Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Năm - Phẩm Nhập Vào Sự Nghiệp Sâu Xa Chẳng Thể Nghĩ Bàn Của Như Lai - Tập Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã, Đời Đường  

PHẨM NĂM

PHẨM NHẬP VÀO SỰ NGHIỆP SÂU XA

CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI  

TẬP MƯỜI  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Thiện nam tử! Trí ý nghiệp của Như Lai làm con đường trước tiên, tùy theo trí tuệ chuyển.

Thế nào là ý nghiệp tùy theo trí tuệ chuyển?

Này thiện nam tử! Đức Như Lai không có tâm ý thức lỗi lầm.

Tại sao thế?

Vì tâm, ý, thức của Đức Như Lai đều chẳng thể biết, chỉ từ trí của Phật mà hiển hiện, cho nên trí tuệ của Như Lai bèn làm chủ vậy.

Thiện nam tử! Trí tuệ của Như Lai tùy thuận tất cả tâm Citta của chúng sinh chuyển, tùy thuận hướng vào các ý Manas của chúng sinh, tùy thuận hiểu rõ các thức Vijñāna của chúng sinh, sinh ra các pháp với các tam muội.

Thế nên, nhóm tâm ý thức của Đức Như Lai, không ai có thể biết, vướt qua nhân địa, xa lìa nhân duyên, chẳng phải là con đường của ba cõi tam hữu đạo, giải thoát các mạn Māna, sự nghiệp của các Ma Māra, nịnh hót lừa dối, huyễn hoặc.

Ngã chấp ātmagrāha, ngã sở chấp Mama kāra grāha, ngu si Moha, vô minh Avidya, tối tăm che lấp… khéo tu đạo phẩm mà không có tán loạn, không có chỗ phân biệt, nhập vào tính bình đẳng Samatā giống như hư không. Có vô lượng sự nghiệp của nhóm như vậy, mỗi mỗi đều dùng Trí Jñāna làm con đường trước tiên. Đây là sự nghiệp Chánh Giác thứ hai mươi chín của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói kệ rằng:

Tâm Lưỡng Túc Tôn chẳng thể lường

Tịnh trí, nhân duyên hơn hẳn đời

Trí Phật ngang đồng với pháp giới

Tùy thuận vào khắp tâm chúng sinh

Thiền định, giải thoát thảy đều tròn

Tâm ý phân biệt không dao động

Vướt qua cảnh ma với nghiệp ma

Không dơ, không biến như hư không.

Lại nữa, Thiện nam tử! Đức Như Lai Chánh Giác thấy đời quá khứ không có dính mắc, không có ngăn ngại… trí tuệ tùy chuyển.

Trí chuyển như thế nào?

Ấy là mọi loại Cõi Phật ở quá khứ, hiển hiện thành, hoại vô lượng vô số … Đức Như Lai đều biết.

Trong các cõi ấy, cỏ, cây, rừng rậm, bụi cây xoăn quấn nhau, dây leo, cỏ thuốc … Đức Như Lai đều biết.

Hết thảy loại chúng sinh trong cõi ấy:

Loài sinh trong trứng Aṇḍaja yoni: Noãn sinh.

loài sinh trong bào thai Jārayurā: Thai sinh.

loài sinh ở nơi ẩm thấp Saṃsvedajā yoni: Thấp sinh, loài sinh theo cách biến hóa Upapādukā yoni.

Hóa sinh, có hình sắc, không có hình sắc, không có tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng. Như vậy tất cả… Đức Như Lai đều biết.

Trong các cõi ấy: Hữu tình, phi tình, mọi loại âm thanh … Đức Như Lai đều biết.

Cõi ấy: Hết thảy Đức Như Lai hiện ra nói mọi loại pháp, mọi loại Chúng Hội, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tất cả chúng sinh ở trong ba thừa đều được điều phục. Mọi loại thọ lượng, mọi loại pháp trụ… Đức Như Lai đều biết.

Các chúng sinh ấy: Thở ra, hít vào, mọi loại ăn uống, mọi loại vật dụng, mọi loại tướng mạo, mọi loại căn khí, mọi loại hành giải cảnh tướng mà tâm sở chọn lấy, mọi loại tâm tính, chết ở chỗ này, sinh ở chỗ kia, sát na chảy rót, sát na sinh diệt nối tiếp nhau… Đức Như Lai đều biết.

Như vậy, tất cả nơi mà Hiện Lượng Pratyakṣa pramaṇa: Sự phản ánh trực tiếp của khí quan cảm giác khi đối với sự vật đã được chẳng phải là chỗ biết của tỷ lượng Anumāna Pramāṇa: Sự cân nhắc do so sánh mà biết.

Thế nào là hiện lượng?

Ấy là chẳng động niệm, như thật mà biết, chẳng phải là tâm chảy rót nhập vào quá khứ. Như vậy, như thời, trí tuệ đầy đủ tùy theo tâm chúng sinh, nói mọi loại pháp.

Đây gọi là sự nghiệp Chánh Giác thứ ba mươi của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói kệ rằng:

Trí Phật vô lượng, không chỗ dính

Biết cõi quá khứ: Phật, chúng sinh

Đại Hội nói pháp, danh tướng khác.

Tâm Hạnh Citta carya: Tác dụng, hoạt động, trạng huống, biến hóa bên trong.

Tâm, Căn Mūla, Dục Chanda, hay rajas nhiều sai biệt

Đều y ba Thừa được điều phục

Rốt ráo đồng quy nguồn giải thoát

Với biết tâm sinh diệt chảy rót.

Tất cả người thấy, hiểu chân thật chân thật giác.

Lại nữa, Thiện nam tử! trí tuệ của Đức Như Lai nhìn thấy đời vị lai, không có dính mắc, không có ngăn ngại như nhìn thấy hiện tại.

Nhìn thấy kiến như thế nào?

Ấy là hết thảy đời vị lai: Mọi loại chúng sinh, mọi loại các pháp, mọi loại cõi nước, đang sinh, đang diệt, từng trụ, đang trụ. Như vậy tất cả… Đức Như Lai đều biết.

Kiếp Kalpa của hết thảy cõi nước Kṣetra: Sát đang thiêu đốt, đang thành, đang trụ. Trong cõi nước đang thành hết thảy các đất, cây cối, rừng rậm, trăm loài cỏ, cỏ thuốc, hình sắc thô kệch, hình sắc tinh tế, mặt trời, mặt trăng, tinh tú cho đến hạt bụi nhỏ… đều biết như thật.

Trong mỗi một cõi nước: Chư Phật đang hiện, đang có Thanh Văn, đang thành Duyên Giác, đang thành Bồ Tát, đang có vật dụng, thở ra, hít vào, qua lại, tiến dừng, lấy bỏ, uy nghi… Đức Như Lai đều biết.

Trong mọi loại cõi nước: Chúng sinh như vậy đang được giải thoát ở trong ba Thừa, giải thoát sai biệt… Đức Như Lai đều biết.

Lại, tất cả chúng sinh trong cõi nước ấy: Hết thảy các uẩn, các nhập, các giới, tâm, tâm sở, pháp… đang sinh, đang diệt. Đức Như Lai đều biết.

Tuy đối với tất cả, đều biết như thật nhưng tâm của Đức Như Lai cũng chẳng chảy rót nhập vào vị lai, vì khiến cho chúng sinh ngộ tính vị lai, nên nói pháp như vậy. Đây là sự nghiệp Chánh Giác thứ ba mươi mốt của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói kệ rằng:

Phật, đời vị lai, mắt vô cấu chuyển con mắt thịt thành con mắt pháp.

Thấy khắp hết thảy: Đã, đang thành

Tất cả Chư Phật, trong cõi nước Kṣetra: Sát.

Không có tơ hào, biết chẳng tận

Trong mỗi việc ấy, không thác loạn

Tinh tế quán thấy nhân Hetu vị lai

Tùy tâm chúng sinh, nói pháp môn.

Đây Lưỡng Túc Tôn Siêu Thắng Nghiệp Nghiệp siêu thắng của Đức Phật.

Lại nữa, Thiện nam tử! Đức Như Lai thấy biết hiện tại không có dính mắc, không có chướng ngại chuyển.

Điều này chuyển như thế nào?

Ấy là ở mười phương, hiện tiền hết thảy tất cả Cõi Phật, dùng ba loại nhân Hetu thấy biết nhỏ nhiệm tinh tế là biết tướng ấy hoặc sinh, hoặc diệt.

Biết nhóm pháp nào?

Ấy là tất cả Chư Phật, tất cả Bồ Tát, tất cả Thanh Văn, tất cả Duyên Giác, tất cả hình sắc tinh tế, tất cả hình sắc thô kệch… Đức Như Lai đều biết.

Tất cả Địa Giới Pṛthivi dhātu phân tích nhỏ nhiệm, đều dùng nhiều loại hạt bụi nhỏ khác nhau nhược can vi trần làm thành. Tất cả Thủy Giới Ab dhātu dùng giọt nước như sợi lông để biết số lượng ấy. Tất cả Hỏa Giới Tejo dhātu, lửa khởi diệt đều biết số ấy.

Tất cả Phong Giới Vāyu dhātu sắc tướng thổi đánh nhiều loại hạt bụi nhỏ khác nhau nhược can vi trần. Hư không Ākāśa ở mười phương dùng một đầu sợi lông so lường vòng khắp, biết bờ mé ấy.

Nhóm cảnh như vậy, biết hết tướng ấy, cũng biết cảnh ấy sinh, cũng biết cảnh ấy diệt, cũng dùng ba loại biết chúng sinh giới.

Biết địa ngục giới cõi địa ngục: Nhân hetu sinh vào địa ngục, nhân hetu ra khỏi địa ngục.

Biết súc sanh giới cõi súc sanh: Nhân hetu sinh làm súc sanh, nhân hetu xả bỏ súc sanh.

Biết Diệm Ma Giới cõi Diệm Ma: Nhân hetu sinh Diệm Ma, nhân hetu Diệt Diệm Ma.

Biết ở nhân Giới cõi người: Nhân hetu hướng đến sinh làm thân người, nhân hetu hướng đến đánh mất thân người.

Biết các Thiên Giới Cõi Trời: Nhân hetu sinh vào Cõi Trời, nhân hetu lùi mất Cõi Trời.

Như vậy tất cả… Đức Như Lai hiện tiền thảy đều biết rõ, biết sự chảy rót của tâm chúng sinh, tâm có phiền não, tâm không có phiền não.

Nhiều loại chúng sinh khác nhau: Các căn điều phục.

Nhiều loại chúng sinh khác nhau: Các căn chẳng điều phục… Đức Như Lai đều biết.

Đức Như Lai như vậy đối với cảnh hiện tiền, không có hai trí chuyển bất nhị hiện hành hiển bày công đức thù thắng một hướng không có chướng ngại của Đức Thế Tôn, cũng vì chúng sinh tuyên nói như vậy. Đây là sự nghiệp Chánh Giác thứ ba mươi hai của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói kệ rằng:

Cảnh giới Như Lai không bờ mé

Chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể xưng

Không có gì bằng, như hư không

Tất cả chúng sinh, há thể lường

Mười phương, hết thảy loại chúng sinh

Cảnh giới hiện tiền, sự nghiệp khác.

Như Lai: Tất cả đều hay biết trí nghiệp của tự nhiên tối thắng.

Thiện nam tử! Ba mươi hai sự nghiệp thâm sâu của Như Lai này thì Chư Phật thảy đều viên mãn đầy đủ. Vì muốn điều phục tất cả chúng sinh, khiến cho họ ngộ nhập, nên lược nói chút phần. Nhưng thật ra, hết thảy sự nghiệp của Như Lai nhiều vô lượng vô biên, chẳng thể tuyên nói.

Thiện nam tử! Đức Như Lai lại có sự nghiệp chân thật, không có phần lượng, chẳng thể nghĩ bàn, là nơi mà tất cả thế gian chẳng thể đo lường, là nơi mà tất cả văn tự chẳng thể truyền đạt được, tất cả tâm thức chẳng thể hiểu rõ.

Tất cả trí tuệ chẳng thể hướng vào, vòng khắp tất cả, an lập cõi nước sát thổ, tùy thuận trí bình đẳng của tất cả Phật, vượt qua tất cả sự nghiệp của thế gian, mọi loại ban cho, tạo làm nhưng không có chỗ tạo tác, thể tính bình đẳng giống như hư không, pháp giới hiện tiền không có phân biệt.

Tại sao thế?

Này Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn hiển bày pháp giới không có hai tính, mọi loại các pháp, mọi loại chúng sinh, mọi loại cõi nước, mọi loại tâm thức, mọi loại giải thoát, mọi loại Niết Bàn… các pháp như vậy, hoặc thể hoặc tướng rốt ráo đều trống rỗng Śūnya: Không.

Thiện nam tử! Đức Như Lai như vậy tự hiểu một vị của pháp giới, không có tướng, lìa pháp nhân duyên, muốn khiến cho chúng sinh bình đẳng ngộ nhập giống như pháp không có ngăn ngại của hư không, cho nên vì các chúng sinh chuyển bánh xe pháp vô thượng chẳng chuyển lùi.

Thiện nam tử! Ví như người thợ giỏi, khéo hay mài giũa đá quý, ngọc Ma Ni, báu màu nhiệm… khéo biết chọn lựa đá núi có tính báu, lấy thuốc Khất Xoa La, dùng nước xoa mài, lấy lông con dê đen cổ dương lau cho óng ánh. Lau óng ánh rồi chưa xong, lại dùng thuốc riêng tên là Lợi Thố Vị hòa với nước thấm ướt gỗ mềm nhũn lau chùi.

Do công chưa xong, lại dùng thuốc Ma Ha Bệ Xá lấy vật nhỏ nhiệm mà lau cho óng ánh. Bên trên chưa có ánh sáng, liền đưa vào lửa rực thiêu đốt bảy ngày thì khoáng chất dơ của đá, tất cả tiêu trừ. Biết báu chẳng phải là giả, tên là Vô Giá Ma Ha Lưu Ly Ma Ni Diệu Bảo.

Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai cũng lại như vậy, biết các chúng sinh yêu thích sinh tử, dơ bẩn chẳng sạch nên vì họ nói pháp: Vô thường anitya, khổ duḥka, không śūnya, vô ngã anātman, bất tịnh aśubha khiến cho sinh chán lìa, nhập vào Thánh pháp, điều phục thân tâm. Như vậy, Đức Như Lai tinh tiến chẳng ngưng nghỉ.

Tiếp theo, vì họ nói không śūnyatā, vô tướng animitta, vô nguyện apraṇihita, khiến cho kẻ ấy thấy biết, giác ngộ con mắt của Phật Phật nhãn. Đức Như Lai tinh tiến cũng lại như vậy.

Tiếp theo lại vì họ chuyển bánh xe pháp chẳng thoái lùi. Đức Như Lai tinh tiến cũng chẳng ngưng nghỉ. Tức cuối cùng vì họ nói ba luân thanh tịnh, cảnh giới của Như Lai khiến cho các chúng sinh hiểu rõ nhân duyên thấy bản tính của pháp, cho đến vào khắp pháp thể bình đẳng của tất cả Như Lai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần