Phật Thuyết Kinh Ma Ha Ma Da - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Đàm Ảnh

PHẬT THUYẾT

KINH MA HA MA DA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Đàm Ảnh  

PHẦN BỐN  

Lúc đó, có Tỳ Kheo Ni Ưu Ba La từ cung Vua đi ra, thấy Đề Bà Đạt Đa ở ngoài cửa liền mắng: Ngươi làm cho dòng họ Thích không được hưng thịnh, để lại chướng ngại lớn cho Pháp Phật.

Đề Bà Đạt Đa nghe nói rồi rất giận dữ, liền dùng tay đánh vào đầu làm cho Tỳ Kheo Ni kia chết. Đề Bà Đạt Đa làm hại Tỳ Kheo Ni La Hán, nên bị đất nứt ra có nhiều lửa vây bọc nuốt chửng ông ta kéo vào địa ngục.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn tắm xong, hướng về các Tỳ Kheo nói kệ:

Ví như qua đường xấu

Thời gian dài lo sợ

Nếu đến nơi bằng phẳng

An ổn không nạn buồn

Đường sinh tử hiểm trở

Chúng sinh thường kinh sợ

Chỉ có đường Niết Bàn

Hành giả được an ổn

Nay ta muốn đến đó

Công đức thường nơi lạc.

Đức Thế Tôn nói kệ này xong cùng A Nan đi đến thành Vương Xá, giảng thuyết các pháp cho các Tỳ Kheo. Lần lượt đi đến Thôn Ba Liên Phất nói pháp cho dân chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Phạm Chí v. v… kế đi đến Thành Tỳ Da Ly mà giảng nói pháp cho dân chúng Ly Sa và cô gái vườn xoài.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn toàn thân sinh bệnh khắp nơi đều đau nhức, bèn quay lại bảo Tôn Giả A Nan: Nay thân thể Ta đau nhức, chỉ muốn xả bỏ thân hư mục này. A Nan nên biết, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nào chứng đắc bốn thần túc thì có thể sống được một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp, huống gì Như Lai đã tự tại trong ý muốn.

Lúc ấy, A Nan bị ma che khuất nên im lặng không đáp. Đức Thế Tôn hỏi đến ba lần cũng đều im lặng.

Thế Tôn bèn bảo A Nan: Ông nên đến một gốc cây khác chuyên cần tư duy và quán sát các pháp.

Lúc đó, ma Ba tuần liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ nơi chân Phật bạch: Trước đây tôi đã cầu thỉnh Thế Tôn vào Niết Bàn.

Khi ấy Thế Tôn trả lời tôi: Các đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di của ta chưa đầy đủ, nên chưa thể vào Niết Bàn. Nay bốn bộ chúng của Thế Tôn đã đầy đủ, cúi xin bậc Thiện Thệ mau vào Niết Bàn.

Thế Tôn đáp lời cho ma: Hay thay Ba Tuần! Nên biết sau ba tháng nữa Như Lai sẽ vào Niết Bàn.

Ma Ba tuần nghe Phật hứa rồi, hân hoan vui mừng không thể kiềm chế, đảnh lễ nơi chân Phật trở về Cõi Trời.

Như Lai đã hứa với Thiên ma sau ba tháng sẽ vào Niết Bàn, liền xả bỏ tuổi thọ vô lượng, dùng sức thần thông trụ trong ba tháng. Khi ấy, trong đại địa chấn động đủ sáu cách, mặt trời không có ánh sáng rực rỡ, mưa gió thất thường, tám bộ chúng Trời rồng ai cũng run sợ, đứng bên Phật đầy kín cả hư không.

Tôn Giả A Nan thấy tướng này rồi lòng kinh hãi, lông tóc dựng

đứng, vội đến bên Phật, bạch: Vì nguyên nhân gì bỗng nhiên hôm nay có tướng này?

Phật bảo A Nan: Ma Ba tuần ác đến cầu thỉnh muốn ta vào Niết Bàn. Ta đã hứa với họ và đã xả bỏ tuổi thọ. Do dùng thần lực nên còn trụ trong ba tháng.

A Nan bạch Phật: Đức Thế Tôn thường nói: Người chứng đắc bốn thần túc thì có thể sống được một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp, hoàn toàn theo ý muốn.

Tại sao Như Lai không trụ trong thế gian mà bị thay đổi như các hành?

Như Lai bảo A Nan: Vừa rồi ta đã nói với ông điều này vì ông bị ma che khuất trí nên không biết thưa hỏi.

Nay ta hứa với ma rồi, làm sao sống lâu được! A Nan phải biết, tất cả các pháp hành đều không thường còn được như vậy. A Nan nghe Phật nói lời này, trong lòng phiền muộn áo não, không thể kềm chế, kêu khóc tự hối trách.

Lúc đó, Đức Thế Tôn cùng A Nan dần dần đi đến khắp các nước, thôn ấp, làng xóm rộng giảng nói các pháp, người được hóa độ không thể tính kể.

Dần dần đến nơi các lực sĩ nước Câu Thi Na Kiệt, giữa rừng Ta La bên sông Ni Liên, bảo A Nan: Ông nên cột võng đầu quay về hướng Bắc, hôm nay thân thể Ta rất đau, vào giữa đêm này sẽ vào Niết Bàn.

A Nan vâng lời bố trí giường dây xong, Đức Phật nằm nghiêng hông về phía bên phải.

Bấy giờ, A Nan thấy Phật nằm rồi, núp ở sau Phật, rơi lệ buồn khóc rất khổ não.

Đức Thế Tôn bèn hỏi các Tỳ Kheo: A Nan đang ở chỗ nào?

Các Tỳ Kheo đáp: A Nan đang ở gần sau Phật rơi lệ buồn khổ.

Như Lai bằng Phạm Âm đại bi bảo A Nan: Ông không nên khóc lóc giống như trẻ nít mới sinh.

Vì sao?

Ở trong sinh tử thảy đều như vậy chỉ nên siêng suy nghĩ các pháp. Trước đây ông từng theo bên ta, nghiệp thân, khẩu, ý rất là thuần thiện, chưa từng thấy ông có chút lỗi nào, nay phải nên siêng cầu giải thoát, chớ ôm buồn bực, hãy kềm chế lòng đau thương chớ nên sầu não.

Lúc ấy, A Nan bạch Phật: Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, nên hỏa táng bằng cách nào?

Phật bảo A Nan: Cách hỏa táng nên làm như của Chuyển Luân Thánh Vương. Lấy ngàn tấm lụa sạch mới dài quấn thân Phật. Đem dầu thơm đặt vào trong hòm bằng vàng, đem hòm bằng vàng đặt vào trong hòm bằng bạc, đem hòm bằng bạc đặt trong hòm bằng đồng, đem hòm bằng đồng đặt trong hòm bằng thiếc. Tập trung các loại củi thơm để hỏa táng, gom lấy xá lợi lập tháp miếu thờ, bày các thứ lọng lụa, cờ phướn cúng dường.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo A Nan: Ông nên vào thành bảo các lực sĩ, đêm nay ta sẽ vào Niết Bàn, nếu họ muốn đến nên tự biết lúc.

A Nan vâng lời liền đi vào thành, đến ngã tư đường, lớn tiếng xướng: Như Lai Ứng Cúng Đại Sư của ba cõi đang ở giữa cây Song Thọ gần nơi đây, sẽ vào Niết Bàn vào lúc nửa đêm. Nếu các người muốn lễ bái cúng dường, đồng thời muốn thưa hỏi chắc chắn phải biết đến đúng lúc.

Các lực sĩ nghe nói vậy rồi, đều rất buồn khổ hỏi A Nan: Đức Thế Tôn sao diệt độ nhanh quá! Từ nay chúng ta không biết nương tựa vào đâu! Rồi họ khóc lóc trên đường đi đến chỗ Đức Phật.

Lúc đó, nơi rừng Ta La Song Thọ bên sông Ni Liên, chu vi rộng đến bốn trăm năm mươi dặm, Trời rồng bát bộ đầy kín cả hư không, không hở chỗ nào, thảy đều mến mộ, buồn khóc khổ não.

Tất cả đều nói: Thế gian đã mất đi đấng cha lành.

Mỗi người đều tự nói: Từ nay chúng ta sẽ chìm đắm trong sinh tử, ai là người cứu giúp?

Khi ấy, trong thành có một Phạm Chí một trăm hai mươi tuổi tên Tu Bạt Đà La, nghe Phật nửa đêm sẽ vào Niết Bàn giữa rừng Ta La, ông liền đến chỗ Phật thưa A Nan: Con nghe Như Lai Nhất Thiết Trí sẽ vào Niết Bàn lúc nửa đêm, nên muốn giải quyết chút nghi, cúi xin cho phép con được gặp.

A Nan trong lòng nghĩ: Ông Phạm Chí này chất chứa dị kiến đã lâu, nay ắt muốn cùng Phật bàn luận, Đức Thế Tôn đang bệnh không nên quấy rối, bèn lặng im không cho phép. Xin đến ba lần cũng không cho.

Bấy giờ, bằng thiên nhĩ nghe từ xa Đức Thế Tôn bảo A Nan: Ông nên cho ông Phạm Chí già vào, đây chính là đệ tử cuối cùng của ta.

Tu Bạt Đà La thấy Phật rồi hân hoan vui mừng, đầu mặt làm lễ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tùy căn cơ mà nói pháp Bát chánh đạo, ông ấy liền ngay chỗ ngồi chứng được quả A La Hán.

Ông bạch Phật: Con đã qua khỏi được biển khổ sinh tử, không thể chịu được khi thấy Đại Sư Niết Bàn. Nay con xin diệt độ trước, liền ở trước Phật vào Niết Bàn.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì tất cả tám bộ chúng nói pháp nhiệm mầu tới nửa đêm.

Giờ Niết Bàn đã đến, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Ta với các chúng sinh

Nay hết duyên hóa độ

Đêm lặng khí hòa hoạt

Giờ Niết Bàn đã đến.

Đức Thế Tôn nói kệ xong liền vào Sơ Thiền, Sơ Thiền xong lại vào Nhị Thiền, Nhị Thiền xong lại vào Tam Thiền, Tam Thiền xong lại vào Tứ Thiền, Tứ Thiền xong lại vào không xứ, vào không xứ rồi đến vào thức xứ, vào thức xứ rồi đến vào vô sở hữu xứ, vào vô sở hữu xứ rồi vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, vào phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi vào diệt tận định.

Khi ấy, trong hội đại chúng thấy các căn của Như Lai không động, bèn hỏi Tôn Giả A Na Luật: Đức Thế Tôn nay đã vào Niết Bàn chưa?

A Na Luật bảo mọi người: Thế Tôn đang vào định diệt tận.

Bấy giờ, Như Lai ra khỏi diệt tận định vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ra khỏi phi tưởng phi phi tưởng xứ vào lại vô sở hữu xứ. Ra khỏi vô sở hữu xứ vào lại thức xứ. Ra khỏi thức xứ vào lại không xứ. Ra khỏi không xứ vào lại Tứ Thiền. Ra khỏi Tứ Thiền vào lại Tam Thiền. Ra khỏi Tam Thiền vào lại nhị thiền. Ra khỏi nhị thiền vào lại sơ thiền.

Ở Sơ Thiền vào Nhị Thiền, ra Nhị Thiền vào Tam Thiền, ra Tam Thiền vào Tứ Thiền, ra Tứ Thiền vào không xứ, ra không xứ vào thức xứ, ra thức xứ vào vô sở hữu xứ, ra vô sở hữu xứ vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, ra phi tưởng phi phi tưởng xứ vào diệt tận định. Chính ở nơi ấy Ngài vào Niết Bàn. Đúng lúc này đại địa chấn động, Trời rồng bát bộ buồn khóc rối loạn.

Khi ấy, Trời Đế Thích và Phạm Thiên nói kệ:

Sống chết không chân thật

Lừa gạt các chúng sinh

Mâu Ni Tôn ngày nay

Bỏ nó như đờm dãi.

Lúc đó, các chúng sinh cùng nói: Như Lai diệt độ sao nhanh quá! Trong lao ngục ba cõi ai sẽ được giải thoát.

Hoặc có người lăn lóc trên đất, hoặc có người bứt đứt chuỗi anh lạc, quần áo, hoặc đấm ngực, bứt tóc, kêu lớn.

A Nan vội vào thành bảo các lực sĩ: Tối qua Như Lai đã vào Niết Bàn, các ông phải nên hỏa táng cúng dường.

Các lực sĩ nghe nói rồi rất đau khổ, đều cùng đến rừng Ta La, thấy Đức Thế Tôn đã vào Niết Bàn họ rất đau xót không vui, không thể kềm chế.

Liền hỏi A Nan: Chúng tôi không biết cách hỏa táng thân Như Lai thế nào?

A Nan đáp: Đêm qua tôi đã thưa hỏi Phật. Đức Thế Tôn dạy cách hỏa táng như Chuyển Luân Thánh Vương. A Nan đều lần lượt nói lại đầy đủ. Các lực sĩ nghe xong liền làm đầy đủ trang nghiêm cúng dường, mọi việc đều theo như A Nan đã nói, cách làm quan tài như của Chuyển Luân Thánh Vương.

Bấy giờ, Ma da ở Cõi Trời thấy năm tướng suy:

Một là hoa trên đầu tự nhiên héo.

Hai là dưới nách ra mồ hôi.

Ba là ánh sáng trên đỉnh đầu mất.

Bốn là hai mắt nháy liên tục.

Năm là không thích chỗ ngồi.

Trong đêm ấy lại thấy năm mộng ác lớn:

Mộng thứ nhất: Núi Tu Di sụp lở, nước trong bốn biển khô cạn.

Mộng thứ hai: Thấy các La Sát tay cầm dao bén móc mắt tất cả chúng sinh. Lúc ấy, có gió bão nổi lên, các La Sát đều chạy trở về núi Tuyết.

Mộng thứ ba: Các Trời nơi Cõi Dục, Cõi Sắc bỗng nhiên mất mũ báu. Chuỗi anh lạc tự đứt, ngồi trên tòa không yên. Thân không có ánh sáng giống như đốm đen.

Mộng thứ tư: Thấy ngọc châu Như ý treo trên ngọn cờ cao thường mưa châu báu chu cấp cho tất cả. Có bốn rồng độc trong miệng phun ra lửa thổi đến chỗ ngọn cờ và định ngậm lấy ngọc châu như ý, bị gió dữ thổi xuống vực sâu.

Mộng thứ năm: Có năm con sư tử từ trên không xuống ngậm vú của Ma Ha Ma Da rồi chui vào trong nách trái, thân tâm đau đớn như bị dao cắt.

Khi Ma Ha Ma Da thấy mộng này rồi rất kinh sợ thức giấc nói: Vừa rồi ta nằm mộng bỗng nhiên thấy việc không an lành, làm cho thân tâm ta rất buồn khổ.

Xưa ở trong cung Vua Bạch Tịnh, nhân trong giấc ngủ ban ngày thấy được mộng hiếm có, thấy một Thiên Tử thân màu hoàng kim cỡi voi chúa màu trắng, có các Thiên Tử vây quanh trỗi các âm nhạc vi diệu sáng rỡ như mặt trời đi vào bên hông phải của ta, thân tâm được an vui không chút buồn khổ, liền mang thai Thái Tử Tất Đạt, rạng rỡ tổ tiên, soi sáng cho đời.

Nay năm điềm mộng này rất là kinh sợ, ắt là tướng ác. Thích Ca Như Lai con ta vào Niết Bàn. Bèn hướng về các Thiên Tử nói rõ các việc đã thấy trong mộng.

Bấy giờ, Tôn Giả A Na Luật sau khi thấy thân Như Lai đã đặt vào trong quan tài, liền bay lên Cõi Trời Đao Lợi đến chỗ Ma Ha Ma Da mà nói:

Đại Sư cao tột Thiên Trung Thiên

Người dẫn đường tất cả thế gian

Trong biển vô thường Ngài đã bị

Cá lớn Ma Kiệt nuốt hẳn rồi.

Ở tại nước Câu Thi Na Kiệt

Trong rừng Ta La giữa Song Thọ

Không lâu sẽ ra cửa thành Đông

Cúng dường các thứ để hỏa táng.

Tám chúng Trời người đều đầy chật

Khóc kêu chấn động suốt tam thiên.

A Na Luật nói kệ xong, liền trở về bên quan tài của Như Lai. Ma Ha Ma Da nghe A Na Luật nói kệ này rồi phiền muộn ngã xuống đất.

Các Thiên Nữ dùng nước vẩy vào mặt, hồi lâu bà mới tỉnh lại, bứt đầu tóc, các thứ trang sức, rơi lệ buồn khóc nói: Đêm qua ta thấy năm điềm ác mộng, biết chắc chắn Như Lai sẽ nhập Niết Bàn.

Nay quả nhiên A Na Luật đến bảo: Phật đã diệt độ giữa rừng Song Thọ, không lâu sẽ hỏa táng.

Sao mà khổ vậy! Con mắt của thế gian đã mất sao nhanh quá! Trời người đã hết phước. Khi xưa trong cung Vua Bạch Tịnh, mới sinh Ngài bảy ngày thì ta chết. Tình mẹ con chưa được ẵm bồng nuôi dưỡng, giao phó lại cho dì là Ma Ha Ba Xa Ba Đề nuôi dưỡng cho bú mớm đến trưởng thành.

Đến năm mười chín tuổi, nửa đêm vượt thành xuất gia, cả cung điện trong ngoài đều buồn thảm. Đã thành đạo rồi mở mắt trí tuệ cho thế gian, che chở ủng hộ cho tất cả giống như cha lành. Vì sao trong một sớm sẽ nhập Niết Bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần