Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Quang Minh đồng Tử - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHÂN DUYÊN QUANG MINH ĐỒNG TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan hầu bên Phật, thấy ánh sáng này liền chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các loại ánh sáng có màu sắc đẹp đẽ trong sáng, cao tột này từ miệng Phật phóng ra, chiếu rực rỡ khắp Thế Giới.

Vì nhân duyên gì mà có sự việc ấy?

Nói lời này rồi, liền nói kệ khen ngợi:

Ở thế gian Phật là bậc nhất

An trụ chánh nhân và chân thật

Ngài đã xa lìa nói hai lời

Dứt trừ kiêu mạn và lỗi lầm.

Như thương khư, ngó sen trong đời

Phải có nhân duyên màu tự trắng

Như Lai Tối Thắng Nhân Trung Tôn

Phải có nhân duyên hiện ánh sáng.

Như Lai dùng sức hạnh nguyện mình

Hiện được thần thông và trí lớn

Xem xét người nghe, vui nghe pháp

Phật chủ cõi người muốn diễn bày.

Đại ngưu vương trí lớn vắng lặng

Ắt nói lời pháp thiện cao tột

Như Lai giảng một lời thanh tịnh

Trừ sạch được lưới nghi chúng sinh.

Lại như núi chúa và biển lớn

Nếu không nhân duyên không thể động

Như Lai Chánh Giác Nhân Trung Tôn

Không duyên, không hiện tướng ánh sáng

Trí lớn xét kỹ về nguyên nhân

Việc đáng nên làm đều phải ích

Tùy chỗ mong cầu của chúng sinh

Nên Như Lai hiện tướng ánh sáng.

Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Đúng vậy, đúng vậy! Này A Nan! Nên biết Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên thì không phóng ra ánh sáng.

Nay ta muốn đến rừng Thi Đà, ông đến bảo chúng Tỳ Kheo: Như Lai sắp đến rừng Thi Đà, Tỳ Kheo các ông nên phát tâm dũng mãnh, mỗi người nên đắp Ca Sa, theo hầu Như Lai, đến rừng Thi Đà.

Tôn Giả A Nan vâng lời Phật dạy, đến chỗ các Tỳ Kheo nói: Phật dạy các Tỳ Kheo: Như Lai sắp đến rừng Thi Đà. Các Tỳ Kheo nên phát tâm dũng mãnh, mỗi người đắp Ca Sa, theo hầu Như Lai, đến rừng Thi Đà.

Khi đó, Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như, Mã Thắng, Phược Sáp Ba, Đại Danh, Bạt Nại Lý Ca, Xá Lợi Tử, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Mãn Xưng… cùng các chúng đại Thanh Văn vâng lời Phật rồi, như oai nghi thường lệ, đắp Ca Sa đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng với đại chúng vây quanh trước sau đến rừng Thi Đà.

Nghĩa là: Chúng điều phục vây quanh người khéo điều phục, chúng giải thoát vây quanh người giải thoát, chúng an ổn vây quanh người an ổn, chúng luật nghi vây quanh người luật nghi, chúng ứng cúng vây quanh người ứng cúng, chúng lìa tham vây quanh người lìa tham, chúng tướng tốt đoan nghiêm vây quanh người tướng tốt đoan nghiêm.

Giống như chúng ngưu vây quanh ngưu vương, cũng như đàn voi vây quanh voi chúa, như các thú vây quanh sư tử chúa, như đàn ngỗng vây quanh ngỗng chúa, như chúng Kim sí điểu vây quanh Kim sí điểu chúa, như học chúng vây quanh Bà La Môn.

Như người bệnh vây quanh thầy thuốc, như quân lính vây quanh tướng dũng mãnh, như của cải vây quanh người giàu có, như người buôn vây quanh thương chủ lớn, như nhiều người vây quanh người đứng đầu, như người hộ vệ vây quanh tiểu Quốc Vương, như ngàn Thiên Tử vây quanh Chuyển Luân Vương, như các ngôi sao vây quanh Thiên Tử Mặt Trăng.

Như ngàn ánh sáng vây quanh Thiên Tử Mặt Trời, như chúng Càn Thát Bà vây quanh Thiên Vương Trì Quốc, như chúng Cưu Bàn Trà vây quanh Thiên Vương Tăng Trưởng, như chúng rồng vây quanh Thiên Vương Quảng Mục, như chúng Dạ Xoa vây quanh Thiên Vương Đa Văn.

Như chúng A Tu La vây quanh A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa La, như Cõi Trời Tam thập tam vây quanh Thiên Chủ Đế Thích, như Phạm Chúng vây quanh Đại Phạm Vương, như cá Để Di La xuất hiện trong biển lớn, như mây đen kéo đến sắp tuôn mưa lớn và các đám mây xung quanh đều giăng theo. Các căn của Như Lai đều nhu hòa và điều thuận khéo léo. Oai nghi trang nghiêm, các tướng không khiếm khuyết. Như voi chúa bảy chi tròn đầy, ngay thẳng, đứng vững trên đất bằng, lìa các lỗi lầm.

Như Lai có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân tướng tốt, thanh tịnh trang nghiêm, không ai hơn được, tròn sáng rực rỡ, chiếu đến khắp nơi, như trong ánh sáng của ngàn Mặt Trời. Lại như núi báu cao lộ ra ngoài, tất cả đều rực rỡ, hoàn hảo, với mười lực, bốn vô sở úy, ba bất hộ, ba niệm trụ và đại bi… các pháp công đức thảy đều đầy đủ.

Lúc đó, lại có vô số chúng Tỳ Kheo và vô số trăm ngàn người vây quanh nhiều vòng theo Phật đi đến rừng Thi Đà. Khi Phật đi có mười tám pháp rất đáng ca ngợi.

Thế nào là mười tám?

1. Không sợ lửa.

2. Không sợ nước.

3. Không sợ sư tử.

4. Không sợ cọp.

5. Không sợ nạn biển.

6. Không sợ quân kẻ khác.

7. Không sợ giặc cướp.

8. Không sợ nạn Vua.

9. Không sợ người ác.

10. Không sợ thuế các cửa đường qua sông.

11. Không sợ người.

12. Không sợ không phải người.

13. Không sợ phi thời.

14. Là mắt Trời, tai Trời thấy nghe như thật.

15. Là ánh sáng chiếu sáng rỡ, rộng lớn.

16. Là với pháp đều tự tại.

17. Là với người đều tự tại.

18. Là không bị khổ não, bệnh…

Các pháp thiện ấy, khi Phật bước đi đều có đầy đủ.

Bấy giờ, lại có vô số trăm ngàn người và Trời đều tập trung theo Thế Tôn, đi đến rừng Thi Đà xem Phật Thế Tôn sẽ làm những gì.

Bấy giờ, trong thành Vương Xá có hai Đồng Tử, một người là dòng Bà La Môn, người thứ hai dòng Sát Đế Lợi.

Đồng Tử dòng Sát Đế Lợi tên là Thọ Mạng.

Hai Đồng Tử này từ thành Vương Xá đi ra, đang cùng đùa giỡn ở bên trái đường. Từ lâu, Đồng Tử Thọ Mạng đã có lòng tin chân chánh.

Đồng Tử Bà La Môn không có lòng tin chân chánh, bèn nói với Đồng Tử Thọ Mạng: Tôi nghe trước đây Thế Tôn nói: Vợ của trưởng giả Thiện Hiền sẽ sinh con trai, sau khi sinh rồi, gia đình sẽ giàu có thịnh vượng, an lành vào bậc nhất, ở trong loài người thọ hưởng phước Trời.

Về sau sẽ xuất gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A La Hán. Vợ của Thiện Hiền đã chết, con cũng chết theo. Thân thuộc của trưởng giả đem xác đặt trong rừng Thi Đà.

Không biết có phải Thế Tôn nói dối việc này hay không?

Lúc ấy, Đồng Tử Thọ Mạng vì Đồng Tử Bà La Môn nói kệ ca ngợi:

Mặt Trời, sao, trăng có thể rơi

Núi, đá, đất bay lên hư không

Nước biển, vực sâu có thể khô

Lời Phật nói quyết không giả dối.

Đồng Tử Bà La Môn nghe kệ rồi, mới nói với Đồng Tử Thọ Mạng: Nếu bạn không tin, tôi cùng bạn đi đến rừng Thi Đà xem rõ sự việc này.

Lúc này, Đức Thế Tôn từ thành Vương Xá tiếp tục ra đi. Hai Đồng Tử kia đang đùa giỡn bên trái đường.

Đồng Tử Thọ Mạng từ xa trông thấy Thế Tôn và đại chúng vây quanh, do căn lành đã có từ trước liền nói kệ ca ngợi:

Đại Mâu Ni hiếm có

Lìa các tướng loạn động

Khắp đại chúng Trời, người

Tuần tự đi theo Phật.

Gầm lên tiếng sư tử

Phá các luận ngoại đạo

Khéo dứt các lưới nghi

Bậc tối thượng khó thấy.

Phật đến rừng Thi Đà

Tướng oai nghi thích nhìn

Như gió thổi sạch tuyết

Sáng lạnh khắp không gian.

Đức Thích Ca Mâu Ni

Biến hóa hiện ánh sáng

Người thấy trong khoảnh khắc

Theo đó được lợi ích.

Bấy giờ quốc chủ nước Ma Già Đà, Vua Tần Bà Sa La, trước đã nghe Phật Thế Tôn nói: Vợ của trưởng giả Thiện Hiền sẽ sinh con trai, sau khi sinh rồi, gia đình giàu có thịnh vượng, an lành vào bậc nhất, ở trong loài người thọ hưởng phước Trời.

Về sau sẽ Xuất Gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A lahán. Vợ của trưởng giả đã chết, thân thuộc đem xác đặt vào rừng Thi Đà. Nay Phật Thế Tôn cùng đại chúng vây quanh cũng đến rừng Thi Đà.

Vua nghe rồi, tự nghĩ: Phật Thế Tôn, thầy ta, nếu không vì lợi ích thì không đến rừng Thi Đà. Không phải vợ của Thiện Hiền chết rồi mà sống lại được. Thế Tôn đến nơi ấy vì muốn làm các việc lợi ích. Ta nên đến đó xem!

Vua Tần Bà Sa La nghĩ rồi, liền cùng với các đại thần, quyến thuộc, cung tần vây quanh cùng ra khỏi thành. Khi ra thành, hai Đồng Tử kia vẫn còn đang đùa giỡn bên trái đường.

Đồng Tử Thọ Mạng từ xa trông thấy Vua Tần Bà Sa La, liền đến trước mặt, nói kệ ca ngợi:

Quốc chủ Ma Già Đà tối thắng

Quần thần hộ vệ ra khỏi thành

Phát lòng tin thanh tịnh chắc chắn

Tất cả mọi người đều vui mừng.

Lúc ấy, Phật và tất cả đại chúng Trời, người, Vua Tần Bà Sa La, Đồng Tử Thọ Mạng… đều đi đến rừng Thi Đà.

Bấy giờ, từ trong kim khẩu của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng thanh tịnh chiếu khắp chúng hội. Người đoán tướng là ngoại đạo Ni Kiền Đà cũng có trong hội.

Thấy Phật Thế Tôn phóng ra ánh sáng, liền nghĩ: Sa Môn Cù Đàm hiện tướng ánh sáng ở trong đại chúng, lẽ nào con của Thiện Hiền chưa chết hay sao?

Nghĩ xong, ông ta nói với trưởng giả Thiện Hiền: Này trưởng giả! Ta thấy Sa Môn Cù Đàm hiện bày tướng ánh sáng, ắt là con ông còn, không chết.

Trưởng Giả Thiện Hiền hỏi: Thưa Thánh giả Thầy con! Nếu việc này như vậy, con phải làm sao?

Ngoại đạo bảo: Trưởng giả! Nếu con ông còn thì nên cho vào tu học trong pháp của ta.

Bấy giờ, trưởng giả sắp hỏa táng người vợ, chất củi và các đồ tang lễ bên ngoài, đặt thi thể người chết ở trong rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa đã cháy thì từ giữa rốn người vợ dần dần nứt, mọc ra một hoa sen, trong hoa sen ấy có một Đồng Tử ngồi ngay thẳng, diện mạo tươi đẹp, sắc tướng khác thường.

Lúc đó, vô số đại chúng trong chúng hội đều thấy tướng này, khen là chưa từng có. Những người chánh tín, nhớ lời Phật đã nói lúc trước là thành thật, không giả dối. Ngoại đạo Ni Kiền Đà thấy sự việc này, trong lòng buồn khổ, đứng yên lặng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo trưởng giả Thiện Hiền: Ông đem Đồng Tử này về giữ gìn, nuôi dưỡng.

Ngoại đạo Ni Kiền Đà lén nhìn thái độ của trưởng giả, rồi nói: trưởng giả! Trong lửa đốt xác chết, bỗng sinh ra Đồng Tử. Tất cả việc này đều không phải điềm lành. Ông không nên mang đứa bé về nuôi dưỡng.

Trưởng Giả Thiện Hiền nghe lời, không bằng lòng nhận Đồng Tử.

Lúc này, Phật bảo Đồng Tử Thọ Mạng: Ông nên nhận Đồng Tử này về giữ gìn, nuôi dưỡng.

Đồng Tử Thọ Mạng suy xét rồi bạch Phật: Ở trong nhà của con không nơi nào chứa nhận. Giả như được đứa con này, không phải việc con nên làm.

Sau khi vợ Thiện Hiền được hỏa táng xong. Phật dùng sức oai thần của ánh sáng, khiến lửa tự diệt tắt. Trong khoảnh khắc, bầu Trời rơi tuyết nhỏ, tự nhiên trong lành, thâu sạch củi dư, làm sạch đất nơi hỏa táng. Trong lửa sinh ra một Đồng Tử đứng vững vàng.

Đức Thế Tôn bảo chúng hội và Đồng Tử Thọ Mạng: Các ông là người có lòng tin chân chánh, chớ học theo sự cuồng loạn khác thường của ngoại đạo, phải nên đứng vững trong suy nghĩ chân chánh.

Đồng Tử Thọ Mạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con sinh trong dòng Vua, cũng là dòng Vua lâu đời, thân con thanh tịnh, như hương thơm ngưu đầu Chiên đàn. Con thật không biết những việc cuồng loạn khác thường của ngoại đạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần