Phật Thuyết Kinh Nguyệt Thượng Nữ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT THƯỢNG NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy  

PHẦN HAI  

Trong hoa có hình Đức Như Lai hiện rõ thân màu vàng ròng, đang ngồi kiết già, oai quang hiển bày chiếu tỏa khắp lầu ấy, thấy rõ thân Ngài có ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, phát ra ánh sáng chiếu soi khắp nhà của Nguyệt Thượng.

Khi đó, nơi tay phải của mình, Nguyệt Thượng bỗng thấy hoa, rồi lại được thấy và chiêm ngưỡng hình tượng Đức Như Lai kia, nên thân tâm hoan hỷ, mừng rỡ vô hạn.

Cô liền dùng kệ thưa hỏi Đức Như Lai hóa hiện ấy:

Không biết nhân giả là Trời, Rồng

Là Khẩn Na La hay Dạ Xoa

Hoặc Quỷ Thần, hoặc A Tu La?

Nguyện Tôn đức vì con chỉ dạy.

Thân của Tôn Giả khó nghĩ bàn

Như ánh mặt trời màu kim sắc

Hoặc lại biến hóa thân vàng óng

Thoạt tựa pha lê, sắc lụa hồng.

Con nơi thân tâm không có tưởng

Thấy công đức Ngài rất hoan hỷ

Ngài là sứ giả của vị nào?

Chẳng hay từ phương nào đi đến?

Không biết đến đây vì duyên gì?

Đến rồi lại muốn trở về đâu?

Tôn nghiêm rạng rỡ như lửa nhóm

Công đức cao vời tựa Tu Di.

Đức Như Lai hóa hiện dùng kệ trả lời:

Ta nay chẳng phải là Trời, Rồng

Không phải Dạ Xoa, Càn Thát Bà

Sư tử họ Thích, Phật Thế Tôn

Nay sai ta đến viếng chỗ nàng.

Nên chẳng phải Trời, Rồng, Dạ Xoa

Không phải người hay Khẩn Na La

Chẳng phải Tu luân, tám bộ chúng

Ta chính họ Thích, sứ giả Phật.

Nguyệt Thượng lại dùng kệ bạch với Đức Như Lai hóa thân:

Con nay nghe nói Phật Thế Tôn

Hình sắc thể kia như thế nào

Nguyện vì con nói hình tướng đó

Con được nghe rồi thường nhớ nghĩ.

Lại tự nhận là sứ giả Phật

Mà không vì con nói tướng Phật

Con thấy oai đức thần lực Ngài

Thế gian khó sánh, tức như Phật.

Đức Như Lai hóa hiện dùng kệ đáp:

Hình thể Thế Tôn sắc vàng ròng

Đủ ba hai tướng bậc đại nhân

Thường vì chúng sinh làm ruong phước

Vì thế cho nên gọi là Phật.

Thường tự hiểu thấu hết thảy pháp

Lại hay biết rõ tâm chúng sinh

Gồm đủ các loại thượng, trung, ha

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Các việc thế gian đều biết rõ

Và cũng thông đạt hết thảy pháp

Biết các pháp rồi đến bờ kia

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Đối với hết thảy tâm chúng sinh

Trong mỗi mỗi tâm đều thấy biết

Nơi chúng sinh và tâm của họ

Hai chốn ấy đều không nhiễm chấp.

Nhân hành bố thí được làm Phật

Và cũng thường giữ giới thanh tịnh

Lại tu nhẫn nhục và tinh tấn

Thiền định, trí tuệ mau thành Phật.

Việc thế gian thảy đều biết rõ

Đó là hết thảy các nghề khéo

Trong tâm luôn từ, bi, hỷ, xả

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Hàng phục hết thảy các ma oán

Uy danh chấn động ngàn vạn cõi

Có thể tự giác đạo vô thượng

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Phật xưa thường hay chuyển pháp luân

Chuyển vận hết thảy pháp vô thượng

Ánh sáng chiếu soi ngàn vạn cõi

Thường giảng nói khổ, không, vô ngã.

Có hàng ngàn cõi nước Chư Phật

Cho đến trăm ức vô số cõi

Tướng lưỡi rộng lớn bao trùm khắp

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Có hàng ngàn cõi nước Chư Phật

Số kia nhiều như cát Sông Hằng

Vị ấy nói ra đều nghe khắp

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Ngàn ức cõi nước các Đức Phật

Vị ấy dùng tay nắm giữ được

An trú không động ngàn vạn kiếp

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Cõi nước Chư Phật có ngàn ức

Những núi Tu Di trong cõi ấy

Ngài dùng sợi lông buộc chặc rồi

Nắm lấy đi khắp ngàn ức cõi.

Nghe câu nhiệm mầu của Chư Phật

Nơi pháp tự tại vượt bờ kia

Đã tự giac ngộ, độ chúng sinh

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Đầy đủ tự tại khắp mười phương

Có thể thành tựu bốn vô úy

Nơi pháp Chư Phật không nghi ngại

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Không người có thể quán đảnh Phật

Thành tựu đầy đủ năm thứ mắt

Tròn đủ năm căn và năm lực…

Bảy phần giác đạo không nhiễm vướng.

Khéo giữ giới, khéo cùng an trú

Tịch định điều phục, rất khó sánh

Không còn dua nịnh, tâm điều thuận

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Đức Phật thường vào các thiền định

Không chút rối loạn, không sợ hãi

Biết thời giảng nói lợi chúng sinh

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Hết thảy công đức đều đầy đủ

Được các chúng sinh cùng cúng dường

Đủ Nhất thiết trí thấy các pháp

Vì vậy cho nên gọi là Phật.

Nếu ta nói trải qua một kiếp

Hoặc trải qua trăm ngàn vạn kiếp

Làm sao nói hết danh hiệu Phật

Nói không thể hết gọi là Phật.

Nguyệt Thượng nghe kệ này rồi, thân tâm hoan hỷ, vui mừng không kể xiết, trong lòng khát ngưỡng muốn được diện kiến Đức Như Lai, nên dùng kệ bạch với hóa tượng kia:

Tôn Giả nói công đức như vậy

Con nay muốn thấy Phật được chăng?

Người trí nếu nghe được pháp này

Quyết không ưa thích ở tại gia.

Con nay nếu không thấy được Phật

Quyết sẽ không ăn, không uống gì

Cũng lại không còn ưa ngủ nghỉ

Và cũng không muốn ngồi giường chiếu.

Con thấy Tôn Giả đã hoan hỷ.

Nghe công đức ấy ý thanh tịnh

Nếu thấy được thân tướng Phật kia

Tức sẽ phát tâm đại hoan hỷ

Phật đại trượng phu đời khó gặp

Trải qua trăm ngàn ức kiếp số

Con đã nghe tên đấng lậu tận

Thế Tôn bây giờ ở chỗ nào?

Như Lai hóa hiện liền đáp rõ:

Thế Tôn nay ở trong rừng lớn

Đồ chúng theo Ngài số trăm ngàn

Thanh tịnh, lìa cấu đều dũng mãnh.

Mỗi một gánh vác ba ngàn cõi

Trải qua nhiều kiếp tay không mỏi

Được định, trí tuệ, từ vô ngại

Đầy đủ đa văn như biển lớn.

Thần thông đi đến muôn ức chốn

Trong khoảnh khắc lễ khắp các Phật

Cúng dường ngàn vạn Chư Phật rồi

Nơi thời gian ngắn liền trở lại.

Không có tưởng ta và tưởng Phật

Tướng cõi và tưởng pháp cũng không

Hết thảy các tưởng đều không nhiễm

Đối với chúng sinh làm lợi ích.

Cô nếu muốn thấy Đức Thế Tôn

Và đại chúng Bồ Tát, Thanh Văn

Được nghe pháp Chư Phật vi diệu

Hãy mau đến bên Đại Đạo Sư.

Bấy giờ, cô Nguyệt Thượng tay cầm hoa sen có hóa Phật, từ trên lầu đi xuống, đến bên cha mẹ nói kệ thưa:

Cha Mẹ chiêm ngưỡng cành hoa này

Cành lá vi diệu sắc kim cương

Lại thấy trong hoa Đấng Vô Thượng

Các tướng trang nghiêm như núi chúa.

Đấng Tối tôn vi diệu như vậy

Có ai mà không muốn cúng dường?

Con nay thấy khắp ở trong nhà

Sắc vàng chiếu sáng, mẹ nên biết.

Thân Ngài không thể lường tính được

Trong khoảnh khắc biến thành nhiều sắc

Đỏ, trắng, vàng, tía và pha lê

Chúng ta nay thiết trai cúng dường.

Đại Thánh Cù Đàm tại rừng lớn

Nên mang hoa, hương và hương bột

Cha mẹ cùng thiết lễ cúng dường

Sẽ được vô lượng các công đức.

Cha mẹ nghe rồi, nói: Lành thay!

Con nêu lời này thật lợi ích

Bèn sắm các thứ hương hoa báu

Cờ phướn, lọng báu và vòng hoa.

Nguyệt Thượng, cha mẹ cùng thân quyến

Đều mang y phục rất tốt đẹp

Ngọc báu vô giá và âm thanh

Các thứ trang nghiêm đều đầy đủ.

Sửa soạn hoàn bị, liền ra đi

Đến nơi rừng lớn hầu Thế Tôn.

Hôm ấy, ngày hẹn của Nguyệt Thượng đã đến, ngày thứ sáu đã qua, nay là ngày thứ bảy. Lúc đó có vô lượng hàng ngàn đại chúng đều đến nhóm họp để ngắm nhìn Nguyệt Thượng. Trong chúng này, hoặc có các hạng người do tâm tham dục thúc đẩy mà đến nhóm họp.

Hoặc có người nhân dịp đi thăm thành Tỳ Da Ly, thấy nơi thành ấy có các thứ trang nghiêm như những bức tranh vẽ trang trí trên lầu, từng đàn chim sẻ bay ngang cửa sổ, lan can tiện cong từng cột trụ ngắn…, các cảnh của nghệ thuật điêu khắc mà tập trung đến. Cũng có vô số đàn ông, đàn bà vì muốn ngắm nhìn cô Nguyệt Thượng nên lặn lội đến thành Tỳ Da Ly.

Khi ấy, Nguyệt Thượng vẫn luôn cầm cành hoa kia. Cha mẹ cô và các quyến thuộc mang theo các tràng hoa, hương thoa, hương bột, các thứ hương đốt xông và các thứ y phục tốt đẹp thượng hạng, các cờ phướn, lọng báu, các thứ âm thanh, các người hầu hạ trước cùng vây quanh, từ nhà đi ra, nhắm đến ngả tư đường phố.

Lúc Nguyệt Thượng cùng quyến thuộc tới ngả tư, thì số người cùng đi đến là vô lượng, vô biên.

Khi thấy cô Nguyệt Thượng dừng tại nơi ngả tư, họ đều hướng đến chỗ ấy, luon miệng nói lớn: Cô ấy là vợ tôi! Cô ấy là vợ tôi!

Bấy giờ, người trong thành Tỳ Da Ly, phần nhiều là các người trai trẻ cùng lúc chạy đến, cất tiếng gọi lớn, hướng về Nguyệt Thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần