Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Vua đảnh Sinh - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN

CỦA VUA ĐẢNH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN SÁU  

Lại có các loại chim nước bay liệng trong ao phát ra âm thanh vi diệu như tiếng cao vút bay xa, tiếng vui lòng người, tiếng hay vi diệu. Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, cành hoa lại to bằng cái gọng xe, lá mềm mại và rộng bằng Ngưu Vương, ngó sen rất tuyệt hảo, ngọt như sữa.

Bốn phía ao lại có tám ngàn ao hồ nước luôn đầy tràn và trang nghiêm đẹp đẽ, cũng có hoa đẹp phủ đầy mặt ao, chim nước bay liệng phát ra âm thanh vi diệu. Hoa sen trong ao lớn bằng bánh xe, cành lá và gốc cũng đều lớn như vậy. Con đường trong ao hồ dài hai mươi do tuần, rộng một do tuần rưỡi, cát trải khắp đất, nơi nào cũng trang nghiêm thanh tịnh.

Chạm vào nơi nào cũng có nước hương Chiên Đàn rưới khắp, dây vàng có chuông linh bằng vàng giăng bên đường đi, tự nhiên trừ được cát đá, gai gốc. Nếu khi voi chúa Thiện Trụ từ chỗ Thiện Trụ Sa La Thọ Vương đi đến ao hồ Mãn Đà Cát Nhĩ, hoặc để nguyên tướng voi tùy ý đi, hoặc dùng sức thần thông oai đức hiện tướng Trời, người cỡi trên một con voi, hoặc ngồi trên vai, hoặc ngồi trên đầu, tự nhiên đi trên không trung đánh trống, trỗi nhạc, ca hát, dạo chơi.

Nếu khi voi chúa vào trong ao vui đùa thì có tám ngàn voi quyến thuộc cũng đứng xung quanh trong ao, âm thầm bảo vệ voi chúa. Lúc voi chúa Thiện Trụ ở trong ao tha hồ vui đùa rồi lên bờ thì một con voi đầu đàn trong tám ngàn con voi liền lặn vào trong ao chỗ nước sâu, trong sạch, đem dâng cúng cho voi chúa trước.

Voi chúa đã ăn no rồi, bầy voi quyến thuộc mới lần lượt vào trong ao hồ, cùng nhau vui vẻ nô đùa và cũng hái ngó sen rửa sạch mà ăn.

Đức Phật dạy: Đại Vương, oai lực voi chúa Thiện Trụ ở trong Cõi Trời Ba Mươi Ba như vậy.

Sau đó A tu la điều chỉnh bốn loại binh: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh, chuẩn bị bốn loại áo giáp bền chắc, vàng, bạc, lưu ly, pha chi ca tốt đẹp xen lẫn nhau. Họ cầm bốn loại binh khí như cung, kiếm, gươm, dao, từ cung A tu la ra đi đánh nhau với Chư Thiên trong Cõi Trời Ba Mươi Ba.

Khi ấy, ở Thủy Cung, Long Vương thấy A tu la điều chỉnh bốn loại binh, mặc bốn loại áo giáp, rời cung đi đánh nhau với Chư Thiên, họ cũng chuẩn bị bốn binh, mặt áo giáp bằng vàng, bạc, lưu ly, pha chi ca, tay cầm binh khí bốn báu tốt đẹp để đánh nhau với A tu la.

Nếu Long Vương thắng trận, quân của A tu la bại trận, thoái lui vào trong cung. Nếu A tu la thắng trận, quân của Long Vương bại trận lúc ấy vị cầm đầu binh lực trong Cõi Trời Ba Mươi Ba đánh bại A tu la, liền vội vã chạy vào biển lớn, nơi tầng thứ nhất của Núi Chúa Tu Di dừng chân trú ngụ ở chỗ Thiên Vương Kiên Thủ.

Lúc bấy giờ Thiên Vương Kiên Thủ cùng với Long Vương ở thủy Cung chiến đấu với A tu la. Nếu hai vị thủ hộ thắng được A tu la thì khi đó A tu la bị bại trận, liền chạy vào trong cung.

Nếu A tu la thắng, hai vị thủ hộ bại trận, tức thì binh lực của hai vị thủ hộ trong Cõi Trời Ba Mươi Ba liền vội vã chạy vào tầng cấp thứ nhất đến tầng cấp thứ hai của Núi Chúa Tu Di, trú ngụ tại vùng đất ở giữa của Thiên Vương Trì Man.

Lúc bấy giờ ba vị thủ hộ là Thiên Vương Trì Man, Thiên Vương Kiên Thủ và Long Vương Thủy Cư cùng nhau hợp sức để đánh nhau với A tu la. Được thắng, khi đó A tu la thua, liền chạy vào trong Cung.

Nếu A tu la được thắng, ba vị thủ hộ trong Cõi Trời Ba Mươi Ba bị thua, tức thì binh lực bị bại trận của ba vị đều kéo nhau vào tầng thứ hai của núi chúa Tu Di rồi chạy vào tầng thứ ba, giữa chỗ trú ngụ của Thiên Vương Thường Kiêu. Khi ấy Thiên Vương Thường Kiêu, Thiên Vương Trì Man, Thiên Vương Kiên Thủ và Long Vương Thủy Cư cùng hợp lực với nhau để chiến đấu với A tu la bị bại, chạy lui vào Cung của họ.

Nếu A tu la được thắng thì bốn vị thủ hộ bị thua, tức thì binh lực bị bại trận của bốn vị thủ hộ trong Cõi Trời Ba Mươi Ba của Núi Chúa Tu Di, rồi đến tầng thứ tư, giữa chỗ trú ngụ của Tứ Đại Thiên Vương.

Lúc ấy Tứ Đại Thiên vương, Thiên Vương Thường Kiêu, Thiên Vương Trì Man, Thiên Vương Kiên Thủ và Long Vương Thủy Cư cùng nhau hiệp lực để chiến đấu với A tu la. Nếu năm vị thủ hộ được thắng, khi đó A tu la bị bại, chạy lui vào cung của họ.

Nếu A tu la được thắng thì năm vị thủ hộ bị thua, tức thì binh lực của năm vị thủ hộ trong Cõi Trời Ba Mươi Ba bị phá tan, họ liền từ tầng thứ tư của núi chúa Tu Di, đến nơi ở của Đế Thích ở trong Cõi Trời Ba Mươi Ba. Họ muốn phá tan quân A tu la cho đến cùng, nên binh lực của năm vị thủ hộ đã được chuẩn bị trở lại, bốn đoàn binh kéo đến chỗ Trời Đế Thích để xin chiến đấu.

Lúc ấy Tứ Đại Thiên Vương vào trong Cung Trời Đế Thích tâu: Thiên Chủ, chúng A tu la đã đem quân đến gây chiến với bốn loại binh của chúng tôi, năm chúng trong Trời đều bị phá tan bỏ chạy, hôm nay chúng tôi đến chỗ Thiên Chủ, vì chúng A tu la hùng mạnh hơn chúng tôi.

Cúi xin Thiên Chủ ban sức cho chúng tôi.

Thiên Chủ Đế Thích nghe các vị Trời tâu, ngài bảo các vị Trời trong Cõi Trời Ba Mươi Ba rằng: Các ngài nên biết, chúng A tu la có sức mạnh chiến đấu, họ đã phá tan được năm chúng thủ hộ, các ngài phải đến đây cầu chiến với ta.

Ta sẽ ban sức mạnh cho các ngài.

Thiên Chủ Đế Thích suy nghĩ: Phải có Voi Chúa Thiện Trụ chở ta đi.

Voi Chúa Thiện Trụ biết ý nghĩ của Trời Đế Thích. Như người tráng sĩ co duỗi cánh tay, chỉ trong khoảnh khắc, từ Châu Thiệm Bộ, voi chúa đã đến Cõi Trời Ba Mươi Ba, hiện ra ba mươi hai cái đầu, mỗi cái đầu đều có sáu ngà, trên mỗi cái ngà có bốn mươi chín ao hồ, mỗi ao hồ có bốn mươi chín hoa sen, trong mỗi hoa sen có bốn mươi chín lâu đài.

Trong mỗi lâu đài có bốn mươi chín lầu gác, trong mỗi lầu gác có bốn mươi chín người bảo vệ, mỗi người bảo vệ có bốn mươi chín Thiên Nữ, mỗi Thiên Nữ có bốn mươi chín thị nữ, mỗi thị nữ sử dụng bốn mươi chín trống Trời.

Đế Thích ngồi ở trên đầu chính tối thượng của voi chúa, còn ba mươi hai vị Trời khác thì theo thứ tự ngự trên những đầu voi hóa ra rất an ổn. Ngoài ra các vị Trời tùy theo đó mà đứng.

Lúc voi chúa chuyển động còn nhanh hơn gió, Thiên Tử, Thiên Nữ đều không thể thấy được đầu đuôi của voi chúa. Khi voi chúa Thiện Trụ đến trong Cõi Trời Ba Mươi Ba xong, liền đến cổng phía Nam vườn Thô Kiên, dùng thần lực hiện tướng người, Trời, cùng với Chư Thiên vui vẻ chơi đùa.

Khi ấy, Thiên Chủ Đế Thích ngồi trên voi chúa cùng với bốn đoàn binh nghiêm chỉnh mặc áo giáp bằng bốn thứ báu, đoàn binh hùng mạnh, hăng hái mang theo bốn loại binh khí bén nhọn để chiến đấu cùng A tu la.

Vua Đảnh Sinh trông thấy sự kiện như vậy, tâu với Đế Thích: Thiên Chủ, hôm nay Ngài đang dàn binh bố trận tôi cũng muốn hợp sức với ngài.

Thiên Chủ đáp: Tùy theo ý ngài, bây giờ thật đúng lúc. Vua Đảnh Sinh cùng với mười tám câu chi binh chúng hùng mạnh, bay lên hư không điều khiển dây cung, âm thanh phát ra thần tốc.

Chúng A tu la nghe thây âm thanh này vội hỏi: Ai đã kéo dây cung như thế?

Có người biết đáp: Đây là tiếng kéo dây cung của Vua Đảnh Sinh. Chúng A tu la nghe vậy, trong lòng vô cùng kinh dị. Trong lúc các vị Trời và chúng A tu la đánh nhau, binh lực ngang nhau, không phân thắng bại thì đoàn binh của Vua Đảnh Sinh mới xuất hiện. Đoàn binh của Vua Đảnh Sinh đứng trên hư không vô cùng mạnh mẽ, hùng tráng hơn quân của A tu la.

Khi ấy A tu la suy nghĩ và nói: Từ lâu ta đã nghe danh ông Vua Đảnh Sinh này trong loài người, dũng mạnh, nghiêm túc và có đại phước đức, oai đức cao vời không ai có thể sánh bằng. Ông ta đã vượt quá hư không, cao hơn chúng ta. A Tu La nói xong hoảng sợ chạy lui vào trong cung của họ.

Vua Đảnh Sinh hỏi các quan: Bây giờ phần thắng thuộc vệ ai?

Muôn tâu, nhà Vua đắc thắng.

Nhà Vua liền suy nghĩ: Ta đã thắng Cõi Trời Ba Mươi Ba, ta đã thống trị Nam Thiệm Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu.

Ta có đủ bảy báu và có ngàn người con, có sắc tướng tối thượng và dũng mạnh, không sợ bị quân khác hàng phục. Lại ở trong cung ta có mưa tiền vàng trong bảy ngày. Ta đã đến Cõi Trời Ba Mươi Ba và vào trong Cung Đế Thích, được ngồi nửa tòa trong Thiện Pháp Đường.

Nếu Thiên Chủ Đế Thích tạ thế, bỏ lại Vương vị này, ta sẽ là Vua thống trị Cõi Trời cũng như cõi người, là người tối thắng trong Trời người, chẳng khoái lắm sao?

Khi Vua vừa sinh tâm nghĩ như vậy, tức thì oai lực thần thông liền diệt mất, bị xuống trở lại nơi cung cũ ở Châu Thiệm Bộ, thân sinh các bệnh khổ đau đớn, lại thêm gầy gò khổ nhọc kề cận với thần chết.

Lúc đó trong các quan lại có bậc kỳ lão đến tâu với Vua: Thiên Tử, nếu sau này có người đến hỏi: Vua Đảnh Sinh khi sắp tạ thế có nói điều gì không?

Lúc ấy sẽ trả lời họ thế nào?

Nhà Vua bảo: Sau khi ta tạ thế, nếu có người đến hỏi như vậy ngươi hãy trả lời. Đại Vương Đảnh Sinh có oai đức tối thượng và đầy đủ bảy báu, là người duy nhất có đủ bốn thần lực.

Những gì là bốn?

Đó là:

1. Vua Đảnh Sinh được thọ mạng dài lâu trong thế gian, trải qua tất cả một trăm mười lăm đời Đế Thích. Đó là thần lực thứ nhất về thọ mạng.

2. Vua Đảnh Sinh có dung nghi tốt đẹp thù thắng, tối thượng, với hình dáng của Trời, vượt hơn loài người. Đó là thần lực thứ hai về sắc tướng.

3. Vua Đảnh Sinh đầy đủ các vật cần dùng, ít bệnh, ít buồn, sắc lực khang kiện, ăn uống hoàn toàn tự tiêu hóa, không bệnh hoạn, thời tiết tự điều hòa, không lạnh không nóng, tùy theo sinh hoạt đời sống, tất cả đều được an lạc. Đó là thần lực thứ ba về vô bệnh.

4. Tất cả mọi người trông thấy Vua Đảnh sinh đều ưa thích chiêm ngưỡng không nhàm chán, cũng như con yêu quý cha.

Vua Đảnh Sinh lại lo lắng thương dân, sinh tâm vui vẻ như cha yêu con, hoặc lúc Vua đi dạo xem khu thượng uyển, nói với người đánh xe: Ngươi có thể cho xe tiến tới từ từ để cho mọi người chiêm ngưỡng dung nhan của ta.

Mọi người lại nói với người đánh xe: Nhân giả, xin cho xe đi chậm lại để chúng tôi có thể trông thấy tướng hảo của Vua. Đó là thần lực thứ tư về ái lạc.

Vua Đảnh Sinh là chủ cao tột, thống trị bốn đại châu, sau đó đến Cõi Trời Ba Mươi Ba được Đế Thích chia nửa tòa của Ngài. Đầy đủ các việc như thế mà đối với năm dục Vua vẫn cảm thấy không biết đủ.

Khi sắp tạ thế, nhà Vua nói kệ:

Khổ thay, thế gian tham cảnh dục

Châu báu tuy nhiều không biết đủ

Nơi ấy vui ít, khổ lại nhiều

Bậc trí thấy rõ điều như thế.

Đến như dục lạc trong Cõi Trời

Tâm tham ái nên không giải thoát

Người nào có thể dứt cội nguồn?

Chỉ Thánh Đệ Tử Đấng Từ Tôn.

Giả sử châu báu nhiều vô lượng

Chất cao bằng với núi Tu Di

Không ai có thể sinh nhàm chán

Bậc trí khéo biết rõ điều này.

Nếu nghĩ ái dục là nhân khổ

Sao đối cảnh dục còn tham ái

Tham ái cội nguồn khổ thế gian

Bậc trí điều phục nên khéo học.

Đức Phật dạy: Đại Vương, vì lý do đó nên Vua Đảnh Sinh lại nói: Rất ít người trong cuộc đời có thể ở trong cảnh năm dục hiểu rõ biết đủ, cuối cùng đưa đến mạng chung. Nhiều người trong cuộc đời, ở trong cảnh năm dục không giác ngộ, không sinh tâm nhàm chán biết đủ, nên cuối cùng đưa đến mạng chung.

Lại nữa, Vua Đảnh Sinh vì lợi ích khắp cả mọi người đời sau, cho nên nói kệ:

Cực ác lưu chuyển trong sinh tử

Biết rõ thọ mạng tùy giảm thiểu

Phải mau tu tập các hạnh lành

Không tu phước hạnh nên đau khổ.

Thế nên tu phước là cao tột

Tùy theo hành thí như pháp nghi

Trong đời này và đời khác nửa

Nhờ tu phước tuệ được hỷ hoan.

Lúc bấy giờ trăm ngàn vô số nhân dân trong nước nghe tin nhà Vua lâm bệnh đều vội vã đến thăm viếng, hỏi han. Vua Đảnh Sinh đem các vấn đề tham dục và phương pháp đối trị giảng thuyết rộng rãi cho mọi người, khiến cho nhiều người từ giã gia đình đi xuất gia học đạo.

Khi ấy có vô số trăm ngàn người nghe lời giảng dạy liền đi xuất gia tu bốn phạm hạnh. Lại có nhiều người đoạn trừ tham dục, được sinh đến Cõi Phạm Thiên.

Đức Phật dạy: Đại Vương, Vua Đảnh Sinh đó từ lúc ấu thơ cho đến lúc làm Thái Tử và lên ngôi Vương vị, thống trị các cõi Nam Thiệm Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu, ở ngôi vị Luân Vương trong bảy núi vàng và đến Cõi Trời Ba Mươi Ba.

Trải qua các ngôi vị, trong thời gian ấy tất cả là một trăm mười bốn đời Đế Thích.

Đại Vương nên biết, tuổi thọ của Đế Thích tính bằng: Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày đêm ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, ba mươi ngày đêm là một tháng, một năm cũng có mười hai tháng. Tuổi thọ của Đế Thích là một ngàn năm, tức bằng ba ức sáu trăm vạn năm ở nhân gian.

Đại Vương, thuở trước lúc Vua Đảnh Sinh khởi niệm dục ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, lúc Thiên Chủ Đế Thích chia cho nửa tòa ngồi, khi ấy Tỳ Kheo Ca Diếp mới làm Đế Thích.

Vua Đảnh Sinh lại khởi niệm như thế này: Nếu Thiên Chủ Đế Thích ở nơi tòa này tạ thế, ta sẽ làm Vua cả Cõi Trời, cõi người, chẳng phải sướng lắm sao. Lúc đó Ca Diếp Như Lai làm Thiên Chủ Đế Thích, Vua Đảnh Sinh là người có đại danh tiếng, có phước vô lượng, chỉ trong một niệm sinh tâm lầm lỗi mà bị giảm thần lực và sa đọa, bị phiền não tật bệnh trói buộc phải qua đời.

Đức Phật dạy: Đại Vương, Vua Đảnh Sinh đâu phải người nào lạ, nay chính là ta. Lúc đó ta ban bố khắp quần sinh được lợi ích an lạc, đạt đến vô thượng, nhưng lại bị các ma chướng nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nhân duyên này mà phải đưa đến sự kiện như vậy.

Lúc đó Đại Vương Thắng Quân nước Kiều tát la bỗng có ý nghi ngờ, đến trước Đức Phật bạch: Thế Tôn, Vua Đảnh Sinh từ kiếp lâu xa, nhờ tu nhân gì và hành nghiệp gì mà được cảm nhận quả trong cung Vua, tự nhiên mưa tiền vàng trong bảy ngày?

Đức Phật đáp: Đại Vương, thời quá khứ xa xưa có Đức Phật ra đời hiệu Nhất Thiết Tăng Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Khi ấy có con của người trưởng giả đến nước kia y theo nghi lễ và phép tắc kết hôn cùng một cô con gái. Người vợ đem bốn thứ báu làm thành tràng hoa xinh đẹp và nấu các món ăn ngon ngọt cung cấp cho chồng. Người chồng thọ nhận xong đem tràng hoa báu trở về, giữa đường ông ta thấy Đức Phật Nhất Thiết Tăng Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đang khoan thai tiến bước.

Người con trưởng giả thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm liền sinh tâm kính tin, ưa thích, vô cùng thanh tịnh. Ông ta xuống xe, cung kính dâng hoa cúng dường. Vì Đức Phật Thế Tôn có sức oai thần cho nên biến hoa báu ấy lớn bằng bánh xe xoay vòng trên không trung, hoặc bay không ngừng.

Ông trưởng giả sinh tâm thanh tịnh, thuyết kệ:

Do nhân bố thí rộng lớn này

Thành Phật thế gian trí tự nhiên

Nguyện con mau thoát dòng sinh tử

Những ai chưa độ đều được độ.

Nhất Thiết Tăng Thượng Phật đại tiên

Hoa con dâng cúng vui lòng nhận

Con nguyện nhờ nhân rộng lớn này

Viên mãn mong cầu đạo vô thượng.

Đức Phật dạy: Đại Vương, Vua Đảnh Sinh nhờ nhân duyên đó nên trong Cung Vua tự nhiên mưa tiền vàng trong bảy ngày.

Đại Vương Thắng Quân lại bạch Đức Phật: Thế Tôn, Vua Đảnh Sinh nhờ duyên gì mà làm Vua thống lĩnh cả bốn đại châu?

Và có thể đến Cõi Trời Ba Mươi Ba?

Đại Vương, thời quá khứ xa xưa có Đức Phật ra đời hiệu Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Chánh Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật này đem chánh pháp giáo hóa chúng sinh, dần dần Ngài đi đến thành Mãn Độ Ma Đề.

Một hôm Đức Như Lai vào thành khất thực, lúc đó có, một thương chủ tên Quảng Tác trông thấy Đức Như Lai có tướng hảo thù thắng hy hữu đang tuần tự đi khất thực. Ông ta phát tâm thanh tịnh đem một ít đậu xanh đặt vào trong bát dâng cúng Đức Thế Tôn.

Có bốn hạt đậu vào trong bát, còn lại một hạt lại xoay vòng phát ra tiếng động rồi rơi xuống đất, còn lại bao nhiêu hạt đậu khác cũng theo đó rơi xuống.

Người thương chủ thấy vậy khởi tâm thanh tịnh, phát nguyện:

Do nhân bố thí rộng rãi này

Thành Phật thế gian trí tự nhiên

Nguyện con mau thoát dòng sinh tử

Những ai chưa độ đều được độ.

Đức Phật dạy: Đại Vương, người thương chủ đối với Đức Tỳ Bà Thi Như Lai tuy chỉ cúng dường chút ít nhưng do tâm thanh tịnh mà bốn hạt đậu được vào trong bát Đức Như Lai nên về sau được phước báu làm Vua thống lĩnh bốn đại châu. Còn có một hạt đậu rơi trong bát phát ra tiếng mới rơi xuống đất, thì được phước báo có thể đến Cõi Trời Ba Mươi Ba.

Lại nữa, này Đại Vương, hạt đậu kia nếu không rơi xuống đất mà được đặt vào trong bát, về sau thương chủ chắc chắn sẽ được làm chủ trong Cõi Trời, nhưng vì bị rơi xuống đất nên chỉ được làm chủ thống trị nhân gian.

Đại Vương, người thương chủ đó tức là Vua Đảnh Sinh vậy. Do đối với Đức Phật, ông ta đã gieo căn lành, được Đức Thế Tôn đại bi tiếp nhận cho nên được quả báu lớn, có đủ oai đức lớn và nhiều tiếng tốt.

Vì thế, bậc trí tuệ như Đại Vương đối với Đức Phật Thế Tôn tùy theo khả năng của mình nên tu các hạnh bố thí. Những điều ta dạy nên học tập như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần