Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Ba - Phẩm Hạnh Bồ Tát
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN VƯƠNG HỘ QUỐC
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM HẠNH BỒ TÁT
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn!
Đại Bồ Tát giữ gìn hạnh Thập Địa nên tu hành thế nào?
Giáo hóa chúng sanh thế nào?
Và lại dùng tướng gì để quán sát?
Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Các Đại Bồ Tát nương vào năm pháp nhẫn để tu hành, đó là: Phục nhẫn, tín nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh nhẫn đều thượng trung hạ. Còn đối với tịch tịnh nhẫn thì có Thượng Hạ. Đó gọi là Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa.
Này thiện nam tử! Mới vào địa vị phục nhẫn bắt đầu huân tập chủng tánh tu hạnh Thập Trụ.
Tướng mới phát tâm có hằng hà sa chúng sanh, thấy Phật Pháp Tăng phát mười tín, đó là: Tín tâm, niệm tâm, tinh tấn tâm, huệ tâm, định tâm, bất thối tâm, giới tâm, nguyện tâm, hộ pháp tâm và hồi hướng tâm. Nếu đầy đủ mười tâm này thì có thể giáo hóa chúng sanh được phần nhỏ, vượt qua tất cả thiện địa của hàng nhị thừa. Đó là Bồ Tát mới nuôi lớn tâm, là Thánh thai.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi tánh chủng tánh tu hành mười loại Ba La Mật Đa. Phát sanh mười thứ đối trị, nghĩa là quán sát thân, thọ, tâm, pháp, bất tịnh, các khổ, vô thường, vô ngã, trị ba căn bất thiện tham, sân, si. Phát sanh ba thiện căn bố thí, từ bi, trí tuệ.
Quán sát ba đời nhân nhẫn ở quá khứ, nhân quả nhẫn ở hiện tại, quả nhẫn ở vị lai. Bồ Tát ở địa vị này làm lợi lạc cho chúng sanh, vượt qua các tư tưởng ngã kiến, nhơn kiến của chúng sanh và tư tưởng điên đảo của ngoại đạo không thể nào làm hại được.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi đạo chủng tính tu Thập Hồi Hướng, phát mười tâm nhẫn, nghĩa là quán năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì đắc được giới nhẫn, định nhẫn, tuệ nhẫn, giải thoát nhẫn và giải thoát tri kiến nhẫn.
Quán nhân quả ba cõi thì đắc được không nhẫn, vô tưởng nhẫn và vô nguyện nhẫn.
Quán các pháp giả thực của nhị đế là vô thường thì đắc vô thường nhẫn.
Quán tất cả pháp là không thì đắc vô sanh nhẫn. Bồ Tát ở ngôi này làm chuyển luân Vương, có năng lực giáo hóa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi tín nhẫn, nghĩa là ở hoan hỷ địa. Ly cấu địa và phát quang địa có thể đoạn trừ ba chướng và đoạn trừ dây phiền não của sắc, hành bốn nhiếp pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Tu bốn vô lượng tâm, từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm, hỷ vô lượng tâm và vả vô lượng tâm.
Đầy đủ bốn hoằng nguyện, đoạn trừ các triền cái, luôn giáo hóa chúng sanh, tu tri kiến Phật, chứng thành vô thượng giác, trụ vào ba giải thoát thoát môn: Không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô nguyện giải thoát môn. Đây là Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm đến các hạnh căn bản của nhất thiết trí, làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi thuận nhẫn, nghĩa là ở diệm huệ địa, nan thắng địa và hiện tiền địa có thể đoạn trừ ba chướng và dây phiền não thuộc tâm.
Một thân có thể đi khắp cả ức Cõi Phật ở mười phương, hiện thần thông biến hóa không thể nói được, để làm lợi ích an lạc chúng sanh.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi vô sanh nhẫn, nghĩa là ở viễn hành địa, bất động địa và thiện huệ địa có thể đoạn trừ ba chướng, tập khí của sắc tâm, thị hiện thân nhiều không thể tính, tùy theo từng loại mà làm lợi ích tất cả chúng sanh.
Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi tịch diệt nhẫn, Phật và Bồ Tát đều nương nhờ vào nhẫn này. Với Kim Cang định, nếu trụ ngôi vị hạ nhẫn thì gọi là Bồ Tát, còn trụ thượng nhẫn thì gọi là nhất thiết trí.
Quán Thắng nghĩa đế đoạn trừ tướng vô minh, đó là Đẳng Giác. Một tướng và vô tướng đều bình đẳng không có hai, là nhất thiết trí địa thứ mười một phi hữu phi vô, lắng trong thanh tịnh, không đến không đi, thường trụ bất biến, pháp tánh đồng đẳng với chơn tế, dùng vô duyên đại bi luôn giáo hóa chúng sanh, ngồi xe nhất thiết trí để đến hóa độ ba cõi.
Này thiện nam tử! Tất cả phiền não của các loài chúng sanh, nghiệp quả dị thục, hai mươi hai căn không ra ngoài ba cõi. Chư Phật chỉ dạy bằng ứng hóa và pháp thân cũng không ngoài cõi này.
Nếu nói rằng ngoài ba cõi còn có cảnh giới của tất cả chúng sanh thì đó là Kinh ngoại đạo đại hữu nói.
Này Đại Vương! Ta thường dạy chúng sanh chỉ đoạn trừ hết sanh tử vô minh trong ba cõi, đó tức là Phật.
Tự tánh thanh tịnh gọi là bản giác, tức là trí nhất thiết trí của Chư Phật.
Nhờ đó mà được làm cội gốc của chúng sanh, cũng là hành bổn của Chư Phật và Bồ Tát.
Đó là sự tu hành của Bồ Tát, là mười bốn nhẫn trong năm pháp nhẫn.
Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Trước đây ông hỏi về vấn đề Bồ Tát làm thế nào để giáo hóa chúng sanh.
Đại Bồ Tát nên giáo hóa như vậy: Từ địa đầu tiên cho đến địa cuối cùng phải hiểu biết tất cả hành xứ của chính mình và hành xứ của Phật. Nếu Đại Bồ Tát trụ trong trăm Cõi Phật làm Chuyển Luân Thánh Vương ở Thiệm Bộ Châu, tu tập một trăm pháp minh môn, dùng bố thí độ trụ nơi tâm bình đẳng để giáo hóa chúng sanh cả bốn thiên hạ.
Nếu Đại Bồ Tát trụ một ngàn Cõi Phật, làm Vua trong Cõi Trời Đao Lợi, tu tập ngàn pháp minh môn, giảng nói mười thiện đạo, hóa độ tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ vạn Cõi Phật, làm Thiên Vương Cõi Trời Dạ Ma, tu tập vạn pháp minh môn, nương vào bốn thiền định mà giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ ức Cõi Phật, làm Thiên Vương Cõi Trời Đâu Suất, tu tập ức pháp minh môn, tu hành pháp phần bồ đề để giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong trăm ức Cõi Phật, làm Thiên Vương Cõi Trời Hóa Lạc, tu tập trăm ức pháp minh môn, dùng Nhị Đế, Tứ Đế để giáo hóa chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong ngàn ức Cõi Phật, làm Thiên Vương Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, tu tập ngàn ức pháp minh môn, dùng trí chứng mười hai nhân duyên để giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong vạn ức Cõi Phật, làm Phạm Vương ở Cõi Sơ Thiền, tu tập vạn ức pháp minh môn, dùng trí phương tiện thiện xảo để giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong trăm vạn ức số vi trần Cõi Phật thì làm Phạm Vương ở cõi Nhị Thiền, tu tập trăm vạn số vi trần pháp minh môn song chiếu bình đẳng, dùng trí nguyện thần thông để giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong trăm vạn a tăng kỳ kiếp số vi trần Cõi Phật, làm Phạm Vương ở Cõi Tam Thiền, tu tập trăm vạn A tăng kỳ số vi trần pháp minh môn, dùng trí bốn vô ngại để giáo hóa tất cả chúng sanh.
Nếu Đại Bồ Tát trụ trong các Cõi Phật nhiều không thể nói, không thể tả, làm Đại Phạm Thiên Vương ở cõi Tứ Thiền, tu tập các pháp minh môn nhiều không thể nói, không thể tả hết được.
Đạt được Tận lý tam muội đồng với hành xứ của Phật, rõ tận căn nguyên của ba cõi, làm lợi ích cho chúng sanh giống như cảnh giới của Đức Phật.
Đó là việc Đại Bồ Tát thị hiện thân Vua để giáo hóa, dẫn dắt chúng sanh. Chư Như Lai ở mười phương cũng giống như vậy, chứng đắc vô thượng giác, thường ở khắp pháp giới để làm lợi lạc cho chúng sanh.
Bấy giờ, tất cả đại chúng đều đứng dậy, rải hoa nhiều không thể nói, đốt hương nhiều không thể nói, cúng dường cung kính khen ngợi Như Lai.
Khi ấy, ở trước Phật, Vua Ba Tư Nặc nói kệ khen:
Đạo Sư Thế Tôn thể Kim Cang
Chuyển pháp luân tâm hành tịch diệt
Giảng nói bằng tám loại viên âm
Người đắc đạo cả trăm vạn ức
Trời người đều tu hạnh xuất ly
Tu tập tất cả đạo Bồ Tát
Công đức năm nhẫn môn diệu pháp
Và mười bốn, Bồ Tát đều hiểu rõ
Hành trong nhẫn Tam Hiền Thập Thánh
Chỉ có Phật hiểu tận nguồn căn
Biển Phật, Pháp, Tăng kho Tam Bảo
Vô lượng công đức ở trong đó
Bồ Tát Thập Thiện phát tâm lớn
Luôn ở ba cõi biển luân hồi
Thiện trung hạ làm các Vua nhỏ
Thiện bậc thượng làm Thiết Luân Vương
Tập chủng đồng luân hai thiên hạ
Tánh chủng tánh ngân luân ba thiên hạ
Đạo chủng đắc vững Chuyển Luân Vương
Bảy báu, kim luân bốn thiên hạ
Phục nhẫn Thánh thai ba mươi vị
Thập Trụ, thập hành, Thập Hồi Hướng
Là pháp Chư Phật ba đời học
Đều nhờ Phục nhẫn này sanh ra
Làm căn bản các hạnh Bồ Tát
Nên khó phát tâm và tín tâm
Nếu được tín tâm ắt không lùi
Tiến vào đạo Sơ Địa vô sanh
Làm lợi mình người đều bình đẳng
Nên gọi Bồ Tát mới phát tâm
Bồ Tát Hoan Hỷ Chuyển Luân Vương
Làm sáng lý bình đẳng Nhị Đế
Đến trăm cõi giáo hóa chúng sanh
Bố thí thanh tịnh lợi quần sanh
Thể nhập bát nhã gọi là trụ
Trụ sống đức hạnh gọi là địa
Sơ Trụ nhất tâm đủ các đức
Với thắng nghĩa không lay động
Bồ Tát Ly Cấu: Đao Lợi Vương
Hiện thân ngàn cõi trong sáu cõi
Giữ giới thanh tịnh đều tròn đầy
Dứt hẳn các lỗi lầm đã phạm
Không tướng, không duyên, tánh chân thật
Không thể, không sanh, sáng không hai
Bồ Tát Phát Quang: Dạ Ma Thiên
Hiện thân đi đến vạn Cõi Phật
Hoàn toàn thông đạt Tam Ma Địa
Ẩn hiện tự tại, đủ ba minh
Hoan Hỷ, Ly Cấu và Phát Quang
Diệt trừ dây sắc và phiền não
Quán rõ tất cả nghiệp thân khẩu
Pháp tánh thanh tịnh sáng tròn đầy
Bồ Tát Diễm Huệ: Đâu Suất Vương
Rất tinh tấn đi trong ức cõi
Thật trí tịch diệt, trí phương tiện
Đạt lý vô sanh chiếu không hữu
Bồ Tát Nan Thắng: Hóa Lạc Vương
Đắc bình đẳng đi trăm ức cõi
Không, không đế, quán không hai tướng
Hiện thân đi khắp trong sáu cõi
Hiện tiền Bồ Tát Tự Tại Vương
Thấy rõ tướng duyên sanh là một
Trí sáng thắng nghĩa khắp mọi nơi
Đến ngàn ức cõi độ chúng sanh
Diễm Huệ, Nan Thắng, Hiện Tiền Địa
Đoạn trừ ba chướng tâm mê hoặc
Không huệ tịch nhiên vô duyên quán
Chiếu lại tâm không, vô lượng cảnh
Bồ Tát Viễn Hành: Sơ Thiền Vương
Trụ vào nhẫn vô tướng, vô sanh
Phương tiện thiện xảo đều bình đẳng
Đến vạn ức cõi độ chúng sanh
Nhập vào địa pháp lưu bất động
Không còn phần đoạn, vượt các hữu
Thường quán thắng nghĩa rõ không hai
Hành không tịch sanh thứ hai mốt
Thuận Đạo pháp ái và vô minh
Chỉ Bồ Tát ở Viễn hành đoạn
Bồ Tát Bất Động: Nhị Thiền Vương
Được thân biến hóa luôn tự tại
Đi đến trăm vạn vi trần cõi
Tùy loại biến hóa độ chúng sanh
Biết rõ ba đời vô lượng kiếp
Với đệ nhất nghĩa không lay động
Bồ Tát Thiện Huệ: Tam Thiền Vương
Một lúc hiện qua ngàn ức cõi
Luôn hành hạnh vô vi không tịch
Một niệm hiểu hằng sa Phật tạng
Bồ Tát pháp Vân: Tứ Thiền Vương
Đến ức hằng cõi độ chúng sanh
Mới nhập Kim Cang biết tất cả
Đã vượt khỏi hai mươi chín cõi
Trong tịch diệt nhẫn không quán nhẫn
Liền chuyển Diệu Giác Vô Đẳng Đẳng
Bất Động, Thiện Huệ, pháp vân địa
Trừ tập khí vô minh ở trước
Tập khí vô minh, thức cùng chuyển
Lý nhị đế đều hiểu cùng tận
Chánh giác vô tướng biến pháp giới
Ba mươi sanh tận trí viên minh
Tịch chiếu vô vi chân giải thoát
Đại bi ứng hiện không ai bằng
Lắng trong, bất động, luôn an ổn
Ánh sáng chiếu khắp, không chướng ngại
Tam hiền thất Thánh còn quả báo
Chỉ duy nhất Phật ở cõi tịnh
Tất cả hữu tình đều ở tạm
Chứng Kim Cang vốn không lay động
Đức ba nghiệp Như lai vô lượng
Bình đẳng thương yêu các chúng sanh
Pháp Vương vô thượng trong cõi người
Vô lượng ánh sáng che mát chúng
Luôn nói pháp đúng với thật nghĩa
Tâm trí tịch diệt rõ vô duyên
Sư tử trong loài người giảng nói
Cú nghĩa thâm sâu chưa từng có
Làm chấn động cả hằng sa cõi
Đại chúng vui mừng được lợi ích
Thế Tôn nói cho mười bốn Vua
Nay con cúi đầu xin đảnh lễ.
Bấy giờ nghe Đức Phật Thế Tôn và Vua Ba Tư Nặc nói vô lượng công đức của mười bốn nhẫn, trăm vạn ức hằng sa đại chúng đạt được lợi ích về đại pháp, và nhờ nghe pháp được giác ngộ, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.
Thế rồi Đức Thế Tôn dạy đại chúng: Vua Ba Tư Nặc này đã qua mười ngàn kiếp trong quá khứ ở trong pháp của Phật Long Quang Vương làm Bồ Tát ở Tứ Địa. Còn Ta làm Bồ Tát ở Bát Địa. Hôm nay ở trước ta, ông ta rống tiếng Đại Sư Tử.
Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời các ông đã nói, đạt được nghĩa chân thật, nghĩa bất khả tư nghì. Chỉ có Phật cùng Phật mới biết được điều này.
Này thiện nam tử! Mười bốn nhẫn này các Pháp Thân của Chư Phật, các hành của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, không thể tính kể.
Vì sao?
Vì tất cả Chư Phật đều từ trong bát nhã Ba la mật đa mà sanh ra, từ trong bát nhã Ba la mật đa mà hóa, từ trong bát nhã Ba la mật đa mà diệt, nhưng thật ra Chư Phật sanh mà không có chỗ sanh.
Hóa mà không chỗ hóa, diệt mà không chỗ diệt, là đệ nhất không có hai, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, không có tự mình, không có người khác, không đến không đi, vì như hư không.
Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tánh không sanh diệt, do các pháp nhóm họp huyễn hóa mà có tướng uẩn xứ giới, không hợp không tan, pháp đồng với pháp tánh vì tịch diệt không tịch.
Tự tánh của tất cả chúng sanh là thanh tịnh, các hành động tạo ra không trói buộc, không giải mở, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải không nhân quả, biết được là do biết các phiền não thọ hành các khổ não, tướng ngã, tướng nhơn, tri kiến, người thọ.
Vì tất cả không cho nên pháp của cảnh giới không. Không vô tướng vô tác, không thuận với điên đảo, không thuận với huyễn hóa, không có tướng của sáu cõi, không có tướng của bốn sanh, không có tướng của Bậc Thánh, không có tướng Tam Bảo, vì như hư không.
Này thiện nam tử! Bát Nhã thâm sâu không thể biết, không thể thấy, không hành, không duyên, không xả, không thọ, chánh trụ quán sát nhưng không có tướng chiếu sáng. Ai hành đạo như vậy là như hư không.
Như vậy, tướng của pháp đối với tâm có sở đắc hay tâm không có sở đắc đều không thể đắc. Vì thế bát nhã chẳng phải là năm uẩn, chẳng phải lìa năm uẩn, chẳng phải chúng sanh, chẳng phải lìa chúng sanh, chẳng phải cảnh giới, chẳng phải lìa cảnh giới, chẳng phải hành giải, chẳng phải lìa hành giải.
Các tướng như vậy không thể tính lường. Cho nên tất cả các hạnh của Bồ Tát tu tập chưa đạt đến cứu cánh nhưng vẫn có hành trong đó.
Tất cả Chư Phật biết như huyễn hóa, dù đắc tướng vô trụ nhưng lại ở trong đó hóa hiện. Cho nên mười bốn nhẫn không thể nghĩ lường.
Này thiện nam tử! Hôm nay các ông đã nói về tạng công đức này có lợi ích rất lớn cho tất cả chúng sanh. Giả sử vô lượng hằng hà sa số Bồ Tát hàng Thập Địa nói công đức này cả trăm ngàn ức phần cũng như một giọt nước trong biển.
Chư Phật ba đời biết một cách như thật, tất cả Hiền Thánh đều khen ngợi, cho nên nay ta nói sơ về chút phần công đức.
Này thiện nam tử! Mười bốn nhẫn này được tất cả Bồ Tát ở quá khứ, hiện tại trong mười phương Thế Giới hiển bày. Chư Phật và các Đại Bồ Tát đời vị lai cũng vậy. Nếu Phật và Bồ Tát không nhờ môn này mà đắc nhất thiết trí thì vấn đề này không thể xảy ra.
Vì sao?
Vì Chư Phật và Bồ Tát không có lối đi khác.
Này thiện nam tử! Nếu người nào nghe trụ nhẫn, hành nhẫn, hồi hướng nhẫn, hoan hỷ nhẫn, ly cấu nhẫn, phát quang nhẫn, diễm huệ nhẫn, nan thắng nhẫn, hiện tiền nhẫn, viễn hành nhẫn, bất động nhẫn, thiện huệ nhẫn, pháp vân nhẫn.
Chánh giác nhẫn này mà nhất tâm có lòng tin thanh tịnh thì người ấy vượt qua tất cả khổ nạn trong trăm kiếp, ngàn kiếp, vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp không sanh vào cõi ác, không bao lâu sẽ đắc Vô Thượng Bồ Đề.
Lúc ấy, mười ức Bồ Tát đều cùng một tên là Đại Bồ Tát Hư Không Tạng cùng vô lượng vô số đại chúng từ nơi khác đến hoan hỷ vui mừng và nhờ oai thần của Phật được thấy hằng sa Chư Phật ở mười phương.
Các Ngài đều ở trong Đạo Tràng nói mười bốn nhẫn giống y như những lời Thế Tôn đã nói. Tất cả rất vui mừng như theo lời nói mà tu hành bát nhã Ba la mật đa.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Vua Ba Tư Nặc: Trước Vua đã hỏi lấy tướng gì để trụ quán sát.
Đại Bồ Tát nên quán như vậy: Do thân huyễn hóa mà thấy huyễn hóa, trụ chân chánh bình đẳng không còn có người và ta. Quán sát như vậy để giáo hóa làm lợi ích cho chúng sanh.
Nhưng với kiếp lâu xa các hữu tình ở sát na đầu tiên thì thức khác với gỗ đá. Sanh ra có nhiễm tịnh đều tự chính mình làm ra.
Vô lượng vô số thức bổn nhiễm tịnh từ sát na đầu tiên ở nhiều kiếp không thể nói, đến Kim Cang là sát na cuối cùng có thức nhiều không thể nói, không thể tả.
Sanh ra thì các hữu tình có hai pháp là: Sắc và tâm.
Sắc gọi là sắc uẩn, tâm gọi là bốn uẩn, đều là tánh chứa nhóm, làm che lấp chân thật.
Này Đại Vương! Một sắc pháp phát sanh vô lượng sắc. Nhãn hợp với sắc, nhĩ hợp với thanh, tỷ hợp với hương, thiệt hợp với vị, thân hợp với xúc.
Cứng chắc gọi là Địa, ẩm ướt gọi là Thủy, tánh nóng ấm gọi là Hỏa, nhẹ động gọi là Phong, sanh năm thức xứ gọi là năm sắc căn.
Như vậy, lần lượt một tâm một sắc, sanh sắc tâm nhiều vô lượng không thể nói, nhưng đều như huyễn.
Này thiện nam tử! Hữu tình mà thọ là đứng trên mặt thế tục, dù hữu hay vô cũng do vọng tưởng của hữu tình sanh ra, nhớ nghĩ rồi tạo nghiệp, thọ quả, đều gọi là thế đế.
Tất cả hữu tình trong sáu đường ba cõi, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà, ngã nhơn, tri kiến, sắc pháp, tâm pháp như thấy trong mộng.
Này thiện nam tử! Tất cả các tên đều mượn để đặt ra. Khi Đức Phật chưa xuất hiện nơi đời thì pháp huyễn thế đế không có tên, không có nghĩa, cũng không có thể tướng, không có tên của ba cõi, không có tên sáu đường, quả báo thiện ác. Khi Phật ra đời, vì các hữu tình mà Ngài nói vô lượng danh từ của ba cõi, sáu đường, nhiễm tịnh.
Như vậy, tất cả giống như tiếng vang, các pháp tương tục mỗi niệm mỗi niệm không dừng, từng sát na… từng sát na chẳng phải một, chẳng phải khác, vừa khởi lên là diệt ngay, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, vì các pháp hữu vi như sóng nắng.
Các pháp đối đãi nhau đó là sắc giới, nhãn giới, nhãn thức giới, cho đến pháp giới, ý giới, ý thức giới, nó giống như điện chớp, không nhất định, đối đãi nhau, có không, một khác giống như người thấy vầng trăng thứ hai, các pháp do duyên mà thành.
Pháp uẩn xứ giới như bọt trên nước, các pháp do nhân mà thành. Tất cả nhân quả cùng thời, nhân quả khác thời của các hữu tình và thiện ác ba đời giống như mây giữa hư không.
Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ vào vô phân biệt, không còn tướng bỉ thử, không có tướng mình người, luôn hành tướng có lợi ích hay không có lợi ích. Cho nên biết kẻ phàm phu ngu si với thức dơ xấu chìm sâu vào hư vọng, bị tướng trói buộc.
Bồ Tát nhìn thấy biết nó như nhà ảo thuật, không có thể tướng, chỉ như hoa đóm giữa hư không. Đó là Đại Bồ Tát sống tự lợi lợi tha, quán sát một cách chân như.
Khi Đức Phật nói pháp này, trong chúng hội có vô lượng lượng Trời người đắc được phục nhẫn không, vô sanh nhẫn. Vô lượng Bồ Tát từ một địa, hai địa cho đến mười địa đều đắc Nhất sanh bổ xứ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Bảy - Thiền Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh Mặc Nhiên
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Tần Bệ Sa La Vương Nghinh Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Thi Lợi Hành
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Sáu