Phật Thuyết Kinh Mục Liên Vấn Giới Luật Trung Ngũ Bách Khinh Trọng Sự - Phẩm Năm - Phẩm hỏi Về An Cư Hạ Lạp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

MỤC LIÊN VẤN GIỚI LUẬT TRUNG

NGŨ BÁCH KHINH TRỌNG SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống

PHẨM NĂM

PHẨM HỎI VỀ AN CƯ HẠ LẠP  

Hỏi: Vào mùa hạ, ngày nào được kết an cư?

Đáp: Từ ngày mười sáu tháng tư đến hết ngày mười lăm tháng năm ngày nào cũng có thể kết hạ, đây gọi là ngày đầu an cư. Nếu có nạn không thể kết hạ hoặc năm, bốn, ba ngày cho đến hết một tháng, không mất tiền an cư đây gọi là ba mươi ngày kết hạ một ngày thọ tuổi hạ.

Còn người hậu an cư, chỉ có một ngày được kết hạ an cư, qua ngày mười lăm tháng bảy, có nạn thì ngày nào cũng có thể thọ tuổi hạ cho đến hết ngày mười lăm tháng tám, đây gọi là một ngày kết hạ an cư, ba mươi ngày thọ tuổi hạ.

Hỏi: Kết hạ an cư thọ phép bảy ngày, phải thọ từ ngày đầu an cư, hay đến lúc đi mới thọ?

Đáp: Nếu thọ từ ngày đầu an cư thì tốt, đến khi sắp đi thọ cũng được. Luận về thọ phép bảy ngày, nếu đi không đủ bảy ngày mà trở về sau đó lại thì không được thọ, phải tính đủ bảy ngày, mới thọ lại, nếu quên mất thì có thể thọ lại.

Hỏi: Trong hạ an cư, không nhận mười hai vật như giường, tòa, phòng nhà… được an cư không?

Đáp: Không cần phải nhận.

Hỏi: Trong lúc hạ an cư hoặc việc Tam Bảo, hoặc bệnh tật, hoặc nhiều việc khó khăn, được dời chỗ an cư không?

Đáp: Được, ngày đầu an cư phải bạch với chúng, trong chúng thọ pháp ba mươi chín ngày, thọ pháp ba mươi chín ngày rồi có một việc nên ra khỏi cương giới ba mươi chín ngày, đủ ba mươi chín ngày trở lại thì tốt.

Nếu không trở lại được, cũng có thể ở chỗ ấy thọ tuổi hạ không phạm, nếu ngày đầu an cư không thọ đến lúc sắp đi thọ cũng được, nếu an cư đã đủ ba mươi chín ngày, có việc cần ra khỏi cương giới thì không cần thọ lại, nếu có việc không trở lại được cũng có thể ở chỗ đó thọ tuổi hạ.

Hỏi: Kết hạ an cư nhưng không an cư có được tuổi hạ không?

Đáp: Nếu trước đây không biết phép an cư thì được thọ tuổi hạ, nếu biết mà làm trái thì không được.

Hỏi: Không kết hạ không an cư được thọ tuổi hạ không?

Đáp: Nếu trước đây không biết có phép kết hạ, không biết có phép an cư thì được thọ hạ lạp, nếu biết nên hướng về Chúng Tăng sám hối, nếu trước đây biết pháp nhưng cố ý làm trái thì không được.

Hỏi: Không kết hạ mà có an cư thì được tuổi hạ không?

Đáp: Giống như việc trên.

Hỏi: Trong hạ an cư được vào sông, ao tắm rửa không?

Đáp: Thuộc trong cương giới thì được, hoặc thọ pháp bảy ngày, nên đi qua sông thì được.

Hỏi: Trong lúc hạ an cư phạm tội Quyết đoán nhưng không sám hối, được thọ tuổi hạ không?

Đáp: Tuy có tội nhưng được thọ tuổi hạ, vì sao?

Vì là Tỳ Kheo.

Hỏi: Thọ tuổi hạ nhưng không hòa hợp được tuổi hạ không?

Đáp: Trước hết phải sám hối, sau đó mới thọ tuổi hạ, nếu người ấy không sám hối, thì phải tẩn xuất chúng mới được thọ tuổi hạ, nếu người ấy không chịu ra khỏi chúng phải can gián ba lần, can gián hơn ba lần mà vẫn không chấp nhận phạm tội Quyết đoán, can gián hơn bốn lần thì phạm tội nặng.

Hoặc dùng sức mạnh đuổi đi, hoặc bức ép đuổi ra khỏi cương giới thì tốt, nếu người kia không chịu đi ra, phải đóng chặt cửa cho ở trong một phòng, sau đó chúng thọ tuổi hạ, vì người đó không phải là Tỳ Kheo. Nếu như có nhiều người xấu, chúng không tẩn xuất thì phải tách ra khỏi cương giới, nếu cùng thọ tuổi hạ thì không được tuổi hạ.

Hỏi: Ở trong hạ an cư được cầm quạt, phất trần không?

Đáp: Tất cả loại quạt có đuôi thì không được cầm, còn quạt đan bằng tre thì được.

Hỏi: Ở trong hạ an cư được trốn thầy làm phước không?

Đáp: Được, nhưng không được tự tay làm việc.

Hỏi: Người hậu an cư, đến ngày mười lăm tháng bảy được thọ tuổi hạ rồi đi không?

Đáp: Không được, nếu trước đây không biết mà thọ tuổi hạ thì được, nếu biết phép mà cố ý làm trái thì không được. Nếu chúng đã hòa hợp, Tăng đã nhận thẻ rồi. Nếu khi người hậu an cư thọ tuổi hạ, thì người tiền an cư cũng vậy.

Hỏi: Hai người đồng hạ lạp, người nhỏ tiền an cư, người lớn hậu an cư, người tiền an cư đã thọ tuổi hạ, người hậu an cư chưa thọ, ở trong một tháng người nào lớn?

Đáp: Trước, người đó đã lớn hơn nên làm lớn, vì tính theo ngày cũ.

Hỏi: Ở trong hạ không thọ phép bảy ngày, có một vài việc nhỏ nên ra khỏi cương giới, có được an cư tiếp không?

Đáp: Sám hối thì được.

Hỏi: Ở trong hạ có một nhân duyên được thọ bảy ngày ba lần không?

Đáp: Được.

Hỏi: Ở trong hạ có người không an cư, hoặc mười, hoặc năm người muốn đến ở nhờ để cùng thọ tuổi hạ, vậy được cho họ ở chung và cùng thọ tuổi hạ không?

Đáp: Nếu kịp lúc hậu an cư thì phải kết cương giới, nếu không kịp hậu an cư thì không được, nếu người này hoàn toàn không biết có phép an cư thì được thu nhận, nếu biết mà cố ý làm trái thì không được.

Hỏi: Không biết hạ an cư hoặc không thọ pháp bảy ngày, đã thọ hạ lạp vậy được hạ lạp không?

Đáp: Không biết pháp, đã thọ trì được hạ lạp, không được hạ an cư, nếu đã hạ an cư, Tăng can gián một lần trở lại nhận thì tốt, can gián hơn ba lần không nhận, thì phạm tội Quyết đoán phải sám hối nhận lại thì được, khi nhận phải bạch chúng mới có thể được nhận.

Hỏi: Tỳ Kheo không thọ tuổi hạ phạm vào điều gì?

Đáp: Nếu một Tỳ Kheo không thọ tuổi hạ, chúng nên can gián khiến cho thọ, can gián lần thứ nhất cho đến lần thứ ba mà thọ thì tốt, nếu can gián hơn ba lần vẫn không thọ thì phạm Quyết đoán, can gián hơn bốn lần vẫn không thọ thì chẳng phải Sa Môn, vì không chịu thọ phép ấy.

Hỏi: Người mới thọ giới hạ an cư, cùng trong ngày, nhưng kết hạ an cư, sau đó được tuổi hạ không?

Đáp: Được, nếu sau một đêm thì không được.

Hỏi: Ở trong hạ an cư quên không thọ phép bảy ngày, ra khỏi cương giới một ngày được an cư không?

Đáp: Nhớ mà sám hối thì được, trong một ngày an cư, không được sám hối ba lần, sám hối quá ba lần thì không được tuổi hạ.

Hỏi: Khi thọ tuổi hạ, nếu Trời mưa được ở trong nhà thọ tuổi hạ không?

Đáp: Được.

Hỏi: Đi đến nơi nào đó để kết hạ an cư, vì có chướng ngại nên không thể đến được, được đổi chỗ an cư kiết hạ không?

Đáp: Không được. Giả sử đến chỗ khác, để hậu an cư, nếu trên đường đi, có trú xứ của tăng, phải đến để an cư, phải ở lại hai, ba ngày, sau đó thọ pháp ba mươi chín ngày thì được đi.

Nếu không có trú xứ của Tăng, năm người trở lên cùng kết giới an cư, sau đó một hoặc hai người ở lại để giữ cương giới, đủ ba mươi chín ngày mới được đi, nếu người đi sau không đủ ba mươi chín ngày mà bỏ đi, người đi trước không biết nên không mất an cư, người đi sau thì bị mất.

Hỏi: Một người cho đến bốn người được ở trong nhà cư sĩ kết hạ an cư không?

Đáp: Không được, năm người trở lên mới được kết hạ.

Hỏi: Một người ở chỗ thanh vắng được kết hạ an cư không?

Đáp: Trước đây có kết cương giới, hai người trở lên thì được, một người không thể được, vì không có người cùng thọ an cư, không có cương giới nên hoàn toàn không được, nếu muốn an cư riêng, phải thỉnh tăng kết cương giới, sau đó an cư thì được.

Hỏi: Tỳ Kheo trong khi hạ an cư nhận lời người khác thỉnh và nhận vật dụng của người khác gởi, hoặc trải qua mười ngày cho đến ba tháng, được như vậy không?

Đáp: Không tác ý tham mà nhận thì không phạm giới.

Hỏi: Ở trong hạ an cư trong cương giới có làm công việc, được an cư không?

Đáp: Việc phước thì được làm, ngoài ra không được.

Hỏi: Văn thọ hạ an cư nói: Phòng nhà bị hư hoại phải tu sửa lại.

Vậy làm lúc mới an cư hay an cư xong?

Đáp: Trong ba tháng, nếu nhà bị hư hoại thì nên sửa chữa.

Hỏi: Khi thọ tuổi hạ, Ni chúng đến trong cương giới cầu xin thọ tuổi hạ, nên cho thọ tuổi hạ không?

Đáp: Hai vị Ni trở lên thì được, một người thì không được.

Vì sao?

Vì Ni một mình đi ra khỏi cương giới phạm tội nặng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần