Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Pháp Kiết Giới

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ

PHÁP KIẾT GIỚI  

Hỏi: Pháp kiết giới như thế nào?

Đáp: Về cách thức kiết giới, nếu ở trong núi sâu, đầm vắng không có người thì tùy ý kiết giới xa hay gần đều được. Nếu ở trong thành ấp, xóm làng thì không được kiết giới xa, cũng không được kiết giới ban đêm.

Trước khi tác pháp kiết giới trường, nên tập họp Chư Tăng, cư sĩ và những người phục vụ trên giới trường, ước định ranh giới ở bốn hướng. Đến lúc tác pháp kiết giới thì nên cho Sa Di và cư sĩ ra khỏi phạm vi giới trường, lại phải có Tỳ Kheo đứng bốn góc, không được cho người ngoài vào. Nếu có người ngoài vào thì kiết giới không thành.

Lúc kiết giới phải trừ bốn nơi:

1. Xóm làng.

2. Bên ngoài xóm làng, những khu vực mà người thế tục thường đến làm việc như ruộng vườn…

3. Nếu a lan nhã nằm riêng trong núi rừng, khe suối, sợ lúc Yết Ma thuyết giới gặp nhiều sự nạn, Tăng không thể đến được, thì nên bạch đại chúng xin kiết tiểu giới riêng. Nếu đại chúng chấp nhận thì được. Nếu chỗ kia không đủ năm người, thì nên mời Chư Tăng đến cho đủ mà kiết tiểu giới riêng. Đây chính là kiết giới trụ xứ a luyện nhã.

4. Kiết giới trường thụ giới, thì bỏ hết tất cả những lằn ranh đã kiết giới trước kia rồi mới kiết giới trường, xóa những chỗ kiết giới này mới được. Nếu kiết đại giới trước, sau mới kiết giới trường, rồi ở trong đó thụ giới thì giống như công sở nằm trong châu, quận, thành, ấp.

Ở trong đó mà thụ giới thì sẽ không đắc giới vậy. Bởi sợ có người không xác định được tướng của giới trường, lại cho rằng không biết, cũng giống như chưa chế định.

Nếu có người nhờ đây mà biết giới trường để vào, thì cũng chỉ mà may mắn mà thôi. Nếu có Tỳ Kheo bị bệnh không thể đến trong Tăng được, xin kiết giới riêng trong một phòng, Chư Tăng cũng nên cho phép, nhưng trước tiên phải giải đại giới, sau đó mới kiết riêng tiểu giới, khi kiết tiểu giới xong, sau đó kiết lại đại giới.

Ban đêm, tất cả Tỳ Kheo, nếu không mang y thì không được vào. Trụ xứ có kiết đại giới, một Tỳ Kheo cũng có thể đánh kiền chùy thuyết giới, nhưng trước tiên phải sám hối Tăng bốn phương rồi mới thuyết và cũng được ba lần thuyết giới.

Hỏi: Kiết giới trường thụ giới, nếu đất chật thì có được phép kiết thông với đất của Phật trong đại giới không?

Đáp: Không được ở trong đó thụ giới. Nếu trước đó Sa Di không biết phép tắc mà đã thụ giới thì đắc giới. Nếu tam sư và thất chứng biết mà cố ý làm trái thì phạm tội.

Hỏi: Đi trên thuyền có được kiết giới không?

Đáp: Được! Nếu có Sa Di, cư sĩ trong đó thì nên cho lên bờ, rồi mới kiết giới. Nếu không đưa họ lên thì ngăn ra một phần rồi kiết giới. Sau khi kiết giới xong, vào ban đêm, một Tỳ Kheo khác, nếu không mang y thì không được vào trong đó.

Hỏi: Đại Tăng đi hết, chỉ có Sa Di ở trong đại giới, được không?

Đáp: Chỉ cần có một thiện nam, tín nữ thì giới tướng không bị mất, huống gì có Sa Di. Nếu tất cả mọi người vắng một đêm thì giới tướng bị mất. Nếu Chư Tăng đi hết mà không trở về thì cũng không cần giải giới tướng.

Hỏi: Giặc cướp vào trong phạm vi kiết giới giết Tỳ Kheo, thì giới tướng bị mất không?

Đáp: Không mất!

Chú giải: Giặc cướp giết Tỳ Kheo cũng không liên quan đến giới tướng, huống gì trong giới vẫn có Tỳ Kheo ở, cho nên không mất.

Hỏi: Một, hai, ba hay bốn người đi trên đường hoặc ở nhà cư sĩ được phép kiết giới không?

Đáp: Không được! Năm người trở lên mới được kiết giới.

Hỏi: Khi kiết giới, được phép kiết thông với sông, suối, ao hồ không?

Đáp: Tất cả dòng nước, nếu không chảy thì được, có phân dòng tuôn chảy thì không được. Vì không biết ranh giới ở đâu.

Hỏi: Sau khi kiết giới mà không đánh kiền chùy thì đại giới mất không?

Đáp: Không mất!

Chú giải: pháp tu hành không phụ thuộc vào việc đánh kiền chùy. Đánh kiền chùy chẳng qua là để nhóm họp chúng thanh tịnh, cho đến làm lợi ích chúng sinh trong đường khổ. Cho nên đánh kiền chùy hay không đánh cũng không ảnh hướng đến việc kiết giới.

Hỏi: Kiết giới được phép kiết thông với đường lớn không?

Đáp: Được! Nhưng lúc kiết giới nên sai người chặn hai đầu không cho người đi vào, sau đó mới được kiết giới.

Hỏi: Đất không có chủ được kiết giới không?

Đáp: Được! Giống như phép tắc ở Cõi Uất Đơn Việt vậy.

Chú giải: Người Cõi Bắc Câu Lô Châu không có ngã chấp, nên tất cả vật đều không có chủ, đã không có chủ thì nơi nào nên kiết giới thì liền kiết.

Hỏi: Kiết giới trước, sau đó có nước dâng, hoặc đào hầm dài mười lăm bước, hoặc ở trong đó hành dục, thì giới tướng này mất không?

Đáp: Đều không mất. Giả sử có đào một hố sâu, rộng một do tuần, giới vẫn không mất, huống gì hố nhỏ.

Hỏi: Tỳ Kheo được vào trong đại giới của ni ở lại qua đêm không?

Đáp: Được, nhưng không được vào phòng ni, cũng được không rời y.

Hỏi: Tăng kiết giới xong, sau đó có vị Tăng đến cùng ở, nhưng không mang y thì mất y không?

Đáp: Không mất! Vì lúc kiết giới đã kiết thông cả Tăng ba đời.

Hỏi: Tăng không nhóm họp hết, được kiết giới không?

Đáp: Nếu có việc phải vắng, có dặn dò truyền lại thì được, còn không có việc mà vắng thì không được.

Hỏi: Một lần kiết giới được trải qua thời gian bao lâu?

Đáp: Không giới hạn thời gian. Nếu thí chủ dâng cúng thêm đất thì kiết lại.

Hỏi: Chư Tăng đã kiết giới, không giải giới mà bỏ đi, Tăng đến sau có được kiết giới lại nơi đó không?

Đáp: Được!

Chú giải: Tuy Tăng không giải giới, nhưng qua một đêm thì mất đại giới, vì không có người giữ pháp, nên Tăng đến sau được kiết giới lại nơi đó.

Hỏi: Lúc kiết giới trường, cần phải nhóm họp tất cả Chư Tăng hay tùy ý bao nhiêu vị cũng được?

Đáp: Năm người trở lên thì được. Nếu không có đại giới, chúng Tăng không vân tập cũng không phạm.

Hỏi: Khi kiết giới trường, Tăng cần phải ở trong giới trường hay cũng được phép ở xa kiết?

Đáp: Cần phải vào trong giới trường mới được kiết giới.

Chú giải: Không đến là không được.

Vì sao?

Vì thân tâm không cung kính, trái với lời Phật chế, không thể thành tựu.

Hỏi: Hai đại giới của hai chúng hoặc hai bộ chúng Tăng ni, hoặc hai chúng của hai trụ xứ có được kiết trùng nhau không?

Đáp: Không được kiết trùng nhau, chỉ được kiết thông nhau mà thôi.

Chú giải: Kia đây trùng nhau, lẫn lộn khó phân, lại tranh cãi lẫn nhau, cho nên không được. Chỉ được kết giới thông với nhau, tuy nói hai chúng, nhưng sự thì đồng một thể.

Hỏi: Trong một đại giới được đánh hai kiền chùy không?

Đáp: Được, nhưng không được phép ở hai nơi thuyết giới và Yết Ma các việc của Tăng. Chỉ được đốt hương, ăn uống mà thôi.

Hỏi: Đại Tăng được phép kiết đại giới thông với đại giới của ni không?

Đáp: Được!

Chú giải: Khi kiết thông, thì tất cả Tăng Ni cần phải nhóm họp lại để kiết giới. Đây gọi là Tứ phương đại giới, cho nên kiết giới thông nhau cũng không phạm lỗi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần