Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Hai Mươi Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN HAI MƯƠI HAI
Không có ai hay biết
Tu định tịch tĩnh này
Chỉ Bậc Thế Gian Thân
Ức kiếp tu khó nghĩ.
Vô lượng pháp bạch tịnh
Từ tam muội này có
Nhờ sức báo định này
Không ai thấy thân ta.
Nếu có tâm như vậy
Danh sắc cũng như thế
Tâm loại không giống nhau
Tướng danh, sắc cũng vậy.
Nếu dùng tưởng thô lớn
Danh sắc tùy thuộc nó
Danh sắc hoặc thô, tế
Đều do tưởng nghĩ sinh.
Nếu người tưởng vi tế
Danh, sắc cũng như vậy
Danh sắc không đắm trước
Thân tâm ấy chiếu sáng.
Ta nhớ đời quá khứ
Bảy mươi A tăng kỳ
Ba loại ác tưởng này
Từ gốc chưa từng khởi.
Nhờ dùng tâm vô lậu
Ức kiếp chẳng nghĩ bàn
Vì lợi ích chúng sinh
Họ không thấy thân ta.
Nếu ai dùng vật này
Tâm ý được xả bỏ
Người này với vật kia
Liền không cùng hòa hợp.
Tâm ta được giải thoát
Trong tất cả vật dụng
Hay biết được tánh mình
Nên khởi sinh trí tuệ.
Với ngàn ức Cõi Phật
Trong đó ta hiện hóa
Vì chúng sinh thuyết pháp
Cho nên không thể thấy.
Không tướng, không hình mạo
Giống như nơi hư không
Thân ta không thể nói
Vì đoạn đường ngôn ngữ.
Pháp Thân rất hùng mãnh
Thân ấy từ pháp sinh
Chưa từng có sắc thân
Nói đó chính là Phật.
Nếu nói về thân này
Nghe xong liền hoan hỷ
Các Ma Ba Tuần kia
Không thể làm gì được.
Nghe pháp thâm diệu này
Mà không sinh hoảng sợ
Không vì sự sinh sống
Phỉ báng Bồ Đề Phật.
Ngàn ức Tu Đa La
Trí như thật diễn thuyết
Vì chúng sinh chiếu sáng
Nơi nơi đều đến đích.
Này Đồng Tử! Đó là Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, nếu muốn biết nghiệp tướng sắc thân của Như Lai, hoàn toàn không thể biết được hoặc xanh, hoặc sắc xanh, hoặc tương tự xanh, hoặc tướng mạo xanh.
Hoặc vàng, hoặc sắc vàng, hoặc tương tự vàng, hoặc tướng mạo vàng.
Hoặc đỏ, hoặc sắc đỏ, hoặc tương tự đỏ, hoặc tướng mạo đỏ.
Hoặc trắng, hoặc sắc trắng, hoặc tương tự trắng, hoặc tướng mạo trắng.
Hoặc hồng tía, hoặc sắc hồng tía, hoặc tương tự hồng tía, hoặc tướng mạo hồng tía.
Hoặc pha lê, hoặc màu pha lê, hoặc tương tự pha lê, hoặc tướng mạo pha lê.
Hoặc lửa, hoặc sắc lửa, hoặc tương tự lửa, hoặc tướng mạo lửa.
Hoặc vàng bạc, hoặc sắc vàng, hoặc tương tự vàng, hoặc tướng mạo vàng.
Hoặc như điện chớp, hoặc sắc như điện chớp, hoặc tương tự điện chớp, hoặc tướng mạo như điện chớp.
Hoặc tươi sáng, hoặc sắc tươi sáng, hoặc tương tự tươi sáng, hoặc tướng mạo tươi sáng. Hoặc Tỳ Lưu Ly, hoặc sắc Tỳ Lưu Ly, hoặc tương tự Tỳ Lưu Ly, hoặc tướng mạo Tỳ Lưu Ly.
Hoặc Trời, hoặc sắc của Trời, hoặc tương tự Trời, hoặc tướng mạo Trời.
Hoặc Phạm, hoặc sắc Phạm, hoặc tương tự Phạm, hoặc tướng mạo Phạm.
Này Đồng Tử! Đó là thân của Như Lai. Tất cả thân tướng của Như Lai không thể lường được, vì không thể nghĩ bàn, cũng không thể nói được. Sắc thân đã thành tựu, Chư Thiên, người đời không thể suy lường được, là dài, ngắn, rộng hẹp, tất cả loại như vậy, không có hạn lượng, bằng nhau, chẳng thể nghĩ bàn. Những loại như vậy, không thể đếm được.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Trong tất cả Thế Giới
Tất cả các vi trần
Cùng với nguồn ao suối
Bao nhiêu nước biển cả.
Dẫu toán thuật có giỏi
Không thể biết hết được
Cũng không biết số bụi
Cùng với số giọt nước.
Đức Như Lai Đạo Sư
Nói ví dụ ấy rồi
Số giọt nước vô hạn
Số bụi cũng như vậy.
Ta thấy các chúng sinh
Nhiều như số bụi ấy
Phát tâm và khởi tín
Trong một lúc đều biết.
Nếu nơi tự thân ta
Hiển hiện sắc da ngoài
Các chúng sinh tín dục
Không ví dụ biết được.
Hoặc tướng cùng với nghiệp
Sắc tượng ấy như vậy
Không ai biết được Phật
Tướng ta đúng như vậy.
Phật xa lìa nơi tướng
Hiển bày nơi pháp thân
Thậm thâm, không hạn lượng
Là Phật, chẳng nghĩ bàn.
Chánh giác chẳng nghĩ bàn
Thân Như Lai cũng thế
Pháp thân không nghĩ bàn
Vì hiển bày pháp thân.
Tâm nghiệp không thể biết
Thân này không thể nghĩ
Cùng với thân tướng ấy
Đều không thể đo lường.
Pháp ấy vô hạn lượng
Ức kiếp đã tu tập
Được thân khó nghĩ này
Phát ánh sáng thanh tịnh.
Chúng sinh không thể nắm
Nắm lấy không thể được
Cho nên thân Như Lai
Khó lường, không thể nghĩ.
Với các pháp vô lượng
Mà nắm nơi hạn lượng
Trong pháp không phân biệt
Phật không có phân biệt.
Nơi phân biệt hạn lượng
Nói về không phân biệt
Tuy nghĩ không phân biệt
Phật ấy không nghĩ bàn.
Vô hạn như hư không
Không thể đo lường được
Thân Phật cũng như vậy
Giống như bầu thái hư.
Nếu có các Phật Tử
Như thật biết thân ta
Thì sẽ được thành Phật
Chẳng nghĩ bàn trên đời.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát có bốn thứ ngôn luận không thể nghĩ bàn và sự diễn thuyết cũng không thể nghĩ bàn, khó thể cùng tận.
Những gì là bốn?
1. Ngôn luận các hành không thể nghĩ bàn.
2. Ngôn luận quở trách hữu vi không thể nghĩ bàn.
3. Ngôn luận trợ giúp phiền não không thể nghĩ bàn.
4. Ngôn luận thanh tịnh không thể nghĩ bàn.
Này Đồng Tử! Đó là bốn loại ngôn luận không thể nghĩ bàn của Bồ Tát và sự diễn thuyết cũng không thể nghĩ bàn, khó thể cùng tận.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại pháp.
Những gì là bốn?
1. Pháp các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Pháp quở trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Pháp phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Pháp thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại tương ưng.
Những gì là bốn?
1. Các hành tương ưng chẳng thể nghĩ bàn.
2. Tương ưng sự trách mắng hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Tương ưng phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Tương ưng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn cửa.
Những gì là bốn?
1. Cửa các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Cửa chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Cửa phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Cửa thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại cửa.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại hành thuyết.
Những gì là bốn?
1. Hành thuyết về các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Hành thuyết về sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Hành thuyết về phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Hành thuyết về thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại hành thuyết.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn thứ âm thanh.
Những gì là bốn?
1. Âm thanh về các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Âm thanh chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Âm thanh về phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Âm thanh về sự thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại âm thanh.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn thứ tiếng.
Những gì là bốn?
1. Tiếng về các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Tiếng chê trách về hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Tiếng phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Tiếng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại tiếng.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại ngôn ngữ đạo.
Những gì là bốn?
1. Ngôn ngữ đạo các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Ngôn ngữ đạo chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Ngôn ngữ về phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Ngôn ngữ đạo về sự thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại ngôn ngữ đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Kẻ Ngu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh An Lạc - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Lão Mạo - Thí Dụ Bốn Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Ba
Phật Thuyết kinh đại Tập Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Mười Hai - Phẩm Tai Biến
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Một - Phẩm Một Kệ - Phẩm Ba