Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Thụ Ba Tự Qui

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ

THỤ BA TỰ QUY  

Hỏi: Người nào được phép thụ và không được thụ ba tự quy?

Đáp: Trừ người phạm tội ngũ nghịch, còn tất cả đều được thụ.

Hỏi: Thụ ba tự quy thì nên làm những việc gì?

Đáp: Thân, miệng, ý không làm việc sai quấy và không theo học nhưng vị thầy có kiến chấp sai lầm.

Chú giải: Thân không giết hại, trộm cướp, dâm dục, miệng không nói dối, nói lời hoa mĩ, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thô ác, ý không tham lam, sân hận, si mê. Ba nghiệp thanh tịnh như vậy tức là chính kiến, nên nói không làm việc sai quấy, cũng không theo những vị thầy có ba nghiệp bất tịnh, bất chính. Người nào sau khi thụ tam quy y sẽ tu theo các hạnh này.

Vì sao?

Vì quy y Tam Bảo tức là được thể của năm giới vậy.

Hỏi: Như thế nào là phạm ba tự quy?

Đáp: Thích tà kiến và theo các sư ngoại đạo.

Chú giải: Ở trên đã nói mười nghiệp ác: Thân có ba, miệng có bốn và ý có ba. Lại có thân kiến, biên kiến cho đến sáu mươi hai kiến. Các thứ chấp sai lầm không tương ưng với Phật Pháp đều gọi là ngoại đạo tà kiến.

Nếu ai thích làm, hoặc hùa theo tức là phạm ba tự quy, đọa lạc chỉ ở ngay đây. Nếu kẻ ấy có thể bỏ tà về chính mới được gọi là không phạm. Nên cẩn thận việc này.

Hỏi: Nếu phạm ba tự quy thì sám hối như thế nào?

Đáp: Đến Bổn Sư mà sám hối. Nếu không có Bổn Sư thì đến một vị Tỳ Kheo khác cũng được.

Hỏi: Nếu không thể giữ, thì được phép xả không?

Đáp: Được.

Hỏi: Nếu xả thì xả như thế nào?

Đáp: Đến Bổn Sư hoặc một vị Tỳ Kheo thưa: Con từ hôm nay trở về sau không thể nương tựa Phật, pháp và Tỳ Kheo Tăng. Nói ba lần như thế thì xả ba tự quy. Nếu nói không đủ ba lần thì ba tự quy vẫn còn.

Hỏi: Người thụ ba tự quy là đã sám hối tội thập ác, ngũ nghịch quá khứ.

Điều này hợp lí không?

Đáp: Không hợp lý!

Chú giải: Vì sao?

Đoạn văn trên nói kẻ phạm tội ngũ nghịch còn không được thụ ba tự quy. Vậy nay người thụ ba tự quy thì đâu có thể sám hối được tội ngũ nghịch kiếp trước!

Dù cho đã tạo từ trăm nghìn kiếp trước thì nay nghiệp ấy cũng chưa mất, cho nên nói là không hợp lý.

Có thuyết nói: Người quy y Tam Bảo tin chắc là nhờ oai lực đó mà tất cả các nghiệp đều tiêu, giống như mặt trời mọc thì tuyết tiêu tan, không cần đợi sám hối. Như người phạm tội với quan, sau đó đến chỗ Vua, nhờ oai lực của Vua nên dẫu có tội nặng, cũng được miễn.

Thật không có lí này, làm sao mà tiêu hết được?

Nhưng trong Kinh này nói chính vì người mới thụ ba tự quy, chỉ nương vào mười phương Tam Bảo mà được thụ năm giới, vì còn thuộc về các sự tướng nhỏ nên mới như vậy. Nếu thể hội được nhất thể Tam Bảo, hiểu sâu thật tướng, liễu ngộ tội tính vốn không, sám hối mà không thấy chỗ sám hối, thì người ấy không có điều ác nào không trừ, không có tội nào mà không diệt.

Vì thế nói các tội như sương mai, mặt trời trí tuệ có thể tiêu trừ. Nếu người muốn sám hối, thì ngồi ngay thẳng, quán thật tướng các pháp, thì có thời gian nào mà nói việc này. Nếu không được như vậy, thì cũng là chưa được mà nói là được, vẫn là không được. Cần phải suy nghĩ việc này.

Hỏi: Thụ ba tự quy, chỉ được thụ từ một vị thầy, nhưng có thể từ ba vị, mỗi một vị thụ một tự quy không?

Đáp: Không được!

Chú giải: Vì thể Tam Bảo chỉ có một. Nghĩa là về danh xưng thì gọi là Tam Bảo, nhưng thể vốn nhất như. Dù là mười phương Tam Bảo, thì thể vẫn đồng nhất. Do đó chỉ có thể từ một thầy thụ mới được. Nếu từ ba thầy thì tợ như thành hư nát, nên nói không được, không giống với ngũ giới, mỗi giới thụ từ một thầy cũng được.

Hỏi: Thụ pháp ba tự quy cần phải giữ suốt đời, nhưng do không thể giữ lâu, nên cho phép giữ một năm, nửa năm, mười ngày hay năm ngày rồi xả được không?

Đáp: Tùy ý giữ lâu hay mau cũng được.

Chú giải: Ba tự quy cũng nên suốt đời thụ cho đến vị lai… như trên đã nói, mới là đúng lý. Nhưng ở đây nói tùy ý, cũng là đức Như Lai từ bi thương xót chúng sinh, chắc chắn muốn cho họ giữ gìn lâu dài, nhưng sợ căn cơ của chúng cạn hẹp, sợ phiền phức, không chịu thụ. Do đó, Phật dùng phương tiện tùy theo căn cơ, khiến họ dần dần thể nhập cảnh giới tốt đẹp mà gieo nhân nên mới nói như vậy. Người trí cũng chớ do việc này mà tự lười biếng.

Hỏi: Nếu theo thầy thụ ba tự quy một năm hoặc nửa năm, sau khi hết thời gian đó, vị ấy vẫn là thầy chăng?

Đáp: Một khi theo thầy thụ pháp thì suốt đời làm thầy.

Hỏi: Ba tự quy, được phép chỉ thụ một hoặc hai tự quy được không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Tam Bảo chỉ một thể, theo lí không thể phân chia, thụ thì đồng thụ, xả thì đồng xả. Nếu thụ một hoặc hai tự quy, cũng đồng với việc phân chia pháp thân, nên không được. Không giống như ngũ giới, tùy ý thụ một hoặc hai.

Hỏi: Muốn thụ ba tự quy, nhưng hiện tại không có thầy truyền thụ.

Vậy người ấy có được phép đối trước Phật, căn cứ theo văn giới mà thụ không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Nếu muốn thọ giới Bồ Tát, trong khoảng một nghìn dặm mà không thể tìm thầy truyền giới, được phép đứng trước Tượng Phật tự phát thệ mà thụ giới. Nhưng ba tự quy, năm giới, cho đến giới Tỳ Kheo đều không được.

Vì sao?

Nếu từ mé Phật Oai Âm Vương trở về trước mà không có thầy truyền giới thì được, nhưng từ mé Phật Oai Âm Vương trở về sau, nếu không có thầy truyền trao mà tự thụ là ngoại đạo.

Hỏi: Trước đó đã thụ tam tự quy, phạm tội mà không sám hối, được thụ lại không?

Đáp: Không được! Cần phải sám hối. Nếu muốn thụ lại thì phải xả giới đã thụ, còn không xả mà thụ lại thì không được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần