Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo Ni

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

KINH LIÊN HOA SẮC TỲ KHEO NI  

Nghe như vậy!

Phật tại Cõi Trời Nhẫn lợi sắp mãn ba tháng an cư kiết hạ cây Ba Lợi Chất Đa trổ hoa rất nhiều. Ngài ngồi trên phiến đá nhu nhuyến, muốn thuyết Kinh cho mẹ cùng Chư Thiên trên Cõi Trời Đao Lợi.

Bấy giờ Thích Thiên Vương đến chỗ Phật hành lễ, rồi bạch Phật: Nay con nên dùng thời nào để đợi nghinh tiếp Đức Thế Tôn?

Phật bảo Thiên Vương: Dùng thời Diêm Phù Lợi đợi ta.

Thiên Vương nghe dạy bèn lễ Phật và hoan hỷ lui ra.

Bấy giờ Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên cũng ở tại Xá Vệ, cũng an cư mùa hạ trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc vừa xong. Lúc ấy bốn chúng đều đến chỗ Tôn Giả Mục Kiền Liên.

Chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, bốn chúng đồng lễ Tôn Giả Mục Kiền Liên, rồi đứng sang một bên, cùng hỏi: Thưa Ngài Mục Kiền Liên, nay ba tháng hạ an cư đã xong, Đức Thế Tôn đang ở tại nơi nào?

Mục Kiền Liên báo cùng bốn chúng: Nay Đức Phật đang ở tại Cõi Trời Đao Lợi. Sắp hết ba tháng hạ, nhớ mẹ mang thai cần khổ nên Ngài còn lưu lại thuyết Kinh cho mẹ và Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi, dưới cội cây Ba Lợi Chất Đa, trên phiến đá nhu nhuyễn. Cây ấy cao bốn ngàn, cành lá trải rộng hai ngàn dặm, rễ cây sâu xuống hai trăm lẻ tám ngàn dặm. Chỗ đá ngồi lún sâu xuống bốn tấc, khi bỏ ra thì nó trở lại như cũ.

Ngài Đại Mục Kiền Liên lại rộng vì bốn chúng thuyết Kinh Pháp, rồi yên lặng. Bốn chúng nghe Kinh, hoan hỷ ghi nhớ, đảnh lễ Ngài Mục Kiền Liên trở về.

Ba tháng an cư đã xong, bốn chúng lại tập hợp đến chỗ Ngài Mục Kiền Liên cúi đầu đảnh lễ xong, ngồi xuống rồi bạch Ngài Mục Kiền Liên: Lành thay! Thưa Hiền Giả, bậc có nhiều thần lực ở trong chúng mong làm phiền uy thần đến chỗ Phật, vì người thế gian mà đảnh lễ dưới chân Phật, chuyển lời chúng con bạch Phật: Bốn chúng Cõi Diêm Phù Lợi đang khao khát muốn nhìn thấy Thế Tôn.

Lành thay! Đức Phật thương tình người thế gian nguyện xuống Cõi Diêm Phù Lợi. Mục Kiền Liên nghe vậy im lặng. Bốn chúng lại được nghe qua giáo pháp và đồng hoan hỷ. Mục Kiền Liên từ biệt. Bốn chúng làm lễ, rồi nhiễu quanh Ngài xong ra về.

Bấy giờ Ngài Mục Kiền Liên bèn dùng định ý, như tráng sĩ co duỗi cánh tay, từ Cõi Diêm Phù Lợi biến mất đi đến Cõi Trời, cách Phật không xa. Bấy giờ Đức Phật ở giữa vô số Chư Thiên, ngồi giảng Kinh Pháp. Mục Kiền Liên bèn khởi tưởng Như Lai đang ở giữa chúng Chư Thiên, cách Diêm Phù Lợi như khoảng cánh tay co duỗi.

Phật liền biết khởi niệm của Ngài Mục Kiền Liên, bèn báo Mục Kiền Liên: Không như ở hàng thế gian, quyết đi thì liền đi, muốn đến là liền đến, đến đi là tùy sở niệm của ta.

Mục Kiền Liên bạch Phật: Thiên Chúng này có nhiều vui thú. Trong chúng Chư Thiên có người trước kia một lòng quy y Phật, sau khi thọ mạng tận lại sinh vào Cõi Thiên. Hoặc có kẻ quy y Pháp hoặc quy y Tăng, sau khi thọ mạng lại sinh Cõi Thiên. Hoặc có kẻ đời trước thanh tâm lạc đạo, sau khi mạng chung lại được sinh Thiên.

Phật bảo: Này Mục Kiền Liên, đúng như vậy. Trong Cõi Trời, những người trước kia có lòng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tâm vui thích đạo, sau khi mạng chung đều sinh lên Cõi Trời.

Bấy giờ, Đế Thích ngồi bên Phật, lắng nghe lời Phật và Mục Kiền Liên bèn lên tiếng: Lời của Hiền Giả Mục Kiền Liên nói quả đúng như vậy. Thân đời trước quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng, và tâm thanh tịnh vui thích đạo, đều sinh lên Cõi Trời.

Khi ấy có tám vạn vị Trời đều ngồi phía sau Đế Thích, Chư Thiên đều muốn nghe lời Phật và Mục Kiền Liên cùng lời của Thiên Vương, bèn nói: Hiền Giả Mục Kiền Liên, đúng như lời Hiền Giả đã nói, có những người đời trước kia thân quy y Tam chánh, tâm thanh tịnh vui thích đạo. Sau khi mạng chung đều sinh Cõi Trời.

Bấy giờ, tám vạn vị Trời có duyên với Ngài Mục Kiền Liên, thảy đều tự thuật đã chứng được quả Câu hạng.

Mục Kiền Liên bèn đến trước đảnh lễ, đầu mặt cuối xuống chân Phật, rồi bạch Phật: Bốn chúng ở Diêm Phù Lợi đang khao khát được gặp Phật. Lành thay, nguyện Thế Tôn thương tưởng thế gian mà xuống Cõi Diêm Phù Lợi.

Phật bèn bảo Ngài Mục Kiền Liên: Ông hãy xuống báo với bốn chúng thế gian, sau bảy ngày Phật sẽ từ Cõi Trời xuống hội An tường ở rừng cây Ưu Đàm.

Mục Kiền Liên vâng nhận lời dạy, bèn làm lễ, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi dùng định ý, trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, biến mất nơi Cõi Trời Đao Lợi, và trụ tại đất Diêm Phù Lợi, báo cùng người thế gian: Đức Phật sau bảy ngày sẽ từ Cõi Trời xuống hội An Tường, nơi rừng cây Ưu Đàm.

Phật nơi Cõi Trời bèn dùng định ý, như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc, từ Trời Đao Lợi lên đến cõi Diêm Thiên, thuyết giảng Kinh cho Chư Thiên.

Rồi rời Cõi Diêm Thiên đến Đâu Thuật Thiên, lại rời Đâu Thuật Thiên đến Bất Kiêu Lạc Thiên, Hóa Ứng Thanh Thiên, Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên, Thủy Hành Vi Thiên, Vô Lượng Thủy Thiện, Thủy Âm Thiên, Ước Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Tịnh Minh Thiên, Thủ Diệu Thiên, Huyền Diệu Thiên, Phước Đức Thiên, Đức Thuần Thiên, Cận Tế Thiên, Khoái Kiến Thiên, Vô Kết Ái Thiên, đều thuyết giảng Kinh, khiến tất cả đều hoan hỷ.

Sau đó, Phật lại từ Cõi Sắc Thiên xuống trụ tại Tu đại thí thiên. Từ trên xuống tất cả là hai mươi bốn Cõi Trời. Đến trụ tại Cõi Trời thứ ba, xong lại dừng trên cõi Hữu Sắc Thiên, lại xuống Hữu Dục Thiên, đến trụ trên đỉnh Tu Di ở Cõi Trời thứ hai.

Bấy giờ có vị Thiên Tử theo giáo ý Xiêm Bị vương bèn hóa làm ba bệ: Một là bệ vàng, hai là bạc, ba là lưu ly. Phật từ đỉnh Tu Di bước xuống bệ lưu ly dừng lại.

Phạm Thiên Vương cùng các vị Trời ở cõi Hữu Sắc Thiên đều theo bên phải, Phật trụ ở thềm vàng. Thiên Vương Đế Thích cùng các Chư Thiên Hữu Dục theo bên trái Phật, trụ tại thềm bạc. Đức Phật cùng vô số Chư Thiên Cõi Trời Hữu Sắc Đế Thích, vô số Chư Thiên Cõi Trời Hữu Dục cùng nhau xuống Hội An tường ở Cõi Diêm Phù Lợi, bên rừng cây Ưu Đàm. Điều này khiến cho vô số nhân dân đến dự hội muốn thấy được Phật, muốn nghe pháp.

Lúc bấy giờ, Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo Ni hóa mặc trang phục Kim Luân Vương mở ra lối đi bảy báu, cùng các binh lực sĩ bay mau đến Phật. Các đại chúng nhân dân cùng Trưởng Giả, Đế Vương từ xa thấy Kim Luân Vương đáp xuống, chẳng ai dám ngăn, lại lánh rộng ra làm thành đường lớn. Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo Ni đi đến chỗ Phật.

Khi ấy Trời trông thấy người, người cũng nhìn thấy Trời. Do uy thần của Phật mà Trời xuống thấp, đất cao lên. Người đều như nhau, Trời không ý tham nơi người, người cũng không ý tham nơi Trời. Bấy giờ có người tham trước thích thú Kim Luân Vương. Khi ấy lại có một Tỳ Kheo đi đến cách Phật không xa, bèn ngồi xuống thân thẳng, ý giữ lấy giới.

Vị Tỳ Kheo trông thấy Trời tụ họp vui vậy, người cũng họp lại vui vậy, bèn tự phát khởi niệm: Tất cả đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả chẳng phải ngã thì còn tham gì, còn nguyện gì, cho đến nào có gì. Vị Tỳ Kheo ngay tại chỗ này liền đắc quả Dự lưu và tự chứng.

Phật biết người, biết Trời, biết vị Tỳ Kheo kia ý sinh niệm tưởng như vậy, bèn thuyết kệ:

Có lợi được nhân tình

Trì giới được làm Thiên

Ở thế riêng làm Vua

Kiến đế là tôn quý.

Lúc ấy Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo Ni vừa đến trước Phật, liền thu nhiếp bảy báu thần túc và các chúng binh đều biến mất. Riêng một mình không mũ che, mặc y pháp, đảnh lễ dưới chân Phật.

Đức Phật nhân đó đến rừng Ưu Đàm, bày thành chỗ ngồi, vừa ngồi xuống liền vì đại chúng nhân dân giảng rộng Kinh Pháp. Ngài thuyết về bố thí, trì giới, khéo hiện ra cảnh Trời. Thuyết về dục, năm điều ưa thích thống khổ đều là ác. Đức Phật biết mọi người cũng có ý xa lìa sự thô lậu bèn hiện khổ đế, tập, tận, đạo đế.

Trong chúng có người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng. Có người tùy lực giữ giới, có người đắc quả Câu Hạng, tự chứng Nhất Lai, cho đến chứng quả Bất Hoàn.

Bấy giờ Hiền Giả Cung Tự Tại từ chỗ ngồi bèn đứng lên vén y bày vai phải, hướng về Đức Phật, chắp tay nói kệ xưng tán Phật:

Cung kính Bậc Hùng Biến quán

Thấy đế hiện thuyết độ chúng

Nghĩ tưởng phước thường xót thương

Được Trời người đều khen ngợi.

Lại đạo ấy độ vô cùng

Bỏ sợ hãi được an lạc

Diễn rộng pháp soi khắp nơi

Trong an lạc đều bất tử.

Giới Phật biển rộng vô biên

Nghĩa sâu sáng đại thiện hạnh

Không trước nhiễm mọi uế tịnh

Thuyết tuệ độ qua ba cõi.

Không tổn thương, không tăng giảm

Phật chẳng trước nhiễm hành xả

Bậc Tôn Giới, thầy ba cõi

Gặp tại thế, không trở lại

Tâm trụ hiền ai hơn Phật

Định tự tại vượt Trời người

Sức tuệ sáng rực sắc vàng

Trời người nào chẳng lễ Phật.

Thầy quán thế hai hội chúng

Tuy quán xả, chẳng vướng qua

Ý quán tâm lại vô trước

Ba cõi không, Phật sở không

Nhổ tận gốc mọi tục hạnh

Dùng cam lộ, định chí định.

Nay Thiên Thần quy phục Phật

Đều chắp tay quán giác thân

Tâm không nghi vui hiền pháp

Đều hiểu biết tâm Trời người

Cũng như tâm hành trùng thú

An tịnh lại động lòng thương.

Tự phóng hóa lên Cõi Trời

Chân chánh định khéo thu nhiếp

Ngăn ý, giữ lấy niềm tin

Bậc Giác Thế Cõi Trời người

Đạo đức vượt có ai bằng

Quán hình Phật nào có chán.

Trong ba cõi riêng bước đi

Nghĩa giới vững như núi báu

Chẳng sợ hãi trong ba cõi

Bỏ tật niệm, không ái ân.

Tuệ, định sáng như mặt trời

Trăng trong đêm không tỳ vết.

Theo tịnh giới, hiện tịnh hạnh

Có tịnh tuệ hơn hẳn tịnh

Trụ pháp tịnh, hiện ánh tịnh,

Tuyết núi cao thấy sáng ngời

Đêm rằm, sao trong Trăng sáng

Pháp tất chiếu sáng Trời người

Thân tướng hiện châu Anh Lạc.

Bậc đế trong đế khéo thuyết

Tự hành lấy vốn không thầy

Riêng con nhà Phật thấy diệu

Ngàn mắt tuệ trừ thương tật

Lời đầy ý thắm không thô

Trổi bi thanh chỗ Trời người.

Nghe lời Phật, pháp dịu ngon

Khát uống no như sông biển

Sao lại không giữ pháp ấy?

Cứ trì hành đến an tịnh.

Thuyết nghĩa đọan sau không tưởng.

Lắng nghe Phật, mắt chú nhìn

Tuệ hiện đường chẳng tà vạy

Người đi trước vốn đã thành.

Nguyện ý nhắn người mê sau

Như Phạm Vương chiếu khắp không

Thần, Trời vẫn nghĩ thế nhân

Thần hành, nghĩa không chỗ sánh

Theo pháp ấy bỏ thế niệm

Phật vẫn tại chốn vô dư.

Bấy giờ Hiền Giả Xá Lợi Phất ngồi ở giữa chúng, bèn rời khỏi chỗ ngồi, chắp tay nói kệ tán thán:

Chưa từng thấy có việc này

Chưa từng nghe có ai nói

Phật như vậy, uy Thiên Thần

Từ Trời Đâu thuật đến đây.

Khắp Trời người đều ủng hộ.

Trọng ái tục như thân mắt

Thảy an tịnh không lay chuyển

Tự vui lấy trong độc hạnh

Vô ưu, hiểu thấu, khéo hành

Dạy Cõi Trời lại xuống trần

Khiến tâm giải trừ thân dục

Ác hạnh dứt, hiện nghĩa thiện.

Nếu Tỳ Kheo có tâm chán

Hành có bại, có chỗ không

Dưới cội cây như đồng trống

Tại núi sâu trong am vắng

Như chỗ cao xuống đất nằm.

Bọn phàm phu lại lo sợ

Làm cách nào để không sợ?

Hoặc sở hành cho sau này?

Chúng trần kia lại đến nghe.

Như xưa nay theo phương tiện

Chỗ Tỳ Kheo không ý nhiễm

Chỗ lặng dứt không tiếng vang

Miệng nói ra là thiện ác.

Tại chỗ hành nên làm sao?

Giữ giới, trụ hạnh không buông

Tỳ Kheo cầu học an tường.

Sao là học giới bất lậu?

Riêng cứ thường hành không bạn

Diệt tối tăm cầu sáng mắt

Muốn thanh trong sạch bụi tâm.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Ý ông còn có chỗ chán ghét, có chỗ trước nhiễm, trụ trong không, mãi hành dục học.

Nay nói pháp như khiến ông nghe biết:

Mọi khủng bố, tuệ không ngại

Chí tâm học lìa ham muốn

Loại châu chấu cũng loài sâu

Người ghét tiếng thú bốn chân.

Không pháp thân, chẳng ý thức

Không sắc thanh chẳng ánh quang

Thảy không ta nên xả, nhẫn

Chớ nghe thiện lánh xa tham.

Thân không bị điều đau đớn

Lo sợ tất phải nhận lấy

Gặp khổ đau khó chịu nỗi

Lấy tinh tấn làm chống đỡ.

Nguyện chẳng theo ý tưởng đẹp

Dứt trừ căn để điều ác

Không vướng mắc điều tham ái

Không chờ đón cái đã qua.

Trí, tưởng quen thành khéo léo

Vượt thoát khỏi tiếng thô tháo

Nhẫn không lạc mãi tu hành

Bốn điều nhẫn pháp ai bi.

Thườngđịnh nào, ăn thức gì?

Sợ nên khổ vì sinh định.

Nghĩa tưởng ấy rất đáng thương.

Đi nơi xa, học vất bỏ

Có vị khổ, có vị lạc

Biết độ thoát, biết chỗ dừng.

Chẳng nghe biết việc nước nhà.

Tiếng thô ác chẳng nên nghe

Đừng liếc mắt trộm nhìn người

Cùng hội thiền đừng nằm nhiều

Quán nhân duyên ý an tường

Ngừng vọng niệm, dứt niệm nghi

Đừng tà vạy cùng dối trá

Thấy xót thương chớ sợ hãi.

Hãy nhìn với tâm bình đẳng

Ít mong cầu, thấu vô minh

Lời ác kia đừng khởi ý.

Chẳng gieo oán bạn đồng học

Buông lời nói như nước mềm

Pháp thức hổ thẹn đừng nghĩ.

Như nhìn thấy bâc tôn kính

Đừng để ý có cảm thọ

Như sắc thanh, như vị ngon

Hương tinh xảo muốn dẹp trừ.

Như vậy pháp chẳng buông lung

Học chế ý nên khéo nói

Pháp giới quán đều sáng rỡ.

Tu dứt bỏ mọi mê mờ.

Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc này xong Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần