Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Vua Kiệt Tham

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

KINH VUA KIỆT THAM  

Nghe như vậy!

 Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ.

Bấy giờ có một vị Phạm Chí sở hữu một miếng đất rộng lớn, nằm giữa rừng cây của Thái Tử Kỳ Đà, lúa đã chín vàng sắp gặt nay mai.

Sáng sớm thức dậy, vị Phạm Chí đã ra ruộng, đứng trên bờ, từ xa nhìn thấy lúa trĩu hạt đầy đồng nên trong lòng sung sướng, tự nghĩ mong ước đã thành, cứ ngắm mãi không sao dời bước được.

Đức Phật cùng các vị Tỳ Kheo vào thành khất thực, từ xa trông thấy vị Phạm Chí vui sướng như vậy liền bảo các vị Tỳ Kheo: Các ông có thấy vị Phạm Chí kia chăng?

Các vị Tỳ Kheo đều thưa: Dạ thấy.

Đức Phật im lặng đi vào thành. Sau khi khất thực xong, mỗi vị đều trở về Tinh Xá. Ngay trong đêm đó Trời đổ một cơn mưa đá rất lớn làm cho cả ruộng lúa hư sạch. Vị Phạm Chí có một người con gái cũng bị chết đúng vào đêm ấy. Do vậy, vị Phạm Chí trong lòng đầy nổi đau đớn, ưu sầu, phiền muộn, kêu gào khóc mãi.

Hôm sau, các vị Tỳ Kheo lại ôm bát vào thành khất thực, nghe thấy vị Phạm Chí bị tai họa ấy gào khóc rất bi thảm mà chẳng có vị Sa Môn, Phạm Chí hay người nào trong nước có thể khuyên giải làm vơi đi nỗi đau sầu của ông ta. Sau khi khất thực, các vị Tỳ Kheo, trở về, đến nơi Đức Phật ngự, đảnh lễ bạch thưa lại tâm trạng của vị Phạm Chí như thế.

Các Tỳ Kheo vừa thưa xong thì vị Phạm Chí khóc la đi đến nơi Đức Phật, đảnh lễ thưa hỏi xong liền ngồi một bên Ngài.

Đức Phật biết nguồn gốc ưu sầu trong tâm ông nên bảo với vị Phạm Chí:Thế gian này có năm việc không sao tránh khỏi được, cũng không thể giải tỏa được.

Năm việc ấy là gì?

1. Mọi sự vật đều phải bị hao tổn suy giảm. Muốn làm cho không hao tổn, không suy giảm, điều đó không thể được.

2. Mọi sự vật đều phải bị mất mát. Muốn làm cho không mất mát, điều ấy không thể được.

3. Mọi sự vật đều phải bị ốm đau. Muốn làm cho không ốm đau, điều ấy không thể được.

4. Mọi sự vật đều phải bị già yếu, suy hoại. Muốn làm cho không già yếu, không suy hoại, điều ấy không thể được.

5. Mọi sự vật đều phải bị chết, mất đi. Muốn làm không bị chết, không bị mất đi, điều ấy không thể được.

Đối với người không có đạo hạnh, không có trí tuệ thẩm suy, hễ thấy việc hao tổn, suy giảm, mất mát, già, bệnh, chết chóc đến với mình lập tức sinh lòng sầu khổ, bi thương, bức rức, phiền muộn. Điều ấy chỉ làm tổn hại thân thể, chẳng ích lợi gì.

Vì sao vậy?

Vì không được nghe, không tỏ tường chân lý nên mới bị như vậy. Này Phạm Chí, ta biết rằng người hiểu chân lý, khi gặp sự hao tổn, suy giảm, sự mất mát, già bệnh, chết đến với mình, họ chẳng vì thế lo buồn.

Vì sao vậy?

Vì họ đã được nghe, đã tỏ tường sự thật nên mới được như vậy. Không phải chỉ có gia đình ông mới bị hao tổn, tất cả mọi gia đình trên thế gian đều như thế.

Đã là đời thì phải có hao tổn, làm sao một mình ông tránh khỏi?

Người có trí hiểu rõ sự thật biết thẩm suy nên tự nghĩ: Ta nay bị hao tổn, lòng ta đau buồn, ngồi mãi mệt mỏi, không ăn uống, mặt mày tiều tụy, kẻ thù ta thấy vậy vui mừng, họ hàng ta lo lắng, gia đình ta buồn rầu chỉ vì ta chẳng suy nghĩ, tìm cách khắc phục sự hao tổn ấy nên không thể phục hồi được. Nếu người nào đã thấy rõ chân lý ấy là như vậy nên lúc chứng kiến sự hao tổn suy giảm, mất mát, già, bệnh, chết đến thì người ấy hoàn toàn chẳng còn gì để ưu buồn nữa.

Nhân đó, Đức Phật vì Phạm Chí nói bài kệ:

Không nên cất tiếng ưu sầu

Tài sản ít, nhiều đã mất

Đau đớn cũng chẳng ích gì

Kẻ thù trong lòng sung sướng.

Bậc trí hiểu rõ chân lý

Không sầu trước già, bệnh, chết

Kẻ tham sinh khởi phiền não.

Hãy nhìn sắc hoa tươi đẹp

Vô thường như thể tiếng vang

Trân bảo làm sao khỏi chết?

Hiểu rồi không còn ưu não

Niệm hành vượt cả châu báu

Rõ chân lý không theo đuổi.

Người thế gian ai cũng vậy

Lìa ưu sầu, giữ chánh hạnh

Đời này sầu tưởng ích gì?

Đức Phật lại giảng rộng Kinh Pháp cho vị Phạm Chí, tuần tự giảng về bố thí, trì giới, người làm điều thiện sẽ được sinh lên Cõi Trời ngay trong hiện tại, người làm ác sẽ không an ổn. Đức Phật biết tâm ý của vị Phạm Chí nhu nhuyến, hướng về chánh đạo liền giảng cho ông về pháp Tứ đế. Tâm Phạm Chí được thông suốt, chứng quả câu hạng thứ nhất, như tấm lụa sạch được nhuộm màu sắc rất đẹp.

Vị Phạm Chí đứng dậy cúi đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, chắp tay thưa: Nay con thấy được sự thật như tự soi bóng trong gương. Từ nay về sau, con xin quy y Phật, quy y chư Tỳ Kheo Tăng. Xin Thế Tôn nhận con làm thanh tín sĩ, vâng giữ năm giới, suốt đời sống tinh khiết, không phạm giới.

Ông đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi ra về.

Các vị Tỳ Kheo liền bạch Đức Phật: Vui thay! Đức Thế Tôn đã khai mở, tẩy sạch tâm ý của vị Phạm Chí, mới khiến ông ta hoan hỷ mà ra về như vậy.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Không phải chỉ lần này Ta mới giải thoát nổi lo buồn của vị Phạm Chí ấy. Trong thời quá khứ lâu xa, ở đất Diêm Phù Lợi có năm vị quân vương.

Vị Vua thứ nhất tên là Kiệt Tham cai trị đất nước một cách bất chánh.

Các vị đại thần và nhân dân đều oán trách việc làm của Nhà Vua nên cùng nhau tập hợp bàn luận: Tất cả gia đình chúng ta đều đem gia binh đến truất phế Vua, bảo cho Vua phải tự biết các chính sách bất chánh của ông ta đem ra thi hành, đã gây thương hại cho muôn dân. Nếu Vua không cấp tốc ra khỏi nước ắt phải bị sát hại.

Nhà Vua nghe được tin ấy, lòng vô cùng sợ hãi, toàn thân run lập cập, lông tóc đều dựng đứng vội lên xe đào tẩu ra khỏi nước.

Trong cảnh cùng khốn, Vua phải làm nghề cắt cỏ bán để sống. Các vị đại thần và nhân dân tôn vị vương đệ lên làm Vua để việc chính trị trong nước không làm rối loạn muôn dân.

Cựu vương Kiệt Tham nghe em mình lên ngôi Vua, trong long vui sướng, trù tính, rằng: Ta có thể đến chỗ em ta cầu xin có thể tìm được cách sinh sống.

Ông liền dâng thơ trình bày đầy đủ mọi việc, xin Vua ban cho một ấp để có thể tự nuôi sống. Thương xót ông đang bị tai họa, Đức Vua liền ban cho. Khi đã cai trị dược một ấp ông lại xin hai ấp, rồi bốn, năm cho đến mười ấp. Từ hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi cho đến một trăm ấp. Từ hai trăm cho đến năm trăm ấp rồi ông lại xin phân nửa vương thổ, Nhà Vua vẫn giao cho ông cai trị.

Sau khi cai trị một thời gian dài, Kiệt Tham nảy sinh ý nghĩ: Ta hãy đem quân đội nửa nước này công phạt nước của vương đệ và ông chiến thắng, chiếm lại toàn vẹn lãnh thổ trước đây.

Nhà Vua lại nghĩ: Nay vì sao ta lại không đem binh sĩ toàn quốc chinh phạt hai nước, ba nước, bốn nước. Vua liền đem quân chinh phạt và đều đại thắng nên thống trị thêm bốn nước.

Vua vẫn nghĩ: Nay tại sao ta không đem quân của bốn nước đánh nước thứ năm?

Nghĩ xong, Vua liền đem quân chinh phạt và lại chiến thắng. Lúc đó tất cả đất đai và bốn biển đều thuộc về Vua. Nhà Vua liền đổi hiệu, tự phong là Đại Thắng Vương.

Trời Đế Thích muốn thử xem xem Vua đã biết nhàm chán chưa, nên hiện thân làm một cậu bé Phạm Chí, họ là Cù Di muốn được yết kiến Nhà Vua. Ngài búi tóc, chống gậy vàng, ôm bát vàng đứng trước cung điện.

Người giữ cửa vào tâu Đức Vua: Bên ngoài có một vị Phạm Chí, họ là Cù Di, mong được yết kiến bệ hạ.

Vua nói: Rất hay! Vua liền mời vị Phạm Chí ngồi ở trước.

Cùng nhau thăm hỏi xong, Phạm Chí tâu với Vua: Tôi từ vùng duyên hải đến đây thấy có một nước lớn giàu có, sung sướng, nhân dân phồn thịnh, có nhiều châu báu, Ngài có thể đến đó để chinh phạt không?

Nhà Vua tuy đã đầy đủ nhưng vẫn muốn chiếm lấy nước ấy nên nói: Ta rất muốn chiếm được nước ấy.

Vua Trời Đế Thích bảo: Xin Vua hãy trang bị thật nhiều thuyền bè, chuẩn bị quân đội chờ tôi. Sau bảy ngày, tôi sẽ dẫn Vua đến đó.

Nói xong, Trời Đế Thích liền biến mất. Đến ngày hẹn, Nhà Vua liền khởi đại binh, chuẩn bị nhiều thuyền bè nhưng không thấy vị Phạm Chí đến.

Nhà Vua buồn rầu không vui, vỗ đùi nói: Tức thay, ta nay đã mất vương quốc rộng lớn ấy! Nếu gặp Cù Di, lo gì không lấy được nước ấy.

Đã đến ngày hẹn, mà sao chẳng thấy cậu ta đâu cả! Khi ấy nhân dân cả nước ngồi quay về hướng Vua, Vua khóc họ cũng khóc, Vua buồn họ cũng buồn.

Nhà Vua cứ lo buồn mãi không sao vơi được, chợt nhớ lời bài kệ trong Kinh nên khởi lên một ý tưởng, đọc:

Niệm tăng theo dục

Đã có lại mong

Tri túc là vui

Mới được tự tại.

Nhà Vua hướng về chúng dân truyền lệnh muốn biết ý của bài kệ, nếu người nào có thể giải thích được ý nghĩa của bài kệ trên sẽ được trọng thưởng một ngàn đồng tiền. Trong những người ngồi tại đó có một chàng thiếu niên tên Uất Đa.

Uất đa liền tâu với Vua: Thần có thể giải thích được ý nghĩa bài kệ đó. Xin Vua cho phép đúng bảy ngày sau, thần sẽ trả lời.

Đến ngày thứ bảy, chàng thưa với mẹ: Nay con muốn đến chỗ Vua để giải tỏa sự ưu sầu của Vua.

Người mẹ bảo con: Con chớ nên đi. Việc nan giải của Nhà Vua như lửa cháy, sắc lệnh của Ngài như dao nhọn, khó có thể gần gũi.

Người con thưa: Xin mẹ chớ buồn lo. Sức của con có thể giải thích ý nghĩa bài kệ của Vua, chắc chắn sẽ được thưởng hậu, có thể làm được việc này con thật là vui sướng.

Uất đa liền đến chỗ Vua tâu: Nay thần đến đây để giải thích ý nghĩa bài kệ hôm trước.

Chàng liền nói bài kệ:

Niệm tăng theo dục

Đã có lại mong

Phóng tâm không giữ

Như khát tìm nước,

Gồm thâu vương thổ

Đầy ngựa, bạc vàng

Trọn không nhàm chán,

Có tuệ, chánh hạnh

Như sừng, cựa sinh

Mỗi ngày thêm lớn.

Người đời cũng vậy

Không biết dục tăng

Khát ái không ngừng

Ngày ngày càng lớn,

Núi vàng cao ngất

Như núi Tu Di

Cũng không hề chán.

Có tuệ chánh hạnh

Dục là khổ đau

Chưa từng được nghe.

Muốn nghe lìa dục

Nhờ trí yểm ly

Chán dục, đáng kính.

Dục lậu khó lìa

Bậc trí biết khổ

Không theo ái dục.

Như tạo bánh xe

Phải làm kiên cố

Dần dần xa dục

Ý lần được an

Mong được định tĩnh

Hoàn toàn ly dục.

Nhà Vua nói: Làm chủ tâm ý thì dù thống trị tất cả đất đai và bốn biển ở thế gian, vẫn có thể nhàm chán chúng, mới thật lìa xa được lòng ham muốn đánh chiếm quốc gia ở vùng hải ngoại kia.

Vua Đại Thắng liền bảo Uất Đa:

Đồng tử thật giỏi

Lời vàng cho đời

Nói dục rất khổ

Quả là trí nhân.

Ngươi thuyết tám kệ

Mỗi kệ ngàn tiền

Mong trên Đại Đức

Thương nói tận nghĩa.

Uất Đa dùng kệ đáp:

Không dùng báu này

Giữ riêng sinh sống

Kệ thuyết sau cùng

Ý xa dục lạc.

Đại Vương, mẹ tôi

Tuổi già, thân ốm

Muốn báo mẫu ân

Cấp ngàn đồng tiền

Để cung dưỡng mẹ.

Vua Đại Thắng thưởng một ngàn đồng tiền để đồng tử nuôi dưỡng mẹ già.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Vua Đại Thắng lúc ấy nay chính là vị Phạm Chí trồng lúa kia.

Đồng Tử Uất Đa lúc ấy nay chính là thân ta. Lúc đó ta cũng đã giảng rõ, giải tỏa sự đau buồn của Phạm Chí. Nay ta cũng đoạn trừ tất cả khổ đau cho Phạm Chí, khiến ông ta từ nay về sau không còn bị khổ nữa.

Đức Phật dùng nhân duyên xưa diễn nói quyển Kinh Nghĩa Túc này, để tôi, kẻ hậu học bốn nghe lời dạy trên.

Đức Phật muốn làm bài kệ để hậu thế hiểu rõ và truyền tôi giữ gìn kho tàng Kinh Pháp, trụ thế dài lâu có Kinh Nghĩa Túc:

Niệm tăng theo dục

Có rồi vẫn mong

Biết đủ là vui

Nên được tự tại.

Người đời tham dục

Thành kẻ ngu si

Mê mờ trong dục

Tên độc hại thân,

Tránh xa dục ấy

Như tránh rắn độc

Tránh vui thế gian

Cần hành thiền định.

Ruộng gieo, báu vật

Nuôi dưỡng trâu, ngựa

Bị nữ trói buộc

Hạnh si hại thân.

Tham dục thân gầy

Càng gần thêm oán

Si mê chịu đau

Như hải thuyền vỡ.

Nên nói nhiếp ý

Lìa dục chớ phạm

Tinh cần cầu vượt

Đưa thuyền đến bờ.

Đức Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

1. Quyển Thượng có mười Kinh, quyển Hạ gồm sáu Kinh.

2. Câu hạng thứ nhất: Tức quả thứ nhất trong tứ quả Sa Môn, là Tu Đà Hoàn Pàli: Sotapanna, Sanskrit: Srotàpanna.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần