Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM HAI

PHẨM SINH TỬ  

TẬP BẢY  

Coi dục như bùn nhơ

Làm theo như ý nghĩ

Người trí mở tâm ý

Thoát khỏi dây sinh tử.

Ai lo chuyên thiền tụng

Xa lìa ma biếng trễ

Làm lợi cho chúng sinh

Là Tỳ Kheo vắng lặng.

Ai trả lời vấn nạn

Biện tài, điều phục căn

Biết đó là Pháp Sư

Nếu không như cây cỏ.

Ai thân hành, ý hành

Tất cả không mỏi mệt

Công việc của Chúng Tăng

Có thể làm hết thảy.

Mà không cầu của cải

Không ham giàu, ham danh

Chỉ làm lợi ý tăng

Giải thoát các trói buộc.

Trì giới không mong Thiên

Cũng không cầu danh lợi

Trì giới vì Niết Bàn

Là Tỳ Kheo tịch tĩnh.

Nên xa lìa các ác

Chỉ thích làm điều lành

Không gần gũi bạn ác

Là Tỳ Kheo Phật Pháp.

Lấy từ để tu tâm

Ý cung kính chân thật

Học giới không khiếm khuyết

Cách Niết Bàn không xa.

Thường sợ già bệnh chết

Không ham vui thế gian

Tu thiền không phóng dật

Cách Niết Bàn không xa.

Người nào biết vô thường

Mình người đều vô ngã

Tu thiền, trí thượng, thượng

Cách Niết Bàn không xa.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo kia đạt được địa thứ năm rồi và làm sao để chứng đắc địa thứ sáu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Thấy Tỳ Kheo kia hiểu rõ về chỗ đạt đến thứ tư.

Pháp này vì sao có nhân tương tự được quả tương tự?

Không có nhân tương tự thì không có quả tương tự?

Nhân không tương tự thì quả không tương tự, có nửa tương tự và nửa không tương tự?

Thế nào là có nhân tương tự được quả tương tự?

Ví như nhân lúa lại sinh ra lúa. Như vậy, nội tương tự thì nghiệp thiện tương tự. Được quả ấy thì ở trong hàng Trời, Người là đạt đến chỗ đầu tiên.

Thế nào là không có nhân tương tự thì không có quả tương tự?

Ví như sữa ngọt sinh ra sữa chua, không thể ưa thích. Như vậy, nội không tương tự, nghĩa là do ái nhiễm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc… ở nơi đời này mà đưa đến cái quả không ưa thích ở địa ngục. Quả không đáng ưa thích giống như sữa chua. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Thế nào là nhân không tương tự, quả không tương tự?

Giống như màu xanh hợp với màu khác thì màu ấy không tương tự. Như vậy, nội không tương tự nghĩa là quả báo, nghiệp đều không giống nhau, chẳng phải nghiệp quả của nó, đó là tà kiến, trai pháp của ngoại đạo giết dê để trông mong sinh lên Cõi Trời, nên bị đọa vào địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Thế nào là nửa tương tự và nửa không tương tự?

Giống như chỉ trắng thì may thành áo màu trắng. Chỉ nhỏ áo thô là không tương tự. Như vậy, nội nửa tương tự nửa không tương tự. Nghiệp bất thiện tế mà mắc quả báo bất thiện thô trong đại địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia trong tâm tư duy rồi, không giữ lấy nghiệp quả, lại tư duy tiếp và quán nghiệp quả khác hoạt động, trong đó như bánh xe quay tròn.

Có bốn chỗ đạt đến:

Có nghiệp chưa đến, mọi người cùng tạo mới có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ nhất.

Có nghiệp đến rồi mới có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp chẳng phải là đến, cũng chẳng phải là chưa đến. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Có nghiệp chưa đến, mọi người cùng tạo mới có thể gây bức não.

Như pháp thế gian: Sao tuy chưa hiện ra mà đất nước bị tai ương. Pháp xuất thế gian: Như nhãn thức chưa đến mà biển nghiệp có thể gây bức não. Đó là những bức não của tâm dục, ưu bi.

Đây là đạt đến chỗ đầu tiên.

Có nghiệp đến rồi mới có thể gây bức não, giống như pháp thế gian: Lửa đến mới đốt, dao đến mới cắt.

Như pháp xuất thế gian: Nghiệp bất thiện đến, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não.

Như pháp thế gian: Thế lực của chú độc hại đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não.

Như pháp xuất thế gian: Khi người sắp chết có tướng trông mong đừng đến địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp chẳng phải là đến hoặc chẳng phải là chưa đến. Giống như những cây thuốc trong thế gian, chẳng phải là có sức sinh, chẳng phải là chưa có sức sinh. Còn xuất thế gian cũng lại như vậy. Tỳ Kheo La Hán quyết định thọ nghiệp, lượng như Tu Di.

Vị A La Hán kia nhập Niết Bàn hoặc chưa nhập Niết Bàn, nghiệp ấy cũng không thể gây bức não vị La Hán. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Có nghiệp thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ đầu tiên.

Có nghiệp thọ đời sau mà không thọ đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp thọ đời sau cũng thọ đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp không thọ đời hiện tại, cũng không thọ đời sau. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Nghiệp nào thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai?

Như ở thế gian: Phạm phép Vua bị luật pháp của Vua trị phạt. Nghiệp này thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai.

Như xuất thế gian: Tu hành bố thí được người thiện tán thán. Nghiệp này thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ thứ nhất.

Nghiệp nào thọ đời vị lai và không thọ đời hiện tại?

Như thế gian: Vào lửa được sinh Thiên.

Như xuất thế gian: Đời này hành thiện hoặc hành bất thiện thì đời khác bị quả báo. Điều này có thể thấy ở đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Nghiệp nào thọ đời hiện tại cũng thọ đời vị lai?

Như ở thế gian: Thọ đời hiện tại mà đời sau cũng thọ. Xuất thế gian cũng vậy. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Nghiệp nào không thọ đời hiện tại cũng không thọ đời vị lai?

Như thế gian: Không nói trì giới, không nói bố thí.

Xuất thế gian: Nghĩa là nghiệp vô ký chẳng phải thọ đời hiện tại, không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Tỳ Kheo kia ngồi nơi am tranh mà quán như vậy: Có vô lượng mạng lưới của nghiệp.

Quả báo trùm khắp trong các cõi: Trời, Người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thấy, biết như vậy rồi tùy thuận theo pháp mà thực hành.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao Tỳ Kheo kia biết được quả báo của nghiệp?

Nghĩa là biết nghiệp như vậy thì biết quả của nghiệp như vậy. Biết thiện, bất thiện, biết chúng sinh này đã tạo tác hạnh ác về thân, tạo tác hạnh ác về khẩu, tạo tác hạnh ác về ý, hủy báng bậc Hiền thánh, đó thuộc về tà kiến. Người kia vì nhân duyên của nghiệp mà khi qua đời bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nếu có chúng sinh nào thành tựu hạnh thiện về thân, thành tựu hạnh thiện về khẩu, thành tựu hạnh thiện về ý, ca ngợi bậc Hiền Thánh, đó thuộc về chánh kiến. Người kia do nhân duyên của nghiệp mà sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi Trời.

Tỳ Kheo kia quan sát như vậy: Tất cả đều từ pháp nghiệp báo. Tỳ Kheo kia quan sát rồi không cùng hoạt động chung với chúng sinh nơi ma giới, cuối cùng đạt đến Niết Bàn.

Như vậy, hành theo pháp là tu hạnh xa lìa nhàm chán, siêng năng hành nẻo thiện, cuối cùng chấm dứt sinh tử, cứu giúp người khác khiến họ vượt qua sinh tử. Tự độ rồi độ người khác.

Tỳ Kheo biết pháp của nghiệp báo, quan sát các pháp của các nẻo nghiệp báo nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Trời, Người. Giống như viên ngọc Tỳ Lưu Ly thanh tịnh, vì trang sức mà lấy dây xỏ xuyên qua tùy theo màu sắc nơi sợi dây xanh, vàng, đỏ, trắng, tía… thì thấy màu sắc của nó hiện lên.

Như vậy, viên ngọc nghiệp bị dây quả báo xâu vào. Tỳ Kheo kia thấy, nghe, biết hoặc thấy bằng thiên nhãn một cách thanh tịnh, sáng suốt.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia thấy hoặc nghe biết về pháp nghiệp báo giống như viên ngọc kia. Ví như có một viên ngọc báu màu trắng tinh khiết, thanh tịnh không có tỳ vết. Dùng vật thanh tịnh xâu vào mài giũa khéo léo, hoàn toàn là thù thắng, được tất cả người đời khen ngợi. Vua và các vương hầu sử dụng. Công đức của viên ngọc thanh tịnh đó chỉ có Vua, các vương hầu mới biết giá trị của nó, dùng nó làm những vật trang sức.

Như vậy, Tỳ Kheo kia có mười nghiệp đạo thiện là viên ngọc báu trong lành, hoàn toàn tinh khiết thanh tịnh, lìa bỏ những cấu bẩn, không còn tỳ vết, dùng vật thanh tịnh xâu vào có pháp đối trị, có uy lực lớn để trả lời các vấn nạn về pháp, đó chính là Pháp Sư, lấy dùi pháp xuyên vào mài giũa khéo léo.

Như vậy nguyện bố thí, trì giới, tu trí tuệ, tu sửa viên ngọc mười nghiệp đạo thiện rồi, thì theo sở nguyện làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm Thiên Vương, Ma Vương, Phạm Thiên, tu thiền vô lậu đạt được tam muội tự tại.

Người kia khéo léo tu sửa viên ngọc chánh pháp gọi là phổ môn. Phổ môn này gọi là cửa Trời, Người. Viên ngọc chánh pháp kia gọi là phổ môn, ra khỏi thành thế gian rồi nhập vào cửa Niết Bàn, được tất cả thế gian ca ngợi, được người chánh kiến, học nhân ca ngợi. Vua và các vương hầu sử dụng, vào chánh pháp chánh ứng với đạo tâm. Nếu mọi người tin viên ngọc Tỳ Lưu Ly kia có đầy đủ công đức thì ngọc báu ấy tương tự giống với viên ngọc chánh pháp.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát về pháp nghiệp báo giống như viên ngọc kia. Ví như có viên ngọc, viên ngọc ấy có tỳ vết, không thanh tịnh hoàn toàn, không tinh khiết hoàn toàn, không thể lấy dùi xuyên qua, không thể mài giũa, mọi người thấy nó không khen ngợi, chẳng phải vật được Vua sử dụng. Tám đạo hạnh chánh pháp Phú Ca La là Vua của tâm.

Viên ngọc ngoại đạo kia không ứng hợp với tám Thánh đạo. Các pháp ấy tương đối giống nhau, viên ngọc phi pháp có tỳ vết nếu cột vào cổ người, viên ngọc tương tự kia vì cột vào cổ người nên từ vô thỉ đến nay chúng sinh luân chuyển theo sinh tử mãi trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Tỳ Kheo kia quan sát viên ngọc giống với viên ngọc. Ví như thế gian có viên ngọc lưu ly giống với viên ngọc Tỳ Lưu Ly, có người trông thấy nói đó là viên ngọc Tỳ Lưu Ly. Kẻ phàm phu ngu si cũng như vậy.

Tỳ Kheo kia biết rõ về pháp và phi pháp rồi, đạt được Địa thứ bảy. Dạ Xoa sống trên đất thấy Tỳ Kheo kia trì giới thanh tịnh đạt được Địa thứ bảy, sinh tâm vui mừng, nói với Dạ Xoa nơi hư không.

Dạ Xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại Vương, Tứ Đại Vương tâu với Tứ Thiên Vương, Tứ Thiên Vương tâu lại Trời Tam Thập Tam, Trời Tam Thập Tam nói với Vua Đế Thích.

Vua Đế Thích tuần tự nói với Trời Diệm Ma, Trời Diệm Ma nói với Thiên Chủ Đâu Suất Đà, Thiên Chủ Đâu Suất Đà thưa đầy đủ với Thế Tôn Di Lặc, Thế Tôn Di Lặc nói với Trời Hóa Ứng, Trời Hóa Ứng nói với Trời Tha Hóa Tự Tại: Trong cõi Diêm Phù Đề có Thiện Nam… tuần tự như trước đã nêu rõ.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo quan sát về pháp nghiệp báo như thế nào?

Pháp thứ mười một gọi là vô tác, thuộc về sắc, trong tất cả các pháp nó tương ưng với sắc. Nếu người nào thọ giới, khi trao giới mà buồn ngủ, hoặc xỉu, hoặc thất niệm, cuồng loạn nhưng các pháp thiện đó vẫn chuyển hành liên tục, giống như dòng sông chảy liên tục không gián đoạn.

Người kia cũng vậy, buồn ngủ, xỉu, thất niệm, cuồng loạn như thế mà vô tác vẫn hoạt động không gián đoạn. Vô tác là sắc nhưng không thể kiến và đối, thế thì tại sao thuộc về của nghiệp sắc. Sắc vô tác này chính là cây trụ của tất cả pháp thiện. Đây là sắc thứ mười một.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát như vậy: Vì sao chúng sinh có các loại sắc, có các loại đạo, có các loại hình tướng, các loại nương dựa. Người kia quan sát có các loại tâm, các loại nương dựa, các loại tin hiểu, các loại nghiệp.

Như vậy, các loại sắc, các loại hình tướng, các loại đạo, các loại nương dựa ví như người họa sĩ khéo léo có đầy đủ trí tuệ hoặc đệ tử của ông ta quan sát nền tốt, bằng, cứng, láng, đẹp. Được nền như thế rồi với tất cả màu sắc rực rỡ, các màu đều khác nhau, đẹp hoặc xấu, ông ta vẽ tùy ý.

Hình tướng kia là tâm nghiệp nơi họa sĩ và đệ tử của ông ta. Cũng như vậy, tốt, bằng, cứng, láng là nền của quả báo nơi nghiệp. Cảnh giới sinh tử tùy theo sự hiểu biết của ông ta mà vẽ ra các loại hình tướng, các loại đạo, các loại nương dựa. Tâm nghiệp nơi họa sĩ là chúng sinh tạo nghiệp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần