Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Mười Hai - Phẩm Vui Khổ Thiện Và Bất Thiện
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH NA TIÊN TỲ KHEO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM VUI KHỔ THIỆN VÀ BẤT THIỆN
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, khi người ta cảm thấy vui thì cái ấy thiện hay bất thiện?
Cũng như người ta cảm thấy khổ thì cái khổ ấy là bất thiện chăng?
Tâu Đại Vương, lại cũng tùy trường hợp. Có khi là thiện, có khi là bất thiện, không chừng.
Sao vậy?
Đã là thiện thì hẳn là không có cái khổ. Và ngược lại, trong khổ ắt không có cái thiện. Thiện và khổ, hai bên đâu có xứng hợp nhau.
Na Tiên nạn lại rằng: Ví như có người bị đặt vào bàn tay mặt một hoàn sắt nung đỏ và vào bàn tay trái một cục băng đông cứng.
Hoàn sắt nóng và cục băng lạnh ấy có cùng nung đốt kẻ kia không?
Có, cả hai cùng nung đốt kẻ kia.
Thế thì cả hai cùng nóng chăng?
Hoặc cả hai cùng lạnh chăng?
Thưa không.
Một nóng, một lạnh khác nhau.
Sao lại nói cả hai cùng nung đốt?
Nếu bảo cái nóng nung đốt thì cả hai viên đâu có cùng nóng?
Nếu bảo cái lạnh nung đốt thì cả hai viên đâu có cùng lạnh?
Bạch Đại Đức, trí lự của Trẫm nông cạn không theo kịp câu vấn nạn này. Mong Đại Đức dẫn giải cho Trẫm lãnh hội cao kiến.
Na Tiên dẫn lời Phật dạy mà giải đáp rằng: Có sáu sự vui mừng thô trược, sáu sự buồn lo thanh cao. Lại có sáu sự không vui không buồn thô trược và sáu sự không vui không buồn thanh cao.
Vua hỏi:
Sáu sự vui buồn thô trược là những gì?
Một là mắt nhìn sắc đẹp rồi móng lòng ham muốn.
Hai là tai nghe tiếng hay rồi móng lòng ham muốn.
Ba là ngửi mùi thơm rồi móng lòng ham muốn.
Bốn là lưỡi nếm vị ngon rồi móng lòng ham muốn.
Năm là thân chạm vật mịn rồi móng lòng ham muốn.
Sáu là ý nhận những cảm thọ dễ chịu rồi móng lòng ham muốn.
Như thế là sáu sự vui mừng thô trược.
Sáu sự vui mừng thanh cao là những gì?
Một là mắt thấy sắc đẹp, nghĩ rằng sắc ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thấy thanh thoát nhẹ nhàng.
Hai là tai nghe tiếng hay, nghĩ rằng tiếng ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thấy thanh thoát nhẹ nhàng.
Ba là mũi ngửi mùi thơm, nghĩ rằng mùi ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thấy thanh thoát nhẹ nhàng.
Bốn là lưỡi nếm vị ngon, rồi nghĩ rằng vị ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thấy thanh thoát nhẹ nhàng.
Năm là thân chạm vật mịn, nghĩ rằng vật mịn ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thấy thanh thoát nhẹ nhàng.
Sáu là ý nhận những cảm thọ dễ chịu, nghĩ rằng những cảm thọ ấy không bền, chẳng nên lưu luyến, rồi nhân đó tư duy lẽ thành bại đắc thất vô thường của vạn hữu khiến lòng thanh thoát nhẹ nhàng.
Như thế là sáu sự vui mừng thanh cao.
Sáu sự buồn lo thô trược là những gì?
Một là mắt thấy sắc xấu, không ưa mà vẫn phải nhìn.
Hai là tai nghe tiếng ghê rợn, không thích mà vẫn không thể bịt tai.
Ba là mũi ngửi mùi tanh hôi, không muốn mà mùi thối vẫn xông lên nồng nực.
Bốn là lưỡi nếm vị cay đắng, không ưng mà miệng vẫn phải nhai nuốt.
Năm là thân đụng vật nhám rích, không chịu mà xa tránh không được.
Sáu là ý bị sầu khổ đoanh vây, muốn xua đuổi mà vẫn phải nhớ nghĩ hoài.
Như thế là sáu sự buồn lo thô trược.
Sáu sự buồn lo thanh cao là những gì?
Mắt nhìn thấy sắc tàn tạ, không buồn vì cảnh tàn tạ ấy vì đó là sự thành bại đắc thất đương nhiên giữa vạn hữu nhưng buồn vì thấy chúng sinh đau khổ không ngộ được lẽ thành bại đắc thất kia nên không xả bỏ luyến tiếc trìu mến.
Đó là một sự buồn lo thanh cao. Đối với những gì tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm và ý nghĩ, cũng đều có một tâm trạng như thế. Như vậy là sáu sự buồn lo thanh cao.
Còn sáu sự không vui không buồn thô trược?
Là khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh v.v... căn trần tiếp xúc nhau mà lòng ngây dại dửng dưngnhư vật vô tri vô giác.
Thế còn sáu sự không vui không buồn thanh cao là như thế nào?
Là mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh v.v... bình thản mà thọ nhận, cảnh vui không đủ sức khiến phải say mê, cảnh buồn không đủ sức khiến phải rầu rĩ. Nếu có thọ nhận cảnh gì đi nữa là chỉ vì chúng sanh mà thọ nhận.
Hay thay! Hay thay!
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba