Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Con Gái Trưởng Giả Cấp Cô độc - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
NHÂN DUYÊN CON GÁI
TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN BA
Bàn luận xong, họ liền xuất kho lấy những vật quý giá kỳ lạ, mời những người hiểu biết về vật quý báu đến xem.
Trưởng giả nói: Này quý vị, hãy xác định cho tôi những loại quý báu này giá trị bao nhiêu?
Những người kia trả lời: Châu báu này vô cùng đặc biệt kỳ lạ, không thể biết hết giá trị của nó.
Trưởng giả liền nói: Giá trị một ức câu chi.
Những người kia hỏi: Này trưởng giả, có phải mỗi một vật báu giá trị một ức không?
Trưởng giả đáp: Đúng vậy! Đúng vậy!
Những người kia khen ngợi: trưởng giả thật giàu có không ai bằng.
Khi ấy trưởng giả hỏi: Con tôi mới sinh, nên đặt tên gì?
Có người nói: Khi sinh Đồng Tử, nghe nói vàng ngọc quý báu giá trị đến số ức câu chi.
Trưởng giả theo như lời nói ấy, nên đặt tên cho con là Văn câu chi.
Đức Phật nói rõ, vị ấy là bậc nhất trong việc xa lìa các phiền não. Tôn Giả ấy đã theo thứ tự đến đây.
Lúc ấy Tôn Giả Thọ Đề Ca hóa ra cỗ xe Khổng Tước, tự than ngồi trên xe ấy, hiện thần thông từ hư không đến, bay quanh thành kia ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả Mô Thi La thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây bằng xe chim công, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Thọ Đề Ca. Khi chưa xuất gia vị ấy là trưởng giả rất giàu có của thành Vương Xá, tuy ở cõi người nhưng hưởng thọ thắng phước nơi Cõi Trời. Trong nhà vị ấy thường dùng vải mịn thượng hảo hạng làm khăn sạch để sử dụng. Một lúc nọ, họ đem khăn sạch phơi nắng, bị gió lớn thổi bay đến trước cung điện Vua Tần Bà Sa La.
Vua Tần Bà Sa La thấy khăn sạch này tự nhiên có trước mặt mình, bèn hỏi vị quan hầu: Ồ! Tấm vải mịn màng đẹp đẽ thượng hạng này, trên đời không có loại nào bằng, ta ở ngôi Vua mà chưa từng thấy, thế nó từ đâu đến, các người biết không?
Vị quan hầu tâu: Đại Vương biết cho, trong thành này của Đại Vương có vị đại phú trưởng giả tên Thọ Đề Ca, Đức Phật nói người này hiện nay ở nhân gian nhưng thọ hưởng thắng phước từ Cõi Trời.
Theo ý chúng thần thì đây là vật từ trong nhà của vị trưởng giả kia. Đại Vương nên triệu ông ta đến hỏi tất biết sự thật.
Bấy giờ Nhà Vua liền triệu trưởng giả đến trước mặt, lần lượt hỏi về sự việc ấy.
Thọ Đề Ca tâu: Tấm lụa mềm này là khăn sạch trong nhà thần sử dụng. Hôm trước đem phơi bị gió thổi đến đây, sự thật là như vậy, xin Đại Vương tha tội.
Nhà Vua nói: Ta thấy ngươi chẳng có tội gì cả, chỉ vì nghe ngươi hưởng thọ thắng phước từ Cõi Trời, việc này có thật không?
Thọ Đề Ca tâu: Đúng vậy! Đúng vậy!
Nhà Vua nói: Này Thọ Đề Ca, ta muốn đến nhà của ngươi, để xem qua một lần được chăng?
Thọ Đề Ca tâu: Tâu Đại Vương, thần là dân của Nhà Vua, do Vua thống lãnh, nếu Đại Vương quá bộ tới thì thật may mắn cho nhà dân thường, hạ thần rất vui mừng.
Nhà Vua nói: Ngươi hãy về trước, chuẩn bị thức ăn, ta sẽ đến sau.
Thọ Đề Ca nói: Nếu người được hưởng thụ thắng phước của Cõi Trời, không cần ra sức làm gì cả, thức ăn tự có sẵn, xin mời Nhà Vua cùng đi luôn.
Khi ấy Vua Tần Bà Sa La cùng quần thần hộ giá, đi đến nhà trưởng giả Thọ Đề Ca. trưởng giả đi trước dẫn đường cho Vua. Khi đến cổng nhà trưởng giả, Nhà Vua thấy nô tỳ giữ cửa dung mạo đoan nghiêm, trang sức bằng vật báu tốt đẹp, ý Nhà Vua nghĩ rằng đây là vợ của trưởng giả nên tạm đứng lại, không tiến tới nữa.
Thọ Đề Ca tâu: Đại Vương! Vì sao bệ hạ đứng lại không tiến tới?
Nhà Vua nói: Này Thọ Đề Ca vợ ngươi ở đây, nên ta tạm đứng lại.
Thọ Đề Ca tâu: Đây không phải là vợ thần mà là tỳ nữ giữ cổng.
Nhà Vua từ từ đi vào, đến bên trong cổng ngoài, lại thấy như trước và cũng tạm đứng lại.
Thọ Đề Ca lại tâu: Đại Vương, vì sao lại dừng lại không đi nữa?
Nhà Vua trả lời như trước.
Thọ Đề Ca tâu: Đây không phải là vợ thần mà vẫn chỉ là tỳ nữ giữ cổng.
Nhà Vua đi vào cổng trong, thấy mặt đất bằng ma ni quý báu, ánh sáng như ngọc trong suốt rực rỡ, có hình tướng các loài thủy tộc, ý Nhà Vua cho đó là hồ nước nên tạm đứng lại, không dám tiến tới.
Thọ Đề Ca tâu: Đại Vương vì sao đứng lại không đi nữa?
Nhà Vua nói: Chỗ này có nước nên ta không tiến tới.
Thọ Đề Ca tâu: Đây không phải là nước, mà chỉ là mặt đất do ma ni báu tạo thành.
Nhà Vua hỏi: Nếu là đất báu tại sao có các loài thủy tộc ở trong?
Thọ Đề Ca tâu: Đó không phải là các loài thủy tộc thật, chỉ là ánh sáng của ma ni báu phản chiếu nhau nên có như vậy.
Bấy giờ Nhà Vua tuy nghe nói, nhưng vẫn chưa tin, tự tay cởi nhẫn ném xuống đất. Chiếc nhẫn chạm vào đất phát tiếng kêu, Vua mới tin đúng là mặt đất bằng ma ni báu. Sau đó, Vua Tần Bà Sa La vào nhà, ngồi trên Tòa Sư Tử. Trưởng giả Thọ Đề Ca đứng hầu một bên. Lúc ấy, vợ trưởng giả đi ra trước Vua, đang cung kính làm lễ thì bỗng nhiên nước mắt chảy ra, nên đứng qua một bên.
Nhà Vua hỏi: Này trưởng giả, vợ ngươi tại sao gặp Vua lại rơi lệ?
Thọ Đề Ca tâu: Vợ của tiểu thần được lễ bái trước bệ hạ, lòng rất vui mừng, nào dám khóc lóc. Chỉ vì áo Vua đang mặt có mùi khói, khói xông vào mắt nên tự nhiên rơi lệ.
Tâu Đại Vương, vì thế, người thọ hưởng thắng phước của Trời, muốn có thức ăn uống, không cần khói lửa để nấu, có châu báu như ý tự nhiên đưa ra thức ăn.
Nhà Vua nói: Lành thay! Việc này thật hy hữu.
Vua Tần Bà Sa La ở chỗ trưởng giả Thọ Đề Ca Sau khi ăn uống, mãi mê quan sát cảnh vật trong nhà trưởng giả, quên cả việc trở về cung.
Bấy giờ, các cận thần nghĩ: Nhà Vua ở đây đã lâu, nếu chưa hồi cung, sợ rằng việc triều chính trong nước bị ngưng trệ.
Nghĩ như thế rồi, họ cùng nhau tâu Vua: Đại Vương, lưu lại ở đây đã lâu, xin mau hồi cung, e rằng chính sự trong nước bị ngưng trệ.
Nhà Vua bảo quần thần: Ta ở đây mới chỉ một ngày, với chính sự trong nước vẫn chưa phải là bỏ phế lâu dài.
Trưởng giả Thọ Đề Ca tâu: Đại Vương ở trong nhà kẻ hèn này đã qua bảy ngày.
Nhà Vua nói với trưởng giả: Ta ở trong nhà ngươi mới sáng nay mà đã qua bảy ngày, việc này đúng không?
Thọ Đề Ca tâu: Tâu Đại Vương, đúng vậy! Tâu Đại Vương, đúng vậy! Đối với Đại Vương hạ thần nào dám nói dối.
Nhà Vua lại hỏi: Trong nhà khanh xem việc gì để biết ngày đêm?
Thọ Đề Ca tâu: Có hoa nở ra và khép lại để phân biệt ngày đêm. Có châu báu ma ni tỏa ra ánh sáng khi rực rỡ và khi không rực rỡ để phân biệt ngày đêm. Có những chim lạ tự nhiên khi cùng hót, khi không cùng hót để phân biệt ngày đêm. Đại Vương biết cho, khi hoa nở biết đó là ngày, khi hoa khép lại biết đó là đêm.
Khi ánh sáng châu báu ma ni rực rỡ, biết đó là ngày, khi ánh sáng châu báu ma ni không rực rỡ biết đó là đêm. Khi chim lạ cùng hót, biết là ngày. Khi chúng yên lặng không hót biết đó là đêm. Tâu Đại Vương, nhà của thần dựa vào những hình tượng như vậy để phân biệt ngày và đêm.
Vua Tần Bà Sa La nói với trưởng giả Thọ Đề Ca: Thật là hy hữu! Hy hữu! Đức Phật nói lời chân thật không hư vọng. Đức Phật nói ngươi ở trong nhân gian, nhưng hưởng thọ thắng phúc của trời, ngày nay ta thấy được sự việc đúng như vậy.
Vua Tần Bà Sa La nói xong, rời khỏi nhà trưởng giả, trở về vương cung.
Này trưởng giả Mô Thi La, nên biết rằng vị ấy có những thắng phước của trời người như thế, lại có thể xả bỏ tất cả để xuất gia tu đạo, chứng quả A La Hán. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc nhất về thọ hưởng thắng phước của trời. Tôn Giả ấy đã theo thứ tự mà đến đây.
Đến lượt Tôn Giả Văn thị bách ức hóa ra rừng cây với hoa trái nhiều màu sắc, giăng kín cả hư không. Tôn Giả hiện thân trong rừng đó, vận dụng thần thông từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả thấy việc ấy xong, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây có rừng cây, hoa trái nhiều màu sắc, hiện thân trong rừng, với các hình tướng như vậy rồi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Văn thị bách ức. Vị ấy khi sinh ra chân không đụng đất, cách mặt đất bốn ngón tay. Dưới chân có lông màu vàng ròng, biểu thị dị tướng. Khi chân đạp đất, mặt đất liền chấn động theo sáu cách.
Đức Phật đã từng nói với các vị Bí Sô: Này các thầy, nên biết Đồng Tử Văn thị bách ức này trong chín mươi mốt kiếp đều mang một tên, sinh ra chỗ nào chân đều không đạp đất. Vị ấy do phát khởi tâm tinh tấn tu tập đạo pháp nên phước báo vô tận. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc tinh tấn đệ nhất. Tôn Giả ấy đã theo thứ tự đến đây.
Tiếp theo là Tôn Giả Tất Lăng Già Bà tha hóa ra xe Đại Nga, hiện thần thông từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi đi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả thấy việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây bằng xe Đại Nga, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Tất Lăng Già Bà Tha, thường tu hạnh từ. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc có hạnh Từ đệ nhất. Tôn Giả ấy theo thứ tự đã đến.
Rồi đến Tôn Giả Ô Đà Di hóa ra xe Đại Mã, trang nghiêm bằng bốn loại quý báu, hiện thần thông như thế, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống và vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả thấy sự việc ấy, liền hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây bằng xe Đại Mã, trang nghiêm bằng bốn loại quý báu, hiện tướng như vậy rồi đi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ô Đà Di. Vị ấy thuộc dòng họ Thích. Trong dòng họ Thích, có Tịnh Phạn Vương, Bạch Phạn Vương, Hộc Phạn Vương, Cam Lộ Phạn Vương, cùng với Da Thâu Đà La, Ngu Bế Ca một Lý Da Nặc… sáu vạn cung tần thể nữ quyến thuộc.
Những quyến thuộc đó rất đông đảo, phồn thịnh, giàu có, an vui tự tại. Vị ấy đã từ bỏ cuộc sống thế gian xuất gia tu đạo, chứng đắc quả. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc đoan nghiêm nhất trong dòng họ Thích. Tôn Giả ấy theo thứ tự đã đến đây.
Tới lượt Tôn Giả Ma Ha Kiếp tân na hóa ra xe Thất Vĩ Ca trang nghiêm bằng bốn loại châu báu. Tôn Giả đi bằng xe Thất Vĩ Ca, hiện thần thông như vậy từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi đi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả trông thấy sự việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây bằng xe Thất Vĩ Ca trang nghiêm bằng bốn loại báu, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ma Ha Kiếp Tân Na. Vị ấy từ bỏ gia tộc xuất gia tu đạo, chứng đắc quả, thường nói lời ôn hoà được mọi người yêu mến. Đức Phật nêu rõ vị đó là bậc có ngôn từ ôn hòa đệ nhất. Tôn Giả ấy đã đến đây theo thứ tự.
Tiếp đến Tôn Giả Nan đà hóa ra một vườn rừng lớn với hoa trái sum suê, lại có các loài chim lạ như ngỗng, nhạn, oanh vũ, Khổng Tước, Xá Lợi Ra, Câu Chi La, Mạng Mạng… tụ tập vui chơi trong ấy. Tôn Giả an tọa trong vườn ấy hiện tướng như vậy, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả trông thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị đến đây ngồi trong vườn rừng lớn, hoa quả sum suê, chim lạ tụ tập vui chơi, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Nan Đà, con Vua Tịnh Phạn, là em ruột của Phật. So với thân Phật vị ấy thấp hơn bốn ngón tay, đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm. Trong quá khứ, vị ấy với tâm thanh tịnh, từng ở nơi Tháp của Đức Ca Diếp Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, cúng dường một cái lọng trang nghiêm bằng các loại quý báu tối thượng, đẹp đẽ đặc biệt.
Do nhân duyên ấy nên được phước báu thù thắng, trải qua một ngàn năm, trăm đời làm Vua Chuyển Luân, hưởng thọ thắng phước nhưng không xuất gia, cho đến đời này, vị ấy mới xuất gia tu đạo, chứng đắc Thánh quả, trong các oai nghi, luôn gìn giữ kín đáo các căn. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc nhất về hộ trì kín đáo các căn. Tôn Giả ấy đã theo thứ tự đến đây.
Đến lượt Tôn Giả La Hầu La hóa làm Vua Chuyển Luân, phước đức uy nghi, dung mạo thắng diệu đặc biệt, quyến thuộc hầu hạ, bảy báu đầy đủ, có tám mươi bốn câu chi bộ binh hùng dũng mạnh mẽ Ô Bố Sa Đà…, tám vạn bốn ngàn tượng binh Phược La Hạ Ca…, tám vạn bốn ngàn mã binh thiện chiến Nan Di Cù Sa…, tám vạn bốn ngàn xa binh đẹp mắt quý báu.
Lại có vô số trăm ngàn người hầu cận phục vụ chung quanh, tấu lên trăm ngàn loại âm nhạc vi diệu. Cờ phướn quý báu trang nghiêm dẫn đường hộ vệ trước sau, lọng trắng lớn che trên đảnh Luân Vương. Tôn Giả hiện thần thông như vậy, từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, chưa vào nhà, trụ giữa hư không.
Khi thấy sự việc ấy, trưởng giả bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc: Vị Chuyển Luân Thánh Vương có phước đức uy nghi, dung mạo thắng diệu đặc biệt, đầy đủ bốn loại binh tượng, mã, xa, bộ, hiện thắng tướng như thế, đến đây trụ giữ hư không, là thầy con phải không?
Đồng nữ đáp: Đấy không phải thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên La Hầu La. Vị ấy là con Đức Phật, xuất gia học giới chúng đắc quả thánh. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc học giới đệ nhất. Tôn Giả ấy hiện thân Luân Vương theo thứ tự đến đây.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Hiến Cúng Rừng Tre - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Bát Quan Trai
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Như Lai Thần Lực