Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN NĂM
Đề Bà Đạt Đa thấy thế hỏi: Vì sao đứng lại không tiến tới?
Quân thưa vì có con voi lớn chặn ở cổng thành. Đề Bà Đạt Đa nghe xong liền một mình tiến tới gần con voi, dùng tay đấm mạnh vào đầu voi, con voi quỵ ngã xuống đất chết ngay. Khi đó quân lính mới lần lượt đi qua.
Đến khi Nan Đà và quyến thuộc đi ra thành, quân lính cũng lần lượt đi qua một bên, Nan Đà hỏi tại sao mọi người đi chậm thế, có người thưa: Đề Bà Đạt Đa dùng tay đắm chết voi, xác nằm ngay cổng thành, mọi người phải tránh sang một bên nên không đi nhanh được.
Nan Đà nghe thế liền một mình đi đến đó dùng ngón chân hất xác voi qua một bên lề đường để mọi người đi qua. Lúc đó nhiều người xung quanh đều tụ tập lại để xem.
Đến lượt Thái Tử cùng mười vạn quyến thuộc muốn ra khỏi thành, nhưng thấy mọi người đang tụ tập đông đảo, hỏi ra mới biết Đề Bà Đạt Đa dùng tay đắm chết voi để xác ở cổng thành, Nan Đà dùng ngón chân hất xác voi sang bên lề do vậy mọi người vây quanh để xem.
Khi ấy Thái Tử nghĩ đã đến lúc thị hiện thần lực nên liền đến nâng xác voi ném ra ngoài thành rồi lại đưa tay đỡ mà không làm cho voi bị tổn thương. Con voi bỗng sống lại, mạnh khỏe như trước, không hề bị đau đớn, khổ não. Dân chúng thấy thế khen là việc chưa từng có. Đức Vua khi nghe việc ấy cũng cho là vô cùng lạ thường.
Khi Thái Tử, Đề Bà Đạt Đa, Nan Đà cùng dân chung đến nơi hậu viên đã được sắp đặt trang nghiêm, bày sẵn các loại trống bằng vàng, bạc, đồng, đá, sắt… mỗi loại đều có bảy chiếc. Đề Bà Đạt Đa bắn trước xuyên thủng ba chiếc trống bằng vàng, Nan Đà bắn thứ hai cũng bắn xuyên ba chiếc trống, dân chúng ai cũng khen ngợi.
Lúc ấy các quan thưa với Thái Tử: Đề Bà Đạt Đa và Nan Đà đã bắn xong, nay đến lượt Thái Tử. Xin Thái Tử hãy bắn những chiếc trống kia. Các vị ấy thưa đến ba lần như thế.
Thái Tử bảo: Nếu muốn bắn những chiếc trống ấy thì cánh cung này yếu lắm, hãy tìm cho Ta cánh cung nào cứng hơn.
Các quan thưa: Tiên Vương có một chiếc cung rất tốt, hiện ở trong kho, có thể đem đến cho Thái Tử.
Khi cung được đưa đến, Thái Tử cầm lên, bắn một mũi tên xuyên qua tất cả trống và cắm xuống ao làm nước trong ao bắn vọt lên, mũi tên còn xuyên suốt đến núi Thiết Vi.
Lúc ấy Đề Bà Đạt Đa và Nan Đà đùa giỡn vật nhau, nhưng cả hai đều ngang sức nên không người nào thắng được. Thái Tử bước tới dùng tay nắm chặt cả hai em vật ngã xuống đất nhưng do lòng từ bi nên cả hai người đều không hề bị đau đớn.
Dân chúng thấy Thái Tử có sức mạnh như vậy nên đồng thanh hô to: Thái Tử con Vua Bạch Tịnh không những trí tuệ vượt hơn tất cả người mà sức mạnh cũng không ai sánh bằng.
Không ai không thán phục, càng cung kính Thái Tử hơn.
Lúc bấy giờ Vua Bạch Tịnh truyền gọi các quan đến để cùng bàn luận, Vua nói: Nay Thái Tử đã lớn, đã có đầy đủ trí tuệ và sức lực. Nay trẫm cần phải lấy dùng nước bốn biển để làm lễ quán đảnh cho Thái Tử.
Nói rồi Vua liền truyền lệnh cho tất cả các Tiểu Vương đến ngày tám tháng hai hãy tụ họp về cung để dự lễ quán đảnh của Thái Tử. Đến ngày ấy, Quốc Vương các nước khác và các Đạo Sĩ Bà La Môn đều tụ hội đông đảo.
Hoàng cung lúc bấy giờ được trang hoàng rực rỡ, treo dựng phướn, lọng, đốt hương, rải hoa, cử chuông trống, tấu các khúc nhạc hay, dùng bình thất bảo đựng nước bốn biển. Các Tiên Nhân, mỗi vị đều đội bình nước trao cho các Đạo Sĩ Bà La Môn, các vị Bà La Môn chuyền bình nước trong chúng rồi trao cho các vị Đại Thần. Các quan đều đội bình nước trao cho Nhà Vua.
Khi ấy Nhà Vua rưới nước lên đầu và trao ấn thất bảo cho Thái Tử, kế đó truyền đánh trống lớn, xướng lớn: Nay lập Tát bà Tất đạt làm Thái Tử.
Nơi không trung lúc đó tám bộ chúng Trời, Rồng… đều tấu nhạc đồng thanh ca ngợi: Lành thay! Đúng vào lúc Bồ Tát lên ngôi Thái Tử, tại thành Ca Tỳ La, tám vị Vua của nước khác cũng lập Thái Tử.
Một hôm, Thái Tử xin Vua cha ra ngoài thành du ngoạn. Đức Vua bằng lòng, cùng Thái Tử và quần thần lần lượt ra thành đến thăm khu đất canh tác của hoàng gia. Đi tới cội cây Diêm Phù, Thái Tử dừng lại đứng xem nông phu cày ruộng. Bấy giờ vị Thiên Tử ở Cõi Trời Tịnh cư hóa thân thành trùng đất bị những con chim sà theo luông cày mổ ăn.
Thái Tử thấy cảnh ấy, khởi niệm từ bi thương xót: Chúng sinh thật đáng thương, loài này ăn thịt loài kia.
Rồi Thái Tử chìm trong suy nghĩ: Làm thế nào để xa rời cõi ái dục. Tâm Thái Tử định tĩnh đi vào Tứ Thiền. Ánh dương quang chuyển dời, nhưng cây Diêm Phù vội uốn cành phủ lá che mát cho Thái Tử không rời.
Lúc đó Nhà Vua không thấy Thái Tử liền tìm kiếm khắp nơi, hỏi các quan, một vị thần thưa với Nhà Vua: Thái Tử đang ngồi dưới bóng cây Diêm Phù, Vua liền cùng các quan đến đó. Chưa đến nơi, từ xa, Đức Vua đã thấy Thái Tử ngồi nhập định dưới bóng cây, tuy Trời chiều nhưng bóng cây không di chuyển, vẫn che cho Thái Tử làm Nhà Vua vô cùng kinh ngạc.
Vua cha bước đến cầm tay Thái Tử hỏi: Sao con lại ngồi nơi đây?
Thái Tử đáp: Con xem thấy các loài chúng sinh ăn thịt nhau, thật là đáng thương.
Vua nghe lời ấy, trong lòng lo sợ Thái Tử xuất gia, liền nghĩ tới việc phải cưới vợ cho Thái Tử để Thái Tử vui mà quên nghĩ ngợi. Nhà Vua truyền bảo con trở về cung, nhưng Thái Tử lại tỏ ý muôn ở lại. Vua liên tưởng đến lời Tiên A Tư Đà nên rơi nước mắt, khuyên Thái Tử nên về. Thấy Vua cha có vẻ buồn bã, Thái Tử thuận theo cha trở về. Nhà Vua luôn nghĩ đến việc Thái Tử sẽ xuất gia nên truyền tăng thêm số kỹ nữ để làm vui lòng Thái Tử.
Năm Thái Tử mười bảy tuổi, Vua triệu tập các quan để bàn việc hôn nhân của Thái Tử. Các quan tâu có một người Bà La Môn họ Thích tên là Ma Ha Na Ma sinh được người con gái là Da Du Đà La dung nhan xinh đẹp, tính nết đoan trang, lại thông minh, trí tuệ, tài đức hơn người, rất xứng đôi với Thái Tử. Vua nghe xong bảo nếu thế thì nên cưới cho Thái Tử. Vua liền vào nội cung cho gọi một cung nhân lanh lợi thông minh đến nhà trưởng giả Ma Ha Na Ma để xem xét dung mạo và đức hạnh của nàng ấy.
Vị cung nữ theo lệnh đến nhà vị trưởng giả trong bảy ngày quan sát kỹ nàng Da Du Đà La rồi về tâu với Vua: Thần xem nàng ấy dung mạo xinh đẹp, nết na đoan trang, đi đứng uy nghi, thật ít có ai bằng!
Vua nghe thế rất mừng, lập tức sai người đến nói với trưởng giả Ma Ha Na Ma: Nay Thái Tử đã trưởng thành, Nhà Vua muốn cưới vợ cho Ngài. Đức Vua nghe các quan trong triều đều khen ngợi con gái của ông, Nhà Vua rất vừa ý nên sai tôi đến đây để bàn việc hôn sự.
Ma Ha na ma đáp: Xin tuân sắc chỉ của Đức Vua.
Vua liền sai các quan chọn ngày lành rồi truyền đưa một vạn cỗ xe đến để rước dâu. Khi rước Da Du Đà La về cung, Nhà Vua cho tổ chức đầy đủ các nghi thức hôn sự và cũng cho tăng thêm kỹ nữ ngày đêm ca múa làm vui lòng Thái Tử. Thái Tử tuy cùng vợ đi, đứng, nằm, ngồi không rời, nhưng hoàn toàn không vướng ý tình thế tục, đêm nào Thái Tử cũng chỉ tu tập Thiền quán. Vua thường dò hỏi các thể nữ về đời sống vợ chồng của Thái Tử.
Các thể nữ đều tâu: Không thấy Thái Tử có cử chỉ gì tỏ ra là đạo vợ chồng.
Vua nghe thế lại càng sầu não, vội truyền các cung nữ bày thêm nhiều thú vui hơn nữa cho Thái Tử. Trải qua một thời gian, Thái Tử vẫn tuyệt nhiên không gần gũi vợ nên Nhà Vua có ý nghi ngờ, lo Thái Tử không có khả năng nam nhi.
Một hôm, Thái Tử nghe các thể nữ ca vịnh phong cảnh xinh tươi của khu vườn rừng với nhiều cây cối, hoa lá sum suê, suối khe trong mát nên muốn ra thành, đến đó thưởng ngoạn, liền sai thể nữ tâu Vua là Ngài ở trong cung cấm đã lâu, nay muốn được ra thành du ngoạn.
Vua nghe tâu trong lòng rất vui mừng nhưng rồi lại nghĩ: Thái Tử ở trong cung, không vui thích với đời sống vợ chồng nên mới xin ra ngoài du ngoạn mà thôi!. Vua truyền lệnh cho các quan dọn dẹp đường phố, sửa sang hoa viên thật sạch đẹp.
Khi Thái Tử đến lễ Vua cha xin phép đi du ngoạn, Vua liền sai một vị cựu thần thông minh, giỏi tài biện luận theo hầu Thái Tử. Thái Tử cùng các quan tùy tùng ra khỏi cửa thành phía Đông. Dân chúng trong nước nghe Thái Tử ra thành du ngoạn nên tụ hội đứng xem dầy đặc như thể mây Trời.
Lúc ấy vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư hóa thân thành một cụ già tóc bạc, lưng khòm chống gậy lê bước đi, Thái Tử thấy thế liền hỏi người hầu: Đó là người gì vậy?
Người hầu thưa: Đó là một người già.
Thái Tử liền hỏi: Sao gọi là già?
Người hầu thưa: Người ấy trước đây từng là một đứa trẻ lớn dần lên theo năm tháng, đến nay thân thể đã già cỗi, sắc hình suy nhược, tàn phai, ăn uống thật khó khăn, sức lực đã yếu nên đứng ngồi cũng rất khó khăn, không còn sống bao lâu nữa nên gọi là già.
Thái Tử lại hỏi: Chỉ có một mình ông ta như thế hay tất cả mọi người đếu như vậy?
Thưa: Tất cả mọi người đều sẽ phải như thế cả.
Thái Tử nghe trả lời như vậy, lòng buồn rầu suy nghĩ: Ngày tháng qua mau, già đến nhanh như chớp.
Thế thì thân này đâu có gì chắc chắn. Ta tuy giàu sang cũng đâu thể nào thoát được, sao người đời vẫn không lo sợ?
Từ trước tới nay, Thái Tử vốn không ham thích cuộc sống phàm tục, nay nghe điều ấy lại càng nhàm chán, muốn lìa xa cõi đời, liền cho quay xe về cung mà trong lòng buồn lo, không vui. Vua nghe biết việc ấy càng lo sợ Thái Tử xuất gia nên truyền lệnh cho các cung nữ tăng thêm những trò ca múa để làm khuây lòng Thái Tử.
Một thời gian sau, Thái Tử lại xin ra ngoài du ngoạn.
Vua nghe tâu trong lòng lo âu, thầm nghĩ: Lần trước dạo chơi, Thái Tử đã gặp một người già nên trong lòng buồn bã, không vui, sao nay lại xin đi dạo nữa?
Nhưng vì thương con nên Vua không nỡ từ chối, liền triệu tập các quan đến truyền lệnh: Lần trước Thái Tử rời cửa thành phía Đông đi dạo đã gặp một người già nên trở về cung lòng buồn bực. Nay Thái Tử lại muốn dạo chơi nữa, trẫm không thể không bằng lòng. Các Khanh có ý gì hãy tâu cho trẫm rõ.
Các quan tâu xin ra lệnh cho các quan địa phương chuẩn bị thật chu đáo, trang nghiêm, sửa sang, dọn sạch đường sá, treo cờ, rải hoa, đốt hương và không cho bất cứ thứ gì dơ uế, không sạch và người già cả hay bệnh hoạn nào lảng vảng trên đường.
Ở phía Nam ngoài thành Ca Tỳ La lúc ấy có một khu vườn, cây cối xanh tươi đang ra hoa, kết trái. Lại có ao tắm và lầu ngoạn cảnh, khung cảnh vô cùng trang nhã, xinh đẹp không đâu bằng.
Vua truyền hỏi các vị Đại Thần: Phong cảnh của khu vườn ở ngoài thành có gì đặc biệt?
Các quan đáp: Toàn cảnh quan của khu vườn đó rất đẹp như khu vườn Hoan hỷ của Đế Thích.
Vua truyền các quan hãy đưa Thái Tử ra cửa thành phía Nam. Khi Thái Tử và quan quân theo hầu vừa ra khỏi thành, vị Trời Tịnh cư lại hóa thân thành một người bệnh, thân thể xấu xí, chỉ còn da bọc xương, bụng trướng to, hơi thở khò khè, sắc mặt nhợt nhạt xanh xao, không thể tự đi được nên có hai người dìu đỡ đứng ở bên đường.
Thái Tử nhìn thấy liền hỏi: Đó là người gì?
Người hầu trả lời: Đó là một người bệnh.
Thái Tử lại hỏi: Sao gọi là bệnh?
Tâu: Thường thì bệnh đều bởi lòng tham mà ra, ăn uống không điều độ, bốn đại không quân bình nên sinh ra bệnh, thân thể đau nhức, khí lực yếu đuối, ăn uống khó khăn, ngủ nghỉ không yên, dù có chân tay nhưng không thể tự làm gì được, đi đứng ngồi nằm đều phải nhờ người khác giúp.
Nghe thế Thái Tử buồn bã hỏi: Chỉ có người ấy bệnh hay ai cũng mắc bệnh?
Thưa: Tất cả mọi người, không phân sang hèn đều có thể mắc bệnh.
Thái Tử nghe thế liền suy nghĩ: Như vậy nỗi khổ vì bệnh tật không chừa một ai, thế mà sao người đời lại cứ ham vui không sợ. Nghĩ xong, Thái Tử trong lòng càng lo sợ, thân tâm rúng động như thủy triều dâng lên khi trăng tròn.
Thái Tử nói với người hầu cận: Thân này như vậy chính là nơi tụ họp của các nỗi khổ. Người đời ngu si không biết, cứ mãi vui say hoan lạc. Hãy quay về. Ta làm sao còn tâm trí để dạo chơi, ngoạn cảnh vườn hoa nữa.
Đoàn xa giá đưa Thái Tử hồi cung, về đến cung Thái Tử luôn suy nghĩ, âu sầu.
Vua hỏi những người tùy tùng: Hôm nay Thái Tử ra thành dạo chơi có vui không?
Người hầu thưa: Vừa ra khỏi cửa thành phía Nam, Thái Tử gặp một người bệnh nên lòng Ngài không vui, truyền lệnh lập tức quay xe về.
Vua nghe tâu lại càng lo sợ Thái Tử xuất gia, lập tức truyền gọi các quan đến quở trách: Lần trước Thái Tử ra cửa thành phía Đông đã gặp một người già nên trong lòng sầu não, không vui.
Ta đã ra lệnh cho các Khanh dọn dẹp đường sá, không cho những người già bệnh đến gần, sao lại có người bệnh ở đó để Thái Tử trông thấy?
Các quan tâu: Chúng thần vâng lệnh Đại Vương, đã cùng các quan địa phương chuẩn bị rất kỹ, luân phiên thay nhau kiểm tra, không để cho bất cứ người già, bệnh hay hiện tượng dơ, xấu, không đẹp mắt ở hai bên đường nhưng không biết người bệnh kia bỗng từ đâu xuất hiện. Đó chẳng phải là tội của chúng thần. Xin Đại Vương minh giám.
Vua hỏi các quân hầu nhưng họ đều không biết người bệnh đó từ đâu đến. Khi ấy Nhà Vua càng lúc càng lo sợ Thái Tử xuất gia nên truyền cho các cung nữ bày nhiều trò vui cho Thái Tử vơi sầu, cố ý ràng buộc Thái Tử chìm đắm trong khoái lạc năm dục.
Lúc đó có một người Bà La Môn tên Ưu Đà Di là người rất thông tuệ, giỏi biện luận.
Vua cho triệu người ấy vào cung bảo: Thái Tử hiện nay không vui thích cuộc sống thọ hưởng năm dục ở đời. Trẫm chỉ sợ không bao lâu, Thái Tử sẽ xuất gia, học đạo. Khanh hãy kết thân để khuyên Thái Tử không nên xuất gia.
Ưu Đà Di tâu: Thái Tử thông minh học rộng, biện tài không ai bằng.
Thần chưa thấy ai có thể sánh ngang với Thái Tử, làm thế nào thần có thể thuyết phục Thái Tử được?
Điều ấy chẳng khác gì dùng sợi chỉ mà lật đổ núi Tu Di. Thần cũng như thế, quyết không thể lay chuyển được ý chí của Thái Tử. Nay Đại Vương đã truyền lệnh cho thần kết bạn thân với Thái Tử thật đúng là điều đang ao ước bấy lâu nay của thần.
Từ đó Ưu Đà Di luôn theo gần Thái Tử cả khi đi đứng nằm ngồi. Còn Nhà Vua thì truyền tuyển những cung nữ có nhan sắc xinh đẹp, lại thông minh, giỏi ca múa, có sức mê hoặc lòng người, trang điểm thật lộng lẫy để theo hầu Thái Tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Lãnh Hội Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm Viên Bị Thành Tựu
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN (Trọn Bộ - Bản chuẩn nhất)
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất Xứ
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Tuệ đáo Bỉ Ngạn