Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Các Việc Linh Tinh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ

CÁC VIỆC LINH TINH  

Hỏi: Nếu Tỳ Kheo bị trộm cắp lấy mất vật dụng, nhưng vật chưa được mang ra khỏi đại giới.

Tỳ Kheo đó thấy là vật của mình mà không biết ai trộm cắp, có được phép lấy lại không?

Đáp: Được phép lấy lại, nhưng khi lấy thì khởi tưởng như trường hợp lấy lại vật báu trong chín mươi việc đã nêu.

Tức trước tiên phải khởi niệm: Nếu có người nhận thì ta không được lấy, còn không có người nhận thì bạch chúng rồi mới lấy. Nếu không có Tăng thì tác pháp đó là vật dụng nội giới để lấy, không nên cho đó là vật dụng của mình mà tự ý lấy.

Hỏi: Chúng Tăng đánh kiền chùy ăn cơm mà có Tăng ngoài đại giới đến, nếu không cho vị ấy ăn, thì phạm tội gì?

Đáp: Mất lợi ích lớn, lại phạm Đột Kiết La.

Chú giải: Đánh kiền chùy, tức là thông báo cho Tăng mười phương đến thụ dụng, nhưng lại tham tiếc không chia phần cho, thì gọi đó là miệng nói chung mà ý lại dùng riêng. Việc này khiến cho mọi người chê trách, còn mình và mọi người mất lợi ích, nên phạm tội này.

Nếu gặp những người không biết hổ thẹn, luôn đến làm phiền, thì chỉ cần phân chia cho chút ít cũng được. Chứ nếu hoàn toàn không cho thì không được.

Hỏi: Trước đó Tỳ Kheo chỉ dạy đàn việt thiết trai cúng dường một trăm vị, nhưng nếu đến thừa một vị cho đến mười vị thì có cho họ thụ không?

Còn Tỳ Kheo chỉ dạy đó có bị phạm tội không?

Đáp: Nếu lúc đánh kiền chùy thụ trai mà Tăng đến thêm thì nên cho thụ. Người chỉ dạy không phạm tội.

Vì sao?

Vì đánh kiền chùy thỉnh Tăng, Tăng đến nhiều cũng đâu có lỗi gì?

Phàm hễ đánh kiền chùy là phải khởi niệm thỉnh bốn phương Tăng. Tăng đến nhiều hay ít, cũng đều phải chia cho tất cả tài vật và thức ăn uống. Việc này không có lỗi sai.

Hỏi: Tỳ Kheo dạy cư sĩ cúng dường Chúng Tăng, nếu có Tăng ngoại giới đến xin, Tỳ Kheo được phép cho một thăng hoặc năm thăng lương thực không?

Đáp: Không được!

Nếu biết đó là việc không đúng pháp mà tự ý cho chỉ một phần giá trị năm tiền thì phạm tội Ba la di. Nếu bạch chúng, Chúng Tăng cho thì được.

Hỏi: Nếu thí chủ cúng dường Chư Tăng lâu dài, một ngày cúng một trăm tiền, nhưng đại chúng chỉ dùng năm mươi tiền, số còn lại được phép dùng vào việc khác không?

Đáp: Đánh kiền chùy thông báo thì được. Nếu Chúng Tăng không có y bát, không đánh kiền chùy nhưng Tăng hòa hợp thì được phép chi dùng cho việc ấy. Nếu giảm bớt phần mình để cúng dường cho khách Tăng thì càng tốt.

Hỏi: Thí chủ cúng dường thức ăn cho một Tỳ Kheo trong mười ngày. Sau mười ngày này, thức ăn còn dư thí chủ lại làm thức ăn ngon cúng dường thêm năm ba ngày.

Tỳ Kheo thụ thực thì phạm tội gì?

Đáp: Không phạm. Nhưng không được xin tiếp, nếu xin thì phạm tội Đọa. Nếu chưa đủ mười ngày mà bỏ đi cũng phạm tội Xả Đọa.

Hỏi: Thí chủ cúng dường thức ăn cho Tỳ Kheo trong mười ngày, nhưng tự chia nhỏ để làm thức ăn cho một tháng, thì có được không?

Đáp: Đánh kiền chùy thông báo thì được. Nếu không đánh kiền chùy, trong thời gian này, Tăng có việc phải đi, nếu không cúng dường cho Tăng đến sau mà Tăng đến sau dùng hết phần ăn của mình lại dùng qua phần của người khác, nếu dùng no thì phạm tội Ba la di, còn chưa no thì phạm tội Đọa.

Hỏi: Nếu cha mẹ, anh em thiếu nợ, bị chủ nợ bắt và bán cho người khác, Tỳ Kheo được phép xin tài vật chuộc họ về lại không?

Đáp: Được. Nhưng không được nói là xin cho mình, phải nói là xin cho cha mẹ, anh em mới được. Nếu xin được tài vật đền bù xong mà còn dư, Tỳ Kheo không được tự dùng, vì tài vật đó đã thuộc về người được chuộc. Nếu tự sử dụng mà người thân không oán giận thì phạm tội Xả Đọa. Nếu họ oán giận mà Tỳ Kheo không trả lại thì phạm tội Ba la di.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép đến nhà bán rượu xin thức ăn và tài vật không?

Không có duyên sự, được phép ngồi nói chuyện suông không?

Đáp: Không được vào tất cả những cửa nhà có rượu, nếu vào thì phạm tội Đọa. Nếu nhà này có những cửa khác, không có bày bán rượu thì được vào.

Nếu thí chủ bán rượu thỉnh Tỳ Kheo thiết trai cúng dường thì nên hỏi: Thí chủ có thể thụ giới một ngày không?

Nếu họ trả lời là được thì cho họ thụ trì, Chư Tăng có thể đến nhà. Nếu họ không thụ giới, nhưng có thể nghỉ bán rượu một ngày, thì Tỳ Kheo được phép đến nhà. Đối với nhà đồ tể thì cũng như vậy.

Hỏi: Tỳ Kheo xúi ép người uống rượu thì phạm tội gì?

Đáp: Cố ép mà người kia không uống, thì phạm tội Đột Kiết La. Nếu người kia uống thì Tỳ Kheo phạm tội Đọa.

Chú giải: Người tham ăn đọa vào địa ngục phân nóng, nước đồng sôi.

Trong Kinh ghi: Dùng tay trao chén rượu cho người khác uống thì năm trăm đời không có tay, huống gì tự uống, bảo người uống ư! Nếu có thể khuyên được một người bỏ ăn mặn, giữ giới uống rượu, cho đến thụ trì tam qui, ngũ giới, thì cả hai đều được phúc lợi vô cùng.

Hỏi: Tỳ Kheo gởi đồ vật cho cư sĩ, nhưng quá thời hạn mà Tỳ Kheo này không đến lấy, cư sĩ liền đem món đồ vật ấy cho Tỳ Kheo khác.

Vậy, Tỳ Kheo khác đó được phép lấy không?

Đáp: Không được lấy. Nếu Tỳ Kheo chủ của món đồ vật ấy còn sống thì đó là đồ vật có chủ, còn Tỳ Kheo đã qua đời thì món đồ vật đó thuộc Tăng bốn phương.

Hỏi: Ban đêm, Tỳ Kheo được phép cầm đuốc đi không?

Đáp: Mùa đông thì được, còn mùa hạ thì nên cầm đèn lồng. Nếu vị ấy cầm đuốc thì phạm tội Đọa.

Chú giải: Mùa đông được cầm đuốc vì không có côn trùng bay vào. Vị ấy phạm tội Đọa vì làm tổn thương loài trùng kiến.

Hỏi: Vật dụng của Tỳ Kheo giá trị một tiền, đến nơi khác bán được năm ba tiền, số dư này có thể nhận không?

Đáp: Không được!

Nếu nhận thì phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Tùy theo địa phương giàu nghèo mà giá trị của vật có Tăng giảm. Theo lý vốn không có lỗi lầm, nhưng người thế tục thì được, còn đạo nhân xuất thế thường nên xả thí, đâu được tham lợi dưỡng mà mưu cầu làm Tăng thêm lỗi lầm, nên phạm tội này.

Hỏi: Tỳ Kheo đùa giỡn vay mượn đồ vật của người khác mà không trả lại thì phạm tội gì?

Đáp: Đùa giỡn lấy hoặc cho đều phạm tội Xả Đọa. Nếu người không cho mà Tỳ Kheo cưỡng đoạt thì phạm tội Ba la di.

Hỏi: Tỳ Kheo có thể dùng chỗ thức ăn còn lại sau khi một Tỳ Kheo khác nếm thử không?

Đáp: Không được!

Biết mà vẫn dùng thì phạm tội Đọa, Tỳ Kheo nếm thức ăn kia cũng phạm tội Đọa. Nếu không sám hối thì tội ngày càng Tăng. Thuở xưa, có một Tỳ Kheo chấp sự, được phân công làm thức ăn.

Vị này thường chạm ngón tay vào các bát đĩa thức ăn và bảo: Lấy món này, dùng món này. Hằng ngày Tỳ Kheo này thường làm như vậy mà không chịu sám hối, nên sau khi mạng chung đọa vào loài ngạ quỷ.

Một đêm nọ, Tỳ Kheo Vô Trước vào nhà xí, bỗng nghe tiếng rên rỉ, bèn hỏi: Ngươi là ai?

Đáp: Ta là ngạ quỷ.

Hỏi: Thuở xưa ngươi làm gì mà đọa vào trong loài ngạ quỷ?

Đáp: Ở trong Chùa này làm vị Tăng chấp sự.

Hỏi: Ngươi vốn là người rất tinh tiến, vì lý do gì mà đọa vào trong ngạ quỷ?

Đáp: Cho Chúng Tăng dùng thức ăn bất tịnh.

Hỏi: Thế nào mà ngươi nói là bất tịnh?

Đáp: Tôi chạm ngón tay vào những bát thức ăn của chúng và bảo: Lấy món này, dùng món này! Lúc ấy tôi đã phạm tội Đọa rồi. Nhưng trải qua ba lần thuyết giới mà tôi không sám hối, nên tội Tăng dần trở thành quá nặng. Vì vậy mà tôi đọa vào trong loài ngạ quỷ, hai tay cứ đánh vào ngực đến nỗi rách da, nát thịt, rồi tự bóp lấy cổ cho nước phun ra.

Hỏi: Vì sao mà phải đánh vào ngực?

Đáp: Côn trùng ăn trong thân đau đớn.

Hỏi: Vì sao bóp lấy cổ cho nước phun ra?

Đáp: Trong miệng có côn trùng.

Hỏi: Vì sao rên rỉ?

Đáp: Quá đói khát sắp chết.

Hỏi: Ngươi muốn ăn gì không?

Đáp: Ý muốn ăn phân mà không thể ăn được.

Hỏi: Tại sao ăn không được?

Đáp: Vì nhiều loại quỷ xô đẩy giành nhau, không thể tiến đến lấy được.

Hỏi: Vậy tôi biết làm thế nào giúp ngươi đây?

Đáp: Xin Chúng Tăng chú nguyện cho tôi!

Vô Trước nói: Được rồi! Thế là ông liền trở về bạch với Chúng Tăng việc ấy.

Chúng Tăng hỏi: Ngày xưa vị đó tu hành tinh tiến, nhưng vì sao đọa vào loài ngạ quỷ?

Đáp: Đó là do ngày xưa vị ấy cho Chúng Tăng dùng thức ăn bất tịnh mà không sám hối. Xin Chúng Tăng chú nguyện cho vị kia!

Chúng Tăng liền chú nguyện, quỷ kia được ăn phân, không còn rên rỉ nữa. Lấy việc này chứng nghiệm, nên biết đại Tỳ Kheo không được tự dùng tay làm thức ăn và chạm vào bát của Tăng. Nếu không phải bát của Chúng Tăng, tự tay thụ nhận rồi trao cho Tăng thì không phạm.

Hỏi: Thầy sai đệ tử buôn bán, làm các việc phi pháp thì đệ tử được phép rời bỏ thầy không?

Đáp: Được phép rời bỏ.

Đệ tử có bốn trường hợp nên ở với thầy:

1. Dạy giáo pháp và cho thức ăn mà không cho y bát thì nên ở.

2. Dạy giáo pháp và cho y bát mà không cho thức ăn thì nên ở.

3. Dạy giáo pháp, cho y bát và thức ăn thì nên ở.

4. Dạy giáo pháp mà không cho y bát và thức ăn thì nên ở.

Nếu thầy không dạy giáo pháp, cho y bát và thức ăn thì nên đi.

Hỏi: Những gì cần phải sạch, có bao nhiêu vật cần phải làm sạch?

Đáp: Rau quả nên dùng dao gọt, tay bóc, lửa đốt để làm sạch, chỉ có gạo là cần dùng lửa nấu chín. Quả đã lấy sạch hạt thì ăn sẽ không hề gì.

Hỏi: Tỳ Kheo đỉnh lễ Tam Bảo được phép mang giày dép không?

Đáp: Giày dép sạch thì được.

Chú giải: Nếu đúng pháp, khi lễ Tam Bảo, Tháp Phật thì nên cởi giày dép, mũ nón, đắp y bày vai phải, trừ khi có bệnh thì được mang giày dép da gấu.

Không được mang các loại giày dép làm bằng năm loại da: Voi, ngựa, sư tử, cọp, sói và những con thú đồng loại với chúng. Nhưng ở đây Đức Phật khai cho phép mang giày, nhưng giày phải thật sạch sẽ. Nếu giày không sạch thì phạm tội ác tác.

Hỏi: Tỳ Kheo họa vẽ hoa lá trên cờ phướn rồi bán lấy tiền thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Vì có tâm tham. Vẽ tràng phan cúng dường Tam Bảo thì được. Nếu bán lấy tiền thì tội giống như mua bán và làm thuê nói trên.

Hỏi: Tỳ Kheo dạy người khác buôn bán thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Tỳ Kheo lẽ ra nên tu hạnh tịnh mạng xuất ly, lại cũng dạy người tu hạnh này. Nếu ngược lại, Tỳ Kheo dạy bảo người buôn bán, khởi tâm tham, lại bởi xem thường giới của Phật chế định, dạy cho người nhân duyên trói buộc nên vị ấy phạm tội Xả Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo nuôi người hầu, trâu, lừa, ngựa thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa. Nếu không sám hối thì tội càng Tăng như đã nói ở trên.

Chú giải: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, giống như ta không sai khác. Nếu Tỳ Kheo nuôi người và các loài súc vật để sai khiến, thì tâm sinh phân biệt người vật, chủ tớ, đây kia khác nhau, mất lòng từ bi, tham cầu quá mức, chẳng phải là đệ tử của Phật, nên phạm tội này. Nếu biết mà sám hối thì tội diệt, không sám hối thì tội thành nặng.

Trong Kinh Nhật Tạng Phần ghi: Như trong pháp của ta, từ một đến bốn Tỳ Kheo thì không được nhận nuôi nô bộc.

Luật Tứ Phần ghi: Tỳ Kheo không được nhận nuôi mèo, chó, chim, nhưng nếu năm Tỳ Kheo trở lên thì được nhận. Nghĩa là nếu vì Phật Sự thì các Tỳ Kheo được nhận nô bộc, lừa ngựa để sử dụng. Nếu không có Phật Sự mà riêng mình nhận nuôi dùng thì phạm tội.

Hỏi: cư sĩ đến chỗ Tỳ Kheo xin xuất gia, khi chưa cạo tóc được phép dùng thức ăn của Tăng không?

Đáp: Thưa cho Tăng biết thì được, còn không thưa thì Tỳ Kheo cho thức ăn phạm tội Đọa.

Chú giải: Tất cả những vật của Tỳ Kheo cũng chính là vật của đại chúng, nếu không bạch chúng mà cấp riêng cho một người là phạm tội này.

Nên bạch chúng: Xin Đại Đức Tăng nghe!

Con tên… họ… hôm nay thưa Chúng Tăng xin độ người thụ giới. Con xin Tăng cho phép con được độ người thụ giới. Xin từ bi thương xót. Nói như vậy ba lần, xem rõ trong luật, ở đây không dẫn ra.

Hỏi: Tỳ Kheo vì Tăng mà đi khất thực, lúc đi trên đường được phép dùng cơm của Chúng Tăng không?

Đáp: Nếu trước lúc đi đã thưa với Tăng, Tăng cho phép thì được dùng. Nếu lúc đi không thưa với Tăng, trở về mới thưa mà Tăng cho phép thì cũng được. Nếu Tăng không cho thì phải tính thành tiền mà bồi thường, nếu không bồi thường thì phạm tội trọng.

Hỏi: Nếu người khác mang chén bát gởi trong phòng Tỳ Kheo qua đêm thì có phạm tội không?

Đáp: Không phạm.

Chú giải: Không phạm, vì vật người khác gởi không liên quan đến mình. Vì tự mình không phạm lỗi để thức ăn qua đêm, nên không có lỗi.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép đem một thùng, hai thùng dầu đốt đèn cúng Phật để trong phòng mình không?

Đáp: Được!

Chú giải: Nếu không sử dụng sai lầm, thì cất giữ trong phòng của mình cũng không có lỗi. Nếu để sử dụng riêng, thì cũng nên tính theo giá tiền mà định tội.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép để rượu thuốc trong phòng mình không?

Đáp: Nếu chữa bệnh thì được để bảy ngày.

Chú giải: Nếu để quá bảy ngày thì phạm giới, vì sợ khởi lòng tham. Nếu thầy thuốc bảo không có rượu, không thể chữa lành bệnh, thì có thể hòa thuốc vào rượu mà uống, nhưng không nghe mùi rượu mới được. Nếu có bệnh thì được giữ bảy ngày.

Không có bệnh thì một giọt cũng không được cố ý dùng. Y theo luật dạy thì người bệnh uống rượu đó không cho nhập chúng, sau bảy ngày nên đến trước điện Phật, phía dưới gió, từ xa chí thành đỉnh lễ bảy ngày mới cho đắp y nhập chúng. Việc ăn thịt cá… cũng như vậy.

Hỏi: Nếu Tỳ Kheo không dùng cành dương chải răng thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Trong Luật nói dùng cành dương có năm lợi ích: Một là miệng không đắng, hai miệng không hôi, ba là trừ gió độc, bốn là trừ nhiệt, năm là trừ đàm và mắt sáng… nếu không dùng cành dương thì trái với năm lợi ích trên. Không dùng cành dương, không chỉ mất lợi ích mà còn phạm tội. Lại gọi kẻ ấy là người nhiễm ô, không cho lễ Phật và Hòa Thượng… vì thế phải nên siêng năng chà răng, chớ có lười biếng.

Hỏi: Trời chưa sáng được phép dùng cành dương không?

Đáp: Sau khi sao mai xuất hiện mới được phép dùng. Nếu dùng không đúng thời thì phạm tội Đọa.

Hỏi: Sau buổi cơm trưa được phép dùng cành dương chải răng không?

Đáp: Được. Nếu không dùng nước tro, bồ kết và cành dương thì đều phạm tội Đọa. Nếu qua giờ Ngọ mới dùng cũng phạm tội Đọa. Sau giờ Ngọ trừ uống thuốc, còn tất cả cỏ cây có mùi vị đều không được đưa vào miệng, nếu không sẽ phạm tội Đọa.

Hỏi: Nếu không có cành dương, được phép xỉa hay chải răng bằng các loại cây khác không?

Đáp: Đều được.

Chú giải: Tất cả những loại dùng để trừ cấu bẩn ở răng miệng thì đều có thể dùng. Kệ Chú Dương chi đều có ghi trong bộ Tì Ni nhật dụng.

Hỏi: Tỳ Kheo thiếu thốn, được phép vào chợ xin không?

Đáp: Trước giờ Ngọ thì được, còn sau giờ Ngọ thì không được, cũng không được xin tiền. Nếu muốn xin tiền, phải dẫn theo một vị cư sĩ hoặc Sa Di.

Hỏi: Có người bắt Tỳ Kheo đem bán, Tỳ Kheo được phép bỏ trốn không?

Đáp: Lúc đầu thì được, còn lúc đã bán cho chủ rồi thì không được bỏ trốn.

Hỏi: Nếu Tỳ Kheo đùa giỡn mà được phẩm vật, dùng phẩm vật này đổi lấy thức ăn thức uống mời Tỳ Kheo khác dùng, Tỳ Kheo khác đó được phép dùng không?

Đáp: Không được!

Nếu dùng phạm tội Đọa.

Chú giải: Những kẻ tà kiến, ngoại đạo ngu si, theo lý nên quở trách, đuổi ra ngoài, trừ diệt ác kiến cho họ, hầu chấn chỉnh thanh quy. Nếu người thụ thức ăn này thì đồng với lối sống không đúng chính pháp, nên phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo Ni không tinh tiến, Tỳ Kheo được phép khuyên họ bỏ đạo không?

Đáp: Không có đạo lý này!

Chú giải: Tỳ Kheo nên giáo huấn Tỳ Kheo Ni: Hãy siêng năng hành đạo, chớ có buông lung. Chân thành khuyên bảo như vậy thì được, chứ đâu thể làm ngược lại, khiến họ xả tịnh nghiệp, chạy theo nhiễm nghiệp, phạm tội càng nặng, cho nên không có lý này.

Hỏi: Tỳ Kheo bào chế thuốc men bố thí cho người, nhưng không biết cách pha chế, người uống vào liền chết thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu có tâm tốt ban cho thì không phạm tội, còn có tâm ác ban cho thì phạm tội trọng.

Hỏi: Tỳ Kheo năm tuổi hạ hoặc mười tuổi hạ mà không bao giờ tụng giới thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu không tụng giới, hằng ngày ăn cơm tín thí đều phạm tội trộm cắp. Nếu trước đó không biết thì vẫn được sám hối.

Hỏi: Tất cả nhà của quỷ thần, Tỳ Kheo được phép ở nhờ qua đêm không?

Đáp: Nếu đi lỡ đường thì được phép, còn có ý gây rối mà đến thì phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo ăn thịt chúng sinh phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Lúc đầu Đức Thế Tôn cho ăn mặn món tịnh nhục khi: Ta không thấy giết, không nghe giết, không nghi vì ta mà giết, tự chúng chết, chim thú ăn còn thừa. Nhưng Tỳ Kheo không được ăn thịt sống làm tổn thương dạ dày, chướng ngại đạo thánh. Nếu ăn, sẽ phạm tội Đọa. Tỳ Kheo tu pháp Đại Thừa tuyệt đối không dùng. Cần phải biết rõ điều này.

Hỏi: Tỳ Kheo tạo điều kiện cho hai người nam hành dục, nhưng không thành thì phạm tội gì?

Đáp: Tội Thâu lan giá.

Chú giải: Tỳ Kheo lẽ ra nên dạy mọi người tu hạnh thanh tịnh, nhưng lại bảo làm việc nhiễm ô này, nên phạm tội như thế.

Hỏi: Tỳ Kheo muốn khiến hai người nam hôn môi để lấy đó làm vui. Hai người nam định làm, nhưng liền thôi, thì Tỳ Kheo này phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa. Nếu việc này thành thì Tỳ Kheo phạm tội Thâu lan giá.

Chú giải: Vì có tâm dục vậy. Cả hai câu hỏi trên đều nói đến hai người nam, thì thật cũng khó giải thích cho thông.

Vì nếu nói là đồng tử, đã không phải Tỳ Kheo thì đâu thể quy kết vào năm thiên tội?

Nếu nói là Tăng, sao gọi là hai người nam?

Nói là một Tăng một tục, thì không thuận với văn Kinh.

Vậy rốt cuộc là như thế nào?

Theo ngu ý của tôi, nói hai người nam ở đây, chính là nói hai Tỳ Kheo trẻ tuổi chưa trừ hết thói quen nhiễm ô, thích vui đùa làm thế, nên mới chế ra giới này. Người dịch đã lược ẩn ngôn từ, nên chỉ nói là hai nam. Người trí nên biết rõ.

Hỏi: Giường của Tỳ Kheo có người khác hành dục trên đó, Tỳ Kheo được phép ở lại trụ xứ ấy không?

Đáp: Nếu thấy sạch sẽ thì ở được.

Hỏi: Khi đã xướng Tăng bạt, các thượng tọa chưa dùng mà các vị hạ tọa dùng trước thì phạm tội gì?

Đáp: Nghe xướng xong mà dùng thì không phạm.

Chú giải: Xướng Tăng bạt xong, tất cả mọi người được dùng cơm. Nếu lược bỏ không xướng mà dùng thì phạm tội.

Tăng bạt, tức là khi thụ thực xướng câu: Phật chế Tỳ Kheo thực tồn ngũ quán…

Hỏi: Tỳ Kheo không đủ sáu vật phạm tội gì?

Đáp: Nếu không xin để làm cho đủ thì phạm tội Xả Đọa, còn xin mà không được thì không phạm.

Hỏi: Trời rét lạnh, Tỳ Kheo được phép đắp mền chung nằm ngủ không?

Đáp: Mỗi người có đắp y thì được.

Chú giải: Hai người cùng đắp y mà không khởi niệm gì khác thì được. Nhưng trời nóng thì không được, nếu đắp chung phạm tội Việt pháp.

Chữ chung có hai nghĩa:

Một, nếu xét từ hai người, thì như trên đã giải thích.

Hai, nếu xét từ một người, tức toàn thân đắp y mà nằm thì cũng được.

Vì sao?

Vì Tăng sĩ ở Tây Vực chỉ có ba y, không có chăn mền nào khác, nếu trời lạnh mà không đắp, sợ trúng phải gió độc, nên nói cố đắp y thì được nằm chung mền. Nay vẫn giữ hai lời giải thích này để cho người đời sau không nghi ngờ.

Hỏi: Tỳ Kheo tự nói mình là dòng họ tôn quý và siêng năng trì giới để xin phẩm vật, nếu được phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Đây là kẻ cống cao ngã mạn đáng thương dối cho mình là tôn quý, tham lam cầu xin phẩm vật, nên phạm tội này.

Hỏi: Như chị hoặc em có bệnh thủng, hoặc có chỗ đau đớn, Tỳ Kheo tự tay ấn hay xoa vào chỗ đau để trị bệnh thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu động tâm thì phạm tội Thâu lan giá, còn không động tâm phạm tội Đọa.

Hỏi: Nếu chị hoặc em không có con trai nối dõi, nhờ Tỳ Kheo dạy phương pháp và các thuật để sinh con, Tỳ Kheo liền dạy thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Thâu lan giá.

Chú giải: Nếu dạy cho người phương pháp này tức là trái với chính trí. Có con nối dõi hay không là do nghiệp duyên kiếp trước đã định, không thể mong cầu. Đã không dạy cho họ tu tập pháp môn chính trí thanh tịnh mà trái lại còn dạy cho họ việc đó, nên đối với viêc nhiễm ô và tập khí thế tục chưa trừ, Tỳ Kheo phạm tội này.

Hỏi: Có người gởi đồ vật cho Tỳ Kheo nhờ trao lại cho người khác, nhưng Tỳ Kheo này không trao lại thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu tự ý lấy mà không trao lại thì phạm tội trọng. Nếu Tỳ Kheo cố ý phá hoại rồi trao lại thì tính theo giá trị món đồ vật ấy mà định là tội khinh hay trọng.

Hỏi: Tỳ Kheo vào làng xóm mà không đắp y, thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Trong luật dạy Tỳ Kheo vào làng xóm hoặc đi khất thực đều phải đắp y. Nếu vị ấy không đắp y thì gọi là ngoại đạo, không được người thế tục tôn kính, trái với lời Phật chế, nên phạm tội.

Hỏi: Tỳ Kheo than khóc thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu ở trong thôn xóm đông người, mỗi lần khóc là một lần phạm tội Đọa. Nếu Tăng ba lần can gián mà Tỳ Kheo không bỏ thì phạm tội Thâu lan giá.

Hỏi: Ở trong thôn xóm, Tỳ Kheo cầm cung tên, đao kiếm lên xem thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu trước đó không biết pháp thì không phạm, còn biết mà cố làm thì phạm tội Đột kiết la.

Hỏi: Tỳ Kheo cưỡi lên các con vật thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu là con đực, thì một lần cưỡi là phạm tội Đọa, nếu quá ba lần can gián mà không dừng thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu cưỡi con cái, một lần cưỡi là phạm tội Thâu lan giá.

Hỏi: Ở trong thôn xóm, Tỳ Kheo xem cư sĩ đánh nhau phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: cư sĩ đánh nhau liên quan đến sống chết, người thế tục còn không nên làm, huống gì là Tăng!

Trong luật dạy Tỳ Kheo đi trên đường quay nhìn hai bên còn mất oai nghi, huống gì xem đánh nhau, tâm rong ruổi theo ngoại cảnh, nên phạm tội nầy.

Hỏi: Tỳ Kheo chơi cờ tướng, cờ vây… thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Đây là trò vui chơi của thế tục, chẳng phải việc của hàng Thích tử. Vì những việc này nhiễu loạn tâm ý, chướng ngại đạo thánh, nên Tỳ Kheo phạm tội này.

Hỏi: Trong thôn xóm, Tỳ Kheo bế đứa trẻ ba tuổi, miệng phát ra những tiếng yêu thương nựng nịu thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Nếu lòng dục khởi thì phạm tội Thâu lan giá. Đây là những việc biểu hiện Tỳ Kheo chưa dứt trừ tình ái, đánh mất oai nghi, hủy hoại chính pháp, nên Phật chế giới này.

Hỏi: Ở trong thôn xóm, Tỳ Kheo đánh nhau với cư sĩ thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đột Kiết La.

Chú giải: Tỳ Kheo vung tay đánh nhau với cư sĩ, là biểu hiện chưa trừ tập khí trạo cử, dẫn đến xung đột, chuốc lấy tai họa, trở ngại việc tu tập chính hạnh, nên phạm tội trên.

Hỏi: Ở trong thôn xóm, Tỳ Kheo xem cư sĩ hành dâm với súc sinh thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu biết đó là việc phi pháp mà cố ý xem thì phạm tội Đọa, còn không biết thì không phạm. Nếu lúc xem mà trong tâm khởi niệm dâm, miệng nói lời nhiễm ô thì phạm tội Thâu lan giá.

Hỏi: Tỳ Kheo dùng cơm chưa no đủ, được phép bảo người chưa thụ giới cụ túc mang thêm không?

Đáp: Được! Chỉ trừ Bà La Môn.

Chú giải: Tỳ Kheo thụ trai, hoặc sức ăn không đồng nhau, hoặc ăn nhanh chậm có sai khác, nên có đủ hay không đủ. Những vị Sa Di hoặc người giữ năm giới đều gọi người chưa thụ giới cụ túc, bảo họ đem thêm thức ăn thì được. Còn Bà La Môn hoặc ngoại đạo… ngã mạn cống cao và không cung kính Tam Bảo, thấy Chư Tăng họ khởi tâm phỉ báng, nên phải trừ họ ra.

Hỏi: Trong núi hoặc nơi đồng hoang vắng vẻ thấy một món đồ vật không có chủ, Tỳ Kheo được phép lấy dùng không?

Đáp: Được. Chỉ cần báo với chính quyền sở tại, hoặc nói với người khác thì được dùng, nhưng không được mang đi. Nếu mang đi phạm tội Xả Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo làm thầy thuốc chữa bệnh được phép nhận tài vật không?

Đáp: Nếu vì tâm từ bi mà chữa bệnh thì được, còn với tâm xấu thì không được. Nếu không có y bát, người được chữa trị cúng dường cho thì Tỳ Kheo được phép nhận. Còn như có y bát rồi mà người ấy ép nhận, nếu vì tạo phúc thì Tỳ Kheo được nhận. Nếu người ấy không cho, Tỳ Kheo cũng không được vì làm phúc mà xin. Nếu xin, vị ấy phạm tội Xả Đọa.

Hỏi: Khăn dùng vào việc ăn cơm, nếu rau dưa… hoặc nhiều hay ít đổ dính vào, có cần phải giặt không?

Đáp: Dù không dơ thì hằng ngày cũng phải giặt. Nếu có Sa Di hay cư sĩ thì gởi cho họ giặt rồi hằng ngày nhận lại dùng, cũng không phạm tội. Nếu đã gởi trong phòng Sa Di hay cư sĩ thì không cần phải lo, còn không gởi cũng không giặt thì phạm tội Xả Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo ở phòng riêng, nếu có việc lặt vặt ra khỏi phòng mà không đóng cửa, có phạm tội không?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Sợ mất đồ đạc, không biết quy tội cho ai, nên phải cẩn thận đề phòng việc chưa xảy ra, thì cũng đều là tu đạo. Như có người buông lung tự cho là chân đạo vô tâm mà không biết nghịch cảnh khó thoát, thì trái lại sẽ làm mất hết chính tâm, nên phạm tội này.

Hỏi: Tỳ Kheo ở phòng riêng vỗ tay cười đùa thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Kinh Lăng nghiêm ghi: Sáng sớm lấy tay xoa đầu, cạo bỏ râu tóc, đắp y hoại sắc là vì việc gì?

Khéo thâu nhiếp thân tâm còn chưa tương ưng với đạo, huống gì vỗ tay cười lớn, dù ở phòng riêng Tỳ Kheo cũng mất oai nghi, tâm ý buông lung, nên phạm tội này.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép nhảy qua vũng nước hay mương nước nhỏ không?

Đáp: Không được, nếu nhảy sẽ phạm tội Đọa. Thuở xưa, có vị Ưu Bà Tắc muốn thỉnh Tỳ Kheo về nhà cúng dường một tấm y tốt, Tỳ Kheo liền đi theo. Trên đường đi, thấy vũng nước nhỏ, Tỳ Kheo liền nhảy qua.

Vị Ưu Bà Tắc liền chê trách và suy nghĩ: Ta cho rằng vị Tỳ Kheo này tốt, nên muốn cúng dường một tấm y tốt, nhưng lại nhảy qua vũng nước, khi về đến nhà ta cúng dường nửa tấm y thôi. Vị Tỳ Kheo này chính là Ngài Vô Trước, biết suy nghĩ của người đó, nên lúc đi trên đường gặp một vũng nước, Ngài lại cố ý nhảy qua.

Vị Ưu Bà Tắc này lại suy nghĩ: Khi về nhà, ta chỉ cúng một tấm vải thô. Trên đường đi lại gặp một vũng nước, Tỳ Kheo cũng nhảy qua.

Vị Ưu Bà Tắc lại nghĩ: Lúc về nhà ta chỉ cúng dường một bữa cơm thôi. Ngài Vô Trước lại biết được suy nghĩ của người này, nên khi gặp một vũng nước, Ngài lại vén y bước qua.

Vị Ưu Bà Tắc hỏi Tỳ Kheo: Tại sao Ngài không nhảy qua?

Đáp: Trước đó ông hứa cho tôi một tấm y tốt. Lần đầu tiên tôi nhảy qua vũng nước thì chỉ còn nửa tấm y. Lần thứ hai nhảy qua vũng nước, chỉ còn được tấm vải thô. Lần thứ ba nhảy qua vũng nước chỉ còn được bữa ăn. Nay tôi không nhảy qua là vì sợ mất luôn bữa ăn.

Ưu Bà Tắc biết vị này chính là bậc đạo nhân, liền sám hối. Khi về đến nhà Ưu Bà Tắc này cúng dường rất lớn. Theo chuyện này mà nghiệm biết, thì Tỳ Kheo không được nhảy qua vũng nước nhỏ.

Hỏi: Tỳ Kheo chạy phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa. Nếu có việc gấp thì không phạm.

Hỏi: Có người sau khi xuất gia, trở về trộm đồ vật của nhà mình thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Ba la di.

Vì sao?

Vì khi đã xuất gia, thì tất cả đều xả bỏ, không còn là đồ vật của mình nữa.

Hỏi: Lúc còn ở nhà cùng cha mẹ, anh em, Tỳ Kheo có cất giấu một ít của cải.

Sau khi xuất gia, người nhà đều chết, Tỳ Kheo trở về tự ý lấy vật này thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu tự ý lấy thì phạm tội Ba la di. Nếu có cư sĩ thân thuộc, thì nên bảo họ đến lấy mang đi làm phúc, nhưng cũng nên chia một nửa cho chính quyền địa phương.

Vì sao?

Vì vật này vô chủ, lẽ ra thuộc về chính quyền. Vì thế mà không được lấy hết, nếu lấy hết thì phạm tội trọng.

Hỏi: Thầy thụ giới trở lại, nên nhỏ hơn đệ tử.

Đệ tử có được tự cho mình tuổi hạ nhỏ, giới kém và đi sau không?

Nếu không được vậy, thì có được phép đỉnh lễ thầy không?

Đáp: Không có lý đó!

Vì lớn nhỏ chỉ căn cứ theo giới phẩm và hạ lạp mà thôi.

Hỏi: Tỳ Kheo đi vào ruộng có lúa hay không có lúa của người khác thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu có lúa thì phạm tội Đọa, nhưng vì việc gấp thì không phạm. Nếu không có lúa thì đều không có tội.

Hỏi: Tỳ Kheo phạm tội Tăng tàn đã tỏ bày sám hối, nhưng mới được năm, ba ngày, thì nơi ấy có nạn, Chúng Tăng phân tán, vậy tội ấy có được tiêu trừ không?

Đáp: Phải cầu Chúng Tăng sám hối lại, đợi mãn bảy ngày thì tội mới trừ.

Hỏi: Vương giả hỏi Tỳ Kheo về chuyện cát hung, Tỳ Kheo liền nói cho họ nghe.

Sau đó họ cúng dường cho, thì Tỳ Kheo phạm tội gì?

Đáp: Nếu nhận thức ăn thì phạm tội Đọa, nhận y thì phạm tội Xả Đọa. Nếu nói về việc đi đánh dẹp nước khác mà được cúng dường thì phạm tội trọng.

Hỏi: Tỳ Kheo gặp hoạn nạn nguy cấp được phép đi băng qua ruộng của người thế tục không?

Đáp: Được.

Chú giải: Được băng qua ruộng có lúa mạ, là vì tạm để tránh nạn dữ, giúp thân an ổn tu đạo. Nhưng nếu không có việc cấp bách thì không được băng qua ruộng.

Hỏi: Tỳ Kheo chưa được năm tuổi hạ mà không cầu thầy y chỉ thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu không cầu thầy để nương thì mỗi ngày ăn cơm, uống nước của tín thí đều phạm tội trộm cắp. Nếu trước đó không biết thì Tỳ Kheo được sám hối.

Chú giải: Nói năm hạ, trong bộ Bách nhất Yết Ma ghi:

Đức Phật dạy: Những Tỳ Kheo đã đủ năm hạ, thành tựu năm pháp sau đây thì được lìa thầy, du hành nhân gian: biết phạm, biết chẳng phạm, biết tội nhẹ, biết tội nặng, hiểu rõ thông bít và tụng làu thông Kinh Biệt giải thoát.

Bạch Đại Đức! Những Tỳ Kheo đã đủ năm hạ, thành tựu năm pháp thì được lìa thầy y chỉ, du hóa trong nhân gian.

Vậy nếu Tỳ Kheo chỉ đủ bốn hạ, rành rẽ năm pháp thì được lìa thầy y chỉ chăng?

Đức Phật đáp: Không được! Vì năm hạ là thời gian đã quy định!

Bạch Đại Đức! Tỳ Kheo đã đủ năm hạ, mà chưa thông thạo năm pháp thì được rời thầy y chỉ không?

Đức Phật dạy: Không được, vì thành tựu năm pháp là phép tắc đã quy định.

Bạch Đại Đức! Nếu Tỳ Kheo đã chứng ba minh, trừ sạch ba cấu, nhưng mới ba tuổi hạ, người này có phải nương thầy y chỉ không?

Phật đáp: Chẳng phải do chưa đắc hay đã đắc, hoặc đã chứng đã ngộ mà được lìa thầy y chỉ, mà chỉ do tuân theo phép tắc đã chế định, Tỳ Kheo cần phải đủ năm tuổi hạ, biết năm pháp mới được lìa thầy y chỉ. Cho dù đã thụ giới Tỳ Kheo, sống tám mươi tuổi, đủ sáu mươi tuổi hạ mà không biết năm pháp thì cũng phải y chỉ.

Hỏi: Bạch Đại Đức! Nên y chỉ vào người nào?

Phật đáp: Nên y chỉ vị thầy lớn tuổi. Nếu không có vị thầy lớn tuổi thì có thể y chỉ vị thầy trẻ.

Hỏi: Bạch Đại Đức! Muốn lễ thầy trẻ tuổi thì làm sao?

Phật đáp: Chỉ trừ lễ bái, ngoài ra những việc khác đều có thể làm. Hai vị lớn tuổi và trẻ tuổi này xuất gia trong chúng bí sô, mới thụ giới cụ túc, chưa thông thạo oai nghi phép tắc của Sa Môn, thì cần phải y chỉ vào vị trưởng lão có đức hạnh.

Hỏi: Trong luật chế định, Tỳ Kheo đủ năm tuổi hạ mới được lìa thầy y chỉ.

Nếu Tỳ Kheo chưa đủ năm tuổi hạ mà không y chỉ, thì phạm thiên giới nào?

Phật đáp: Nếu không y chỉ thầy, thì mỗi ngày ăn cơm uống nước đều phạm tội trộm cắp. Vì không y chỉ, Tỳ Kheo không biết luật và pháp, không có đức hạnh để tiêu được cơm tín thí.

Nếu trước đó không biết có pháp y chỉ, còn cho Tỳ Kheo sám hối rồi sau đó như pháp mà y chỉ. Nếu đã biết rõ pháp y chỉ mà không làm theo, thì không cho vị ấy sám hối. Nếu các ni không y chỉ Hòa Thượng, phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo mười tuổi hạ mà không tụng giới thì phạm tội gì?

Đáp: Đồng với tội không y chỉ nêu trên.

Hỏi: Nếu Tỳ Kheo giao dịch bán buôn, tự khen đồ vật của mình tốt, đưa ra giá cao.

Người kia tin mua với giá cao thì Tỳ Kheo phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội trộm cắp.

Chú giải: Tỳ Kheo vốn không có đạo lý buôn bán, nếu nói dối cầu lợi, thì gọi là miệng ăn trộm. Nếu được năm tiền thì phạm tội Ba la di. Đây là kẻ cướp không cầm cung tên, đao kiếm, là kẻ cướp nguy hiểm trong Phật Pháp, thật không thể làm.

Hỏi: Tỳ Kheo đi trên đường vắng vẻ, gặp được thức ăn mà không có người làm chứng và trao cho, thì làm sao để được dùng?

Đáp: Chỉ được một lần đưa một tay lấy thức ăn mà thôi. Nếu quá mức ấy sẽ phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo đi thuyền trên sông lớn, không thể xuống bờ, thì được phép đại tiểu tiện xuống nước không?

Đáp: Được.

Chú giải: Lên xuống thuyền e rằng sẽ mất thời gian, hoặc làm trở ngại mọi người, nên có thể tùy nghi cũng không phạm giới, nhưng mà cũng phải khéo léo. Xem rõ trong luật bộ thì có thể biết.

Hỏi: Tỳ Kheo chép Kinh trên tre, gỗ, tụng xong xóa bỏ, có phạm tội không?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Kinh đã có bản, nên phải tôn trọng học tập. Nếu viết lên tre gỗ học rồi xóa đi là khinh thường Phật Pháp, nên phạm tội này. Nếu chép Kinh Văn, thần chú ở trên thành tường vách… khiến người khác học thì được phúc vô lượng.

Hỏi: Tỳ Kheo chưa đủ năm tuổi hạ, được phép cùng đại chúng tụng giới không?

Đáp: Không được. Chỉ dạy bảo sơ lược mà thôi. Nếu tụng, vị ấy phạm tội Đọa.

Hỏi: Thụ đại giới mà đàn giới chưa hoàn mãn, lại chưa xả giới Sa Di, thì người này còn là Sa Di không?

Đáp: Không còn là Sa Di, vì qua bốn lần Yết Ma thì đã nhập vào chúng Tỳ Kheo.

Hỏi: Tỳ Kheo ngủ ban ngày phạm tội gì?

Đáp: Nếu ngủ mà mở cửa phòng thì phạm tội Đọa.

Chú giải: Ở đây ý nói ngủ ban ngày mà đóng cửa cũng được.

Vì sao?

Vì do ngồi thiền mệt mỏi, đóng cửa phòng chợp mắt một lúc để điều hòa bốn đại thì không có tội.

Ngủ mà mở cửa thì không được, vì phạm hai việc: Một, tư thế sơ suất mất oai nghi. Hai, sợ người sơ tâm bắt chước. Do có chỗ không đúng, nên ban ngày ngủ mà mở cửa thì phạm tội này.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép tựa vào tường hay nằm trên đất không?

Đáp: Trong phòng riêng thì được, giữa đại chúng thì không. Nếu làm, vị ấy sẽ phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo ở trong phòng xá, nếu không đắp ba y thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu ngồi thiền, tụng Kinh không đắp y thì phạm tội Đọa.

Chú giải: Nếu căn cứ bộ Nam Sơn tứ nghi thì ba y không được rời thân, đâu chỉ ở trong phòng!

Ngày nay các vị tu thiền mở miệng liền nói ngồi thiền tại tâm, đắp y làm gì?

Nhưng họ không biết rằng bên trong tu tập thiền quán, bên ngoài chỉnh sửa uy nghi, ngoài và trong nhất như, mới gọi là chính trí. Giả như chấp lý mà bỏ sự, gọi là ngoại đạo thiên kiến, nên phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo đi trên đường mặc Nê Hoàn Tăng được phép buộc phủ kín chân không?

Đáp: Nếu trời quá lạnh thì được.

Chú giải: Không lạnh thì không được, sợ không hợp phép tắc của nước kia. Còn Đông độ không phải như vậy, trời lạnh hay nóng đều phải buộc kín, đắp y trang nghiêm mới dễ nhìn. Phong tục đây kia không giống nhau, nên lập giới này.

Hỏi: Tỳ Kheo cất giữ bát làm bằng gỗ sơn thì phạm tội gì?

Đáp: Không được dùng bát làm bằng gỗ sơn, nếu dùng phạm tội Đọa.

Chú giải: Bát gỗ sơn là dùng dao chặt cây lấy gỗ, cũng là phá hoại, thiếu tâm từ bi, nhẫn nhục. Tỳ Kheo còn không được giẫm đạp lên cỏ xanh, huống gì chặt cây!

Loài hữu tình và vô tình đều là một thể, nên phạm tội này. Trong tùng lâm thời nay, dường như hoàn toàn không thể tránh việc này, nên Tỳ Kheo phải sám hối để giảm bớt tội là được. Nếu không làm như vậy, thì trái với lời Phật dạy, hoàn toàn không thể.

Hỏi: Tỳ Kheo dùng tay sạch làm thức ăn, hoặc hòa trộn thức ăn thức uống khiến tay bị dính thức ăn, thì được phép để nguyên như vậy thụ thực không?

Đáp: Được.

Chú giải: Trong luật dạy: Tay dơ không được bốc thức ăn. Cần phải học. Tay này vốn sạch, nhưng do làm thức ăn nên bị dính dơ, chứ không phải là không sạch, nên nói là được. Ngoài ra đều không được.

Hỏi: Tỳ Kheo đến thượng phòng, là nơi không nên ngồi mà tự ý ngồi thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Thượng phòng tức là phòng của bậc thượng tọa tôn túc, hoặc trong phòng ấy có tượng Bậc Thánh. Hoặc có chỗ nói là phòng ở trên lầu, nếu có tượng Phật ở bên dưới, thì đây là chỗ không được tùy tiện ngồi, nếu ngồi phạm tội Đọa.

Thượng tọa đủ mười đức, nên gọi là đức trọng. Người mới cầu học, nên phải khiêm nhường và kính cẩn, nếu không bảo ngồi mà tự ý ngồi, tức phạm tội.

Mười đức: Có trụ xứ, không sợ, không phiền não, có hiểu biết, biện tài… trong Luật Thập Tụng có dạy rõ.

Hỏi: Tỳ Kheo nhiễu Tháp, nếu có Tỳ Kheo Ni và Ưu Bà Di theo sau có phạm tội không?

Đáp: Nếu có thêm Ưu Bà Tắc thì không phạm.

Chú giải: Có những Ưu Bà Tắc theo sau, lại có chúng khác thì không phạm. Nếu không như vậy thì bị người đời chê trách, nên phải cẩn thận.

Hỏi: Rau sống đã rửa sạch, nhưng còn gốc rễ, Tỳ Kheo được phép dùng không?

Đáp: Được.

Chú giải: Nếu là rau sống, củ cải… thì đều có thể ăn cả gốc rễ. Như rau cải, cần phải bỏ rễ, nhưng nếu rửa thật sạch thì không cần bỏ rễ cũng có thể ăn, nên mới nói là được. Hoặc lúc đi trên đường không tiện làm cũng có thể dùng.

Hỏi: Đệ tử đi xa gởi vật dụng lại cho thầy, hoặc thầy gởi cho đệ tử mà quá thời hạn không trở về, hoặc trải qua nhiều năm mà không nhận lại, thì người được gởi có thể lấy dùng không?

Đáp: Nếu lúc đi mà không nói gì thì không được dùng. Vì nếu người kia còn sống thì đó là đồ vật có chủ, còn chết là đồ vật của Tăng, nên đều không được tự ý lấy dùng.

Hỏi: Tỳ Kheo dạy cư sĩ không cúng tế tất cả người chết là đúng lý không?

Đáp: Không đúng!

Dù cha mẹ không thụ thực, nhưng vì cung kính cúng dường thì cư sĩ cũng được phúc.

Hỏi: Trong chúng, Tỳ Kheo được phép cùng ngồi chung bàn với thầy thụ trai không?

Đáp: Nếu cùng bàn tròn, thì không được ngồi kế nhau. Nếu ngồi hai dãy thì không được đối diện nhau.

Hỏi: Tỳ Kheo không vén y lên mà lễ Phật thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm Chúng đa. Giới chúng học Đột Kiết La.

Chú giải: Tỳ Kheo lễ Phật phải dùng tay phải vén y, để gối bên phải không đè y. Nếu không đúng như vậy thì tuy nói là lễ Phật nhưng vì khinh y, nên mất lòng cung kính, cho nên cũng phạm tội. Chúng đa là phạm giới Chúng học, tội Đột Kiết La. Nên biết.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép tự tay pha chế thuốc không?

Đáp: Các thứ cỏ thuốc thanh tịnh thì được.

Chú giải: Thuốc chỉ dùng loại cỏ thuốc thanh tịnh, không được dùng các loài vật như rắn rết và bò cạp để làm thương tổn chúng, vì đó thuộc về ác luật nghi. Nếu tuân theo các vị thuốc như huỳnh liên, quan quế… trong Thần Nông bản thảo, thì không phương thuốc nào mà không hiệu nghiệm, công đức đó vô hạn, nên nói loại cỏ thanh tịnh thì được.

Tỳ Kheo hành y khám bệnh phải xem xét tỉ mỉ, nếu như bừa bãi, trái lại chuốc lấy tội lỗi, nên phải cẩn thận.

Hỏi: Tỳ Kheo có ý bỏ đạo, mặc y phục của thế tục một thời gian, lễ lạy hàng tôn thân thế gian. Sau đó vị ấy đến Chúng Tăng xin khôi phục lại địa vị Tỳ Kheo như cũ.

Có nên cho phép không?

Đáp: Nếu người đó chưa xả giới thì cho phép.

Chú giải: Nếu như người đó xả giới rồi thì không được. Người đó dù có xả hay không xả, Tăng đều nhất định phải tra hỏi kĩ càng. Hoặc hỏi những người thân tín hay những ai gần gũi người đó.

Xem người đó tuyệt đối không phá giới căn bản của Tỳ Kheo thì mới cho khôi phục lại địa vị. Nếu không làm như vậy, Tăng cũng không cho phép. Nếu kẻ ấy chỉ phạm giới tội khinh, Tăng nên bảo họ hổ thẹn sám hối, sửa lỗi cũng được.

Hỏi: Tỳ Kheo biết cha mẹ, anh em bị lưu tán, phải bán thân cho người.

Nếu vị ấy không chuộc lại thì có tội không?

Đáp: Nếu vì hành đạo mà không chuộc lại thì cũng không có tội.

Chú giải: Nếu tu đạo xuất thế, thì có thể đoạn trừ nỗi khổ luân hồi sinh tử cho cha mẹ. Nên cha mẹ dù gặp nạn lớn, có nỗi khổ lưu tán, nhưng vẫn còn có thể trì hoãn, do đó không chuộc lại cũng không có lỗi.

Nếu không được như vậy, thì thân do cha mẹ sinh ra cho đến anh em thân thiết, đâu được ngồi nhìn mà không làm, cam chịu giống như loài vật vô tình ư?

Tuy vậy cũng phải tùy theo năng lực của mình.

Hỏi: Nếu có cư sĩ thưa với Tăng, tôn xưng Chư Tăng là thánh chúng, thì Tăng được phép đồng ý không?

Đáp: Không được đồng ý.

Chú giải: Vì sao?

Thánh tức chẳng phải phàm. Người chứng được tứ quả, tứ hướng mới gọi là thánh. Như người đời lạm xưng chứng được thánh vị, tức chưa được mà nói được, phạm tội đại vọng ngữ, mắc tội chẳng phải nhỏ. Người kia đã tôn xưng, ta nên khởi tâm sợ hãi, khiêm cung mà từ chối thì không có lỗi.

Hỏi: Nếu có cư sĩ đem phẩm vật cúng dường Chư Tăng mà nói là cúng dường cho thánh chúng, nên thụ nhận không?

Đáp: Nếu họ không nói là thánh chúng, hễ chia thì được nhận, vì chúng gồm có cả phàm Tăng.

Hỏi: Tỳ Kheo đi trên đường gặp mương nước, liền sai người cõng qua thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu Tỳ Kheo ấy không phải là người già, bệnh thì phạm tội Đọa.

Chú giải: Do ở trước không cho nhảy qua mương nước. Đến đây nói không cho sai người cõng qua. Hai việc này đều là do Tỳ Kheo trẻ tuổi kiêu căng, khinh mạn không chịu được chút khổ nhọc, mất oai nghi, nên Phật mới chế giới này.

Gặp trường hợp này thì phải đi chân trần, vén y từ từ bước qua là được. Những Tỳ Kheo già bệnh không đủ sức để bước qua thì nhờ người cõng cũng không phạm.

Hỏi: Đối với người công quả cho Tăng, Tỳ Kheo được phép nhờ họ làm chuyện lặt vặt được không?

Đáp: Các việc lặt vặt thì được, còn việc lớn thì không.

Hỏi: Tỳ Kheo để móng tay dài phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Móng tay là nơi rất dơ, trong luật chế chỉ có thể để móng tay dài bằng hạt lúa, còn dài hơn thì cắt bỏ.

Để móng tay có hai lỗi:

Một là giống với người thế tục, mong mọi người thích nhìn, sinh lòng yêu mến mà chướng đạo.

Hai là vì chăm sóc móng tay của mình, thích lười biếng an nhàn, không siêng năng làm việc chúng.

Lại nữa, việc ấy làm xấu tướng Tỳ Kheo mà Đức Phật quở trách, nên để móng tay thì Tỳ Kheo phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo thượng tọa chưa tắm, Tỳ Kheo hạ tọa tắm trước có phạm tội không?

Đáp: Phạm tội Đọa.

Chú giải: Đã phân theo tứ tự tôn ti, thì nhất nhất phải có trước sau. Nếu không như vậy thì Tỳ Kheo đánh mất sự cung kính và chẳng khác gì các Bà La Môn tụ tập nói chuyện ồn ào, nên phạm tội Đọa.

Hỏi: Trong bát hoặc trong hòm rương… của Tỳ Kheo bỗng nhiên có vật lạ, hoặc đồ vật đã hư cũ mà không biết của ai, Tỳ Kheo được phép lấy dùng không?

Có thể vứt bỏ không?

Đáp: Giao cho Chư Tăng xử lí, không được tự ý dùng.

Chú giải: Vật không có chủ nhận cũng đồng với vật của Tăng. Nếu Tỳ Kheo sử dụng vật ấy ắt phạm tội, hoặc sợ sau đó có người nhận, Tỳ Kheo sử dụng riêng thì không thể biện bạch, nên nói không được.

Hỏi: Một trụ xứ nhiều vị Tăng đến đi, có người quên đồ vật, hoặc y mới, hoặc y cũ mà người ấy vĩnh viễn không trở lại lấy dùng, Tỳ Kheo có thể lấy dùng không?

Đáp: Phải giao cho Chúng Tăng. Chúng Tăng cất giữ một tháng hoặc một năm, sau đó mới được lấy dùng. Nếu sau này người chủ đến thì dùng vật của Tăng để trả lại. Nếu đó là vật quý giá, sau này Chúng Tăng không thể bồi thường được thì chớ dùng.

Hỏi: Tỳ Kheo có một vị cư sĩ quen thân đến Chùa thăm hỏi.

Tỳ Kheo này có được phép thưa với thượng tọa duy na đem phần cơm của Tăng cho người đó dùng không?

Đáp: Nếu trước đó Tăng có chế lệnh cho phép người thế tục dùng thì được, còn không chế thì không được.

Hỏi: Tỳ Kheo bỏ đạo về đời, sau đó lại xuất gia.

Vị thầy trước vẫn là thầy người đó chăng?

Đáp: Không phải.

Chú giải: Vì giới pháp trước đã xả rồi, người truyền giới sau mới là thầy. Tuy vậy Tỳ Kheo không thể thiếu lễ kính đối với vị thầy trước, do ân đức vị thầy trước dẫn đường và chỉ bảo vẫn còn.

Hỏi: Các vị Tăng đăng đàn truyền giới cụ túc có được gọi là thầy không?

Đáp: Không có lý đó. Vì Tỳ Kheo không từ những vị này thụ pháp, nên họ hoàn toàn không được gọi là thầy.

Hỏi: Tất cả các sư Tăng trong đàn truyền giới đều được gọi là Hòa Thượng và tự xưng là đệ tử không?

Đáp: Không được. Nhưng nên kính trọng các vị ấy như bậc tôn quý thế tục.

***  

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần