tương lai,

Hành tung sẽ là vậy.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni,

Khi thời tối hậu đến,

Hãy ôn hòa thân ái,

Hãy cung kính lẫn nhau.

Ðại nạn ấy chưa đến,

Trước khi đại nạn đến,

Hãy ôn hòa thân ái,

Hãy cung kính lẫn nhau.

Hãy có tâm từ bi,

Khéo chế ngự trong giới,

Chuyên tinh tấn nỗ lực,

Thường kiên trì phấn chấn.

Thấy nguy hiểm phóng dật,

Không phóng dật an ổn,

Hãy tu Tám Thánh đạo,

Giác chứng đạo bất tử.

Như vậy vị Trưởng Lão nói với Tăng Chúng của mình. Các bài kệ này là lời nói chánh trí của Ngài.

Ðời của Ngài và đời của Moggallàna gắn liền với nhau.

Trong thời Đức Phật tại thế, Sàriputta sanh tại thành Upatissa, không xa Vương Xá Ràjagaha bao nhiêu, mẹ là Rùpasàri.

Còn Moggallàna sanh ở thành Kolita, không xa thành Vương Xá Ràjagaha bao nhiêu, mẹ là Moggali. Vì cả hai là con của vị gia trưởng nên được đặt tên là Upatissa và Kolita.

Cả hai đứa trẻ được nuôi dưỡng trong giàu sang và thiện xảo mọi khả năng. Trong một hội chợ lớn ở Vương Xá Ràjagaha vì tâm tư thuần thục, cả hai đều thấy tất cả quần chúng hội một trăm năm sau, sẽ bị thần chết mang đi, nên cả hai lo âu đi tìm con đường giải thoát.

Cả hai xuất gia dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, hẹn nhau ai chứng quả bất tử trước, sẽ nói cho người kia biết.

Dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, cả hai không tìm được đạo giải thoát, và sau khi tìm hỏi các Sa Môn, Bà La Môn gặp được Assajì và nhờ Assajì, gặp được Thế Tôn, cả hai đều xin xuất gia và được Đức Phật độ cho làm Tỳ Kheo với câu: Thiện lai Tỳ Kheo!

Chứng được quả Dự Lưu nhờ Assajì tóm tắt câu kệ, Moggallàna, bảy ngày sau khi xuất gia, tại làng Kallavàla ở Magadha, sau khi nhiếp phục được hôn trầm thụy miên, nhờ lời Thế Tôn khích lệ, sau khi nghe lời dạy về tu các giới, chứng được quả A La Hán.

Còn Sàriputta, nửa tháng sau khi xuất gia khi ở cùng Đức Bổn Sư tại hang Sukarakhata ở Vương Xá Ràjagaha cũng được chứng quả A La Hán.

Về sau, tại Jetavana Thế Tôn xác chứng Sàriputta là đệ tử đệ nhất về trí tuệ và thiền quán, và Sàriputta sau khi được tôn làm nguyên soái chánh pháp, một hôm nói lên chánh trí của mình, trước các đệ tử:

Ai tùy theo năng lực,

Có giới, tịnh, chánh niệm

Không phóng dật hành trì,

Sở hành đúng tư duy,

Thích hướng nội, khéo định,

Ðơn độc, biết tri túc,

Với sở hành như vậy,

Vị ấy gọi Tỳ Kheo.

Ăn đồ ướt hay khô,

Không ăn quá thỏa mãn,

Bụng trống, ăn tiết độ,

Tỳ Kheo trú chánh niệm.

Ăn bốn, năm miếng xong,

Rồi hãy uống nước uống,

Thật đủ trú thoải mái,

Với Tỳ Kheo tinh cần.

Nhận lấy đồ hợp pháp,

Y áo đáp nhu cầu,

Thật đủ trú thoải mái,

Với Tỳ Kheo tinh cần.

Khi ngồi thế kiết già,

Ðầu gối phải mưa ướt,

Thật đủ trú thoải mái,

Với Tỳ Kheo tinh cần.

Ai xem lạc là khổ,

Ai xem khổ như tên,

Ðứng chặng giữa cả hai,

Do đâu, đời nắm được?

Không cho ta ác dục,

Biếng nhác tinh cần kém,

Ít nghe, không tín kính,

Do đâu, đời nắm được?

Nghe nhiều, có hiền trí,

Khéo định tĩnh trong giới,

Chuyên chú an chỉ tâm,

Hãy đứng lên trên đầu.

Ai chuyên tâm hý luận,

Như thú ưa hý luận,

Rơi khỏi, trật Niết Bàn,

Vô Thượng, thoát khổ ách.

Ai từ bỏ hý luận,

Thích đạo phi hý luận,

Ði đến được Niết Bàn,

Vô Thượng, thoát khổ ách.

Rồi vị Trưởng Lão, một hôm thấy được chỗ ở của người em Revata đang ở, một khu rừng không nước đầy gai góc, Ngài tán thán người em và nói:

Tại làng hay trong rừng,

Thung lũng hay đồi cao,

Chỗ nào La Hán trú,

Ðất ấy thật khả ái.

Khả ái thay núi rừng,

Chỗ người phàm không ưa,

Vị ly tham sẽ thích,

Vì không tìm dục lạc.

Rồi vị Trưởng Lão,với lòng từ mẫn đối với Ràdha một Bà La Môn bất hạnh, giúp Ràdha xuất gia tu hành.

Về sau, khi đang du hành, Ngài khích lệ Ràdha, bằng lòng với cử chỉ khiêm tốn của Ràdha:

Như người chỉ của chôn,

Cũng vậy, người thấy lỗi,

Nói điều người trí trách,

Hãy gần người trí vậy.

Thân cận người như vậy,

Chỉ tốt hơn, không xấu.

Một hôm, bậc Ðạo Sư không đi đến để giải tán nhóm Tăng Chúng của Assaji Runabbasu được tổ chức ở đồi Kità, Sàriputta được cử đi cùng với Moggallàna và các đệ tử của mình.

Khi lời khuyên của Sàriputta không được nghe theo, Ngài nói như sau:

Cần phải khuyên, phải dạy,

Phải ngăn chặn bất thiện,

Làm vậy, người thiện thương,

Người bất thiện không ưa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần