Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Hai Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN HAI MƯƠI NĂM
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại trí lìa ác đạo.
Những gì là bốn?
1. Trí lìa ác đạo về các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Trí lìa ác đạo về sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Trí lìa ác đạo về phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Trí lìa ác đạo về thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại trí lìa ác đạo.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại trí đoạn trừ vô minh.
Những gì là bốn?
1. Trí đoạn trừ vô minh về các hành chẳng thể nghĩ bàn.
2. Trí đoạn trừ vô minh về sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn.
3. Trí đoạn trừ vô minh về phiền não chẳng thể nghĩ bàn.
4. Trí đoạn trừ vô minh về thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là bốn loại trí đoạn trừ vô minh.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn thứ Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn và sự diễn thuyết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nói không bao giờ hết.
Những gì là bốn?
1. Ngôn thuyết về các hành chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ nhất.
2. Ngôn thuyết về sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ hai.
3. Ngôn thuyết hỗ trợ phiền não chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ ba.
4. Ngôn thuyết hỗ trợ thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ tư.
Đó là bốn loại chẳng thể nghĩ bàn, cùng với sự diễn thuyết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nói không bao giờ hết.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại pháp Đà La Ni.
Những gì là bốn?
1. Pháp các hành chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ nhất.
2. Pháp chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ hai.
3. Pháp phiền não chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ ba.
4. Pháp thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ tư.
Này Đồng Tử! Đó là bốn loại Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn, cùng với sự diễn thuyết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nói không sao hết.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại tương ưng Đà La Ni.
Những gì là bốn?
1. Tương ưng các hành chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ nhất.
2. Tương ưng sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ hai.
3. Tương ưng phiền não chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ ba.
4. Tương ưng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ tư.
Này Đồng Tử! Đó là bốn thứ Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn, cùng với sự giảng thuyết chẳng thể nghĩ bàn, nói không bao giờ hết.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát lại có bốn loại Đà La Ni môn.
Những gì là bốn?
1. Môn về các hành chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ nhất.
2. Môn về sự chê trách hữu vi chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ hai.
3. Môn về phiền não chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ ba.
4. Môn về thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trí ở trong đó gọi là Đà La Ni thứ tư.
Này Đồng Tử! Đó là bốn loại Đà La Ni môn chẳng thể nghĩ bàn và sự diễn thuyết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nói không bao giờ hết, cho đến trí đoạn trừ vô minh, đều có bốn loại Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn, cùng với sự diễn thuyết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nói không bao giờ hết, giống như đã nói ở trên.
Này Đồng Tử! Đà La Ni này chính là trí tuệ. Trí tuệ như vậy có thể rõ biết tất cả các pháp, chỉ có danh tự, cho nên gọi là trí pháp vô ngại.
Trí pháp như vậy, có thể thấu đạt ngôn nên gọi là nghĩa vô ngại. Trí pháp như vậy, hay biết ngôn từ sai biệt của các pháp nên gọi là từ vô ngại, hoặc nói văn tự ấy, hoặc hiển thị, hoặc thi thiết, hoặc thứ lớp không đoạn, hoặc mở rõ, hoặc rộng phân biệt, hoặc khai thị làm cho đơn giản, hoặc bình đẳng chỉ khắp, lời lẽ không bị nuốt, không rít rắm, không ú ớ, không khiếp nhược, lời nói không đắm trước, ngôn từ phóng khoáng, vượt trên sự phóng khoáng gọi là nhạo thuyết vô ngại.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Chỗ hiện bày ngôn âm
Phát thanh cũng như vậy
Như sự xuất âm thanh
Trí Phật cũng như vậy.
Tất cả trí Chư Phật
Tiếng nói ra cũng thế
Sự thi thiết như vậy
Ánh sáng tiếng cũng thế.
Ánh sáng tiếng như vậy
Tên giới cũng như thế
Danh tự giới như thế
Tên Phật cũng như thế.
Danh hiệu Phật như thế
Công Đức Phật cũng vậy
Ta biết một chúng sinh
Biết họ bao tên gọi.
Vô lượng ngữ ngôn Phật
Trước ta đã tuyên thuyết
Tên giới cùng tên Phật
Tên chúng sinh cũng vậy.
Hữu vi nhiều lầm lỗi
Đức Niết Bàn cũng thế
Phật lợi ích như vậy
Dùng ví dụ hiển bày.
Có tất cả chúng sinh
Đã phát tâm hiển thị
Một sợi lông Đạo Sư
Phát ánh sáng cũng vậy.
Tất cả các chúng sinh
Danh hiệu và tín dục
Như Lai vượt trên chúng
Dùng tiếng, thân thuyết pháp.
Tên tất cả chúng sinh
Hiển thị một chúng sinh
Như vậy tên một người
Hiển thị các chúng sinh.
Tất cả bình đẳng nhập
Chánh giác dạy như vậy
Nói vô lượng danh tự
Vì các Bồ Tát vậy.
Sao nay ta có thể
Nói ức vô số Kinh
Thọ trì Kinh Điển này
Hiển bày không khiếp nhược.
Nơi chúng vô ngại biện
Diễn thuyết ức Kinh Điển
Như hư không vô biên
Biện tài cũng như vậy.
Công đức Bồ Tát này
Thanh tịnh dẫn chúng sinh
Thọ trì Kinh Điển này
Thành được trí vô tận.
Luôn luôn hiển thị nói
Nơi pháp hay tín thọ
Tăng trưởng trí tuệ ấy
Giống như cây núi Tuyết.
Này Đồng Tử! Bồ Tát này hành pháp vô ngại, ở nơi pháp thấy pháp mà được an trụ.
Này Đồng Tử! Sao gọi là Đại Bồ Tát hành pháp vô ngại, ở nơi pháp thấy pháp nên được an trụ?
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát này biết chẳng phải sắc không khác với sắc mà nói pháp, biết chẳng phải sắc chẳng khác sắc mà có thể hay tu hành, biết chẳng phải sắc chẳng khác sắc mà cầu Bồ Đề, biết chẳng phải sắc chẳng khác sắc nên giáo hóa chúng sinh, biết chẳng phải sắc chẳng khác sắc mà thấy Như Lai, chỉ không hoại nơi sắc mà thấy Như Lai.
Chẳng phải khác sắc, chẳng phải khác tánh sắc mà thấy Như Lai, sắc và tánh sắc cùng với Như Lai bình đẳng, không có hai. Nếu ai có thể thấy các pháp như vậy, gọi là hành pháp vô ngại. Thức, tưởng, thọ, hành cũng lại như vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Nhờ sắc hiển Bồ Đề
Nhờ Bồ Đề hiển sắc
Thì không có tương tự
Tối thắng đã nói rõ.
Phật nói sắc tướng thô
Tánh sắc rất thâm áo
Sắc ngang với Bồ Đề
Sai biệt không thể được.
Như Niết Bàn thậm thâm
Nhờ tiếng mà tuyên thuyết
Niết Bàn bất khả đắc
Nói năng cũng như vậy.
Âm thanh và lời nói
Cả hai bất khả đắc
Trong pháp không như vậy
Niết Bàn bất khả đắc.
Nói Niết Bàn tịch diệt
Tịch diệt không thể được
Tất cả pháp không sinh
Như trước sau cũng vậy
Thể tánh tất cả pháp
Niết Bàn cùng tương tự
Người biết chân xuất gia
Cùng tương ưng Phật Pháp
Nếu thấy sắc thân Phật
Nói đã thấy Như Lai
Thân ta chẳng sắc tượng
Không thể thấy Ngài được.
Biết được tự tánh sắc
Sắc tướng ấy như vậy
Ai biết được tánh sắc
Là hiển thị thân lớn.
Các ngũ ấm như vậy
Ta đã biết tướng mạo
Đạt tự thể tánh pháp
An trụ nơi pháp thân.
An trụ pháp thân rồi
Thuyết pháp cho chúng sinh
Pháp vi diệu Như Lai
Không thể dùng lời nói.
Lý sâu không thể biết
Nghe Bậc Chánh Giác nói
Chỉ âm thanh ngôn ngữ
Ta đã được sơ quả.
Nếu trừ tất cả tưởng
Xa lìa việc hý luận
Nếu không có hữu tưởng
Thì thấy Thế Đại Sư.
Nếu ai hay biết không
Liền biết được sắc tướng
Không có khác nói không
Riêng có tự tánh sắc.
Nếu ai biết được sắc
Thì có thể biết không
Nếu ai ngộ được không
Thì biết được tịch diệt.
Nếu ai biết được sắc
Là sắc tướng như vậy
Không bị ức ma loạn
Thoái chuyển quả Bồ Đề.
Ai không biết đạo này
Đắm trước sẽ thoái bước
Phi vật chấp tưởng vật
Vật chấp tưởng phi vật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
LÒNG NGƯỠNG MỘ PHẬT PHÁP CỦA VUA A DỤC
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Mười Một - Chương Viên Giác
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Năm - Kinh Phương Thuốc Chóng Lớn
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Ba - đại Thừa Chánh Tông
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Mười Bốn - Hỏi Về Tánh Thiện Và đại