Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mười Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN MƯỜI BA  

Năm vị Tỳ Kheo vừa nghe lời hỏi về năm ấm ấy xong, các lậu hoặc đều sạch không, tâm thông suốt, chứng được quả A La Hán, liền thưa: Bạch Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Kể từ đó, tại thế gian có sáu vị A La Hán. Đức Phật chính là Phật Bảo, Tứ Đế chính là Pháp Bảo, năm vị La hán ấy chính là Tăng Bảo. Như thế, ba ngôi báu đã đầy đủ, hiện diện ở thế gian, là ruộng phước tốt nhất cho cả Trời người.

Bấy giờ có chàng trai tên Da Xá, con của một vị trưởng giả giàu có nhất trong cõi Diêm Phù Đề, là người bản tánh thông minh, lanh lợi, thường đội thiên quan, đeo chuỗi anh lạc, đi giầy báu vô giá. Một hôm, sau khi vui chơi với các kỹ nữ đến khuya, tất cả đều đi ngủ, Da Xá nửa đ  êm bỗng thức giấc, nhìn thấy các kỹ nữ ngủ say, cô nằm sắp, cô nằm ngửa, tóc tai xổ tung rối bời, nước miếng nhểu ra, nhạc khí, quần áo và nữ trang rơi vãi lung tung.

Trông thấy cảnh ấy, Da Xá sinh ra chán ngán, suy nghĩ: ta nay đang ở trong nạn tai bất tịnh, lại tưởng lầm là thanh tịnh. Đang lúc suy nghĩ như thế, do uy lực của Chư Thiên, một luồng ánh sáng rực rỡ hiện ra chói lòa cả không trung, cửa tự nhiên mở, Da Xá theo luồng sáng ấy đi về phía vườn Lộc Dã.

Khi đến bờ Sông Hằng, Da Xá liền lớn tiếng kêu: Khổ đau thay! Lạ lùng thay!

Phật nghe được liền lên tiếng: Này Da Xá, ngươi hãy sang đây! Nay ở chỗ ta có pháp môn lìa xa đau khổ.

Da Xá nghe thế liền cởi đôi giầy quý để lại, lội qua sông đến chỗ Phật. Qua được Sông Hằng, Da Xá bước thẳng đến chỗ Phật.

Vừa đến nơi, thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tư thế đĩnh đạt, uy đức đầy đủ, lòng Da Xá vô cùng vui mừng phấn chấn, vội cúi năm vóc sát đất đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Xin Đức Thế Tôn hãy cứu vớt con.

Phật bảo: Lành thay! Thiện Nam Tử, ngươi hãy lắng nghe, suy tư và ghi nhớ kỹ. Như Lai sẽ tùy theo căn cơ của ngươi mà thuyết pháp. Này Da Xá, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Ngươi có biết không?

Da Xá nghe xong, lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc ấy, Đức Như Lai giảng lại pháp Tứ Đế, nghe xong Da Xá rũ sạch tất cả lậu hoặc, phiền não, tâm ý rỗng rang tự tại, chứng được quả A La Hán.

Da Xá liền bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thật đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Khi ấy thấy Da Xá vẫn còn mang những đồ trang sức, Phật liền nói kệ dạy:

Dù người còn ở nhà

Thân đầy trang sức quý

Khéo giữ gìn tình cảm

Chán xa năm thứ dục

Nếu được tâm như vậy

Mới thật là xuất gia

Tuy thân ở đồng trống

Ăn mặc thật dở thô

Ý còn tham năm dục

Chẳng phải là xuất gia

Những thiện ác đã tạo

Đều do tâm phát sinh

Cho nên thực xuất gia

Đều lấy tâm làm gốc.

Da Xá nghe Như Lai nói kệ xong, lòng suy nghĩ: Thế Tôn nói thế chính vì ta còn đeo mang châu báu, nay ta cần phải cởi bỏ những trang phục này, liền lạy và thưa với Phật: Xin Đức Thế Tôn chấp thuận cho con xuất gia.

Đức Thê Tôn nói: Thiện lai Tỳ Kheo! Râu tóc Da Xá liền tự rụng, Cà Sa khoác trên thân thành Sa Môn. Bấy giờ, cha của Da Xá buổi sáng thức dậy tìm con không thấy, lòng buồn khổ, than vãn, kêu khóc, đi dọc theo bờ sông tìm kiếm.

Đến Sông Hằng, thấy đôi giầy của con để lại trên bờ, ông suy nghĩ: Con ta chắc là đi con đường này. Ông vội lần theo dấu chân của Da Xá đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn trông thấy, biết ông ta vì con mà đến đây.

Nếu để ông thấy được Da Xá, nhất định trong lòng sẽ rất buồn khổ, hay có thể mạng chung nên dùng thần lực giấu thân Da Xá. Vị trưởng giả đi đến trước Phật, cúi đầu lễ xuống chân Ngài rồi đứng sang một bên. Lúc ấy, Đức Như Lai thuyết pháp theo đúng căn tánh của trưởng giả.

Phật dạy: Này Thiện Nam Tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Ông có biết không?

Vị trưởng giả, cha của Da Xá nghe những lời dạy ấy, tâm lập tức xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thưa với Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực sự là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lúc bấy giờ, Đức Như Lai biết trưởng giả đã thấy được đạo, niệm ân ái đã suy giảm nên hỏi ông vì việc gì mà đến đây.

Vị trưởng giả thưa: Con có đứa con tên Da Xá bỗng nhiên bỏ nhà đi mất từ đêm qua. Sáng nay con đi tìm chỉ thấy đôi giầy của nó bên bờ Sông Hằng rồi theo dấu chân tìm đến được đây.

Thế Tôn thu lại thần lực nên vị trưởng giả thấy được con mình, lòng mừng vui tột độ, nói với Da Xá: Lành thay! May thay! Con làm việc này khiến cha thật vui sướng. Con đã tự độ bản thân lại có thể độ cho người khác. Do con ở đây nên cha mới đến và nhờ đó mà cha thấy được đạo.

Nói xong, ông liền đến trước Phật xin thọ tam quy. Vị trưởng giả ấy là Ưu Bà Tắc đầu tiên trong cõi Diêm Phù Đề được cúng dường tam bảo.

Bấy giờ năm mươi người con của các trưởng giả khác, bạn của Da Xá, nghe Phật đã xuất hiện ở đời và biết Da Xá đã theo Phật xuất gia tu tập nên suy nghĩ: Nay ở thế gian có Đấng Vô Thượng Tôn, Da Xá là người thông minh, biện tài hơn người mà có thể rời bỏ gia đình, thân tộc giàu sang, xa lìa thú vui của năm dục, quyết chí tu hành, thay đổi hình hài thành Sa Môn.

Nay chúng ta còn tiếc gì mà không xuất gia?

Nghĩ xong, các chàng trai cùng nhau đi đến chỗ Phật. Chưa đến nơi nhưng từ xa họ đã thấy Đức Như Lai thân tướng tuyệt đẹp, ánh sắng rực rỡ, lòng họ rộn lên niềm vui, toàn thân nhẹ nhàng, thanh thản, lòng tôn kính phát sinh, họ lập tức đến gần Phật chắp tay nhiễu quanh rồi cúi đầu lễ xuống chân Phật. Những vị trưởng giả tử ấy vốn đã trồng căn lành từ trước nên dễ ngộ đạo. Đức Như Lai thuyết pháp phù hợp căn tánh của họ.

Ngài dạy: Này các thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Các ngươi có biết không?

Khi Phật vừa giảng xong lời pháp đó, tâm các chàng trai lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, liền cùng nhau thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Cúi xin Thế Tôn chấp thuận cho chúng con được xuất gia.

Phật nói: Lành thay, các Tỳ Kheo! Lập tức râu tóc họ tự rụng, vận Cà Sa trên thân, trở thành Sa Môn. Đức Thế Tôn liền giảng rộng pháp Tứ Đế cho các vị Tỳ Kheo ấy. Nghe xong, năm mươi vị Tỳ Kheo tỉnh ngộ, nội tâm đoạn trừ hoàn toàn lậu hoặc, phiền não, chứng được quả A La Hán. Lúc ấy lần đầu tiên ở thế gian có năm mươi sáu vị A La Hán.

Đức Như Lai bảo các thầy Tỳ Kheo: Nay các ông, việc cần làm đã làm xong, xứng đáng là ruộng phước vô thượng cho thế gian. Các ông mỗi người nên đi khắp nơi giáo hóa, lấy đức từ bi để độ chúng sinh. Nay ta cũng sẽ một mình đi đến thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đề để hóa độ nhân dân ở đó.

Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời.

Các Tỳ Kheo cúi đầu đảnh lễ Phật rồi mỗi vị khoác y cầm bát từ giã Phật ra đi.

Sau khi các Tỳ Kheo đi rồi, Thế Tôn suy nghĩ: Hiện nay ta phải hóa độ những chúng sinh nào để có lợi ích rộng rãi cho cả Trời người?

Chỉ có ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp tu theo đạo thờ lửa ở tại nước Ma Kiệt Đề là người được cả Vua và thần dân đều quy ngưỡng tin theo. Ông ta rất thông minh, căn tánh lanh lợi, dễ giác ngộ nhưng lại rất ngã mạn, rất khó điều phục. Nay ta phải đến đó đưa họ đến giải thoát. Suy nghĩ xong, Đức Phật từ giã thành Ba La Nại đến nước Ma Kiệt Đề. Trời vừa sập tối, Phật cũng vừa đến được trú xứ của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp.

Lúc ấy Ca Diếp thấy thân tướng của Như Lai tốt đẹp, trang nghiêm trong lòng vui mừng, hỏi: Vị Sa Môn trẻ tuổi từ đâu đến?

Phật đáp: Ta từ nước Ba La Nại đến, muốn đi đến nước Ma Kiệt Đề nhưng vì Trời tối nên muốn xin nghỉ lại một đêm.

Ca Diếp đáp: Ở lại một đêm không có gì bất tiện, chỉ ngặt là các phòng đều có đệ tử của tôi ở cả.

Chỉ còn một hang đá rất thanh tịnh, các dụng cụ thờ lửa của tôi đều để trong đó, nơi đó thanh vắng có thể ở được nhưng trong hang có con rồng dữ, chỉ e nó sẽ làm hại người mà thôi?

Phật đáp: Dù có rồng dữ nhưng tôi xin cứ được ở tạm.

Ca Diếp đáp: Tính nó hung dữ, sợ làm hại Ngài chứ chẳng phải tôi tiếc.

Phật nói: Chỉ cho tôi ở tạm, nhất định không sao đâu.

Ca Diếp đáp: Nếu Ngài có thể ở được thì xin tùy ý Ngài.

Phật nói: Tốt lắm và liền bước vào hang đá, ngồi kiết già thiền định. Lúc ấy rồng độc nổi cơn giận dữ, toàn thân phun ra lửa khói. Đức Thế Tôn bèn hướng tâm vào Hỏa quang tam muội, rồng thấy thế càng giận dữ phun lửa bốc cao, bao trùm cả hang đá.

Các đệ tử của Ca Diếp thấy ngọn lửa dữ ấy liền vào thưa với thầy là vị Sa Môn trẻ tuổi, thông minh trang nghiêm ấy đã bị lửa của độc long làm hại. Ca Diếp giật mình đứng dậy ra xem, thấy ngọn lửa của độc long, trong lòng buồn thương liền sai đệ tử lấy nước dập tắt, nhưng chẳng những không dập tắt được mà ngọn lửa càng bốc cao hơn, trùm khắp hang đá.

Khi đó thân tâm Đức Thế Tôn vẫn bất động, sắc diện an nhiên tự tại, hàng phục làm cho độc long tiêu trừ tính ác, quy y với Phật rồi vào nằm trong bình bát của Ngài. Trời vừa sáng, thầy trò Ca Diếp cùng đến chỗ hang đá, họ đều nghĩ là vị Sa Môn trẻ tuổi chắc đã bị lửa rồng giết hại.

Ca Diếp nói: Vị Sa Môn ở trong hang kia, hôm qua tôi không cho Ngài ở chỉ vì lý do này.

Phật liền lên tiếng: Lòng ta thanh tịnh thì không bao giờ bị tai họa bên ngoài làm hại. Nay Độc long đang ở trong bình bát.

Phật bèn mở bát đưa cho Ca Diếp xem. Thầy trò Ca Diếp thấy vị Sa Môn chẳng những không bị lửa rồng độc làm hại mà còn hàng phục được và đặt nó vào bát, khen ngợi cho là điều chưa từng có.

Tuy nhiên Ca Diếp vẫn nói với các đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi ấy tuy có thần thông nhưng nhất định không thể bằng chân đạo của ta.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nói với Ca Diếp: Nay tôi muốn ở lại nơi đây được không?

Ca Diếp đáp: Thật tốt lành! Xin tùy ý Ngài.

Trong đêm thứ hai, Đức Như Lai đến ngồi dưới một bóng cây. Vào giữa đêm, bốn vị Thiên Vương cùng đến chỗ Phật để nghe pháp. Mỗi vị đều từ thân phóng hào quang chiếu sáng như mặt trời, mặt trăng.

Đêm ấy Ca Diếp thức giấc, từ xa trông thấy ánh sáng của Chư Thiên bên cạnh Như Lai liền nói với các đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia cũng theo đạo thờ lửa.

Đến sáng, ông ta đến chỗ Phật, hỏi: Thưa Sa Môn, Ngài cũng theo đạo thờ lửa phải không?

Phật đáp: Không phải thế, đêm qua có Tứ Thiên Vương đến nghe thuyết pháp nên có ánh sáng đó.

Ca Diếp nói với chúng đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi đó có uy đức lớn nhưng tuyệt nhiên không thể sánh với đạo chân chánh của ta. Vào đêm thứ ba, Vua Trời Đế Thích từ Thiên cung xuống nghe thuyết pháp, thân vị ấy chiếu hào quang sáng như Mặt Trời mới mọc.

Các đệ tử của Ca Diếp từ xa trông thấy ánh sáng của vị Trời bên cạnh Phật vội vàng đến thưa thầy: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia chắc chắn là theo đạo thờ lửa.

Trời vừa sáng, tất cả lại đến hỏi Phật. Phật cho biết đó là hào quang của Vua Trời Đế Thích xuống nghe pháp. Nghe thế nhưng Ca Diếp vẫn cho đạo ông ta là chân chánh hơn.

Đến đêm thứ tư, Đại Phạm Thiên Vương cũng xuống thế gian, đến chỗ Phật nghe thuyết pháp. Hào quang từ thân vị ấy sáng như Mặt Trời giữa trưa. Đêm đó, Ca Diếp trở giấc thức dậy, thấy ánh sáng chói chang tại chỗ Phật nên quyết chắc là Ngài theo đạo thờ lửa. Sáng mai, Ca Diếp lại đến hỏi Phật mới biết là giữa đêm có vị Đại Phạm Thiên Vương đến nghe Phật thuyết pháp.

Ca Diếp trong lòng thầm nghĩ: Tuy vị Sa Môn trẻ tuổi này có Thần Thông kỳ diệu như thế nhưng tuyệt nhiên vẫn không thể sánh bằng chân đạo của ta.

Năm trăm đệ tử của Ca Diếp, mỗi vị đều thờ ba ngọn lửa, sáng nào họ cũng đốt lửa, nhưng hôm ấy đốt mãi mà lửa vẫn không cháy nên kéo đến thưa lên thầy.

Ca Diếp nghe xong, thầm nghĩ trong lòng: Điều ấy chắc là do thần lực của vị Sa Môn kia nên lập tức cùng đệ tử đến gặp Phật, nói: Mỗi người đệ tử của tôi đều thờ ba ngọn lửa. Sáng nay muốn thắp lên mà lửa vẫn không cách nào cháy được.

Phật bảo: Các ông hãy trở về, lửa sẽ tự nhiên cháy.

Ca Diếp quay về thì thấy lửa đã cháy nhưng vẫn tự nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia tuy có diệu lực nhưng dẫu sao vẫn không chân chánh bằng đạo của ta. Các đệ tử làm lễ cúng dường lửa xong, muốn tắt lửa nhưng không thể nào tắt được, vội đến thưa với Ca Diếp.

Ca Diếp nghĩ chắc cũng do vị Sa Môn kia làm ra, bèn đến trình bày việc ấy với Phật.

Phật bảo: Các ông hãy về đi, lửa sẽ tự tắt.

Quả nhiên khi thầy trò trở về thì lửa đã tắt nhưng Ca Diếp vẫn cho đạo ông là chân chánh hơn.

Đến khi bản thân Ca Diếp tế thần lửa, nhưng đốt mãi mà lửa vẫn không cháy, Ca Diếp biết là do thần lực của Phật nên đến thưa với Ngài. Phật bảo Ca Diếp có thể ra về, lửa sẽ tự nhiên cháy. Quả nhiên khi Ca Diếp trở về thấy lửa đã cháy.

Sau khi tế xong, Ca Diếp không tắt được lửa cũng đoán biết là do thần lực của Phật nên lại đến trình bày với Ngài. Phật cũng bảo trở về và quả nhiên khi Ca Diếp vừa về tới thì lửa đã tự nhiên tắt lịm. Tuy vậy, Ca Diếp vẫn tự phụ đạo của mình là hơn cả.

Vào buổi sáng sớm, các đệ tử của Ca Diếp cùng bổ củi nhưng không thể nào dỡ rìu lên được, bèn thưa với thầy.

Ca Diếp nghe xong thầm nghĩ: Đây chắc hẳn là việc làm của vị Sa Môn ấy nên cùng với các đệ tử đi đến chỗ Phật thưa: Sáng sớm này, các đệ tử của tôi chuẩn bị bổ củi nhưng không làm sao dỡ rìu lên được.

Phật bảo: Ông hãy về đi, các đệ tử ông sẽ tự nhiên dỡ rìu lên được.

Ca Diếp trở về, thấy các đệ tử quả nhiên đã dỡ rìu lên được. Dầu vậy Ca Diếp vẫn tự cho là đạo mình chân chánh hơn tất cả. Ngay lúc ấy, các đệ tử dỡ rìu lên nhưng lại không hạ xuống được bèn chạy tới trình bày với thầy. Ca Diếp đoán biết là việc làm của Phật nên đến thưa với Ngài sự việc đó.

Phật dạy: Ông có thể về, rìu sẽ tự hạ xuống về đến nơi, quả nhiên Ca Diếp thấy các đệ tử đã hạ rìu xuống cả. Cũng như trước, Ca Diếp vẫn tự phụ về đạo của mình là chân chánh nhất.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần