Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Bình Rượu Tiền Thân Kumbha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI SÁU  

PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ  

CHUYỆN BÌNH RƯỢU

TIỀN THÂN KUMBHA  

Ngài là Ðại Sĩ ở trên không. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên về việc năm trăm nữ nhân, các vị thân hữu của bà Visàkhà Tỳ Xà Khư, là những kẻ uống rượu nặng.

Lúc bấy giờ truyện kể rằng có một tửu hội được tổ chức tại Savathi Xá Vệ và năm trăm nữ nhân này, sau khi đem rượu nồng cho các vị phu quân xong, vào cuối đám hội lại suy nghĩ: Chúng ta cũng muốn dự tửu hội.

Họ liền tìm đến bà Visàkhà và bảo: Này hiền hữu, chúng ta cũng muốn dự hội.

Bà đáp: Ðây là một tửu hội, còn ta không muốn uống rượu nồng.

Họ bảo: Thế Hiền hữu hãy cúng dường Đức Phật Tối thượng, còn chúng tôi muốn dự hội này.

Nàng chấp thuận ngay và để họ đi. Sau khi đã cúng dường bậc Ðạo Sư một phẩm vật long trọng, buổi chiều bà đi đến Kỳ Viên, cầm nhiều tràng hoa thơm cùng các nữ nhân kia để nghe thuyết pháp.

Bấy giờ đám nữ nhân kia thèm uống rượu cùng khởi hành với bà, nên lúc họ đứng trong căn phòng có nóc nhọn kia, họ uống rượu mạnh rồi cùng bà Visakhà đến yết kiến bậc Ðạo Sư.

Bà Visàkhà đảnh lễ bậc Ðạo Sư và cung kính ngồi qua một bên. Vài người đàn bà trong bọn ấy dám múa ca ngay trước mặt bậc Ðạo Sư, có người lại lấy tay, chân làm những cử chỉ thô lỗ có người còn cãi nhau nữa. Bậc Ðạo Sư muốn gây chấn động cho bọn này, liền phóng ra một tia hào quang từ chân mày của Ngài.

Tiếp theo đó bầu Trời tối đen kịt. Bọn nữ nhân kinh hoàng sợ chết, vì thế tỉnh rượu ngay. Bậc Ðạo Sư biến mất khỏi bảo tọa Ngài đang ngồi, xuất hiện trên đỉnh núi Tu Di và phóng ra một tia hào quang từ giữa chân mày rực rỡ, khác nào ngàn vầng trăng hiện.

Trong lúc đứng đó, Bậc Ðạo Sư nói lên kệ này để gây kinh động cho đám nữ nhân kia:

Ở đây không phải chốn vui cười

Lửa dục đốt tan mọi cảnh đời

Sao mãi chìm thân trong bóng tối

Không tìm ngọn đưốc, nẻo đường soi.

Câu kệ vừa chấm dứt, cả đám năm trăm nữ nhân đều đắc quả Dự Lưu. Bậc Ðạo Sư lại xuất hiện trên bảo tọa dành cho Đức Phật dưới bóng mát của Hương phòng.

Lúc ấy, bà Visàkhà đảnh lễ Ngài và hỏi: Bạch Thế Tôn, việc uống rượu mạnh phát xuất từ đâu đã xâm phạm đến thanh danh và lương tâm con người?

Ðể trả lời bà, Ngài kể một câu chuyện quá khứ. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta đang trị vì Quốc Độ Ba La Nại có người thợ rừng tên gọi Sura, sống ở Quốc Độ Kàsi, đến vùng Tuyết Sơn đi tìm hàng buôn bán.

Ở đó có một cây mọc lên cao vừa tầm vóc người giơ hai tay lên đầu, và chia làm ba nhánh giữa cái chĩa ba này là một lỗ lớn bằng bình rượu, khi Trời mưa lỗ này đầy nước. Chung quanh cây này có hai cây myrobalan am ma lạc và một bụi tiêu, khi trái chín được cắt xuống lại rơi vào lỗ này.

Không xa cây này lại có một ruộng lúa tự mọc lên. Chim sẻ mổ lúa ăn đến đậu trên cây này. Trong lúc chim ăn, lúa và gạo sạch trấu rơi xuống đó, chỗ ấy nước lên men dưới ánh nắng mặt trời, nên có màu đỏ như máu.

Mùa nắng, từng đàn chim khát nước, uống nước ấy và say sưa, ngã xuống dưới gốc cây, sau khi ngủ một lát, lại bay đi, kêu chiêm chiếp rất vui tai. Việc này cũng diễn ra với các loài chó hoang, khỉ và nhiều dã thú khác nữa.

Người thợ rừng thấy vậy nghĩ thầm: Nếu đây là thuốc độc thì chúng chết hết rồi, nhưng còn đây sau một giấc ngủ ngắn, chúng bay đi như ý muốn, vậy không phải là thuốc độc.

Gã uống thứ nước ấy và lúc say rượu, gã thấy thèm ăn thịt, liền nhóm lửa lên, giết chim trĩ và gà gô vừa ngã gục dưới gốc cây, gã nướng con thịt trên đám lửa hồng, rồi một tay gã múa may, tay kia cầm thịt ăn, gã ở lại chỗ đó một hai ngày.

Bấy giờ không xa nơi ấy, có một vị Ẩn Sĩ tên gọi Varuna, nhiều lúc gã thợ rừng đến viếng Ẩn Sĩ, gã nghĩ thầm ta sẽ uống thứ rượu này với vị Ẩn Sĩ ấy.

Gã đổ đầy nước vào một ống sậy, cùng một ít thịt nướng, rồi gã đi đến Am Tranh và bảo: Thưa Thánh giả, xin Ngài thử nếm rượu này. Hai người cùng uống rượu và ăn thịt.

Vì thứ rượu này do Sura và Varuna phát hiện, nên được đặt tên theo đó: Rượu Surà và Varuni.

Cả hai suy nghĩ: Ðây là cách sử dụng rượu này.

Họ đổ đầy nước vào ống sậy, gánh đi đến làng lân cận, dâng sớ tâu Vua rằng có vài người lái buôn rượu đã đến. Nhà Vua cho triệu họ vào, và họ dâng rượu lên. Nhà Vua uống rượu hai ba lần là say mèm. Rượu này chỉ đủ dùng chừng hai ba ngày, sau đó Vua hỏi còn rượu không.

Họ bảo: Tâu Đại Vương còn.

Ở đâu thế?

Tâu Đại Vương trong vùng Tuyết Sơn. Thế đem rượu về đây.

Họ đi tìm rượu kia chừng hai ba lần rồi suy nghĩ: Ta không thể đến đó mãi. Họ nghiên cứu các thành phần chế tạo rượu ấy và bắt đầu dùng thứ vỏ cây kia, họ đổ thêm các thứ kia vào, và làm rượu ngay tại Kinh Thành. Dân trong thành uống rượu say trở thành những kẻ khốn cùng lười biếng.

Vùng ấy trở nên một Kinh Thành hoang vắng. Các lái buôn rượu bỏ đi đến Ba La Nại dâng sớ tâu nhà Vua xin trình báo họ đến thành. Nhà Vua triệu họ vào, trả tiền cho họ và họ lại làm rượu tại đó. Thành ấy cũng hoang tàn như kiểu trên.

Sau đó họ đến Sàketa, từ Sàketa họ đến Xá Vệ, lúc bấy giờ có vị Vua mệnh danh Sabbamitta ngự tại Xá Vệ. Nhà Vua tỏ ra ưu ái họ và hỏi họ muốn gì.

Khi họ bảo: Chúng tiểu thần muốn có các vật liệu chính cùng gạo xay và năm trăm chiếc bình. Nhà Vua ban đủ mọi thứ họ xin. Thế là họ cất rượu trong năm trăm bình kia, và họ cột một con mèo vào một bình rượu để canh giữ. Khi rượu lên men và bắt đầu phun ra, bầy mèo uống rượu mạnh chảy ra từ trong bình, khi say mèm, chúng nằm xuống ngủ, bọn chuột đến gặm tai, mũi, răng và đuôi mèo.

Quân Cận Thần đến tâu Vua: Bầy mèo đã chết vì uống rượu.

Nhà Vua phán: Chắc chắn hai gã kia đã làm thuốc độc.

Rồi Vua ban lệnh chém đầu họ và khi phải chết, họ còn la lớn: Xin cho chúng thần rượu mạnh, xin cho chúng thần rượu mật!

Nhà Vua, sau khi xử tử bọn kia rồi, ra lệnh mở các bình ra. Còn bầy mèo, khi tác dụng rượu đã hết, tỉnh dậy đi lại chơi đùa. Các cận thần thấy vậy liền tâu Vua.

Vua bảo: Nếu đó là thuốc độc thì chúng đã chết hết rồi, chắc đây là rượu mật ta phải uống mới được. Thế là Vua ra lệnh trang trí Kinh Thành, dựng ngôi đình trong sân chầu và ngự vào đình nguy nga trên ngai vàng có lọng trắng che đầu, với các cận thần chầu quanh, nhà Vua nhập tiệc uống rượu.

Lúc ấy Ðế Thích Thiên Chủ bảo: Có ai dưới trần là những kẻ phụng dưỡng mẹ cha lại tinh cần giữ trọn ba Chánh hạnh chăng?

Rồi nhìn xuống thế gian, Ngài thấy nhà Vua đang ngồi uống rượu nồng.

Ngài nghĩ: Nếu Vua ấy cứ uống rượu nồng mãi thì toàn Cõi Diêm Phù Đề sẽ bị hủy diệt, ta muốn thấy chắc chắn Vua không được uống rượu nữa.

Thế là đặt bình rượu vào lòng bàn tay, Ngài giả dạng một Bà La Môn, đứng trên không ngay trước mặt Vua kêu lớn: Mua bình này đi, mua bình này đi.

Vua Sabbamitta thấy Ngài đứng trên không và nói như vậy, liền hỏi: Bà La Môn này từ đâu đến đây?

Và nhà Vua ngâm vần kệ trò chuyện với Ngài:

Ngài là Đại Sĩ hiện trên không

Mình phóng hào quang rực ánh hồng

Như chớp ngang Trời đang lóe sáng

Ðêm đen kịt chiếu ánh trắng trong.

Giữa chốn bao la, lượt nhẹ mình,

Ði đứng trong khoảng chẳng âm thanh.

Lực thần Ngài đạt, ôi vi diệu,

Chứng tỏ Ngài Thần Thánh hiển linh

Ðạo Sĩ, xin cho biết bậc nào

Vật gì trong ấy, chiếc bình cao

Giữa không trung giáng trần như vậy

Chắc muốn bán hàng cho trẫm sao?

Lúc ấy Thiên Chủ đáp lại:

Này nhà Vua hãy nghe đây

Rồi vừa thuyết giảng mọi đặc điểm xấu xa của rượu nồng, Ngài vừa ngâm vần kệ.

Bình không đựng lạc, chẳng dầu hương,

Chẳng phải mật ong, chẳng mía đường

Song chuyện xấu xa không kể xiết

Chứa đây trong bụng quả cầu tròn

Ai uống, tội thay kẻ dại khờ

Sẽ chìm trong hố thẳm đen dơ

Ðâm đầu trong vũng bùn ghê tởm,

Ăn phải vật xưa đã nguyện chừa,

Ðại đế, xin mua bình rượu nặng

Ðầy lên tận miệng của nhà ta.

Rượu vào trí đảo lộn quay cuồng

Như chú bò ăn cỏ lạc đường

Tâm trí phiêu diêu, người lảo đảo.

Múa men ca hát suốt ngày trường.

Bình ta đầy rượu tràn lên miệng

Cực mạnh, mua ngay, hỡi Đại Vương!

Người uống rượu trơ trẽn chạy rong

Khắp thành, như Ẩn Sĩ trần truồng

Ðến khuya nằm nghỉ, liền đâm hoảng

Quên cả thì giờ phải ngã lưng

Bình rượu ta đầy lên tận miệng

Cực nồng, mua lấy hỡi Quân Vương!

Bợm rượu, như người hoảng múa men,

Ngã nghiêng, dường chẳng đứng ngồi yên

Tay chân run rẩy, đầu co giật

Như nộm gỗ nhờ tay kéo lên

Ðại đế, mua đi bình rượu đó

Ðầy lên tận miệng, rượu cay men.

Bợm rượu bị thiêu đốt ruột gan,

Hoặc làm mồi lũ chó rừng hoang,

Dấn thân tù ngục hay thần chết

Còn phải chịu hao tốn bạc vàng

Bình rượu ta đầy lên tận miệng

Cực nồng, mua lấy, hỡi Vương Quân!

Túy ông mất hết vẻ thanh tao

Trò chuyện những điều bẩn thỉu sao!

Ngồi đứng trần truồng cùng đám bạn

Mọi đàng ô trọc, bệnh lao đao

Bình ta đầy rượu tràn lên miệng

Cực mạnh, quân Vương hãy lấy vào!

Kẻ uống thường hay thói tự cao,

Nhãn quang chẳng sáng suốt đâu nào,

Thế gian của tớ, lòng thầm nghĩ,

Chẳng có Vua nào sánh kịp đâu!

Rượu nồng là thứ đại kiêu căng

Ác quỷ nhát gan tựa nhộng trần,

Kết hợp đánh nhau và phỉ báng

Ấy nhà cho trộm, điếm dung thân.

Dù gia đình có thật giàu sang

Hưởng thọ kho vô số bảo tàng

Giữ của Trời cho phong phú nhất

Rượu này cũng sẽ phá tan hoang

Bạc vàng, đồ đạc ở trong nhà

Ðồng ruộng, trâu bò, thóc vựa kho

Ta sợ tiêu vong vì rượu mạnh

Là mầm suy sụp của toàn gia

Túy ông đầy nặng tính kiêu căng

Phỉ báng cả hai bậc lão thân,

Thách đố bà con cùng máu huyết

Dám làm ô uế mối hôn nhân

Nữ nhân uống rượu cũng kiêu căng

Phỉ báng chồng mình lẫn phụ thân

Bất chấp thanh danh nhà quý tộc

Biến thành nô lệ tính điên khùng

Bợm rượu, gan liều dám sát nhân

Sa Môn chân chính Bà La Môn,

Rồi cùng mọi cõi đời đau khổ

Hối tiếc hành vi quá bạo tàn

Rượu vào, phạm ác nghiệp ba phần:

Lời nói, việc làm với ý tâm

Địa ngục chìm sâu đầy khổ não

Vì hành động ác tạo sai lầm

Có kẻ, người năn nỉ uổng công

Dù đem dâng mấy đống vàng, song

Khi say, chúng dụ theo đường chúng

Lời dối tuôn ra cũng sẵn lòng

Vì người say giữ việc thông tin

Gặp cảnh gian nguy đến đột nhiên

Hãy ngắm! Kẻ này thề thốt nặng:

Việc này tâm trí chợt quên liền!

Ngay người thanh lịch nhất, khi say

Cũng hóa ra phường tục tử ngay

Ðệ nhất trí nhân mà túy lúy

Cũng huyên thuyên nói xuẩn ngu đầy!

Uống nhiều, nhịn đói, ngã chơi vơi

Ðất cứng trần là chỗ nghỉ ngơi

Lúc nhúc trẽn trơ như lũ lợn

Chịu bao nhục nhã nhất trên đời

Như bò, bị đánh ngã trên trên sàn

La liệt nằm từng đống hỗn mang

Ngọn lửa chứa trong men rượu nặng

Sức người không thể sánh ngang bằng

Mọi người kinh hoảng vội lùi ra.

Tránh độc dược kia tựa độc xà

Dũng sĩ to gan nào giải khát

Cho mình bằng rượu giết người ta?

 Ta chắc sau khi uống rượu nồng

And ha tộc, với Vrish ni cùng

Lang thang bờ biển rồi nhào xuống

Vì chiếc chùy kia của họ hàng

Tiên say bị đọa khỏi Cung Trời

Thần lực mất liền, Ðại Đế ơi!

Ai muốn nếm mùi ghê tởm ấy,

Mua đi bình rượu của nhà tôi!

Chẳng phải sữa chua, mật ngọt đây

Song Ngài luôn nhớ mãi từ nay

Cái gì chứa đựng trong bầu ấy

Ðại đế xin mua lấy rượu này!

Khi nghe xong bài thuyết giảng trên, Vua nhận thấy thống khổ do rượu nồng gây ra, nên lòng hoan hỷ, tán thán Thiên Đế qua hai vần kệ sau:

Chẳng song thân dạy khéo như Ngài

Ngài thật nhân tử, thiện hảo thay,

Chân lý Ngài tìm ra Tối thượng

Trẫm vâng lời dạy bảo hôm nay

Năm đệ nhất thôn của trẫm ban

Bảy trăm bò, thị nữ trăm nàng

Mười xe tuấn mã thuần cao quý.

Vì lợi ích Ngài đã dạy răn

Ðế Thích nghe vậy liền xuất đầu lộ diện, vừa trụ trên không vừa ngâm hai vần kệ:

Một trăm thị nữ vẫn nhà Ngài

Làng mạc, đàn bò, cũng mặc ai

Chẳng ngựa xe, đòi thuần chủng quý

Sak ka Thiên Chủ chính danh này

Hưởng đủ bơ tươi, thịt ướp, cơm

Vui lòng ăn bánh mật men thơm

Thích nhiều chân lý ta vừa dạy

Trong sạch Cõi Thiên đến đúng đường.

Ðế Thích Thiên Chủ thuyết giáo cho Ngài xong lại trở về Thiên Giới. Nhà Vua liền chừa rượu mạnh và ra lệnh đập vỡ các bình rượu kia. Sau đó Ngài kiên tâm giữ ngũ giới và bố thí, về sau được sinh vào Cõi Thiên. Nhưng việc uống rượu mạnh dần dần phát triển khắp Cõi Diêm Phù Đề.

Bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Ànanda là nhà Vua kia, còn Ðế Thích Thiên Chủ chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần