Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Bát
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN
HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG
TRONG GIỚI LUẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẨM HỎI VỀ BÁT
Hỏi: Đối với Tỳ Kheo, như thế nào mới gọi là mất bát?
Đáp: Nếu bát bị sứt mẻ, lủng lỗ, nứt, vỡ hoặc dính dầu rửa không sạch đều gọi là mất. Bát bị sứt mẻ, lủng, vỡ thì không thể làm lại được. Còn bát nứt, thì mình tự dán lại rồi thí cho người khác. Khi người đó trả lại, Tỳ Kheo mới được nhận dùng. Trường hợp bát dính dầu không thể rửa cũng như vậy.
Hỏi: Tỳ Kheo được phép úp bát trên tường không?
Đáp: Nếu trùm khăn lên thì được phép để chỗ sạch sẽ. Nếu đựng trong túi treo lên thì tốt, không được úp bát trên tường. Thuở xưa, nhóm Lục quần Tỳ Kheo úp bát trên tường, bát bị rơi xuống đất vỡ.
Phật nhân việc đó mà chế giới: Không được úp bát trên tường. Nếu người nào úp thì phạm tội Đọa, để bát rơi xuống đất vỡ thì phạm tội Xả Đọa.
Hỏi: Buổi sáng Tỳ Kheo được dùng bát ăn cơm.
Nếu không dùng có tội gì không?
Đáp: Tất cả các bữa ăn đều nên dùng bát. Nếu trong một ngày mà không dùng bát thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Ý nói chỉ dùng bát cho một bữa trong một ngày cũng được. Đức Phật hằng ngày còn không lìa y bát, cho đến các Tổ Sư nhiều đời như Vân Môn, Đức Sơn, Vĩnh Minh… đều không tạm lìa. Tỳ Kheo thời nay không nên lười biếng, lơ là việc này mà tự chuốc lấy tội lỗi.
Hỏi: Tỳ Kheo ăn cơm sắp hết, được phép nghiêng bát vét cơm không?
Đáp: Được!
Chú giải: Tỳ Kheo phải cầm bát ngay ngắn, khi dùng hết, nghiêng bát vét sạch cơm sợ mất oai nghi, nên thưa hỏi Phật.
Đức Phật dạy: Không sao! Trong luật chỉ dạy khi dùng cơm không được khua bát phát ra tiếng, khiến cho trong cổ ngạ quỷ phát lửa. Vì thế Tỳ Kheo nên cẩn thận điều này.
Hỏi: Tỳ Kheo ăn cơm xong, lại ăn trái cây, tay được phép rời bát không?
Đáp: Được! Nếu ăn cơm chưa xong, cũng được tạm rời bát.
Hỏi: Khi ăn cơm, Tỳ Kheo nên bưng bát, nhưng cũng có thể đặt xuống đất không?
Đáp: Cần phải bưng lên. Nếu có nhân duyên chính đáng thì đặt bát xuống đất cũng không phạm lỗi.
Hỏi: Tỳ Kheo dùng chén đựng cơm rồi đặt vào trong bát, cứ để thế mà dùng cơm, có được chăng?
Đáp: Không được! Nếu làm phạm tội Đọa.
Chú giải: Đây là những Tỳ Kheo lười biếng, hoặc sợ lạnh giá, hoặc lười rửa bát, cho nên làm như vậy. Nếu huân tập lâu ngày thành thói quen, liền mất hết phép tắc, nên phạm tội Xả Đọa. Lỗi ấy chẳng phải nhỏ, nên phải cẩn thận. Hơn nữa nếu làm như vậy thì không đúng pháp, không đúng luật, trái lời Phật dạy.
Hỏi: Cho phép người khác mượn bát được không?
Đáp: Được! Trừ trường hợp mình đang ăn.
Hỏi: Được phép dùng bát nấu thức ăn không?
Đáp: Không được! Nếu nấu thì phạm tội Xả Đọa.
Chú giải: Rửa bát còn phải dùng nước ấm. Nếu rửa nước sôi sợ mất lớp men tráng thì bát sẽ dễ bám chất dơ, huống gì dùng bát để nấu! Sử dụng lẫn lộn sẽ trái với qui chế.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đế Thích - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Căn Bản đại Lạc Kim Cang Bất Không Tam Muội đại Giáo Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Long
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Diệm Ma Ca
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Một - Phẩm Bảy Pháp - Kinh Mộc Tích Dụ