Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

NHẤT THIẾT PHÁP CAO VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN BỐN  

Phật nói: Xá Lợi Phất! Người như vậy dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, an trụ ở quả thứ nhất, hưởng được nhiều phước đức. Nếu lại có người, chỉ dạy một chúng sinh, an trụ ở quả thứ hai. Phước đức người này lại hơn người kia rất nhiều.

Xá Lợi Phất! Ý ông thế nào?

Nếu lại có người dạy cho tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, an trụ quả thứ hai, thì người đó nhờ nhân duyên này có được nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Không thể dùng ví dụ mà nói hết phước đức người đó.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Người như vậy, dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ ở quả thứ hai, hưởng được nhiều phước đức. Nếu lại có người, chỉ dạy một chúng sinh an trụ ở quả thứ ba. Phước đức người này lại hơn người kia rất nhiều.

Xá Lợi Phất! Nếu lại có người dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ ở quả thứ ba, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh an trụ ở quả La Hán, phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người nào dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ ở quả La Hán, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh chứng đắc đạo Duyên Giác, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ đạo Duyên Giác, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh an trụ ở Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ ở Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh an trụ pháp không thoái, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ ở pháp không thoái, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh an trụ rốt ráo nơi pháp vô sinh nhẫn, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ rốt ráo nơi pháp vô sinh nhẫn, hưởng được phước đức. Nếu lại có người chỉ dạy một chúng sinh mau chóng an trụ trí nhất thiết trí, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Nếu có người nào dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề mau chóng an trụ trí nhất thiết trí, hưởng được phước đức. Nếu lại có người vì người khác giảng nói rộng rãi các pháp để họ sinh tâm bồ đề, phá trừ ma chướng. Chỉ rõ cho họ, ấm là vô ngã, có thể xa lìa các giới, phá tan các nhập, diệt trừ phiền não.

Lấy phần hạt giống trong sạch để phá trừ phần ô nhiễm. Pháp môn này là nhất thiết pháp Cao vương, thì phước đức người này sẽ nhiều hơn người kia.

Xá Lợi Phất! Tạm gác tất cả chúng sinh ở Diêm Phù Đề lại.

Này Xá Lợi Phất! Chúng sinh ở bốn thiên hạ Thế Giới, ở một ngàn Thế Giới, ở hai ngàn Thế Giới, ở ba ngàn Thế Giới, cho đến ở vô lượng trăm ngàn Thế Giới. Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên dưới, trong từng phương của mười phương như vậy.

Chúng sinh ở hằng hà sa Thế Giới, loài có sắc, không sắc, loài sống trên bờ, trong nước, loài sinh bằng trứng, bằng thai, sinh nơi ẩm thấp, hay hóa sinh. Như vậy, cho đến có tưởng không tưởng. Tất cả chúng sinh như thế, dứt thân cũ, liền được thân người. Nếu có người nào, dạy tất cả những thân người ấy, biết giữ gìn năm giới, làm mười điều lành.

Xá Lợi Phất! Người ấy nhờ nhân duyên này, có được hưởng nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều! Người kia hưởng được vô lượng A tăng kỳ phước đức.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Nay ông nên biết ví dụ như vậy.

Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sinh trong mười phương Thế Giới, nếu có người nào, dạy họ tin tưởng, an trú pháp mà hành đạo, đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật đạo, an trụ Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề, an trụ pháp không thoái, pháp vô sinh nhẫn, trí nhất thiết trí, hưởng được phước đức.

Nếu lại có người, vì người khác giảng nói rộng rãi pháp môn nhất thiết pháp cao vương này, hưởng được phước đức, thì phước đức này, sẽ hơn nhiều so với phước đức trên. Nó trong sạch đệ nhất, nó cao cả không gì sánh bằng.

Xá Lợi Phất! pháp môn cao cả này, là quyết định tâm tu hành của Đại Bồ Tát. Đây là pháp môn tu hành Bồ Tát nên biết.

Xá Lợi phất! Nếu người nào được nghe pháp môn nhất thiết pháp Cao Vương này, nên biết người đó, tức là Đại Bồ Tát. Người này không thoái lui với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề, là ruộng phước, là bậc không có gì có thể so sánh, là bậc không có sự tương tự, là người nhớ nghĩ, là người vượt qua, là người vắng lặng, là Bậc Điều Ngự, bậc tánh vắng lặng, Bậc Giải Thoát, Bậc Trượng Phu, Bậc Sư Tử, là Nam tử đệ nhất, là hơn cả Trượng Phu, bậc đại Trượng Phu, là Rồng, Trời.

Là bậc Thiên Trung Thiên, bậc vô chướng ngại, bậc không còn trói buộc, là bậc đã làm việc nên làm, là bậc mà việc cần làm đã làm xong. Tất cả những gì cần làm đều đã làm xong, đó tức là người thành tựu công đức vô biên.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu chúng sinh quyết định

Thực hành tâm bồ đề

Người này lòng không ác

Có trí tuệ Như Lai.

Nếu phát tâm bồ đề

Phước này không thể dụ

Tất cả phước thế gian

Không bằng phước bồ đề.

Trong vô biên Thế Giới

Các chúng sinh đều có

Có người dạy thắng thượng

Lần lần hạnh tăng trưởng.

Người đó cao dần lên

Lên cao được phước lợi

Đó là tâm bồ đề

Phước đó như vi trần.

Có người giảng rộng ra

Là Kinh Điển cao tột

Người nào học Kinh này

Người đó là ruộng phước.

Người nào nghe Kinh này

Bản tánh sạch hoàn toàn

Người này gọi vắng lặng

Đúng thật là con Phật.

Nếu khi nghe Kinh này

Trượng phu thêm khỏe mạnh

Bậc Điều Ngự giải thoát

Sư tử trong hàng trời.

Nếu người nói Kinh này

Cao tột trong các Kinh

Bậc Trời trong các trời

Chúng sinh không gì hơn.

Nghe xong, tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có!

Như Lai mới nói Kinh này. Như vậy chỉ mới lược nói hạnh Bồ Tát. Bồ Tát chỉ mới ở trong A tăng kỳ kiếp, hành Bồ Tát hạnh, cho nên chưa đắc trí không gì hơn của Phật.

Bạch Thế Tôn! Trong Kinh này nói về trí không gì hơn của Phật.

Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh, nghe pháp môn này, từ miệng của Như Lai, thì chúng sinh đó nhất định sẽ được lợi ích an lành đệ nhất.

Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu ý nghĩa pháp của Phật giảng, dù cho đến quá khứ hay đã nhập Niết Bàn, Chư Phật Thế Tôn đã luôn vì chúng sinh, mà thuyết pháp môn này. pháp môn này là pháp mà Đức Phật đã thuyết trong thời quá khứ, là đặc biệt cao cả bậc nhất.

Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, Chư Phật Thế Tôn cũng sẽ vì chúng sinh thuyết pháp môn này. pháp môn này là pháp mà Đức Phật sẽ thuyết ở trong đời vị lai, nó là bậc nhất. Đó là, pháp môn nhất thiết pháp cao vương.

Bạch Thế Tôn! Ở đời hiện tại, vì mạng sống hiện tại, Chư Phật Thế Tôn vì chúng sinh nói pháp môn này. Pháp môn này là pháp mà Đức Phật sẽ thuyết trong đời hiện tại nó là bậc nhất.

Bạch Thế Tôn! Con theo Thế Tôn từ trước đã từng nghe nhiều pháp môn.

Lành thay! Bạch Thế Tôn! Nay Thế Tôn lại vì con mà thuyết pháp môn này.

Phật Tuệ mạng Xá Lợi Phất: Xá Lợi Phất! Kinh này Phật tự biết lúc phải giảng nói. Như tâm chúng sinh, tin, hiểu thế nào, ta sẽ tương ứng để biết tâm đó, mà giảng.

Xá Lợi Phất! Đấy là sự hiểu biết của Phật, chẳng phải cảnh giới của các Thanh Văn, Duyên Giác!

Xá Lợi Phất! Khi thuyết pháp này có tám vạn bốn ngàn người, trước kia chưa từng phát tâm bồ đề, nay nghe Kinh này, liền phát tâm bồ đề. Có sáu mươi ngàn chúng sinh chứng được pháp vô sinh nhẫn.

Có bảy mươi ức Chư Thiên ở Cõi Dục, trước chưa từng phát tâm bồ đề, nay nghe pháp này, liền phát tâm bồ đề. Có ba ức chúng sinh được nhu hòa nhẫn nhục. Vô lượng Trời, Rồng, Dạ Xoa, trước chưa từng phát tâm bồ đề, nay nghe pháp này, liền phát tâm bồ đề.

Xá Lợi Phất! Như Lai xem xét kỹ, biết được ý nghĩa này, cho nên rộng vì chúng sinh mà thuyết pháp môn này.

Bấy giờ, vô lượng trăm ngàn chúng sinh, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, chắp tay chiêm ngưỡng Thế Tôn mắt không hề chớp.

Khi ấy, Thế Tôn bỗng mỉm cười vui vẻ. Từ khuôn mặt, phóng ra đủ loại ánh sáng với màu sắc khác nhau, chiếu đến tam thiên đại thiên Thế Giới. Ánh sáng ấy chiếu khắp rồi trở về, nhập lại trên khuôn mặt Đức Thế Tôn.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì Thế Tôn lại mỉm cười như vậy.

Cúi xin Thế Tôn vì con giải thích!

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Ở đây rất nhiều Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, chắp tay nhìn Phật, mắt không rời.

Ông có thấy không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Bốn bộ chúng này, tu hành hạnh Đại Thừa, tu hành hạnh Bồ Tát.

Xá Lợi Phất! Tâm hành như thế nào, ta đều biết hết.

Xá Lợi Phất! Hoặc Như Lai ở quá khứ không đắc, vị lai không đắc, hiện tại không đắc.

Xá Lợi Phất! Hạnh chúng sinh này, trong ấm không đắc, trong giới không đắc, trong nhập không giữ.

Xá Lợi Phất! Hạnh Bồ Tát là cao cả, không gì bằng.

Khi Như Lai thuyết hạnh Bồ Tát, Tam thiên đại thiên Thế Giới, đều chấn động: Động, động khắp, động đều khắp. Vọt lên, vọt lên khắp, vọt lên cùng khắp. Gầm rống, gầm rống khắp, gầm rống cùng khắp. Nổi lên, nổi lên khắp, nổi lên cùng khắp. Thức tỉnh, thức tỉnh khắp. Thức tỉnh cùng khắp. Vua Ma Ba Tuần lui về cung điện của mình, còn các ma khác lui chạy tản mác.

Ở đây có bài kệ:

Sớm phá hoại sức ma

Làm chúng không sinh lại

Lời dạy Bậc Chánh Giác

Phá tan không còn gì.

Ma ấm, ma phiền não

Suy yếu không thế lực

Vì nghe Như Lai thuyết

Tất cả pháp không này.

Các ma thấy sợ hãi

Nghe pháp không giỡn bàn

Pháp kia đã bất sinh

Làm sao lại có tử.

Ma Ba Tuần bèn rơi xuống đất, đến chỗ Như Lai, nói kệ:

Lành thay! Đấng Tối Thượng

Cho con được an vui

Con sợ mạng sống hết

Nên sầu lo trói buộc.

Ma Ba Tuần được Phật ban cho an vui, bỗng nhiên biến mất.

Như Lai thuyết pháp môn này, tâm của tuệ mạng Xá Lợi Phất rất vui mừng. Tỳ Kheo mới xuất gia không còn sầu buồn, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà nghe Thế Tôn nói rồi, đều rất hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần